Hyouka
Yonezawa Honobu
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập 6 - Dù được ban đôi cánh いまさら翼といわれても

Thứ còn thiếu trong hộp

3 Bình luận - Độ dài: 13,283 từ - Cập nhật:

1.

Tôi không phải kiểu người nhớ dai những thứ đã đến rồi đi. Giả mà có ai kể lại điều gì đó chắc-chắn-đã-xảy-ra vào, ví dụ như tiểu học hay sơ trung đi, thì chín trên mười trường hợp tôi chỉ có thể nghệt mặt ra nhìn họ mà đáp “Vậy à”. Tuy vậy cũng có những ý ức san sẻ cho tôi cùng những người khác mà sau này thường thì chỉ tôi là người còn vương vấn đôi chút. Chẳng thể hiểu được cái gì đã phân định ra “thứ mình sẽ quên” và “thứ mình luôn nhớ” nữa.

Rà soát lại ký ức là hành trình lao vào một bầu xám vô tận với những nơi chốn và sự kiện đã không còn rõ nét. Giữa cái bầu xám ấy vẫn có chút những sắc màu lấp lánh, bao gồm các sự kiện như Đại hội Thể thao, những buổi kiến tập hay chuyến dã ngoại băng rừng của trường –  những ký ức mà, dù trải qua sự bào mòn của thời gian vẫn chiếm lấy những vị trí nhất định trong tâm thức đến nỗi tự tôi phải thấy kinh ngạc trước sự bền bỉ của chúng, mà nổi bật lên thứ nền của mớ nhảm nhí còn lại chả đáng lưu tâm. Mặt khác, tôi cũng nhận ra có những lúc mình nhớ về những phần tí nị về một ngày hoàn toàn bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường so với những ký ức lấp lánh kia. Khác với những hồi ức chi tiết được chốt lại bằng một cái tựa hệt như một bài báo, chúng cực kỳ phân mảnh và có trời biết ai đã sắp xếp chúng theo một trật tự như vậy. Dù rời rạc, dù phân mảnh nhưng chúng vẫn ở đó, những ký ức như được phơi thành những bức ảnh ố vàng mà người ta không đành lòng dẹp đi. Đó là vô số lần nhìn những làn nước mùa hạ va vào nhau tạo thành những con xoáy nhỏ mãi không chán, là bầu tưởng tượng như được gắn lò xo mà bung lên bung xuống dọc theo những hàng sách với tay không nổi trong thư viện vào mùa đông, là cuộc tranh giành cuốn sách cuối cùng ở cửa hàng trên đường về nhà với đứa bạn để rồi chẳng thằng nào mua được giữa trời thu dịu mát…

Một lần nữa, giá mà tôi biết điều gì đã phân định những ký ức ấy là phải nhớ giữa vô vàn thứ có thể quên…

Cuối cùng là những khoảnh khắc làm tôi ngay lập tức hiểu rằng “Mình sẽ không thể quên.” Chẳng phải tôi vẫn luôn nhớ về cái đêm tháng Sáu ấy khi rảo bước trên con đường ngập tràn gió ấm? Nhưng… có lẽ phải thêm mười, hai mươi năm nữa tôi mới có thể xác nhận được rằng có những thứ mãi mãi không thể quên hay không.

Mọi chuyện bắt đầu với một cuộc điện thoại.

2.

Tôi làm yakisoba cho bữa tối.

Trời hôm đó quang đãng tới tận trưa, nhưng chiều tối lại nhiều mây nên có lẽ đã ngăn hơi nóng từ đất đào thoát lại bâu trời, khiến bầu không khí xung quanh tôi ấm và ẩm dù mặt trời đã lặn. Những thành viên khác trong gia đình có đủ thứ để mà lo nên tôi thường là người bị bỏ lại ở nhà. Nấu nướng đàng hoàng có vẻ mệt, tôi bèn đảo mắt qua nội thất trong cái tủ lạnh với hy vọng tìm thấy cái gì đang ăn dở hoặc không tốn quá nhiều sức lực và nhìn thấy gói mì lạnh loại dùng làm yakisoba.

Tôi còn tìm thấy một bó rau diếp, nấm kim châm khô và thịt xông khói. Cắt nhỏ những thứ ăn kèm xong tôi đổ dầu vào chảo đã làm nóng rồi thả mì vào. Hơi trắng bắt đầu tỏa ra từ chảo khiến tôi có chút lo lắng vì mình không dùng nước nhưng cảm giác đó không kéo dài quá vài phút. Tôi nhấc phần mì giòn rụm, đôi chỗ hơi cháy nhưng các sợi mì đều đã tách nhau ra một cái đĩa rồi tiến hành xào những thứ ăn kèm. Lấy cây đũa dài đẩy những thứ trông có vẻ đã chín ra thành chảo, tôi đổ sốt Worcestershire vào vùng trống chính giữa. Khi sốt bắt đầu sôi cũng là lúc mùi hương đặc trưng của nó ảm lên gian bếp một bầu không khí rất “yakisoba”. Rưới sốt cùng thứ ăn kèm lên mì, thế là bữa tối đã sẵn sàng.

Tôi cầm cái đĩa mì lên phòng khách cùng đôi đũa và một ly trà lúa mạch. Trên bàn lúc này có một thứ trông như bưu thiếp của bà chị yêu dấu, đề chữ “Thông báo họp lớp 3-I”. Chẳng dám tưởng tượng những lời vàng ngọc nào sẽ được thêu nên nếu tấm bưu thiếp bị dính sốt tôi bèn bỏ tấm bưu thiếp trên kệ chỗ để thư. Giờ thì chẳng còn gì gây xao nhãng cuộc hưởng thụ nữa rồi. Vỗ hai tay vào nhau, tôi vừa nhấc đũa lên thì chuông điện thoại réo.

Nhìn lên đồng hồ và thấy kim chỉ đúng bảy giờ ba mươi… hay cho ai nhè đúng giờ ăn tối của một người bình thường mà gọi. Thêm nữa, với việc tôi là người duy nhất trong nhà thì dù họ muốn gặp ai người đó cũng đâu có ở đây? Nghĩ vậy tôi định bụng lờ tịt đi mà quay lại đĩa mì vẫn còn bốc khói… nhưng những âm thanh không ngớt và chân thành ấy lại khiến cảm giác tội lỗi dâng lên theo từng giây. Đã làm thì phải làm cho nhanh, tôi đặt đũa xuống mà thở dài một cái, trước khi đứng lên rồi lấy tay nghe.

“Vâng.”

“Alo, cho cháu hỏi Oreki-kun…”

Tôi đã tưởng đối tượng của cuộc gọi là ba hoặc bà chị nhưng âm thanh từ bên kia đầu dây lại quá đỗi thân quen. Có lẽ cũng nhận ra, đối tượng nhanh chóng chuyển từ phép nói lịch sự sang kiểu bình thường.

“Houtarou?”

“Ờ.”

“Ui, nhẹ cả người. Hổng nghĩ cậu lại là người nhấc máy. Tớ còn đang loay hoay không biết nói làm sao nếu là chị cậu ấy chứ.”

Ờ, ngẫu nhiên ghê.

“Xin lỗi, nhưng một giây nói chuyện là một giây yakisoba của tớ nguội hơn.”

“Cái gì? Yakisoba á? Thiệt là thảm họa mà!”

Ờ, thảm họa thật.

“Hiểu là tốt. Giờ thì cảm phiền vô vấn đề chính.”

Tôi nghe thấy tiếng cười.

“Có di động thì đỡ hơn biết bao rồi. Mà thôi đó không phải vấn đề… tớ đang hy vọng có thể di dạo với cậu một tẹo. Lát nữa có rảnh không?”

Tôi không phải dạng cú đêm, thậm chí là đi ra ngoài sau bữa tối cũng là một dịp gì đó rất hiếm… ừ, hiếm chứ không phải không có. Nghĩ lại thì tôi cũng từng la cà buổi tối với Satoshi một lần. Nhìn lên đồng hồ lần nữa, mười năm phút là đủ để xơi hết đĩa mì và tính thêm một chút thời gian thay đồ…

“Ờ, tám giờ nhé.”

“OK. Tuyệt vời. Có cần tớ qua đón không?”

Vẽ một tấm bản đồ từ nhà mình đến nhà hắn trong đầu, tôi chắc rằng hắn sẽ muốn đi tới đây vì là người chủ động rủ. Nhưng… “hành hạ” như vậy thì không hay lắm, tôi bèn kiếm một nơi gần chính giữa đường đi từ nhà hai thằng.

“Gặp nhau ở cầu Akabashi đi.”

“Được đấy. Thôi, không nên để món yakisoba của cậu nguội thêm giây nào nữa. Gặp nhau nói chuyện tiếp. Bái bai.”

Cuộc gọi kết thúc cái rụp. Satoshi biết việc tốn hơi sức vào một lời chào lằng nhằng chỉ tổ khiến tôi phát bực. Hắn luôn nhạy cảm như thế. Trở về bàn tôi nhận ra mặt trên của đĩa mi yakisoba đã nguội, nhưng chỉ với một hai cú trộn đũa thì hơi nóng lại bốc lên.

Trăng sáng xuyên qua tầng mây mỏng và một cơn gió ẩm bận rộn len lỏi giữa các tòa nhà phủ. Vừa rời khỏi nhà tôi lập tức cảm thấy cực nóng dù đang là buổi tối có gió nên bèn chạy vào nhà thay ngay chiếc áo len bằng áo cotton. Không thể đút vừa ví vào mấy cái túi nhỏ xíu của cái quần chinos, dùng túi đeo thì lại không thoải mái, nhưng cũng không định để mình Satoshi phải dốc hầu bao nếu hai thằng vì sao đó phải dùng tiền, tôi bèn rút ra hai tờ một ngàn yên nhét vào túi áo. Đúng giờ hẹn, tôi rời khỏi nhà. Đêm luôn buông sớm ở thành phố Kamiyama. Đút hai ngón cái vào túi quần tôi bước trên con đường hẹp lúc này đã yên tĩnh.

Dù chả có gấp gáp gì nhưng tôi đã đến điểm hẹn chưa đầy mười phút. Cây cầu tên Akabashi, dịch nghĩa đen là “cầu Đỏ”, là một địa điểm hoàn toàn bình thường. Thực tế mà nói tên vốn dĩ của nó không phải như vậy. Sở dĩ gọi là cầu Đỏ vì, chắc các bạn thừa đoán được, nó được sơn đỏ, chứ cái tên cũ chẳng hiểu vì sao lại rất dễ quên. Khu vực này vào trưa chiều đông phải biết vì là nơi tọa lạc của nhiều ngân hàng và bưu điện, nhưng giờ tôi mới biết về đêm nó lại cô quạnh đến thế. Trên cây cầu Đỏ được chiếu sáng bởi đèn đường chẳng có ai. Lạ thật, tôi nghĩ, mình cứ nghĩ cậu ta sẽ đi trước. Vừa quay đầu nhìn đi chỗ khác thì một bàn tay từ phía sau chợt vỗ vào vai tôi.

