• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Ký sinh trùng đang yêu

Chương 06 - Trùng hợp đến khó tin

5 Bình luận - Độ dài: 13,508 từ - Cập nhật:

Chiếc xe dừng lại bên ngoài một phòng khám y khoa ở ngoại ô thị trấn. Chuyến đi chỉ mất khoảng mười lăm phút, nhưng việc có quá nhiều thứ để nghĩ đến đã làm tê liệt đi cảm nhận về thời gian của Kousaka, khiến hắn thấy lâu hơn bộn phần. Cũng có khi là ngược lại, chưa đến một nửa thời gian ấy.

Dù sao đi nữa, chắc chắn họ chẳng đi đâu quá xa, nhưng trong dăm bảy hoặc ba chục phút đó, cảnh trí đã hoàn toàn thay đổi. Khắp nơi rặt một màu trắng xóa.

Những dãy núi bao quanh nơi đây, cái phòng khám này là ngôi nhà duy nhất mà người ta có thể thấy. Một tấm biển đánh dấu trạm dừng xe buýt đứng bên lề đường, cạnh nó là hai cái ghế gỗ trông hết sức tàn tệ. Cả biển lẫn ghế đều phủ một lớp tuyết dày, nên nếu tài xế xe buýt có bỏ qua thì cũng không trách được. Khỏi phải nói, nơi này thật lạnh lẽo.

Chiếc xe dừng lại và chìm vào im lặng. Sau một hơi, Izumi mở cửa và bước ra khỏi xe, theo sau là Kousaka và Sanagi. Tuyết vỡ lộp rộp bên dưới những bước chân của họ. Chỉ có lối đi vào đằng trước được cào sạch, còn phần lớn bãi để xe đều ngập trong tuyết cao đến mắt cá.

Đây là một phòng khám nhỏ gọn, song mang vẻ thê lương. Bức tường bên ngoài có màu trắng sữa như muốn cố tình hòa quyện vào với tuyết, nên bóng nó nhìn từ xa trông mờ mờ ảo ảo. Một dàn những cột băng treo lủng lẳng trên mái nhà dài cũng phải đến cả mét, chỉ chực rơi xuống vì chính sức nặng của chúng.

Trên bức tường cạnh lối ra vào là một tấm biển đề “Phòng khám Urizane.” Bên kia cánh cửa là một căn phòng chờ chật hẹp với ba cái ghế sô pha màu nâu xếp thành một hàng. Vòng đời của ánh đèn huỳnh quang có vẻ sắp cạn, bởi căn phòng tối tù mù, còn sàn nền nhựa hắt bóng chập chờn có một màu xanh lờn lợt như đang mọc rêu. Trong góc phòng là một cái cây cảnh cao vút chẳng ăn nhập gì với căn phòng nhỏ.

Phòng chờ có ba bệnh nhân, đều là người già. Họ đang thầm thì với nhau điều gì, khi Kousaka và những người khác bước vào thì cùng nhau quay ra nhìn, để rồi lại nhanh chóng trở lại với câu chuyện của riêng họ.

Một người phụ nữ tầm tuổi ba chục có khuôn mặt như chiếc mặt nạ kịch Noh đang ngồi ở quầy tiếp tân. Chị ta khẽ gật đầu khi trông thấy Izumi, thế rồi như kiểu vậy là xong chuyện, lại cúi đầu xuống và quay về với công việc.

Izumi dừng lại bên ngoài phòng chẩn đoán, ra hiệu cho Kousaka đi vào bên trong.

“Ông Urizane có điều muốn nói với cậu,” Izumi cho biết. “Chúng tôi sẽ đợi bên ngoài phòng chờ. Xong việc thì đi ra luôn đấy.”

Kousaka gật đầu, đoạn nhìn về phía Sanagi. Có vẻ như nhỏ vừa định nhìn vào mắt hắn, song lại hướng ánh mắt ra chỗ khác và đi về phía phòng chờ, để lại Izumi phía sau.

Kousaka gõ lên cánh cửa, một giọng nói bên trong vọng ra: “Mời vào.”

Hắn mở cửa và bước vào phòng chẩn đoán. Trên chiếc bàn đặt bên mé trái cửa có một đàn ông tuổi đã cao trông như bác sĩ đang ngồi. Mái tóc cắt ngắn bạc phơ, đôi lông mày và bộ ria rậm cũng vậy. Trên một bên lông mày có một nếp nhăn sâu hoắm như một vết sẹo gì đó. Đây chắc hẳn là bác sĩ trưởng Urizane, Kousaka đoán vậy.

Urizane rời mắt khỏi chiếc bàn và quay lại. Chiếc ghế xoay của ông kẽo kẹt trong lúc chuyển động.

“Xin mời ngồi.”

Kousaka bèn ngồi xuống chiếc ghế bệnh nhân.

Urizane nhìn Kousaka từ đầu đến chân như thể đang đánh giá hắn. Vào thời điểm đó, Kousaka chưa biết rằng đây là ông nội của Sanagi, nên hắn không nghĩ ngợi nhiều về ý nghĩa của cái nhìn ấy.

“Cậu đã biết đến đâu rồi?”, Urizane hỏi.

Kousaka kể lại cuộc nói chuyện trong xe. “Có một loại ký sinh trùng mới xuất hiện trong đầu tôi, và loài “giun” này đang khiến tôi yêu và trở nên lạc loài trong xã hội.”

“Ừm.” Urizane vuốt bộ ria mép bằng một đầu ngón tay. “Được rồi, tôi phải bắt đầu từ đâu nhỉ?” Ông ta ngả người ra chiếc ghế và thở dài. “Kousaka, phải không nhỉ? Cậu xem chuyện này nghiêm trọng đến đâu? Những thứ khôi hài về chuyện có một con ký sinh trùng chưa được phát hiện trong đầu cậu, gây ra ảnh hưởng lên các quyết định của vật chủ.”

“…Nói thật là, tôi vẫn còn bán tín bán nghi.”

Urizane gật đầu. “Thế cũng phải. Đó là phản ứng hoàn toàn tự nhiên.”

“Tuy nhiên,” Kousaka tiếp tục, “Tôi có nghe Sanagi nói về một vài loài ký sinh nhất định có thể thay đổi hành vi của con người. Vậy thì cái chuyện có loài ký sinh gây ra ảnh hưởng lên quyết định của con người đâu phải là không thể có thật… Nhưng nếu bảo với tôi rằng nó giải thích cho việc tại sao tôi chưa bao giờ hòa nhập được với xã hội về lý thuyết nghe thật bùi tai, khiến tôi cứ thấy anh ách. Tôi có thể tin được…”

Urizane ngắt lời hắn.

“Không, cậu không thấy anh ách vì nó quá tốt, mà vì nó quá tệ.”

Ông ta chỉ vào một tờ giấy được gấp gọn lại. Một mẩu báo cắt ra từ ngày 20 tháng bảy năm ngoái với tiêu đề:

Tự tử đôi ở bệnh viện: Bác sĩ và bệnh nhân rủ nhau chết?

“Nếu mọi việc tiếp tục tiến triển như thế này, cậu có thể sẽ đi vào vết xe của họ.”

Tiếp đó, Urizane lấy ra một vài tài liệu từ ngăn kéo và đưa chúng cho Kousaka.