“Chào…”

Bảo không hết hồn thì đúng là làm bộ, chỉ là tôi không tỏ ra cho lắm vì một cuộc tập kích bất ngờ là điều đã tiên liệu trước. Không thèm quay lại, tôi đáp gọn lỏn: “Ờ.”

“Thất vọng quá. Tình cảm đâu cả rồi?”

Satoshi đảo ra trước tôi với một cái cười ranh ma nhưng lần này có vẻ không thật tâm lắm. Hắn không nhìn vào tôi, mà vào một điểm trên thành cầu khi tiếp tục:

“Giờ đi đâu ta?”

“Tùy cậu.”

Tôi không có nhiều kinh nghiệm về đi đêm nên chẳng biết lộ trình nào là “bình thường”. Quay sang tôi, Satoshi nói: “Đi về phía trung tâm thành phố thì nhộn nhịp hơn nhưng… hầu hết giờ này chỉ có mấy quán bar mở cửa. Tớ hơi sợ.”

“Đúng vậy, thưa ngài Phó chủ tịch.”

“Có một quán ăn gia đình nếu tụi mình cứ đi hết con đường này. Mở cửa hai bốn trên hai bốn.”

Xa nhỉ. Không có xe hơi hay thậm chí là xe đạp thì sao mà đến? Tôi còn tưởng Satoshi chỉ giỡn thì hắn lại nói:

“Thôi, cứ để ngọn gió dẫn lối vậy.”

I didn't have much experience with these kinds of things, so I didn't know what was normal for a nighttime stroll. Satoshi turned his head and said, "It'll get a little more lively if we walk towards the city, but... I guess we can't go through the streets with all the bars. They're pretty scary."

Ừ thì đi.

Băng qua cầu Akabashi chúng tôi theo con đường nhỏ dọc con sông về phía thượng. Đương là mùa mưa nên mực nước có vẻ cao hơn bình thường và dòng xiết đến nỗi tôi có thể nghe những tiếng ầm ì. Khu vực này không có đèn nên chỉ có thể dựa vào nguồn sáng len qua những khung cửa sổ hai bên đường cùng ánh trăng thi thoảng thoát khỏi những vầng mây. Mắt dần quen với bóng tối, tôi băng qua một cái hốc lia chia những cái mấu như hốc mắt của mảnh rào gỗ có tuổi, qua một quán rượu thiết kế lạ mắt với một quả bóng được đan bằng lá tuyết tùng tạo thành một cái chuông treo trên phần máng xối trước cửa vào, rồi lại qua một nhà tắm công cộng xập xệ với tấm biển ghi chữ “Đóng cửa” treo một bên cửa… chúng tôi cứ thế mà bước giữa làn đêm.

Hai bên bờ sông đều có đê trông như những bức tường đá lớn với lớp ngoài cùng là một hàng cây rậm rạp. Trong số chúng thi thoảng lại có vài cái thân chìa ra về phía mặt nước như muốn cố hứng ánh sáng vào mình. Ngừng lại, tôi đặt tay lên một cành cây. Bề mặt đầy những vết lồi lõm còn lá thì to cỡ lá tía tô. Đây là cây anh đào. Với mặt đường được chăm chút thế này thì hẳn đây là một điểm ngắm lý tưởng vào mùa hoa nở. Đó là trong một thời điểm khác, chứ bây giờ với tôi và Satoshi chúng chỉ là những thân cây trơ trụi mà phải nhìn kỹ mới biết là cây gì. Nghe buồn nhỉ, nhưng ta làm gì được? Thời gian vẫn cứ trôi.

Nhấc tay khỏi cành, tôi hỏi: “Vậy, có chuyện gì?”

Satoshi hẳn là không kêu tôi đi bộ chỉ để thưởng ngoạn trời đêm.

Vậy đấy, quan hệ giữa chúng tôi không sâu đậm tới cỡ đó. Hiếm khi có kế hoạch vào cuối tuần, và khi hai thằng đi về chung thường chỉ là vì hết việc ở trường cùng một thời điểm. Hắn gọi tôi ra lúc này chắc chắn là muốn nói cái gì, và không chỉ thế, mà cái việc đó còn khẩn cấp tới mức không thể chờ đến sáng mai hoặc bí mật tới mức chẳng thể nói ở trường.

Satoshi tôi biết thường chọn đi đường vòng, nhưng tối nay hắn chọn đường thẳng.

“Tớ đang ở thế khó,” hắn nói khi tiếp tục bước đi.

“Và tớ thì không muốn dây vào rắc rối.”

“Rắc rối à? Ít nhất thì tớ có thể chắc rằng mình đang ở thế khó, nhưng vấn đề lớn nhất với tớ là ở chỗ nó hoàn toàn chả liên can gì tới cậu.”

Chả hiểu hắn muốn nói gì tôi thở dài một cái, còn hắn chỉ nhún vai.

“Nói cách khác, thế khó của tớ nằm ở chỗ tớ cần cậu giúp đỡ Houtarou ạ, dù lần này cậu chẳng được lợi lộc gì.”

“Ừ. Và nếu tớ làm theo lời cậu…”

“Thì nó sẽ đi ngược với phương châm “Việc không làm thì bỏ” đúng không?”

Satoshi nói đúng, nhưng dù gì tôi cũng đã tọng hết đĩa yakisoba trong một hơi để tới đây. Nếu định từ chối mà không thèm nghe đến câu chuyện “chẳng mang lại lợi lộc gì” thì lẽ ra tôi nên ở nhà rửa chén.

“Ít nhất thì cứ nói đi đã.”

Satoshi gật đầu.

“Cậu quá tốt với tớ. Cậu có nhớ hôm nay trường mình tiến hành bầu cử Hội trưởng Hội học sinh nhỉ?”

“Ừ…”

Dù mới diễn ra được vài giờ tôi đã xém quên. Sau giờ học toàn thể học sinh đã tiến hành bầu ra người sẽ kế nhiệm Muneyoshi Kugayama mà trở thành Hội trưởng mới.

Ở Cao trung Kamiyama kỳ bầu chọn kéo dài một tuần lễ. Trong thời gian này các ứng viên sẽ đăng áp phích khắp nơi trong trường, hùng biện vào mỗi tiết sinh hoạt chung và tranh luận lẫn nhau vào những buổi tọa đàm do CLB Phát thanh lên kế hoạch. Tất cả đều kết thúc vào hôm qua, và hôm nay chính là ngày bầu cử.

“Cậu có nhớ các ứng viên không?”

Tôi lục lọi trí nhớ nhằm trả lời cho Satoshi.

“Có hai… hay ba người thì phải.”

Hắn cười đáp:

“Tớ tính nói là tên nhưng xem ra tới số lượng cậu cũng chả nhớ nhỉ. Chính xác là chỉ có hai. Cũng phải, trường mình không thiếu những CLB kỳ lạ và nếu so sánh thì Hội học sinh trông chả nổi bật cho lắm.”

“Ừ, và cả hai đều là học sinh năm hai.”

“Cậu nhớ được cái đó à? Ừ, dù điều đó là hiển nhiên. Năm nhất thì mới vào từ tháng Tư, còn năm ba thì bận ôn thi mất rồi.”

Ra là vậy, xem ra nó chẳng đáng để nhớ.

“Đó là Haruto Obata lớp D và Seiichirou Tsunemitsu lớp E. Thường thì người ta nghĩ bỏ phiếu xong là hết chuyện, nhưng tớ là một trong những người có nhiệm vụ đếm phiếu bầu.”

Không hứng thú lắm với chuyện sau cánh gà của buổi bầu cử tân Hội trưởng hội học sinh Cao trung Kamiyama cho lắm, dù vậy trong câu nói của Satoshi ít nhiều khiến tôi tò mò. Satoshi Fukube luôn tự dấn thân vào vô số các hoạt động đội nhóm vì những lý do có trời biết. Cụ thể hắn là thành viên có thớ của CLB Thủ công, CLB Cổ điển đồng thời cũng phụ việc cho Ủy ban phụ trách chung từ năm nhất. Lên năm hai hắn không kèn không trống mà tiếp quản chức Phó chủ tịch. Dù có mù thông tin đến mấy thì tôi cũng nhớ là bản thân Ủy ban phụ trách chung cũng có bầu cử…

“Vậy cuộc bầu cử bị làm sao?” Tôi hỏi.

Ngay lập tức Satoshi mỉm cười.

“Dĩ nhiên chịu trách nhiệm về thùng phiếu và kiểm phiếu thuộc một ban khác là Ban Bầu cử. Tớ chỉ đóng vai trò giám sát. Luật bầu cử của trường ghi rõ phải có ít nhất hai học sinh giám sát quá trình kiểm phiếu và không ai trong số họ được phép là ứng viên… nghĩa là cậu cũng được đấy. Dù vậy theo truyền thống mọi năm thì hai vị trí này được giao cho Trưởng và Phó chủ tịch phụ trách chung. Cũng hợp lý, đỡ phải mỗi năm mỗi đi kiếm.”

Nói thì nghe trơn mướt thế nhưng cũng chính vì cái sự không do dự đó lại khiến tôi thấy có gì khả nghi. Chúng ta đang nói đến Satoshi cơ mà… Như thể nhận ra điều đó hắn liền thêm vào.

“Nói nghiêm túc đó! Tớ không có xạo đâu. Quá trình bầu cử là tuyệt-đối-công-minh!” Hắn khẳng định.

“Rồi rồi. Thế thì có chuyện gì?”

“Vấn đề xảy ra khi kiểm phiếu.”

Ồ.

“Hiện tại Cao trung Kamiyama có một ngàn không trăm bốn mươi chín học sinh, nói cách khác là tối đa một ngàn không trăm bốn mươi chín phiếu bầu hợp lệ.”

Khi vào đây tôi biết có ba trăm năm mươi học sinh năm nhất được chia làm tám lớp, thế nên con số Satoshi đưa ra là hợp lý cho cả ba khối.

Đoạn hắn thở dài.

“Ừ thì, khi tính tổng số phiếu… con số tụi này nhận được là một ngàn không trăm tám mươi sáu.”

“Làm sao mà…”

Lời nói vuột ra khỏi miệng trước cả khi tôi ngờ đến. Nếu tổng số phiếu ít hơn số học sinh thì còn dễ hiểu. Đâu đảm bảo được ai cũng đến trường trong này hôm nay… nhưng nhiều hơn sao? Satoshi gật đầu đồng tình.

“Tớ cũng không hiểu. Nếu tính cả những người vắng, những người về sớm hay thậm chí là không muốn bầu thì lẽ ra số phiếu phải ít hơn số học sinh mới hợp lý. Nhiều hơn cận trên hàng chục phiếu thế này tớ không nghĩ đơn giản chỉ là một sai sót.”