“Ngay trước khi tự sát, người bác sĩ được nhắc đến trong bài báo đó đã gửi cho tôi một email. Không có tiêu đề hay nội dung, mà chỉ có một tệp tin văn bản duy nhất đính kèm. Tệp tin đó lưu trữ lại tất cả những lần trao đổi qua email giữa hai nạn nhân đó kể từ khi họ gặp gỡ cho đến lúc tự tử đôi. Xem qua đi, rồi cậu sẽ hiểu được gần hết về con “giun” đó.”

Kousaka cúi xuống và đọc từ đầu.

*

Ngày gửi: 06/10/2011

Chủ đề: Xin thứ lỗi vì chuyện hôm trước

Tôi là Izumi đây. Trong lúc đến khám cách đây hai hôm, tôi xin lỗi vì đã nói năng ngắc ngứ và không giải thích được tình hình một cách cặn kẽ và gây khó hiểu cho bác sĩ. Tôi cứ nghĩ là mình đã chuẩn bị hết mọi thứ cần phải nói từ trước, nhưng đến lúc nói tôi lại không nhớ ra được gì. Tôi không thể chắc chắn rằng chuyện này sẽ không lặp lại, thế nên mới quyết định gửi email cho bác sĩ để giải thích. Tôi nghĩ rằng việc này sẽ nhanh vào bảo đảm hơn so với việc nói trực tiếp, vậy nên là…

Điều mà tôi đã cố gắng giải thích lần trước là về tình huống dẫn đến việc tôi biết được tên của anh, bác sĩ Kanjori. (Chắc hẳn bác sĩ sẽ nghĩ tôi là một bệnh nhân kỳ quặc vì không dưng lại đi nhắc đến một bài báo từ đời thuở nào như vậy. Tôi thật lòng rất xin lỗi). Giờ nghĩ lại, nếu như tôi đã giải thích nó theo trình tự thời gian thì sẽ dễ hiểu hơn nhiều. Tôi xin lỗi cho sự vụng về của mình… Tôi sẽ rút kinh nghiệm và cố gắng nói cho bác sĩ tường tận các sự việc theo thứ tự thời gian mà chúng xảy ra. Sẽ hơi dài một chút, xin bác sĩ bỏ quá cho.

Mới đầu, tôi có triệu chứng của một cơn nhức đầu. Tôi nhớ đó là vào khoảng giữa tháng tư.

Cơn nhức đầu kéo dài đến gần nửa tháng. Tôi bị đau nửa đầu thường xuyên, nhưng chưa từng có lần nào đau lâu như vậy. Trước đây, tôi chỉ cần uống thuốc là nó sẽ tự khỏi trong hai hoặc ba ngày.

Cũng phải nói thêm, tôi không coi đó là vấn đề gì quá nghiêm trọng vào thời điểm đó. Tôi nghĩ đấy là hệ quả của căng thẳng thần kinh, hoặc một cơn cảm cúm tai ác. Sự thật là, bản thân chính cơn nhức đầu cũng không phải vấn đề lớn. Sau nửa tháng, nỗi đau bắt đầu thuyên giảm, cho đến khi nó biến mất hoàn toàn. Tôi đã an tâm vì hóa ra đó cũng chỉ là triệu chứng nhất thời.

Những vấn đề nối tiếp sau đó. Một khoảng thời gian sau khi cơn nhức đầu qua đi, tôi nhận ra mình đang có những ảo giác kỳ lạ.

Tôi là một nhân viên thuê khoán tại hội đồng thành phố, và thường đi làm bằng xe riêng. Một hôm, trong lúc đi tới nơi làm việc như mọi ngày, sau khi đi qua một giao lộ bình thường, tôi đột nhiên thấy hoảng sợ cực độ. Tôi vội vàng đạp phanh, đỗ lại bên đường và nhìn về phía sau.

Một khả năng thoáng hiện qua đầu tôi: “Hay là mình vừa đâm phải ai đó?” Dĩ nhiên, nếu nó thật sự xảy ra, chiếc xe đã phải va chạm rất mạnh. Dù có lơ đãng cỡ nào thì tôi cũng sẽ cảm nhận được rõ. Ấy vậy mà tôi vẫn cứ đi ra khỏi xe và kiểm tra. Chiếc xe không có thiệt hại nào, không có một ai đang bất tỉnh và chảy máu đầm đìa trên con đường mà tôi vừa mới lái qua. Nhưng nỗi hoảng sợ sền sệt ấy thì vẫn còn nguyên vẹn.

Kể từ đó, mỗi khi làm gì, tôi sẽ bị giày vò bởi nỗi sợ là mình đã vô thức gây hại đến những người khác. Ví dụ như, trong lúc bước xuống cầu thang ở nhà ga, tôi sẽ sợ rằng mình đã chẳng may đẩy ai đó xuống. Khi làm việc, tôi sẽ sợ rằng mình đã gây ra một lỗi nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới tất cả mọi người. Trong lúc mua sắm, tôi sẽ sợ rằng mình đã vô tình mua món gì đó mà không trả tiền. Sau khi gặp ai, tôi lại sợ rằng mình đã nói điều gì khiến họ cảm thấy tổn thương. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu đó là việc mà tôi có thể kiểm tra lại ngay lúc đó, nhưng đối với những trường hợp “lỡ mình đã đâm phải ai,” tôi không thể thoải mái đầu óc cho tới khi chưa xem được tin tức của ngày hôm sau. Giống như thể cơn đau đầu nửa tháng đó đã khiến tôi phát điên.

Tôi dần dà thấy việc ra khỏi nhà vô cùng phiền phức. Vì sợ gây ra tổn thương cho người khác, tôi xa lánh họ, trở thành một người cô độc. Tôi chỉ có thể cảm thấy yên bình mỗi khi một mình ở trong nhà, ngồi yên một chỗ.

Tôi nhận thức được rằng đó là một loại  rối loạn ám ảnh cưỡng chế có tên là blaptophobia. Và tôi cũng biết rằng rối loạn ám ảnh cưỡng chế có rất ít cơ hội để được chữa khỏi một cách tự nhiên… Dẫu vậy, tôi cực lực phản đối lại việc đi khám bác sĩ tâm lý. Có lẽ tôi không muốn thừa nhận đầu óc mình có vấn đề. Cho đến lúc ấy, tôi vẫn nghĩ mình là một người phụ nữ mạnh mẽ.

Thế nhưng, tôi không thể ở trong tình trạng đó mãi. Chứng blaptophobia ngày càng tệ hơn, và nó bắt đầu ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày. Thế nên tôi quyết định bịa ra chuyện “tôi bị nhức đầu kinh niên, nó khiến tôi trở nên lo lắng quá đáng” để lấy lý do đến bệnh viện, đầu tiên là đến một bác sĩ đa khoa khám. Nếu họ khuyên tôi gặp bác sĩ tâm lý, thì tôi dự định sẽ ngoan ngoãn làm theo lời họ.

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho ra một sự thật bất ngờ. Chứng blaptophobia của tôi rất có thể không phải là một rối loạn tâm lý, mà là hệ quả của một sự thay đổi hữu cơ ở não bộ. Khó tin làm sao, có một loại ký sinh trùng trong não tôi, và con giun này đang gây ra một tụ điểm nhiễm trùng trên đó.

Nó khiến tôi thấy an tâm. An tâm khi biết được não mình có ký sinh trùng nghe thật quái đản, nhưng tôi nghĩ mình đã thấy hài lòng vì nó quá dễ hiểu. Nghĩ rằng chỉ cần loại trừ con ký sinh trùng đó là tôi sẽ thoát khỏi những nỗi sợ vô căn cứ của mình, lòng tôi như được trút bỏ gánh nặng.

Tuy nhiên – và đây mới là lúc câu chuyện trở nên quái đản hơn bộn phần – đến lúc phải đi chữa trị, tôi bị một nỗi lo âu không tên xâm chiếm. Tính chất của nó khác với những ảo tưởng về việc gây hại cho mọi người mà tôi hằng có; đó là một cảm giác hoàn toàn vô căn cứ chiếm lĩnh lấy tôi. Không biết tại sao, nhưng tôi có một linh cảm đột ngột rằng nếu tiến hành cuộc điều trị này và loại bỏ con ký sinh trùng, tôi sẽ hối hận về sau.

Tôi bịa ra một lý do phù hợp và bỏ trốn khỏi bệnh viện. Và tôi không bao giờ quay trở lại đó nữa. Mày bị sao vậy?, tôi thầm nhủ. Lạ kỳ thay, tôi không có cảm giác hành động của mình là sai lầm. Tôi thấy đầu óc mình ngập tràn nhẹ nhõm khi thoát được nỗi khiếp sợ sừng sững ngay trước mặt.

Tuy nhiên, một tháng sau đó, mối nghi ngờ của tôi bắt đầu dâng lên. Nguyên nhân thực sự nào đã gây ra nỗi lo lắng không thể nêu đích danh này? Tại sao tôi lại làm thế, tình nguyện hy sinh cơ thể mình để bảo vệ cho một con ký sinh trùng? Trước giờ tôi vẫn lạc quan, nghĩ rằng sau này mình có thể điều chỉnh lại cảm xúc của mình và khi đó lý do sẽ sáng tỏ, nhưng sự thực là bí ẩn ngày càng chìm sâu hơn mỗi ngày. Như thể vào lúc đó, tôi không còn là chính mình…

Đột nhiên, tôi nhớ lại về một bài viết trên một cuốn tạp chí đã đọc từ một năm trước đó. Bài viết đó nói rằng có những loại sinh vật sống ký sinh nhất định có khả năng ảnh hưởng lên tính cách và hành động của con người.

Tôi lục tìm ký ức và bới ra được cuốn tạp chí đó, đọc đi đọc lại mấy lần. Sau khi đã tìm đọc cả những bài viết và trích dẫn có liên quan, tôi đã đi đến được kết luận “tiếp theo”, có thể nói là vậy.

Bộ não của tôi vốn đã nằm dưới sự kiểm soát của con ký sinh trùng.

Người ta có thể sẽ cười nhạo và cho rằng đây là một hoang tưởng ngớ ngẩn. Thực tế, nó đúng là ý nghĩ điên khùng của một con bệnh. Chuyện này chẳng khác gì một bệnh nhân tâm thần phân liệt nghĩ rằng họ đang bị tấn công hay điều khiển bằng sóng vô tuyến. Nếu não tôi đã bị ký sinh trùng thâm nhập vào, thì có lẽ tôi không còn khả năng suy nghĩ tỉnh táo được nữa. Tuy nhiên, việc não tôi có một con ký sinh trùng không phải là một ảo giác, mà đã được chứng minh. Tôi ngờ rằng mình chỉ có thể nghi vấn bộ não của chính bản thân sau khi đã biết được sự thật về con ký sinh trùng này.

Tôi đã tìm hiểu về một tác giả của một bài viết có sức hấp dẫn đặc biệt với tôi. Tôi biết được vị tác giả này làm việc tại một bệnh viện đại học y cách không xa nhà của bố mẹ mình. Tôi không thể không cảm thấy rằng chuyện này giống như định mệnh. Điều đó đã dẫn tôi tìm đến anh, bác sĩ Kanjori.

Ngày gửi: 06/11/2011

Chủ đề: TL: Xin thứ lỗi vì chuyện hôm trước

Kanjori đây. Tôi đã đọc được email của chị. Đúng là email đã làm sáng tỏ được việc tại sao chị lại đột ngột nói về bài viết đó. Cảm ơn vì lời giải thích rất chi tiết. Tôi đã nắm được tình hình hơn rồi.

Bây giờ, tôi sẽ phải nói thật là tôi vô cùng ngạc nhiên. Nhưng để giải thích sự ngạc nhiên ấy, tôi nghĩ rằng mình sẽ phải kể lại một câu chuyện khá dài của chính bản thân.

Tôi xin nhờ chị giữ bí mật về tất cả những điều được viết ra dưới đây.

Chuyện xảy ra nửa năm về trước. Có hai bệnh nhân bị nghi viêm nhiễm ký sinh trùng tìm đến chỗ tôi. Chúng ta sẽ gọi người đàn ông là Y, người phụ nữ là S.

Y và S là một cặp vợ chồng cách nhau hai chục tuổi. Thêm vào đó, người trẻ hơn lại là người chồng Y, một điều không thường thấy. Họ là một cặp vợ chồng hết sức thân mật, dù nửa năm đã trôi qua kể từ khi lấy nhau, ở họ vẫn có nét cuốn hút của một đôi tình nhân vừa mới hẹn hò.

Hai người cho biết rằng họ bị chứng nhức đầu kinh niên, và phim chụp cắt lớp não cho thấy những u nang ở một vài vị trí. Do cực kỳ nghi ngờ về khả năng viêm ký sinh trùng não bộ, tôi đã trích xuất dịch tủy não ra từ cả hai để có sự chẩn đoán chính xác, và phát hiện ra một vài ký sinh trùng dài khoảng một milimét.

Cho tới lúc đó, mọi chuyện dường như vẫn bình thường.

Để đến khi quan sát chúng dưới kính hiển vi, tôi đã nghi ngờ con mắt của chính mình. Hình dạng của những con ký sinh trùng lấy ra từ dịch tủy não của họ không giống với bất cứ loài ký sinh nào mà tôi từng thấy trước đó. Chúng trông giống như giọt nước mắt, với hai giác hút ở phía đầu nhọn. Có một cặp cá thể như đang ở giữa giai đoạn giao hợp, cơ thể chúng dính lại tạo thành hình chữ Y. Dựa trên các tính chất về cấu trúc, nhìn chúng không giống như sán lá, nhưng tôi chỉ biết đến thế. Sau một vài ngày nghiên cứu, tôi đi đến kết luận rằng những con ký sinh được trích xuất ra từ cặp vợ chồng đó là một loài mới.

Xét việc bộ não có thể là mục tiêu lây nhiễm, tôi đã cẩn trọng trong việc điều trị cho họ. Những con giun trú ngụ trong hệ trung khu thần kinh ấy không thể bị diệt trừ một cách liều lĩnh. Có những ca bệnh u nang đã xơ cứng và không còn cần thiết phải điều trị, đôi khi phản ứng viêm nhiễm từ việc điều trị có thể còn tệ hơn cả căn bệnh mà nó gây ra nữa.

Tuy nhiên, đây cũng là một tình huống mà tôi không thể lưỡng lự. Theo như Y và S, một thời gian sau khi cơn đau đầu bộc phát, trạng thái tâm lý của họ đã trải qua những thay đổi kỳ lạ.

Cả hai đều nói rằng họ không thể chịu nổi mùi của người còn lại. Trước đó thì không, và họ khẳng định khứu giác của cả hai đều không phải là thính, nhưng khi cơn đau đầu dịu đi, mùi cơ thể của người kia bỗng trở thành kinh tởm. Không phải là mùi mồ hôi hay mùi nước hoa, ngay cả những thứ mùi hết sức bình thường đến mức không đáng gọi là mùi cũng gây cảm giác khó chịu, mỗi lần giao tiếp là một lần khổ sở.