Khựng lại một chốc, hắn tiếp tục:

“Có người đã cố tình làm vậy”

Tôi không đáp lại.

Đúng như Satoshi nhận xét, dựa vào những thông tin được nghe kể tôi cũng khó mà tin được sự việc này là kết quả của sai sót. Nói là âm mưu của một ai thì có khi hơi quá, lỡ như họ chỉ muốn đùa cho vui… nhưng một điều chắc chắn là đã có một thế lực nào đó gây sai lệch kết quả bầu cử.

“Thực tế thì sự dôi ra này gần bằng với số lượng phiếu trắng. Nếu những phiếu được cố tình thêm vào đều là phiếu trắng thì dĩ nhiên kết quả sẽ không thay đổi, nhưng đó chỉ là một tình huống quá ấu trĩ để mà tin vào. Nếu có thể chứng minh rằng luật bầu cử đã bị vi phạm ở đâu đó thì Ban Bầu cử sẽ phải tổ chức bầu lại. Tớ không quá quan tâm ai là người làm chuyện này, kể cả lý do họ làm thế… mà nói chứ có khi tớ sẽ không bao giờ tìm ra một ai liên quan tới vụ này. Điều duy nhất tớ cần biết là làm sao họ có thể làm điều đó.”

“…”

“Yếu tố tai hại nhất dẫn đến cớ sự vầy là việc người chịu trách nhiệm làm phiếu quá tệ hại tới mức ai cũng có thể làm giả. Tất cả việc cậu phải làm là thó trộm con dấu vứt lăn lóc trong phòng Hội học sinh đầy dịp vắng người, nhưng làm sao để những lá phiếu giả có thể được tuồng vào bên trong? Một lỗ hổng đang tồn tại đâu đó trong tiến trình bầu cử của Cao trung Kamiyama. Nếu không bịt sớm thì trong tương lai ai dám chắc được là nó sẽ không lặp lại? Và khi đó dù đợt bầu cử trông có vẻ ổn thỏa thế nào thì chúng ta sẽ vẫn chìm trong lo lắng về sự tồn tại của những phiếu bầu ma.”

“Đúng vậy.”

“Tớ đã suy nghĩ rất nhiều, nhưng đi con đường nào cũng đụng phải ngõ cụt. Thế nên, dù không muốn tớ vẫn đã gọi cậu ra đây Houtarou ạ.”

Satoshi dừng lại.

Nếu đó là mọi thứ hắn muốn nói thì xem ra tôi đã mường tượng được vấn đề. Gãi đầu, tôi ngước mắt nhìn lên vầng trăng lúc này cũng khẽ liếc trộm qua đám mây, trước khi hạ điểm nhìn xuống hai bàn chân.

“Có lẽ tớ nên đi về,” tôi đáp.

Con đường nhỏ tiếp tục trải dọc bờ sông mà bị cắt tại hai cây cầu. Chúng tôi cứ hướng về thượng nguồn, nhưng thượng nguồn còn bao xa? Có lẽ đã quá trễ cho một chuyến thám hiểm.

“Về à…” hắn nói, giọng điệu như thể đã đoán từ trước. “Xem ra tớ đòi hỏi quá nhiều rồi nhỉ.”

Chả có gì là nhiều ở đây cả. Vấn đề nằm ở chính hắn và tôi chắc rằng hắn biết nhưng cố tình tảng lờ.

“Ừ, đôi khi nói cho người khác là cách để tự mình hiểu rõ hơn vấn đề nên tớ đã nghe. Chuyện đó để mai tính, giờ thì tớ còn một mớ chén dĩa cần phải rửa. Không nhanh về thì cả nhà đầy mùi sốt mất.”

“Bộ giờ thì chưa à?”

Đáng buồn là hắn nói đúng. Lẽ ra phải mở cửa sổ trước khi ròi khỏi nhà.

Một luồng sáng tiếp cận từ chính diện. Đó là đèn từ một chiếc xe đạp đi ngược hướng. Trước khi nó chạy qua không ai trong chúng tôi nói gì. Cuối cùng Satoshi phải phá vở bầu im lặng.

“Mai thì đã trễ. Tớ cần một ý tưởng trong tối nay.”

“Vì muộn nhất là chiều mai kết quả bầu cử phải được công bố đúng không? Tớ hiểu. Nhưng đó là việc của Ban Bẩu cử.”

Thở nhẹ một cái, tôi tiếp tục:

“Tớ biết cậu gia nhập CLB Thủ công và cả Ủy ban phụ trách chung vì vui, còn vui chỗ nào thì chắc cả đời tớ cũng không biết… nhưng tớ thực sự ngạc nhiên khi cậu chịu lên chức Phó. Đó là một vị trí không còn chỉ là làm cho vui nữa rồi. Điều gì đã khiến cậu thay đổi thế?”

“Ừm… đúng là như vậy.”

“Thế thì nên chúc mừng hay không đây, mà thôi dẹp đi, ý tớ là chỉ vì cậu bỗng dưng muốn nhận một chức vị đầy trách nhiệm như thế không có nghĩa là tớ phải dây vào những rắc rối mà nó đeo theo. Hay là cậu định nói việc bảo vệ tính công minh trong cuộc bầu cử của trường là nghĩa vụ của bất kỳ một học sinh nào?”

Hắn cười nhạt.

“Làm gì có vụ tớ hách dịch như thế… mười phần trong tớ vẫn đề cao tính chuyên trách.”

“Đúng vậy, nên tớ sẽ vui vẻ tản bộ vào một đêm thế này để nói chuyện với Fukube Satoshi, còn với ngài Phó chủ tịch thì xin phép dừng lại trong phạm vi phòng Hội.”

Satoshi trông chẳng hề nao núng trước đòn phản pháo của tôi, hắn chỉ đáp lại bằng chút gì đó đùa cợt xen lẫn sự cô độc.

“Cậu chẳng bao giờ giữ miệng thật.”

Đúng, tôi thực sự vừa nặng lời với một kẻ đáng phải vậy. Nếu hắn còn chối từ việc tháo lớp mật nạ ra thì tôi chẳng còn cách nào khác ngoài từ chối. Nhưng thôi, hạ màn ở đây được rồi. Liếc hắn, tôi lên tiếng.

“Vậy cậu đang giấu điều gì.”

“Giấu? Ý cậu là sao?”

Chưa cần nói tới câu chuyện về số phiếu bầu nhiều bất thường của Satoshi thì đã có sẵn hai điều không ăn khớp. Thứ nhất thì đã nói: tại sao hắn phải cầu viện tôi? Nhưng cái thứ hai còn căn cơ hơn…

“Đừng giả khờ. Mọi sự vụ từ đầu đến đuôi là trách nhiệm của Ban bầu cử. Nghĩ thử xem… ngay-từ-đầu cậu lẽ ra không hề có bất cứ một mối liên can nào hết thưa ngài Phó chủ tịch.”

Chủ tịch và phó chủ tịch, nếu đúng như Satoshi đề cập, chỉ có nhiệm vụ chứng kiến và xác nhận kết quả kiểm phiếu. Có gian lận phiếu thì đúng là chuyện lớn đấy, nhưng tại sao Satoshi lại là người phải giải quyết? Hắn đã im lặng về điểm này. Satoshi, một người đề cao tính chuyên trách mà lại muốn tự mình giải quyết một âm mưu phá hoại hệ thống bầu cử của trường nhân danh “công lý”… đùa! Cái ảo tưởng rằng hắn muốn thay mặt cả Ủy ban phụ trách mà dẹp loạn dùm cho Ban bầu cử đã được tôi bóp vụn mà quăng vào đống rác cháy được chỉ chờ ngày đến hốt. Ai cũng thay đổi và Satoshi-năm-hai không là ngoại lệ, nhưng cũng chẳ có cái ngoại lệ nào lại gay gắt và gốc rễ đến thế. Khi một kẻ luôn đùa cợt chứ không hề phàn nàn gọi tôi nhờ giúp đỡ thì vấn đề không phải chỉ nằm ở nội dung.

“Tại sao cậu lại giấu lý do muốn tớ giải quyết vụ này.”

Satoshi cười.

“Xem ra tớ không thể thắng cậu nổi.”

Tôi cũng cười.

“Biết vậy thì chắc lúc này cậu đâu có ngạc nhiên phải không?”

“Ừ. Dù tớ đã nghĩ mình có thể giấu nhưng thực tế vẫn quá khó.”

Nhảy vài bước lên trước như đang theo một nhịp điệu rồi quay lại nhìn tôi, hắn vừa bước lùi vừa nói:

“Xin lỗi vì đã không nói hết mọi thứ ngay từ đầu nhé Houtarou, dù tớ là người cần giúp. Tớ không trách cậu bực bội vì đó vốn chả phải là thứ gì đáng giấu… nhưng cậu biết đấy…”

Dù thực sự muốn nói với hắn là biết gì chết liền nhưng tụi tôi đã quen nhau đủ lâu. Nghe có hơi nhảm nhưng… tôi cảm giác là mình biết.

“Chủ tịch Ủy ban phụ trách chung, nói sao cho nhẹ đi nhỉ, không hẳn là tuýp người khiến người khác cảm thấy thoải mái cho lắm.” Satoshi nói, hai tay gác đầu. “Lúc nào cũng ra vẻ quyền uy như kiểu ta đây vương tướng. Cậu hiểu chứ? Thực tình thì tớ chả biết tả sao cho đúng… Cậu ta như kiểu không nói người khác là ‘Đừng có giỡn nữa’ dù họ có chăm chỉ cách mấy thì không yên hay sao ấy, nhưng câu nói ưa thích nhất là: ‘Đừng tự mình quyết định mọi thứ như thế’ và ‘Tự kiếm cách đi’. Tớ được nghe năm lần rồi, chỉ tính hôm nay thôi đấy.”

Tôi biết có hạng người như thế, chỉ là cùng tuổi thì chưa. Nếu đúng là vậy thì đây chính xác là nhân cách tệ số một mà Satoshi phải đối đầu. Hắn tiếp tục:

“Nhưng… cậu nói đúng Houtarou ạ, vụ này chả liên quan gì đến tớ.”

“Nhưng là đến một người khác mà cậu biết phải không?”

“Sắc bén như mọi khi nhỉ.”

Satoshi giơ ngón cái lên.

“Đó là một học sinh năm nhất trong Ban Bầu cử, lớp E. Tớ không nhớ tên, thực ra là có nghe rồi nhưng lại quên. Cậu này rất hiếu động, luôn tươi cười đáp ‘Em làm ngay!’ khi được đàn anh giao làm gì. Tớ không nghĩ mình với cậu chàng hợp nhau nhưng phải nói là cậu chàng luôn cố gắng làm những gì cần làm… thử, ừ, ít nhất thì tớ thấy vậy. Cũng không cao lắm, nhìn như học sinh sơ trung ấy.”

“Tớ hình dung được diễn tiến rồi.”

“Vậy à? Nhưng cứ nghe đã nhé. Vì lý do nào đó, hoặc là quá năng nổ hoặc cả lớp quá đoàn kết nên cậu chàng là người đầu tiên đến nơi nhận phiếu trong phòng Hội học sinh. Sau khi đến đó… và nếu cậu hỏi thì tớ sẽ nói sau tất cả chỉ có Chủ tịch Ủy ban là có lỗi – cậu chàng đã làm sai quy trình.”

Đoạn Satoshi đưa tay về trước làm hành động như cầm một cái hộp vô hình.

“Chắc là cậu biết rồi vì chính cậu cũng bỏ phiếu đúng không? Các học sinh sẽ bỏ phiếu vào hộp của lớp mình. Các hộp sau đó được chuyển đến phòng Hội và, đây là điểm quan trọng nè, mở ra cho hai giám sát viên xác nhận. ‘Cậu bé lớp 1-E’ đã mở hộp trước khi tụi này đến và trải phiếu ra giữa bàn.”

Nghĩ một hồi tôi nói: “Tớ không nghĩ đó là cái gì quá mức…”

“Tớ cũng vậy. Việc của giám sát viên bao gồm xác nhận hộp phiếu là rỗng trước khi được mang đến các lớp và sau khi các lá phiếu được đổ ra để tập hợp lại. Tớ đã xác nhận chiếc hộp ở hai thời điểm đều đã rỗng nên có thể coi là tiến trình vẫn được tuân theo, nhưng ngài Chủ tịch Ủy ban lại một mực bảo là không cách nào chắc được là cậu chàng có tác động đến các lá phiếu khi tụi này chưa tới hay không.”

Ra vậy.

“Chưa nói tới lỗi xử lý, tớ khó mà tin được cậu chàng là người khống phiếu bầu. Ai cũng thấy vậy trừ duy nhất một người. Mọi người khác đều làm đúng quy trình nên coi như không có cơ hội để những phiếu bầu ma lẫn vào, và đó là lý do ngài Chủ tịch của chúng ta không có đối tượng nhục mạ nào khác ngoài cậu bé năm nhất tội nghiệp ấy.”

Khựng lại một quãng Satoshi mới thêm vào.

“Đến mức cậu bé đã khóc.”

Xem ra kể đến đây là đủ… Tóm lại là thế này: Satoshi muốn, và dù không ai yêu cầu nhưng anh chàng vẫn vì một cậu học sinh năm nhất không-nhớ-tên-và-bị-nhục-mạ-quá-đáng-chỉ-vì-một-lỗi-nhỏ, chứng minh là còn có khả năng khác để những phiếu bầu ma len lỏi vào. Đơ mặt, tôi chỉ biết đáp thế này:

“Thề có trời… cậu chả thay đổi gì cả. Luôn làm anh hùng trong bóng tối.”

Hắn cười gượng.

“Cho tớ xin đi. Chỉ là một chút giận giữ mà thôi. Với lại nếu cậu cho phép tớ được kiếm cớ một chút… thì tớ đã không nghĩ rằng mình tuyệt đối phải cần viện trợ bởi tài phán đoán của cậu. Tớ đã tưởng vấn đề này đủ dễ để giải quyết một mình nhưng quả là bé cái lầm. Tiến trình bầu cử của trường ta chặt chẽ đến ngạc nhiên.”

“Chẳng phải tụi mình cũng nói về cái gì từa tựa thế này trong lần đi đêm trước sao?”

“Chuẩn… năm cuối sơ trung nếu tớ nhớ không lầm. Trời ơi nhắc lại chi để mà hoài niệm.”

Tôi nhìn chăm chăm vào Fukube Satoshi. Một cơ thể mảnh khảnh đôi khi trông có vẻ yếu đuối nhưng lại có những biểu cảm toát đầy vẻ tự tin. Đó là Satoshi mà tôi luôn biết. Không quá hiền lành hay dịu nhẹ mà cũng chẳng quá chính trực đến cực đoan, với tôi lúc này, dù không thể hiện trần trụi trên gương mặt, là cái gì đó mạnh mẽ hơn sự căm ghét cái xấu và bất công. Với những thứ mà tôi sẽ tránh né bằng lời nhận xét “Chịu, đời mà” thì hắn vẫn giành cho một cái nhíu mày và âm thầm làm tất cả trong khả năng để sửa chữa. Nhưng thôi, tôi nghĩ mình đã hiểu tại sao hắn lại phải đeo mặt nạ lúc đầu. Với Satoshi xem ra việc giúp cuộc bầu cử Hội trưởng Hội học sinh Cao trung Kamiyama chỉ là thứ phụ so với việc cần giúp đỡ để cho ngài Chủ tịch một bài học vì dám đối xử tệ với đàn em.

Phần nào đó trong tôi vẫn bực mà tự hỏi sao không nói thẳng ngay từ đầu…

Một cơn gió lại thổi qua.

3.

Con đường dọc bờ sông bấy giờ đã chạm hàng rào gỗ bao quanh một ngôi nhà mà bẻ ngoặt một góc vuông hoàn hảo. Tiếp tục đi, chúng tôi hướng về một cái ngã ba nhỏ. Đường hai bên trái phải bắt đầu có vạch kẻ và đèn thắp sáng. Tôi không còn thường đi đến tận đây, nhưng nếu trí nhớ còn tốt thì quẹo phải mà băng qua hết khu dân cư ta sẽ đến Sơ trung Kaburaya – trường cũ của tôi, còn đi về bên trái thì sẽ vào trung tâm thành phố.

Dừng lại, Satoshi nhìn tôi thay cho lời hỏi nên đi đường nào. Tối thế này mà la cà gần mấy khu ăn chơi trong thành phố lỡ xui gặp ai đó thì mệt, nhưng một phần trong tôi ngần ngại khi nghĩ về ngôi trường xưa. Có lẽ tốt nhất là đi bên trái, rồi quẹo đường khác trước khi vào tới nơi không nên vào. Không nói gì, Satoshi chỉ lẳng lặng theo sau.

“Vậy,” tôi nói, lại là người phải khai cuộc. “Theo cậu thì không có khả năng kẻ gian khống phiếu nhỉ.”

Tự nhiên hắn chỉ cười rồi thì thầm “Thực sự xin lỗi” trước khi trở lại tông bình thường.

“Đúng thế! Suy nghĩ muốn nát óc mà chả tìm được cái lỗ nào. Dù gì thì quy trình cũng đã ra đời và ổn định trong một thời gian dài. Nếu phải nói thì… không phải là tớ không nghĩ có một khả năng, nhưng tớ cảm giác là cứ đi theo hướng thông thường thì sẽ gặp ngõ cụt.”

Muốn hỏi hắn chi tiết hơn tại sao lại là ngõ cụt thì tôi chợt nhận ra: mình thậm chí còn chả biết quy trình bầu cử nó ra thế nào thì làm sao mà hiểu. Tốt nhất là cần lời giải thích.

“Phiền cậu, tua lại từ đầu.”

“OK. Từ đâu là được ta…” Nói xong Satoshi khoanh tay lại và khẽ nghiêng đầu.

“Được rồi. Đầu tiên cần phải nhớ là các hộp phiếu đều có khóa, và như đã nói hồi nãy mọi chiếc hộp đều phải được bên thứ ba – tức là tụi này – xác nhận là trống thì mới được mang tới các lớp để nhận phiếu và sẽ được xác nhận một lần nữa ngay trước khi  Ban bầu cử tiến hành đếm.”

“Hộp khóa rồi nhưng vẫn bỏ phiếu được phải không?"

“Cậu cứ đùa. Nó chắc chắn phải được khóa trong thời gian bỏ phiếu.”

Biết rồi. Hỏi cho chắc thôi.

“Ban Bầu cử có nhiệm vụ lấy hộp phiếu từ trong kho rồi mang tới phòng Hội học sinh sau giờ tan học hôm qua. Nhà kho nằm ở tần một khu Chuyên biệt nên chắc cậu biết tớ đang nói cái nào, chứa chổi giẻ các kiểu. Cũng trong ngày hôm qua phiếu bầu đã được buộc thun thành từng cọc giành cho từng lớp. Khi hộp đã được chuyển vào phòng Hội thì toàn bộ Ban bầu cử và Ban giám sát sẽ tập hợp lại, và các thành viên Ban bầu cử sẽ tự phân phối hộp và phiếu về mình. Chỗ này chắc cậu nhận ra. Mỗi lớp sẽ có hai học sinh nằm trong Ban bầu cử - một nam một nữ. Nói cách khác lúc đó trong phòng hội có hai người nhân tám lớp nhân ba khối là bốn mươi tám, cộng hai người giám sát cả thảy tròn năm chục, nhồi như là cá hộp.”

“Nghe có vẻ nóng.”

"Ừ. Mỗi người sau khi nhận hộp sẽ được tụi tớ xác nhận là rỗng rồi mới khóa lại. Phải tới khi tất cả hộp đều được khóa thì Chủ tịch Ủy ban phụ trách chung mới cho mọi người trở lại phòng học.”

Dĩ nhiên tôi đã thấy cả hộp lẫn phiếu bầu. Hộp làm bằng gỗ đã sờn và có màu hổ phách nhưng trông vẫn rất bền, hai bên đề chữ “Hộp phiếu”. Phiếu bầu thì có lẽ được cắt từ giấy in thông thường… tờ tôi cần hôm nay thậm chí còn không được cắt thẳng. Trên phiếu có dấu mộc của Ban bầu cử còn ngoài ra không có số hay gì khác để phân biệt.

“Tiến trình bầu cử tính từ khi chiếc hộp vào trong lớp thì cậu biết rồi đúng không?" Satoshi hỏi.

"Ờ.”

Trong phòng học, hai thành viên Ban bầu cử của mỗi lớp đặt hộp phiếu lên bục giảng rồi viết tên các ứng viên lên bảng trước khi phát phiếu bầu. Sau khi mỗi học sinh hoàn thành lựa chọn của mình – là điền tên một trong các ứng viên hoặc không viết gì cả - họ xếp hàng bước về bục rồi thả phiếu vào trong hộp. Mỗi lần như vậy một trong hai người sẽ đánh dấu lại nhằm đếm tổng số phiếu được sử dụng.

Thực sự chẳng muốn ngắt lời Satoshi nhưng tôi cần hỏi thêm cho chắc.

“Vậy hai người đó có phải xét đến số học sinh vắng không?"

Lắc đầu, Satoshi đáp: “Theo như tớ biết thì không. Chỉ có tổng số học sinh và tổng số phiếu bầu là được quan tâm.”

Hiểu rồi. Quả thật những học sinh vắng mặt không ảnh hưởng lắm tới công việc của họ.