Hai vợ chồng đó lo âu ra mặt, hỏi tôi có mối liên hệ nào giữa con ký sinh trùng và những triệu chứng đó không. Cá nhân tôi thì chỉ có thể trả lời rằng tại thời điểm đó tôi vẫn chưa biết chắc chắn. Một chấn thương ngoài da trên đầu có thể làm tổn hại đến hệ thần kinh khứu giác làm cầu nối giữa những tế bào thụ cảm mùi và bộ não, một chứng bệnh thoái hóa não cũng có thể gây tổn thương lên chính những dây thần kinh khứu giác, gây ra chứng mất cảm thụ mùi. Tuy nhiên, trường hợp khứu giác trở nên nhạy cảm thái quá như họ thường không thấy xuất hiện. Có khả năng xoang mũi hoặc khoang miệng khi bị nhiễm trùng sẽ gây ra những biến chứng về mùi, khiến cho những thứ mùi bình thường trở thành khó chịu, thế nhưng… xét tới việc cả hai người họ đều cho thấy cùng một triệu chứng, tốt hơn là nên nghi ngờ chứng tăng khứu của họ bắt nguồn từ tâm lý. Cùng lúc đó, tôi vẫn chưa hề bỏ qua việc nhiều chứng ám ảnh cưỡng chế có thể là kết quả của sự bắt đầu và tiến triển của một chứng bệnh tâm thần thực thể.

Song… phải nói rằng, ban đầu tôi không chú ý đến chứng bệnh tâm lý của họ cho lắm. Có lẽ đó là một kiểu tâm thần nhị liên – dù sao thì, tôi nghĩ tốt hơn hết là vẫn phải ưu tiên cho việc loại bỏ con ký sinh trùng. Tôi cho rằng cứ loại bỏ được nguyên nhân thì những triệu chứng tâm lý cũng sẽ giảm bớt.

Thế nhưng, khi tôi sắp sửa tiến hành điều trị, Y và S ngừng đến bệnh viện. Tôi đã thử gọi cho họ, nhưng họ từ chối vào viện vì những lý do nghe rất đột ngột như bận việc hay cảm thấy không khỏe. Và không phải chỉ có một hai lần. Theo tôi thấy, hành vi của họ có dấu hiệu bảo vệ cho lũ ký sinh trùng. Tôi không tài nào hiểu được họ nghĩ gì. Nếu biết được trong não mình có một loài ký sinh, người bình thường chắc chắn sẽ muốn tiêu diệt chúng đi bằng bất cứ giá nào.

Thế rồi chị xuất hiện, Izumi ạ. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa những triệu chứng của chị và của họ. Đau đầu nhẹ, tránh tiếp xúc với người khác, từ chối chữa bệnh. Khi khám cho chị tôi vẫn bán tín bán nghi, nhưng kết quả của chị gần như giống hệt với Y và S. Tôi chưa xác nhận được về con giun ấy, nhưng không loại trừ khả năng loài ký sinh trong đầu chị là cùng một loài với họ. Và tôi cho rằng, như đã nêu ở trên, những con ký sinh trùng ấy có thể đã gây ra những rối loạn tâm thần của chị.

Tất nhiên, ngay bây giờ tôi chưa thể đưa ra kết luận chính xác. Suy cho cùng, loài ký sinh này mới chỉ lây qua vỏn vẹn ba người. Không một phương pháp tiếp cận nào có thể dẫn chúng ta tới đâu cả. Thậm chí có thể cho rằng tất cả chỉ là ngẫu nhiên. Nhưng tôi không cho rằng đây chỉ là một trò đùa của số phận. Giác quan thứ sáu mách bảo rằng tôi chỉ đang nhìn vào bề nổi của một thứ bí mật khổng lồ.

Ngày gửi: 06/11/2011

Chủ đề: Cảm ơn anh rất nhiều!

Tôi là Izumi. Cảm ơn anh vì câu trả lời nhanh chóng. Tôi cứ nghĩ chín trên mười người sẽ bỏ qua và coi đó như là những lời lảm nhảm của một mụ đàn bà điên, nên tôi không ngờ là sẽ nhận được một lời hồi đáp chi tiết đến vậy! Tôi mừng lắm.

Tôi cũng không thể không cảm thấy rằng có một mối liên hệ giữa những triệu chứng tâm thần của cặp Y S và của tôi. Tất nhiên là tôi chưa từng gặp hai người họ ngoài đời bao giờ, nên linh cảm của tôi có thể chỉ là ao ước thay vì là giác quan thứ sáu…

Nhưng nếu bác sĩ đã nói vậy thì, tôi nghĩ chuyện đó là chính xác rồi. Tôi tin tưởng vào đánh giá của anh.

Tôi sẽ đến bệnh viện vào ngày 14 tháng 6. Tôi hy vọng lần này mình có thể nói chuyện mà không bị bồn chồn.

Ngày gửi: 06/20/2011

Chủ đề: Về người bệnh nhân thứ tư

Tôi là Kanjori. Có một tiến triển mới liên quan đến loài ký sinh trùng mới này, nên tôi muốn cho chị biết. Như mọi khi, nhờ chị giữ bí mật về nội dung của email này.

Ngày hôm kia, tôi đã phát hiện ra một người thứ tư bị lây nhiễm. Một người phụ nữ tên H, người trẻ nhất trong tất cả tính đến hiện tại. Giống như những bệnh nhân trước đó, H đến bệnh viện và nêu ra những triệu chứng như đau đầu thường xuyên, miễn cưỡng trong việc điều trị lây nhiễm ký sinh, đồng thời cho thấy xu hướng rõ rệt trong việc né tránh tiếp xúc với những người khác. Kiểm tra não bộ cũng cho thấy một khối u nang, và dựa trên nhiều phép so sánh sau đó, tôi đi tới nhận định rằng nó được tạo ra bởi cùng một loài ký sinh trùng. Còn nữa, trong trường hợp của H, việc lánh xa con người biểu hiện dưới dạng hội chứng sợ bị người khác nhìn. Có vẻ như có những khác biệt riêng lẻ giữa từng bệnh nhân trong cách các triệu chứng bộc lộ. Dù sao đi nữa, có rất ít nền tảng để bác bỏ việc con giun là lý do cho những chứng bệnh tâm thần nêu trên.

Điều mà tôi không thể hiểu là tại sao bốn bệnh nhân nhiễm cùng một loài ký sinh trùng chưa từng được ghi nhận lại liên tục tìm đến tôi như vậy. Theo hiểu biết của tôi, loài ký sinh trùng đó chưa được lấy ra từ bất cứ bệnh nhân nào ở một bệnh viện khác. Còn nữa, bốn bệnh nhân được tôi khám chưa từng ra nước ngoài, sống ở những khu vực khác nhau, và tôi không thấy một điểm chung nào. Kết quả là, hiện tại tôi chưa thể lần ra được một manh mối về việc làm thế nào mà những bệnh nhân này lại bị con ký sinh trùng này lây nhiễm. Có lẽ loài giun này được đưa vào đất nước ta từ bên ngoài bằng một cách nào đó, và đang trong quá trình nhân rộng.