“Luật quy định thời gian bầu cử tối đa là ba mươi phút, sau đó tất cả hộp phiếu phải được tập hợp về phòng Hội. Trên thực tế hầu hết các lớp đều triển khai nhanh gọn hơn nhiều. Dù gì thì cũng là giờ tan học nên ai chả muốn xong sớm mà xách cặp đi về. Việc mang hộp đến sớm thì không đúng luật lắm nhưng truyền thống nó thế rồi.”

Có khi vậy lại hay, chứ nếu tất cả các hộp đuowjc mang đến cùng lúc thì mới làm chậm tiến trình ấy chứ.

“Thế là hai thành viên Ban bầu cử mỗi lớp lần lượt mang hộp về phòng và đánh dấu vào tên lớp mình trên danh sách để xác nhận. Người giữ chìa sau đó mở hộp và trút hết phiếu ra bàn. Những cái bàn được xếp thành hình chữ thập để phục vụ công tác đếm phiếu. Sáng mai mới phải trả hộp về nhà kho nên không có gì phải vội. Những chiếc hộp được giám sát viên xác nhận đã trống được xếp vào một góc. Khi phiếu bầu của tất cả các lớp được trút hết lên bàn chúng sẽ được trộn vào nhau để không ai biết phiếu nào thuộc lớp nào, sau đó chia ra thành cỡ mười phần cho những người được chỉ định đếm phiếu. Người đếm lần lượt mở từng phiếu rồi thả vào một trong ba khay để tên “Haruto Obata”, “Seiichirou Tsunemitsu” và “Phiếu trắng”. Công đoạn này được thực hiện rất nhanh. Các phiếu bầu trên khay được gói lại thành từng cọc hai chục mà giao cho một người đếm khác để kiểm tra xem con số đếm được đúng hay chưa. Sau khi mỗi phiếu bầu được kiểm tra hai lần như thế thì hai giám sát viên cũng sẽ xác nhận.”

“Nghe khá là chặt chẽ.”

“Đúng vậy phải không?"

Chả hiểu sao hắn lại đầy tự hào đến thế, khi mà chỉ cách vài phút trước hắn còn ừ rằng mình chả dây mơ rễ má nào tới chuyện của Ban Bầu cử.

“Sau đó tụi này ghi con số chính thức lên bảng. Từ đầu chí cuối mất cỡ bốn chục phút, và ngay trước khi công bố tên người thắng cuộc thì có người chỉ ra sự bất thường trong các con số. Sau đó chỉ là bầu hỗn loạn.”

Tôi nghĩ mình nghe thấy tiếng gầm gừ của động cơ thì bất thình lình một chiếc xe hơi thể thao phóng ngang qua hai thằng trên mặt đường khiêm tốn. Satoshi quắc mắt nhìn cho tới khi hai lốp sau đánh cua nghe một tiếng réc thì thở một cái thượt.

“Những gì tớ vừa nói là y như cảnh đã thực sự diễn ra. Có quá nhiều người theo dõi cuộc kiểm và đếm phiếu nên dường như chẳng thể có tác động bên ngoài mà không gây chú ý. Những lá phiếu ma chắc chắn không phải được thêm vào lúc đó… như vậy khả năng duy nhất là nó đã có sẵn trong những chiếc hộp phải không?"

“Đúng là vậy, nhưng…”

“Nhưng sao? Với thêm nữa nè, có tầm bốn mươi ba tới bốn mươi bốn học sinh trong một lớp ở Cao trung Kamiyama này và số lượng phiếu bầu ma là bốn chục. Nếu kẻ khống phiếu chỉ bỏ thêm phiếu vào một thùng thì số lượng phiếu trong thùng đó gần như là gấp đôi. Dĩ nhiên chả ai chỉ nhìn mà biết được số phiếu trút ra từ hộp cả, nhưng nếu chúng nhiều gấp đôi bình thường thì phải có người thấy lạ phải không?"

Đồng ý. Vậy số lượng thấp hơn mức gấp đôi thì thế nào nhỉ? Xét đến việc Satoshi đã băn khoăn suốt từ lúc tan học tới giờ thì hẳn là hắn đã nghĩ tới rồi.

“Bỏ qua khả năng tất cả phiếu ma được tập trung trong một hộp, như vậy nếu chúng được chia ra cho hai lớp thì sao? Có lẽ vẫn đủ nhiều để nhận ra. Ba lớp thì hên xui, nhưng nếu là mười lớp thì tính ra mỗi hộp chỉ dôi ra bốn phiếu và chắc chắn qua mặt được mọi người.”

"Đúng là như thế, nhưng câu hỏi là làm sao kẻ đó tìm ra cơ hội để khống phiếu vào tận mười chiếc hộp.”

“Ừ.” Satoshi gật đầu, rồi tỏ ra chán nản khi bồi thêm một câu: “Thực lòng mà nói tớ khá chắc chắn thủ phạm nằm trong Ban Bầu cử.”

“Tưởng cậu muốn giúp đỡ cậu bé năm nhất ấy chứ.”

“Ngoại trừ nó ra. Tớ không tin cậu chàng là thủ phạm. Chỉ là Ban bầu cử là những người duy nhất có đụng tới thùng phiếu.”

Điều đó không sai, Ban bầu cử thực tình là có cơ hội để bỏ thêm phiếu vào thùng, nhưng…

“Vậy Satoshi, theo như giả thuyết của cậu thì một nhóm người trong Ban bầu cử đã móc ngoặc nhau để mà thêm chút phiếu vào hộp của mình phải không? Đó là một khả năng tớ công nhận, nhưng cậu thực sự tin là vậy sao?"

“Đó là lý do tớ bảo cứ đi theo hướng bình thường thì sẽ gặp ngõ cụt đấy. Một hai người thì còn được, chứ chín mười người hợp sức thì khó tin quá.”

Vỗ hai tay vào nhau, Satoshi tiếp tục:

“Đây chính là khúc tớ coi như ngừng lại. Không có gì chắc chắn là một mánh lới nào được sử dụng, nhưng nếu chấp nhận là có thì tớ phải tìm cho ra vì không thể để bóng ma này tồn tại trong Ban bầu cử được. Còn nếu không chấp nhận ư? Thì khỏi còn đường nào hết. Sáng mai là hạn chót nhưng nội trong tối nay tớ muốn bắt đầu lại từ gốc và phân tích thật cặn kẽ. Dĩ nhiên người có thể cầu viện ngoài Houtarou ra thì còn ai?"

4.

Ánh đèn đỏ chiếu sáng phần không gian trước mặt hai thằng. Satoshi và tôi dừng lại cùng một lúc. Cuộc hội thoại cũng bị cắt ngang do mắt như bị mê hoặc bởi thứ ánh sáng ấm áp ấy. Là tưởng tượng hay thực sự có cái gì lạ lẫm vừa trộn vào từng cơn gió? Satoshi đột nhiên lên tiếng, dù mắt vẫn nhìn về hướng ánh đèn và đầu không quay lấy một khấc.

“Cậu đói không?"

Lúc này tôi đã nhìn chằm chằm với chiếc lồng đèn giấy màu đỏ với hàng chữ đen “Ramen”.

Còn quá xa trung tâm thành phố nên chắc đây không phải là bẫy đâu nhỉ. Hỡi hai đứa bé ngoan, chạy về nhà và leo lên giường để có những giấc mơ đẹp đi, vì đêm ở thành phố Kamiyama không có gì khác ngoài nỗi kinh hoàng!

“Chúng ta không nên bán mình cho ác quỷ.”

“Đúng vậy… ác quỷ không ngon lành tí nào.”

Ba phút sau hai thằng đã vai kề vai ngồi trước một cái quầy hẹp. Trên menu có mì xá xíu, mì ramen hoành thánh, sủi cảo và cơm thịt bò. Tôi gọi ramen thường sau khi nói “Tớ đã không có một bữa tối bình thường cho lắm”, còn Satoshi chọn ramen hoành thánh cùng một tô cơm. Chủ quán có bộ ngực nở và mặt rỗ như tờ giấy mài cũng một chiếc khăn vắt qua cổ, ngay khi được gọi món ông liền trả lời bằng chất giọng như bùng phát từ dưới đáy dạ dày: “Có ngay!”

Hương dầu lan tỏa khắp của tiệm nhỏ, khiến lớp giấy dán tường có lẽ đã từng trắng tinh ngả sang màu ố vàng chứ không phải là kết quả của sự lười biếng trong lau dọn. Trước chúng tôi thực ra còn một người khách nữa nhưng ông đã đi ra khi chúng tôi bước vào nên quán vỏn vẹn chỉ hai thằng. Làm một ngụm nước lạnh, tôi chợt thở một cái khẽ. Tản bộ trong tiết trời nóng và trên một nền đất ẩm nhưng phải tới lúc này tôi mới nhận ra mình khát đến thế nào.

“Cậu tới đây lần nào rồi à Houtarou?" Satoshi nãy giờ bận giỡn với cái hũ tiêu vì không có gì để làm tự dưng hỏi.

“Không. Còn cậu?"

“Không. Đây là lần đầu ấy. Hổng dè lại có cái quán như vầy ở mãi đây… cơ mà vì thấy cậu tự tin mà vào nên tớ cứ tưởng cậu là khách quen.”

“Tại cậu đề xuất vào đây quá nhanh nên tớ tưởng cậu mới là khách quen cơ chứ.”

Có lẽ nghe được đoạn hội thoại, ông chủ tiệm liền trấn an: “Thôi nào, ta đảm bảo hai đứa sẽ không hối hận đâu.”

Khi tôi bắt đầu lơ đễnh mà chỉ chú ý tới âm thanh ù ù phát ra từ quạt thông gió gắn trên quầy, Satoshi bắt đầu làu bàu:

“Tớ thật chả quan tâm là ai… nhưng tại sao hắn lại làm thế.”

“Ai biết.”

“Vốn Hội trưởng Hội học sinh nghe oách vậy chứ có làm gì nhiều đâu? Khi trường tổ chức cái gì thì lên nói vài câu. Nếu hắn bực bội về nội quy trường nên quyết định trút giận vào cuộc bầu cử đi thì ok tớ hiểu, nhưng làm ra thế này thì hắn hy vọng thay đỏi được cái gì?"

Cách duy nhất là chỉ mặt khảo cung đương sự mà thôi, đó là nếu được…

“Nếu chấp nhận đoán mò thì tớ có vài cái đây.” Tôi nói.

“Tớ sẽ nghe.”

“Hắn cuồng bầu cử, nên muốn làm lần nữa cho đã.”

“Hấp dẫn đấy.”

“Hắn ghét bầu cử, nên muốn thấy nó sụp đổ.”

“Ra thế.”

“Với hắn chế độ học sinh cai trị học sinh này là trò hề, nên muốn thay mặt toàn thể học sinh tuyên chiến với Hội học sinh.”

“Khủng bố cơ à?"

"Ứng viên hắn ủng hộ chưa chuẩn bị tinh thần cho đợt này, nên hắn muốn trì hoãn.”