Liên quan tới bệnh nhân thứ tư này, tôi muốn trả lời câu hỏi mà chị đã hỏi tôi trong buổi khám vào ngày 14. Những lo sợ của chị là chính xác. Tôi đang thực hiện một vài thí nghiệm với loài ký sinh mới này trên chính cơ thể của mình. Tôi làm thế này không chỉ để chữa trị cho các bệnh nhân, mà còn vì sự tò mò của một nhà khoa học. Thế nên nói đúng ra, H phải là bệnh nhân thứ năm bị lây nhiễm.

Từ lúc phơi nhiễm đến nay chưa được nhiều ngày, nên chưa có triệu chứng nào đáng kể, nhưng con giun đang từ từ nhân bản trong cơ thể tôi. Nếu ước tính của tôi là đúng, tôi rồi sẽ bộc lộ ra một rối loạn tâm thần như chị. Thêm vào đó, trong quá trình chữa bệnh cho Y và S, tôi đã khám phá ra rằng không cần thiết phải tiến hành phẫu thuật để loại bỏ lũ ký sinh trùng; chỉ cần dùng albendazole và corticosteroid là đủ hiệu quả, giống như những căn bệnh ký sinh não khác. Như vậy, chị có thể an tâm nghỉ ngơi khi đã biết bệnh sẽ không có cơ hội để trở nên trầm trọng. Bác sĩ chữa bệnh mà đổ gục trước thì đúng là dở.

Tuy vậy, làm thế nào chị biết được tôi đã bị lây loại ký sinh trùng đó? Khi chị hỏi, tôi có cảm giác rằng chị đã đoan chắc rằng loài giun ấy đang ở trong người tôi. Liệu có thay đổi bên ngoài nào mà chị quan sát thấy? Nếu có thể, chị có thể cho tôi biết lý do được không?

Ngày gửi: 06/21/2011

Chủ đề: TL: Về bệnh nhân thứ tư

Izumi đây. Tôi nhẹ lòng khi biết mình không cần lo lắng về triệu chứng nguy hiểm nào. Tuy vậy, tôi thấy anh thực sự say mê trong việc nghiên cứu. Tôi ngả mũ kính phục anh. Nói thế nhưng anh cũng phải chú ý đến bản thân, và đừng gắng sức quá.

Làm thế nào tôi biết được con giun này đang ở trong người anh? Sự thật là, tôi cũng không rõ. Hôm đó ngay lúc gặp anh, tôi chỉ tự động nảy ra một ý nghĩ, “À, bác sĩ đã trở nên giống mình rồi.”

Có lẽ tiềm thức của tôi để ý thấy một vài thay đổi không đáng kể trong biểu cảm và hành động của anh, còn kết luận trên là cách duy nhất để tôi lý giải cho cảm giác canh cánh đó. Nhưng tôi không biết sự thật ra sao. Tôi nghĩ đó chỉ là một thứ đang luồn lách vào trong tâm trí của tôi mà thôi.

Còn giờ, tuy sẽ hơi đột ngột, nhưng tôi muốn nói với anh về một chuyện. Ngay cả tôi cũng phải cho rằng chuyện này khá là bất thường, nên anh không cần thiết phải tin, mà hãy coi đây như lời nhảm nhí của một bệnh nhân tâm thần.

Gần đây, tôi đã nghĩ về anh suốt cả ngày trời. Khi thức dậy vào buổi sáng, trước khi trang điểm, trong lúc sấy tóc, trong lúc làm việc, không một phút nào trôi qua mà tôi không nghĩ. Ngày nào chúng ta sẽ gặp nhau lần nữa, tôi sẽ mặc bộ trang phục nào, nên nói chuyện về điều gì, tôi nên làm gì để khiến anh hiểu hơn về tôi… trong đầu tôi chỉ toàn những chuyện như vậy.

Chắc anh cũng đã có phần để ý rồi, nhưng tôi dường như đã yêu anh. Tôi nhận thức được rằng đây có thể là một dạng chuyển di tích cực. Tôi cũng biết rất rõ rằng để lộ điều này ra sẽ chỉ khiến anh lo ngại. Song có áp đặt lô-gích đến đâu, tôi cũng không dễ dàng khuây khỏa được.

Có thể điều này sẽ khiến tôi gây ra cho anh những rắc rối to lớn trong tương lai. Thế nên tôi sẽ xin anh thứ lỗi từ bây giờ. Tôi thật lòng, thật lòng xin lỗi, và xin đừng bỏ mặc tôi.

Ngày gửi: 24/06/2011

Chủ đề: Thông báo tiến triển

Kanjori đây. Tôi sẽ nói ngắn gọn về những thay đổi trong trạng thái tâm lý của tôi sau thời điểm phơi nhiễm.

Thay đổi đầu tiên là việc gặp gỡ bệnh nhân đã trở nên vô cùng khổ sở. Lúc đầu tôi cho là vì mỏi mệt trong công việc, nhưng không bao lâu sau, nó đã mở rộng từ “bệnh nhân” sang “bất kỳ ai.” Hội chứng này tương xứng với sự “trốn tránh giao tiếp với người khác” mà cả bốn bệnh nhân đều có. Mặc dù biểu hiện bên ngoài phân hóa - trường hợp của Y và S là “cảm thấy khó chịu vì mùi của người khác,” trường hợp của chị là “lo sợ gây ra đau đớn cho người khác,” và trường hợp của H thì là “ngại bị người khác nhìn”… tôi coi chúng đều có chung một nguồn gốc.

Đây là giả thuyết của tôi: về cơ bản, những người bị nhiễm con giun này trở nên ghét bỏ cộng đồng. Tôi giả định rằng sự khác biệt giữa các triệu chứng cụ thể của từng bệnh nhân là sự khác biệt trong cách não bộ họ lý giải cho sự ghét bỏ vô căn cứ mà con giun áp đặt cho họ.

Tất nhiên, tôi vẫn chưa rõ việc con giun loại bỏ đi sự tiếp xúc với xã hội của vật chủ để mang lại lợi ích gì cho nó… Lấy một ví dụ, có những loài sán dây sẽ khiến cho một loài giáp xác nhỏ có tên là tôm Artemia, vốn thường sống độc lập, đi theo bầy. Bằng cách này, khả năng loài Artemia bị ăn bởi vật chủ cuối cùng của chúng là loài hồng hạc lớn sẽ gia tăng. Do vậy tôi có thể hiểu nếu chúng khiến cho các vật chủ xích lại gần nhau để đạt được một mục đích như vậy. Nhưng cô lập vật chủ như thế này thì phỏng có ích gì?

Thay đổi thứ hai, chắc chị cũng đoán ra. Tôi có chút miễn cưỡng trong việc loại bỏ đi loài ký sinh trùng này trong cơ thể của tôi. Nhưng tôi đành không thể tiết lộ kỹ hơn bây giờ. Những trường hợp vật chủ trở nên gần như là gắn bó với loài ký sinh trùng đáng lý có hại không phải là chuyện đủ bất thường để đáng được nhắc đến.

Vấn đề nằm chính ở thay đổi thứ ba. Việc này có liên quan tới thứ “nhảm nhỉ” mà chị viết trong thư  trước đó.

Sự thật là, tôi rất mừng khi đọc được lời thú nhận của chị. À, không hẳn là thế - và với tư cách là một bác sĩ, đây là chuyện không đúng mực - tôi nghĩ cảm tình của tôi dành cho chị thậm chí còn lớn hơn cảm tình mà chị dành cho tôi. Cho dù triệu chứng ghét bỏ cộng đồng vẫn tiếp tục phát triển rõ rệt, song cảm xúc đó chỉ trở nên càng ngày càng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, chúng ta không thể vội vã kết luận. Trước khi ăn mừng quá sớm, có một vấn đề mà chúng ta cần phải cân nhắc.