“Hạn chót đăng ký ứng viên qua lâu rồi, không thể đâu.”

“Trưởng Ban bầu cử thấy ghét, nên hắn muốn cậu ấy bị một phen xanh mặt.”

Satoshi khúc khích.

“Điểm đáng sợ ở đây là tớ không thể bác bỏ nó. Xem ra chúng ta khó mà biết được động cơ của hắn nhỉ, dù cái khủng bố nghe cũng mê hoặc lắm.”

“Cậu nói tớ mới để ý, có thể là về tình cảm nữa.”

Chủ quán lấy một khúc xá xíu được buộc chặt từ tủ lạnh, to đến mức đáng ngạc nhiên nếu xét về quy mô quán. Rút con dao làm bếp ra, ông nói với chúng tôi: “Ưu ái đặc biệt cho học sinh đó!” Xem ra là được cho thêm đồ ăn rồi, háo hức quá.

Rồi tôi quyết định hỏi điều đang nghĩ trong đầu:

“Cậu bảo Ban bầu cử có cả thảy bốn mươi tám người phải không?"

Đặt lại hũ tiêu lên kệ, Satoshi chống cằm mà đáp: “Ừ. Ba khối mỗi khối tám lớp, mỗi lớp hai người.”

“Và cậu cũng bảo là chỉ có mười người lo việc đếm phiếu.”

Xoay ghế lại để đối mặt tôi, hắn nói:

“Với mười người thì mỗi người cũng chưa đến một trăm phiếu nên chả cực nhọc gì. Quy trình đếm và kiểm phiếu cần không gian rộng, nếu cả hội bu vào thì chắc phải cần cả cái nhà thi đấu.”

“Người đếm phiếu được chọn như thế nào?"

“Ưm…” Khoanh tay lại Satoshi lẩm bẩm: “Trong bốn mươi tám thành viên thì hết một nửa làm nhiệm vụ mang thùng đi đến lớp rồi mang về phòng Hội khi bầu xong. Khi phiếu được trút ra khỏi thùng thì coi như họ xong việc và hầu hết là đi về.”

“Không ở lại coi à?"

“Có vài người và cậu năm nhất lớp 1-E là một trong số đó. Dù sao thì chả ai bắt ở lại cả.”

“Cậu có bảo có người lo việc giữ chìa khóa và phân phối thùng phiếu phải không?"

“Hai người lo vụ đó, khiêm việc phân phối phiếu bầu luôn.”

"Ngay từ đầu những cái thùng có được chỉ định cho lớp nào khối nào không?"

“Không, cứ ai xếp hàng trước thì lấy trước thôi. Chỉ có mấy cọc phiếu là phân định. Người lấy phiếu thông báo khối và lớp sau đó được nhận cọc phiếu của lớp mình.”

Ở Cao trung Kamiyama mỗi lớp có xấp xỉ bốn ba tới bốn bốn học sinh, nhưng con số này dĩ nhiên không mang tính phổ quát. Thừa hay thiếu phiếu bầu đều sẽ dẫn tới phiền phức nên có lẽ Ban bầu cử đã dựa trên số học sinh cụ thể mà làm cọc phiếu riêng cho từng lớp. Theo lẽ thường số phiếu được bầu sẽ ít hơn vì không tránh khỏi việc có học sinh vắng hay về sớm, và nó chả liên quan gì đến việc những lá phiếu ma khiến tổng số phiếu bầu vượt trên cả tổng số học sinh.

“Người phân phối phiếu bầu có khiêm luôn vụ làm phiếu không?"

Satoshi nghiêng đầu suy nghĩ.

“Tớ dù gì cũng chỉ là giám sát viên nên không rõ về mọi thứ, nhưng có lẽ không thể giao việc cắt cả ngàn lá phiếu cho một người được. Tớ đoán có một nhóm sẽ chia nhau ra, người lo cắt người lo đóng mộc của Ban bầu cử lên phiếu.”

“Và những lá phiếu ma cũng được đóng dấu.”

“Đúng vậy. Thì như tớ đã bảo dễ thó cái con dấu lắm.”

Vấn đề suy nhất khiến mọi việc trở nên đau đầu cũng chính nằm ở chỗ này. Nếu không có dấu mộc thì số phiếu ma đó đã dễ dàng được loại ra. Xem ra những lá phiếu đó đã được chuẩn bị từ trước, có lẽ tôi nên đặt mình vào vị trí thủ phạm để suy nghĩ xem…

Điều Satoshi muốn biết, để giải oan cho cậu học sinh lớp 1-E mà chính mình không nhớ nổi tên, không phải là chân tướng của thủ phạm. Hắn muốn biết bằng cách nào những lá phiếu ma được trộn vào chồng phiếu hợp lệ. Dĩ nhiên trường hợp lý tưởng vẫn là tìm ra ai đã làm, nhưng danh sách tình nghi không có và nhân lực đủ số lượng lẫn thẩm quyền để rà soát lại càng không. Có lẽ suy nghĩ của hắn là đúng đắn, tôi không nên cố làm điều không thể.

“Người giữ chìa khóa có những nhiệm vụ gì?"

“Chìa chỉ có một cái nên một người giữ thôi. Cậu ấy khóa tất cả hai mươi bốn chiếc thùng trước khi chúng được mang đến lớp và mở ra khi đã hội đủ trong phòng Hội.”

“Cũng thoải mái nhỉ.”

“Ừ, nghe có vẻ hợp với Houtarou nhỉ.”

Phải vậy không đấy? Loại việc như thế này bắt người ta phải ngồi chờ trong một thời gian dài vì chả có gì để làm, nhưng những hành động ít ỏi của mình lại gánh vác những trách nhiệm không hề nhỏ - nghe như một cách phí phạm năng lượng kỳ cục nhỉ. Dẹp.

"Như vậy, trong bốn mươi tám thành viên Ban bầu cử thì hai mươi bốn lo việc bưng thùng, hai người phân phối thùng, một người giữ chìa và mười người đếm phiếu.”

“Ngoài ra còn có một Trưởng và hai Phó Ban, cùng hai người viết bảng nữa.”

“Vậy còn sáu người không có nhiệm vụ gì hết.”

“Vài người lo việc vặt và lau dọn, ừ thì đúng là chả liên quan gì hết.”

Satoshi rướn lại gần tôi.

“Như vậy chúng ta đã thống kê được công việc của bốn mươi tám thành viên. Một hướng đi hứa hẹn đây.”

“Chả biết được. Có khi lại là ngõ cụt, nhưng nãy giờ thông tin cậu cung cấp vừa chứng tỏ tác dụng rõ rệt đó.”

“Ố ồ! Ở chỗ nào?"

Trước mặt tôi lúc này là một tô mì ramen ngào ngạt hương thơm của xì dầu. Sợi mì mỏng và gợn sóng lềnh bềnh giữa lòng nước canh tối thẫm. Hai miếng xá xíu, hai lát măng tre, và ở giữa là một túm hào phóng rau chân vịt xanh mướt trần sơ.

“Một tô ramen cho quý khách!”

Tôi lấy một đôi đũa-dùng-một-lần rồi tách đôi ra đầy hoàn hảo. Nhìn xuống hai cây đũa với cạnh không chút vết thừa thiếu nào, tôi nói:

“Nạp năng lượng cái đã.”

“Ăn trước đi. Khỏi phải đợi tớ.”

“Định vậy mà.”

Cám ơn nhiều nhé.

Người chủ quán quả là chẳng hề đùa khi ông nói chúng tôi sẽ không hối hận vì đã tới đây. Thực chất không có gì đặc biệt so với các món ramen dùng nước canh xì dầu cả, nếu có thì chỉ là hơi mặn, nhưng chính cái mặn đó lại giúp món ăn trở nên thỏa mãn như vậy. Tôi cũng chưa từng ăn mì với rau chân vịt, nhưng chỉ một miếng đã khiến tôi tự hỏi tại sao trước đây chả ai khác thử làm như thế này. Thêm cái nữa – cái này thì chả biết tốt hay là xấu – nước canh được đun nóng đến độ gần như là sôi. Ngay khi món ramen hoành thánh của Satoshi được bưng ra cũng là lúc tôi buộc miệng kêu lên: “A! nóng quá.”

“Uầy, đúng thật!” Satoshi cay đắng đồng tình khi những sợi mì mới chạm vào môi. Nhanh chóng hắn chén hết nửa tô, rồi dừng đũa mà nhòm trộm qua như thể dò xem tốc độ của tôi nhanh cỡ nào…

“Mà nè, có vụ này không liên quan lắm, nhưng…”

Mì quá ngon… Cứ như chưa lần nào tôi tận hưởng một tô ramen trọn vẹn như lúc này cả. Không chỉ ở mùi vị, mà cả từng sợi mì…

“Cậu có nghe không đấy?"

“Có.”

“Hoành thánh ở đây phải nói là tuyệt hảo.”

“Thế thì cho miếng đi.”

“Mơ đi. Cơ mà nghe nè, Chitanda đã từng nói về việc ứng cử cho chức Hội trưởng Hội học sinh đó.”

Đôi đũa của tôi khựng lại trong chốc lát.

“Cái này mới.”

Satoshi thổi miếng hoành thánh vài lần cho nguội trước khi tọng hết cả vào họng.

“Tớ đoán cậu ấy cũng khá là nổi tiếng hồi còn học tại Sơ trung Inji. Dù gì cũng là tiểu thư một gia tộc lớn ở Jinde mà. Điểm cao này, dễ gần nữa này. Nghe đồn cả giáo viên chủ nhiệm cũng hy vọng cậu ấy sẽ tự ứng cử. Nổi từ cái hồi lên đài phát thanh dịp Lễ hội văn hóa rồi và lại càng nổi hơn sau khi tin tức và hình ảnh từ Lê hội Búp bê sống đến tai mọi người trong trường. Duy chỉ hoạt động CLB thì cậu ấy còn hơi khiêm tốn.”

Đúng là làm Hội trưởng CLB Cổ điển chả giúp ích gì mấy.

“Tớ chẳng nói là mình hiểu mọi thứ về cậu ấy…”

Tôi gắp một đũa đầy mì mà đặt tạm lên thành tô để làm nguội.

“… nhưng tớ không nghĩ là Chitanda thuộc tuýp người có thể cáng đáng nổi những việc Hội trưởng Hội học sinh cần làm, nói thẳng là vậy.”

“Đúng. Khi đó Mayaka là người lèo lái vụ làm tập san, nhưng thế cũng không có nghĩa là Chitanda kém. Với một số người thì lãnh đạo chỉ cần là người được lòng nhiều người nhất. Thế thôi. Tất cả những gì cần làm và ủng hộ và hỗ trợ những ý tưởng hay của các thành viên còn lại.”