Khi đưa con giun vào cơ thể, có một điều tôi đã quyết định trong lòng. Chính là: tôi sẽ xem xét tất cả mọi thay đổi tâm lý xảy ra sau đó với sự nghi ngờ. Khi đã bị ảnh hưởng bởi con giun, tôi không còn có thể chắc chắn đâu là ý chí của chính tôi và đâu thì không. Có nghĩa rằng tôi chỉ có thể nghi hoặc mọi thứ.

Do vậy, tôi tự hỏi về thứ tình cảm lãng mạn này. Và tôi không chỉ nghi ngờ vô căn cứ, mà có một ý như sau.

Khi theo dõi Y và S, tôi đã chứng kiến một sự thay đổi hết sức lạ lùng. Việc điều trị đã có tiến triển, tác động của con giun suy giảm, hội chứng ghét bỏ cộng đồng của họ chắc chắn đã khá hơn, nhưng ngược lại, tôi nhận thấy tâm hồn của họ ngày càng xa cách. Hai tháng sau khi bắt đầu điều trị, cảm giác gần gũi của một cặp đôi mới cưới mà tôi thấy ở họ khi mới gặp lần đầu dường như đã biết mất không vết tích.

Lúc đầu, tôi lý giải rằng việc lo lắng về loại bệnh chưa được xác định này đã khiến họ rơi vào trạng thái của ‘hiệu ứng cầu treo’. Khi nguy hiểm cận kề ấy đã qua đi, họ cũng không còn điều gì để hun đúc cho tình yêu nữa. Nhưng giờ khi đã tự mình phơi nhiễm với con giun, tôi không thể không cảm thấy có một ý nghĩa sâu xa hơn ẩn dưới sự thay đổi trong mối quan hệ của họ. Như thể… tình yêu của họ là một thứ được duy trì bởi con giun.

Izumi, điều mà tôi nói với chị ít nhiều là thế này: khi vẫn còn tồn tại khả năng con giun đó có thể tác động đến cả tình yêu của vật chủ, thì chúng ta không thể kết luận vội vàng về cảm xúc của mình được.

Tôi hy vọng chị có thể đưa ra một phán đoán khách quan.

Ngày gửi: 25/06/2011

Chủ đề: Một vài thắc mắc

Nói cách khác, anh đang muốn nói là chúng ta không yêu nhau, mà là những con giun trong người chúng ta mới đang yêu?

Chắc chắn là một người tay ngang như tôi thì không hiểu được… nhưng cứ cho là con giun này có khả năng khiến cho vật chủ của chúng yêu nhau. Tại sao nó lại cần phải có khả năng đó? Kể cả nếu đây là chiến thuật nhân giống của chúng, tại sao lại phải khiến cho vật chủ yêu nhau?

Nếu người bị nhiễm giun yêu một người khỏe mạnh thì hoàn toàn hiểu được, nó sẽ gia tăng khả năng lây bệnh. Nhưng lấy lý do nào để chúng chỉ kết đôi cho những người đã bị nhiễm rồi cơ chứ?

Bác sĩ, có phải anh đang cố đưa ra một lý do nghe có vẻ hợp lý để giữ khoảng cách và tránh làm tôi tổn thương không? Tôi buộc phải nghi ngờ như thế.

Ngày gửi: 28/06/2011

Chủ để: TL: Một vài thắc mắc.

Việc chị ngờ vực như thế chẳng có gì là lạ, Izumi. Tôi cũng đang chìm trong những nghi hoặc tương tự mấy ngày nay. Chúng vốn đã trú ngụ được trong vật chủ rồi, vậy khiến cho hai vật chủ yêu nhau sẽ mang lại lợi thế gì cho việc duy trì nòi giống?

Tôi chợt nảy ra một câu trả lời khả dĩ cho câu hỏi đó chỉ mới hôm qua, trong lúc đi dọc qua đại lộ. (Tôi vẫn thường đi lang thang vu vơ như thế mỗi lần phải suy nghĩ). Tôi đã vắt não ra mà vẫn không tìm được ra một câu trả lời thích hợp, nên trong lúc ngắm những cây anh đào Yoshino bên vệ đường, tôi bỗng nghĩ.

Khi còn bé, có một người bạn lập dị học chung tiểu học, môn nào cũng kém, nhưng riêng môn sinh thì lại có kiến thức ngang ngửa học sinh cấp ba. Một ngày, tôi đang đi cùng với cậu bạn đó tới trường dưới hàng cây anh đào, cậu ta bất chợt hỏi tôi. “Cậu đã bao giờ trông thấy cây Yoshino ra quả chưa?”

Tôi đáp rằng chưa bao giờ thấy cả, và cậu ta hãnh diện chỉ cho tôi cách thức của chúng.

“Đó là bởi vì cây Yoshino có tính bất tự hòa hợp cao – một đặc điểm di truyền cản lại việc tự thụ phấn. Chiếu sang con người thì nó giống như một cơ chế ngăn chặn giao phối cận huyết. Cây Yoshino là loại cây được lai giống nhân tạo bằng phương pháp ghép, thế nên giữa hai cá thể, bất kể thụ phấn chéo kiểu gì cũng sẽ là giao phối cận huyết. Một loài cây lai có thể được sinh ra bằng cách thụ phấn chéo với một giống anh đào khác, còn hai cây Yoshino thì sẽ không bao giờ sinh ra được cây con. Cũng bởi cây Yoshino thường không được trồng với các giống anh đào khác, thế nên chúng hiếm khi nào có cơ hội ra quả…”

Nhớ lại đến đây, tôi nhận ra.

Giả sử con giun này cũng tương tự như cây Yoshino thì sao?

Giả sử con giun này cũng có một cơ chế ngăn chặn giao phối cận huyết giữa các cá thể có gen di truyền tương tự nhau bằng cách nhận ra mối quan hệ máu mủ giữa chúng.

Tôi theo đuổi giả thuyết ấy. Nếu như cơ chế tự phân biệt ấy “ngăn chặn sự giao phối của các cá thể trưởng thành trong cùng một vật chủ” thì sao? Để giao phối với một cá thể trưởng thành trong vật chủ khác, việc di chuyển giữa các vật chủ sẽ trở nên cần thiết. (Suy cho cùng, những loài hoa thụ phấn bằng côn trùng không thể yêu cầu chúng chỉ lấy đi phấn). Để hoàn thành mục tiêu đó, vạch ra một phương án khiến cho các vật chủ yêu nhau sẽ là vô cùng hợp lý đấy chứ?

Phải nói rằng, đây là một ý tưởng lố bịch. Vì không có cơ sở, tôi đành phải suy luận nhảy cóc. Nghe thì đúng giống như là ý tưởng của một kẻ đọc quá nhiều truyện viễn tưởng. Tôi đã thử cười trừ đi cái ý nghĩ này. Đúng là việc đó không chỉ có ở thực vật và nấm; một vài loài động vật cũng sở hữu cơ chế tự triệt sản giống thế. Ví dụ như loài hải tiêu pha lê - Ciona intestinalis. Nhưng dẫu có để phục vụ cho mục đích đa dạng nguồn gen, chẳng có lý nào một sinh vật có phương thức sinh sản phức tạp, vòng vèo như thế lại tồn tại…

Đó cũng là lúc tôi đứng khựng lại. Tôi nhớ ra là có, có một sinh vật như thế tồn tại, cho dù chúng có khả năng trinh sản, nghĩa là có thể sinh sản mà không cần thụ tinh, nhưng vẫn tuân theo một “phương thức sinh sản phức tạp và vòng vèo.” …Đúng vậy, chẳng cần phải nói thêm nữa: tôi đang nhắc tới loài ký sinh trùng mà chị đã đề cập đến trong một buổi nói chuyện trước đây: Diplozoon paradoxum.

Nó không chỉ giới hạn ở loài Diplozoon paradoxum. Ví dụ, một số loài sán lá gan tuy lưỡng tính và có thể trinh sản, thế nhưng lại không thể trưởng thành nếu không tiếp xúc với một cá thể khác. Nếu xem xét kỹ, phương pháp sinh sản có vẻ vô lý và phức tạp này hóa ra lại rất phổ biến trong thế giới của ký sinh trùng.

Tôi đang cố gắng triển khai ý tưởng này xa hơn. Nếu đúng có tồn tại một loài ký sinh khiến những cặp đôi vật chủ yêu nhau, làm cách nào để những người bị nhiễm nhận ra nhau? Chắc chắn là chúng phải gửi đi một loại tín hiệu nào đó. Tôi không biết tính chất hay độ mạnh yếu của nó, nhưng… dù sao đi nữa, tôi giả thiết rằng sự tồn tại của tín hiệu này là nguyên nhân dẫn đến thực tế phi thường là tất cả những bệnh nhân bị nhiễm liên tục dổ dồn tới chỗ tôi như vậy. Có lẽ họ tìm đến nhau một cách vô thức vì con giun.

Với giả thuyết trên, phương án khiến cho vật chủ trở nên ghét bỏ cộng đồng tưởng chừng vô lý, giờ đã có một lời giải thích tiềm năng. Chẳng hạn… nếu như mục đích con giun tiếm quyền không phải là để cô lập vật chủ, mà là để mang các vật chủ lại với nhau thì sao? Nếu mọi thành viên của cùng một nhóm đều bị nhiễm loài giun này, tính biệt lập và sự gắn kết của nhóm theo dự kiến sẽ tăng vọt. Trong một nhóm nhiễm bệnh và phải cùng nhau hợp tác như vậy, khả năng duy trì nhóm sẽ cao hơn so với một nhóm không nhiễm bệnh, và như vậy thì khả năng sống sót của từng thành viên cũng sẽ cao hơn. Đó sẽ là một điều cực kỳ có lợi cho con giun trong việc biến loài người thành vật chủ cuối cùng của nó.

Ký sinh trùng tác động lên tập tính xã hội của vật chủ là một thứ đã được phát hiện từ rất lâu về trước. Ngay cả Dawkins cũng đã chỉ ra rằng cơ cấu xã hội bậc cao của loài mối được hình thành bằng cách điều khiển những vi sinh vật trong cơ thể chúng. Bằng cách cho ăn qua đường miệng, những con mối phát tán loài vi sinh vật này tới toàn bộ các thành viên trong tổ, và người ta cho rằng hành động này được xui khiến bởi loài vi sinh vật đó nhằm mục đích sinh sản. Hay lấy ví dụ cực đoan hơn, có một giả thuyết đã cho rằng tính chất xã hội của loài khỉ vervet và khỉ Nhật Bản, kéo theo đó là loài người, được gây ra bởi một loại retrovirus. Nếu virus và vi khuẩn có thể làm thế, thì có lẽ không có gì lạ ở chuyện một con giun có thể gây ảnh hưởng lên xã hội loài người.

Tôi không có ý muốn giữ khoảng cách với chị, Izumi. Thực ra, chính bởi vì tôi muốn yêu chị bằng một niềm tin mãnh liệt nên mới dốc hết sức ra để bác bỏ đi dù chỉ là một chút nghi ngờ.

Nghĩ lại thì, trong gần năm mươi năm cuộc đời, tôi lúc nào cũng đơn độc. Tôi chưa từng gặp được ai có thể lay chuyển được cảm xúc của mình, và càng tiếp xúc với con người, tôi càng thấy trống trải. Chẳng mấy chốc sau khi bước sang tuổi bốn mươi, tôi rơi vào trạng thái vô cảm, sống qua ngày mà như đang chết dần. Nhưng việc gặp được chị đã khiến cho những rung động trái tim mà từ lâu lắm rồi tôi không cảm nhận được quay về. Khi nói chuyện trực tiếp với chị, lòng tôi rộn lên như một cậu bé vừa mới biết yêu. Đó cũng là lý do để tôi có những e dè. Nếu những cảm xúc ấy chẳng qua được mang đến bởi một con giun, đó sẽ là lời nhạo báng lớn nhất tới nhân loại.

Ngày gửi: 30/06/2011

Chủ đề: (không có)

Tôi thấy vui khi nghe anh nói thế, bác sĩ.

Rất, rất vui.

Đủ để cái chết không còn đáng sợ.

Nhưng nếu giả thuyết của anh là đúng, thì khi con giun không còn, cảm xúc của tôi cũng sẽ mất.

Tôi nghĩ như thế thì thật là buồn bã.

Đầu tháng bảy tôi sẽ tới bệnh viện.

Xin từ biệt.

*

Sự trao đổi giữa hai con người kết thúc tại đó. Kousaka trong một lúc không hề nói gì, mắt vẫn nhìn chăm chú xuống đống tài liệu.

Hắn xem lại ngày tháng trên bài báo và trong các email. Cuộc trao đổi giữa họ kết thúc vào ngày 30 tháng 6, và đến 20 tháng 7, họ tự tử. Chỉ có thần thánh mới biết được chuyện gì đã xảy ra với họ trong khoảng thời gian hai mươi ngày đó. Họ không nói với ai phần việc quan trọng nhất, đem theo bí mật đó xuống dưới mồ.

Chẳng cần hỏi ý định của Urizane khi đưa cho hắn xem những tài liệu này là gì. Kanjori và Izumi yêu nhau do những ảnh hưởng của con giun, và sau đó, thực hiện một cuộc tự tử đôi đầy bí ẩn – vậy nên rất có thể Kousaka và Sanagi cũng yêu nhau vì ảnh hưởng của con giun đó để rồi lặp lại điều tương tự.

Chuyện là thế, không hơn không kém.

Kousaka trả lại mẩu báo và đống tài liệu cho Urizane. Rồi hắn hỏi.

“Người ‘H’ trong này có phải là Sanagi?”

“Cậu đoán đúng rồi đấy,” Urizane xác nhận.

Kousaka suy tư trong vài giây, rồi hỏi thêm một câu. “Tính tình của Sanagi trước khi có con giun ấy có khác không?”

“Đó là một câu hỏi khó trả lời.” Miệng Urizane hơi cong lên, tay đưa lên gãi gáy. “Theo một cách nào đó thì đúng thế… nhưng mà, chuyện quá rắc rối để mà khẳng định chính xác.”

“Có nghĩa là…?”

Urizane xoay người một chút để nhìn ra ngoài cửa sổ. Cái ghế kẽo kẹt dưới sức nặng của ông ta. Phần bên trên ô cửa sổ bị chắn bởi những cột băng treo lủng lẳng từ mái nhà.

“Tôi sẽ giải thích mọi thứ theo thứ tự, bao gồm cả điều đó. Những việc đã xảy ra với Hijiri trong một năm qua. Rồi cả cái cách mà con giun đã hủy hoại đời con bé.”