Nghe như vật để trưng trong đền thờ thế? Ban đầu khi nghe Satoshi gọi Hội trưởng Hội học sinh là một chức vụ mang tính hình ảnh là chính tôi đã nghĩ hắn giỡn, nhưng xét cho cùng việc một Chủ tịch Ủy ban phục trách chung có thể hống hách như thế nào thì xem ra đó là sự thật.

“Nhưng rồi cậu ấy cũng không ứng cử.”

“Ừ, như cậu nói đó Houtarou. Có lẽ chính Chitanda cũng không cảm thấy mình là người phù hợp. Dường như cậu ấy chỉ cảm thấy hứng thú về việc ứng cử vào Hội học sinh sẽ là điều tốt cho sau này.”

“Tốt cho sau này… kiểu như làm đẹp lý lịch ấy à?”

Từng có những lời đồn về việc làm Hội trưởng Hội học sinh khiến việc xin vào Đại học mình mong muốn dễ dàng hơn. Dù vậy tôi vẫn khó mà hiểu nổi tại sao nhỏ phải đi ứng cử trong khi tâm trí lúc này hẳn là chỉ toàn tâm cho kỳ thi.

Cười khúc khích, Satoshi ngoe nguẩy hai bàn tay.

“Có lẽ không.”

“Ừ.”

“Tớ nghĩ việc đại diện cho một tập thể như Cao trung Kamiyama sẽ giúp ích khi cậu ấy thừa kế cơ ngơi của gia đình.”

Mì đã hết. Thực sự muốn bê tô lên để húp nước nhưng vẫn còn nóng quá, tôi đành bâng quơ nhìn sang ông chủ tiệm đang rửa bát và một cái ấm nước đang sôi.

Thừa kế à? Thế giới của Chitanda đúng là khác xa những gì thông thường. Dù bản thân đã được chứng kiến những sự kiện bao quanh nhỏ nhưng đến tận bây giờ tôi nghĩ mình vẫn chưa nắm bắt được hết, và mỗi lúc cố gắng là một dịp tôi tự trầm trồ với bản thân rằng – “Một chuyện như vậy vẫn còn trong thời này ngày nay hay sao?”

Với Chitanda, hai chữ “thừa kế” chính là thực tế của nhỏ.

“Ờ…” Satoshi thầm thì trước khi nuốt thêm một đũa mì. “Tớ thì chả biết mình sẽ làm gì.”

Sau một hồi thất bại với việc bê cái tô lên vì cả sức nặng lẫn nhiệt độ của nó tôi chợt nhận ra sự tồn tại của vài chiếc thìa bên cạnh hũ tiêu. Liền lập tức tôi lấy một cái mà múc một muỗng nước đầy.

“Luật sư thì sao?”

“Luật sư á?”

Satoshi hớt hải la lên như thể ai đó vừa xì với hắn về một sinh vật huyền bí đang sống gần đây.

“Haha, cậu có cái ý tưởng này hồi nào vậy?”

Quán này có vẻ được đấy. Lần sau chắc chắn phải thử món mì hoành thánh của Satoshi. Nghĩ vậy tôi nhận ra muỗng nước được múc lên quá đầy, bèn lắc qua lắc lại chút cho vơi bớt.

“Vì cậu là anh hùng thầm lặng.”

“Nên cậu nghĩ là…”

“Hai chữ ‘luật sư’ là thứ đầu tiên tớ nghĩ đến. Nếu không phải thì… làm sát thủ cũng được nhỉ? Săn đầu phường gian ác với chỉ một phát đạn giữa màn đêm tăm tối.”

“Ha… ha…”

Cười cay đắng, Satoshi lại trở về tô mì. Chúng tôi ăn với tốc độ xấp xỉ nhau, nhưng vì hắn gọi thêm cơm nên có lẽ phải ngồi thêm một lúc nữa.

Hai người đàn ông mặc vest mặt đỏ gắc bước vào tiệm vốn chỉ có chúng tôi, khiến ông chủ liền gọi chào: “Xin mời quý khách!” Có lẽ đã say khước nên họ gọi món mà như quát:

“Hai tô ramen!”

“Và hai lít! Có đồ nhắm không?”

Tôi có cảm giác mình nghe thấy Satoshi lẩm bẩm gì đó giữa sự ồn ào bất ngờ trong quán.

“Hổng dè gặp vụ này… vui đấy.”

Có khi nào tôi đã vô tình khai sinh một sát thủ mới cho thành phố này không nhỉ.

5.

Thứ gió ẩm của một đêm tháng Sáu lướt qua khi chúng tôi rời tiệm, mà khẽ đung đưa chiếc lồng đèn giấy đỏ. Khi nãy Satoshi muốn trả luôn phần tôi mà nói là phí tư vấn nhưng tôi đã kịp cản. “Phí tư vấn”… các bạn tin được không? Cái thằng! Chỉ cái điểm này là làm tôi phát bực… nhưng cũng may là tôi đã thủ sẵn tiền đề phòng cho dịp này.

Những đồng tiền trong túi áo va lách cách vào nhau theo mỗi bước chân đi. Satoshi nhìn quanh quất rồi dòm xuống đồng hồ.

“Cũng trễ rồi nhỉ, có lẽ tụi mình nên về. Xin lỗi vì giữ chân cậu lâu quá nhé.”

“Không sao. Dù gì thì về nhà cũng chỉ rửa hết mớ chén và lau cọ cái phòng tắm.”

“Cậu giận phải không?”

“Không hề, cơ mà đi chung với tớ được không? Về một mình sợ lắm.”

Lời nói đùa này hóa ra lại rất hợp với hắn. Tháng tư rồi Satoshi vì vài cơ duyên trời đánh mà đã đến nhà tôi, sau đó thì chả còn dịp nào khác. Vậy nên tôi đồ rằng hắn khó mà nhớ được chính xác con đường nhưng phương hướng thì có lẽ.

“OK. Đi thì đi.” Nói xong hắn đi trước cả tôi.

Xem ra từ nhà tôi tới quán mì chỉ cách nhau một con đường thẳng tắp. Dãy đèn đường buông những vầng sáng rực rỡ của mùa đông vào tâm trí tự dưng khiến tôi nhớ về những ký ức mùa hạ. Một xe cảnh sát nhỏ chạy trên con đường vắng làm tôi chột dạ, nhưng chủ nhân nó đã quyết định đi qua chứ không dừng lại để rầy chúng tôi giờ này làm gì ngoài đường.

“Tớ đang nghĩ là,” tôi bắt đầu nói, “Dù cố tưởng tượng ra cách để ai đó tuồng vào những lá phiếu ma thì rồi cũng đi vào ngõ cụt. Hộp được kiểm tra ngay trước khi tiến hành bỏ phiếu nên không có chuyện phiếu được bỏ sẵn từ trước. Đồng thời bốn mươi lá phiếu ma sẽ dễ dàng bị phát hiện nếu chỉ phân bố trong một hộp, nhưng mười thì lại gần như bất khả thi.”

Dù tôi không khác gì lặp lại những lời than thở của Satoshi, hắn gật đầu đầy sốt sắng.

“Chính xác. Tớ không thể nghĩ ra thêm cách nào.”

“Vậy thì tụi mình phải đổi hướng tiếp cận.”

Những phiếu bầu ma vượt quá số lượng học sinh đến từ đâu?

Chúng len lỏi vào những lá phiếu hợp lệ vào lúc nào?

Đột nhiên Satoshi buộc miệng, “Hay là…”

“Cái này chỉ là đoán thôi, nhưng nếu những lá phiếu ma đã nằm sẵn trên bàn thì sao?”

“Hả?”

Thật đau lòng khi giả thuyết của tôi sẽ bác bỏ ý tưởng mới của hắn.

“Không, không thể,” hắn tiếp tục. “Trừ phi trên mấy cái bàn không thể lộ thiên hơn ấy là những lá phiếu vô hình.”

“Phiếu vô hình thì hơi khó, nhưng người vô hình thì sao?”

"Cậu có giận nếu tớ hỏi cậu đang nói cái quái gì không?”

“Không.”

Đường về nhà cắt qua mặt tiền một trạm xăng bỏ hoang. Diện mạo tiêu điều cùng sự hoang vắng như ám vào những cấu trúc bê tông mà làm toát lên thứ cảm giác không dễ chịu cho lắm.

“Từ những gì tớ nghe về tiến trình bầu cử thì có hai lỗ hổng. Nếu lợi dụng thành công thì dám chắc là cả tớ cũng có thể khống một mớ phiếu.”

Cứ ngỡ Satoshi sẽ lập tức đáp lại nhưng hắn im như phỗng. Không muốn ngắt lời tôi chăng? Sao cũng được, tôi cứ tiếp tục:

“Thứ nhất là sự xác nhận của những thành viên Ban bầu cử khi họ mang hộp phiếu trở lại phòng Hội. Ừ thì sau đó phiếu sẽ được trút hết ra và hộp phiếu sẽ được xác nhận là trống trước mặt nhiều người, tuy nhiên việc xác nhận ‘khối mấy lớp mấy’ của người mang hộp lại không minh bạch như vậy. Nếu đúng như cậu nói thì công đoạn đó chỉ được thực hiện một chiều.”

Satoshi đã xác nhận, là hai thành viên Ban bầu cử mỗi lớp lần lượt mang hộp về phòng và đánh dấu vào tên lớp mình trên danh sách để xác nhận.

“Tờ giấy dùng để xác nhận chắc là kiểu một danh sách tên các lớp với khung để đánh dấu vào phải không? Dù cùng trong một Ban đấy nhưng tớ ngờ rằng mọi thành viên đều nhớ hết mặt nhau. Ví dụ như nếu tớ thay mặt đại diện của lớp 2-A mà mang hộp phiếu tới phòng Hội rồi đánh dấu thì chắc cũng chả ai thấy lạ.”

Âm thanh khe khẽ của Satoshi như mắc lại trong cổ họng.

“Có lẽ cậu nói đúng đó Houtarou… Ừ, chả một ai xác nhận được việc người lấy hộp đi và mang hộp về là một cả.”

“Nhưng tất nhiên phiếu bầu mới là cái quan trọng. Thành thật mà nói người mang hộp đi và về là ai cũng không quan trọng. Điều này không ảnh hưởng tới kết quả bầu cử. Cái danh sách lớp đó cũng chỉ mang mục đích đảm bảo mọi lớp đều đã mang hộp về.”

“Hoàn toàn đúng,” Satoshi gật gù mà trầm tư suy nghĩ. “Vấn đề nằm ở những lá phiếu. Lỗ hổng cậu chỉ ra không hề nhỏ, nhưng nó vẫn chưa trả lời được câu hỏi về việc làm sao kẻ nào đó có thể khống phiếu.”

“Đó là lúc lổ hổng thứ hai được lợi dụng.”

Tôi đã cố tưởng tượng về những gì đã diễn ra sau giờ học, ngay trước lúc bỏ phiếu, khi từng thành viên Ban bầu cử đại diện cho lớp lên nhận hộp phiếu… những chiếc hộp gỗ sờn màu hổ phách cứng chắc…

“Cậu từng bảo những cái hộp không được chỉ định cụ thể cho bất kỳ lớp nào trước khi phân phối phải không?”

“Đúng vậy.”

Hắn cũng đã nói là they were each handed out to whoever was closest in line

“Có vấn đề gì sao?” Hắn hỏi thêm.

“Việc phân phối hộp một cách ngẫu nhiên không hề có vấn đề, thậm chí như đã nói việc ai mang hộp phiếu về phòng Hội cũng được cũng chẳng gây ảnh hưởng… Tuy nhiên, nếu kết hợp cả hai thì cậu nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?”

Khoanh tay lại Satoshi ngước nhìn bầu trời đầy mây mà lẳng lặng bước tiếp, và suýt tông vào một cái cột điện thoại nếu tôi không kịp kéo tay áo hắn lại.

“Vậy ý của cậu, Houtarou à, là một trong số những học sinh mang hộp phiếu trở lại phòng Hội không phải là người trong Ban bầu cử phải không? Nhưng tớ không chắc là nó có liên quan tới việc những chiếc hộp được phân phối ngẫu nhiên.”

“Ý tớ không phải thế.”

Chả phải muốn đánh đố Satoshi hay gì nên tôi trả lời luôn. Lý do tôi phải lòng vòng bằng câu hỏi này là vì muốn mọi thứ đi theo một trật tự, trước khi tự chúng rối vào nhau như tơ vò trong đầu.

“Ý tớ là: quy trình bầu cử của chúng ta sẽ không thể kiểm soát số phiếu trong trường hợp một học sinh không phải thành viên Ban bầu cử mang một cái hộp chứa phiếu vốn không thuộc về một lớp nào.”

Sau một hồi mắt chữ a mồm chữ o, Satoshi thốt lên:

“Không thể tin nổi. Làm được vậy đâu có dễ?”

Với hiểu biết của tôi về cuộc bầu cử Hội trưởng Hội học sinh Cao trung Kamiyama do Satoshi phổ biến, thì có khá nhiều cơ chế được sử dụng hòng tránh trường hợp kết quả bỏ phiếu bị gây sai lệch. Nhiều là thế, nhưng tất cả chúng đều vô dụng trước một “người vô hình” mang theo một cái hộp cũng “vô hình” không kém.

“Xí, chờ đã.” Satoshi giơ tay ngăn tôi nói tiếp. “Chẳng phải là hơi kì sao? Đúng là thành viên Ban bầu cử không có băng tay hay cái gì để phân biệt nên sự mạo nhận là khả thi, nhưng hộp phiếu thì sao? Không rõ từ bao giờ nhưng tớ dám chắc là những cái hộp đó đã cũ lắm rồi. Chúng không phải thứ có thể làm giả trong vài đêm. Nếu một học sinh mang một cái hộp chỉ cần hơi khác với những cái còn lại thì nguy cơ bị phát hiện chẳng phải rất cao hay sao?”

Dừng lại chút rồi hắn thêm vào:

“Hơn nữa, thủ phạm không thể chỉ mang hộp tới phòng Hội, trúng hết phiếu ma ra để hòa lẫn với phiếu thật rồi rời đi như thể thế là xong chuyện. Sau khi được xác nhận là rỗng lần hai những hộp phiếu sẽ được xếp vào góc phòng. Không dễ để mưu kế được trốt lọt nếu chiếc hộp không giống y hệt phiên bản gốc.”

“Đúng thế, nên cũng có thể nói nếu tồn tại một cái hộp gỗ sờn màu hổ phách cũ kỳ, có khóa và hai bên đề chữ ‘Hộp phiếu’ bên cạnh hai mươi bốn cái được coi là ‘nguyên bản’ thì âm mưu này sẽ trót lọt.”

“Kiếm được cái hộp như thế ở đâu?”

Ở đâu à? Ừ thì…

“Có lẽ là trong nhà kho, tầng một khu Chuyên biệt.”

Dù sao thì đó cũng là nơi chứa mọi hộp phiếu.

Nhìn là biết đầy bực dọc. Satoshi đi mà như giộng chân xuống đất.

“Đó là nơi chứa những cái hộp nguyên bản chứ không phải cái của cậu.”

Tôi cũng phát bực. Ai bảo trong đó chỉ có hai mươi bốn cái hộp không hơn không kém nào? Sao hắn không chịu hiểu nhỉ?

… Nghĩ đến điều đó chợt khiến tôi vỡ lẽ. Ừ nhỉ. Đó không phải lỗi của Satoshi. Chỉ là do tôi có sự trợ giúp từ gia đình thôi.

“Hôm nay có một bưu thiếp gửi cho chị tớ.”

“Hả…” Satoshi trân trân nhìn tôi, đần ra vì sự thay đổi đột ngột trong chủ đề. “Ở, ừ, chị cậu vẫn khỏe nhỉ?”

“Vẫn ổn, cám ơn. Bả quay lại học Đại học rồi nên thời gian này không về nhà, nhưng tấm bưu thiếp thì vẫn gửi về đây. Phiền phức. Tớ phải cất tạm một chỗ và gắng nhớ cho tới khi bả về nhà.”

“Sao không gửi tới nơi tạm trú của chị ấy luôn đi?”

Một luồng điện như vừa xẹt qua tôi. Ờ ha, đơn giản thế mà. Sao không gửi quách nó cho rồi… mà sao mình không nghĩ ra nhỉ?

“Houtarou ới?”

“À xin lỗi. Hơi lơ đãng chút. Quay lại việc chính nhé, tấm bưu thiếp là thông báo về một buổi họp lớp.”

Satoshi trông chả thoải mái chút nào, hẳn là hắn muốn hét lên thế quái nào chuyện này lại là “việc chính”.

“Ưm, nghe này…”

“Và đó là lớp 3-I.”

Một chiếc bán tải lớn với những âm thanh sôi động phát ra qua cửa sổ lao vút qua chúng tôi. Giơ hai bàn tay lên trước mặt, Satoshi lần lượt quặp từng ngón tay vào đồng thời lẩm bẩm A, B, C, D, …

“Ra vậy. Chín lớp…”

Tôi gật đầu.

“Cao trung Kamiyama có tám lớp mỗi khối là câu chuyện diễn ra trong hiện tại. Trước đó là chín, và trước đó nữa có thể từng là mười. Ai biết được lỡ như năm sau chỉ còn lại bảy rồi năm sau nữa chỉ còn sáu lớp.”

“Tớ hiểu rồi. Hiển nhiên quá mà. Số học sinh… hay số người trong độ tuổi học sinh sẽ thay đổi nhưng trường thì vẫn ở đó.”

Chúng tôi luôn nghĩ bản thân mình luôn tồn tại trong Cao trung Kamiyama. Điều đó không hẳn là sai, nhưng vấn đề là ngôi trường sẽ tiếp tục tồn tại mà không chút đoái hoài gì tới sự tồn tại của học sinh chúng tôi. Từng có thời điểm ít nhất một khối nào đó có chín lớp, và cũng lúc đó một cuộc bầu cử Hội trưởng Hội học sinh được diễn ra. Sự sờn cũ trên những cái hộp có thể chứng minh điều đó. Tôi không nghĩ họ sẽ vứt đi những chiếc hộp bị thừa. Ai biết được một ngày nào đó trường Kamiyama sẽ lại có chín lớp một khối đúng không?

“Trong nhà kho nơi tầng một khu Chuyên biệt vẫn có những cái hộp ngủ yên từ thời trường ta có nhiều học sinh hơn bây giờ. Thủ phạm biết điều đó. Hắn lấy một cái hộp dư, bỏ những lá phiếu ma vào, giả danh một thành viên Ban bầu cử rồi thản nhiên mang hộp phiếu vào phòng Hội. Hắn đã không đánh dấu xác nhận lên danh sách lớp. Do chỉ có duy nhất một chiếc chìa và nó có thể mở tất cả các hộp nên hắn không lo về việc chiếc hộp giả không thể được mở. Sáng mai hãy kiểm tra chồng hộp trong phòng Hội, nếu đúng là có hai mươi lăm thì đây là bằng chứng giành cho cậu. Cậu đã bảo là chiều nay chúng chưa bị vội trả lại nhà kho phải không?”

Nếu nhận ra sự tồn tại của những chiếc hộp dư như di sản một thời của trường Kamiyama thì việc nhìn thấu mưu kế của kẻ khống phiếu thật không khó khăn gì. Tôi nhờ có chị từng học ở chính ngôi trường này nên mới hiểu rằng những gì hiện tại chỉ là cột mốc trong dòng chảy thời gian. Còn Satoshi, người chỉ có một đứa em gái thì tất nhiên khó mà biết được. Chỉ vậy thôi, nhưng dù là thế thật thì mọi thứ trôi qua vẫn để lại một dư vị đắng chát nơi đầu lưỡi. Tôi hiểu về sự vô tình của thời gian, nhưng không lúc nào là không cảm giác mình như bị bảo rằng: “Rốt cuộc mày vẫn chả hiểu ý nghĩa thật sự nhỉ.”

“Tớ đã quá chủ tâm về thứ bên trong hộp… thứ gì đó bị thiếu,” Satoshi lẩm bẩm.

Tôi nhún vai đáp lại lời tự nhận xét có phần khó hiểu của hắn, khiến những đồng xu trong túi áo va vào nhau lên những tiếng lách cách êm dịu.

6.

Theo những gì Satoshi kể lại thì hắn đã báo với Chủ tịch Ủy ban phụ trách chung về giả thuyết chúng tôi tìm ra từ đêm hôm trước và sự tiếp tục đến tai trưởng Ban bầu cử. Coi bộ ngài Chủ tịch của chúng ta tới tận bây giờ vẫn chĩa mũi dùi cậu bé lớp 1-E, nhưng do thực tế đã đếm được đúng hai mươi lăm cái hộp trong phòng Hội nên ngài rồi cũng cứng họng.

Lỗ hổng trong hệ thống đã được bịt chặt và cuộc bầu cử được làm lại, với kết quả là Seiichirou Tsunemitsu dõng dạc bước lên vị trí tân Hội trưởng Hội học sinh. Trong bài phát biểu lúc nhậm chức trước toàn trường vào giờ nghỉ trưa không hề có một chữ nào liên quan đến những rắc rối đã âm thầm xảy ra và lặng lẽ trôi qua.

Chúng tôi không biết kẻ khống phiếu là ai. Satoshi thì tuyên bố: “Tìm ra hắn là việc của Ban bầu cử, chả liên quan đến tớ.”

Chưa bao giờ tôi đồng tình với hắn nhiều như vậy.

Bình luận (3)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

3 Bình luận

Có vài chỗ có chữ tiếng anh, nhưng ad dịch vẫn rất hay. Mong ad sửa vài lỗi nhỏ đó 😉
Xem thêm