Urizane đặt tay lên đùi và ngồi thẳng dậy.

Ông ta bắt đầu: chuyện xuất phát từ một cuộc tự tử của đôi vợ chồng nọ.

Họ sống hòa thuận, không gặp vấn đề về kinh tế, công việc của người chồng thuận lợi, người vợ hài lòng với đời sống nội trợ, con gái duy nhất của họ đang lớn lên từng ngày. Một gia đình hạnh phúc điển hình. Không có lấy một lí do nào để họ tự tước đi mạng sống của mình.

Thế nhưng lại khó có thể nghi ngờ rằng cái chết của họ không phải là do tự tử. Những người qua đường đã chứng kiến cặp đôi nắm tay nhau nhảy xuống từ một cây cầu trên núi. …Đó là chuyện của một năm trước.

Chỉ có con gái họ, Hijiri, còn sống. Nó mới chỉ vừa bước sang tuổi mười sáu, không có người thân thích nào khác, thế nên con bé được đặt dưới sự chăm sóc của người ông ngoại – là ta.

Một thời gian sau khi nhận nuôi con bé, nó hiếm khi nào nói gì với tôi. Song dường như không phải nó không muốn nói, mà là nó đã quên cách nói chuyện với những người khác. Con bé từng là một đứa trẻ vui tươi với rất nhiều bạn bè, nhưng rồi như một con người khác, nó trở nên trầm lặng, dùng ít ngôn từ nhất có thể ngay cả ở trường. Hồi đó tôi nghĩ nguyên nhân là từ cú sốc lớn sau cái chết của cha mẹ. Người mẹ quá cố của nó – mặc dù ta không được nghe tin tức gì suốt một thời gian dài – dù sao cũng là con gái của ta, và cũng chỉ mới hai năm trước ta vừa mất đi người vợ, nên ta hoàn toàn hiểu được nỗi buồn của Hijiri.

Tuy nhiên, sự thật khác với ta mong đợi. Trong lòng con bé không chỉ chất chứa những tiếc thương.

Từ đó tới giờ nó còn có một suy nghĩ khác.

Để rồi, không một dấu hiệu báo trước, Hijiri cũng nói ra một câu thế này.

“Cháu không nghĩ cha mẹ cháu chết do tự tử.”

“Cháu nói sao?” Ta mới hỏi. Thế rồi Hijiri mới tuôn ra như một con đê vỡ. Về chuyện cha mẹ nó bắt đầu cư xử kỳ lạ khoảng nửa năm trước vụ tự tử. Họ trở nên sợ hãi những người xung quanh một cách bất thường, và bộc lộ ra chứng phức cảm hành hạ không thể giải thích nổi – “hàng xóm đang theo dõi tôi,” “tôi luôn luôn bị bám đuôi.”

“Cháu thấy lạ khi họ đột ngột trở thành như vậy, nhưng giờ thì, cháu cảm thấy mình cuối cùng cũng hiểu ra nguyên nhân,” con bé nói. “Hai người họ bị bệnh. Và hình như cháu cũng đã bị mắc căn bệnh tương tự.”

Ta không thể hiểu dù chỉ một nửa câu nói của Hijiri. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau con bé bắt đầu thường xuyên bỏ học, trở nên xa lánh ta, đến đó ta mới hiểu ra “bị bệnh” là như thế nào.

Nó đang đi vào vết xe của cha mẹ nó, linh tính mách bảo ta. Ta cảm nhận được nếu để mặc một mình, con bé sẽ đi tới đường cùng. Đó không phải một thứ có thể chữa lành một cách tự nhiên.

Ta đem Hijiri tới vô số bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học. Nhưng họ chẳng tìm ra điều gì quan trọng; tất cả những gì được làm sáng tỏ là con bé có một nỗi sợ bị người khác nhìn, và không có dấu hiệu gì là tiến triển.

Song lời kể của một nhà tâm lý học lâm sàng đã mang lại bước đột phá. Trong lúc giải thích cho ta về tiến trình chữa trị, người phụ nữ trẻ đó có nói, “Nhắc mới nhớ…”

“Giữa lúc đang nói chuyện bình thường, Hijiri có bảo “Có một con giun trong đầu cháu.” Cô bé không mong đợi cháu phản ứng gì, nhưng cháu đã giật mình. Cháu nghĩ đây sẽ là một đầu mối để hiểu được tâm lý cô bé, nên cháu đã bảo em giải thích kỹ lưỡng hơn. Nhưng cô bé lại nói đó chỉ là nói đùa và né tránh câu hỏi, kể từ đó cũng không nhắc gì đến con giun nữa.”

Sau đó, nhà tâm lý học lâm sàng đó giải thích về những cách diễn giải tâm lý thông thường của câu nói “có giun trong đầu.” Trong một vài ví dụ hiếm hoi, căng thẳng tột độ hay chứng rối loạn phân ly có thể gây ra những ảo giác về ký sinh trùng.

Tuy nhiên, riêng ta thì lại cứ phân vân một cách kỳ lạ về cụm từ “giun trong đầu”. Trong lúc ngủ, lúc thức, cụm từ đó cứ đóng chặt ở trong tâm trí ta. Ta không thể không nghi ngờ có một ý nghĩa đặc biệt trong lời nói bâng quơ của con bé. Ta đoán nó không đến từ óc phán đoán của một bác sĩ, mà là bản năng của một người ông ngoại.

Gần đây, con bé bị mắc chứng đau đầu kinh niên, thường xuyên phải sử dụng thuốc giảm đau. Ta vốn coi đó là một điều bình thường đối với con gái tuổi nó, nhưng một khi đã nghi ngờ, ta không thể an lòng khi chưa tìm ra nguyên cớ.

Ta hạ quyết tâm đến hỏi nó, nhưng Hijiri khăng khăng “cháu chưa từng nói gì như thế.” Thế là ta bịa ra một lý do để lấy máu của con bé, và đem nó đi xét nghiệm.

Kết quả thu được khiến ta toát mồ hôi. Eosinophil gia tăng, nồng độ IgE cao, những đặc điểm dễ nhận dạng của chứng dị ứng và nhiễm ký sinh trùng. Tất nhiên là ta không thể chỉ dựa vào đó và kết luận có thực sự là có “một con giun trong đầu” con bé, nhưng rõ ràng là cơ thể nó đang có thay đổi.

Ta nhờ sự trợ giúp của một người bạn để gặp gỡ với một giáo sư y khoa chuyên nghiên cứu về ký sinh trùng học. Giáo sư đó có tên là Yutaka Kanjori – người đã trở thành trung tâm của vụ việc này.

Kanjori là một người đàn ông đã xế bốn mươi tuổi, vẻ ngoài mộ phạm u ám, nhưng cũng cao ráo và sở hữu đường nét khuôn mặt sắc cạnh. Cậu ta là một gã lôi cuốn, dường như khá nổi tiếng ở địa phương, được biết tới với niềm đam mê về ký sinh trùng học đến nỗi chẳng màng đưa cả ký sinh trùng vào cơ thể để phục vụ mục đích nghiên cứu.

Ta đã nói chuyện với giáo sư Kanjori. Về cái chết phi lý của cặp vợ chồng, về những bất thường của cháu gái ta: chứng nhức đầu kinh niên, về “con giun trong đầu”, về kết quả xét nghiệm máu. Ta đã sẵn sàng hứng chịu sự chế nhạo, nhưng giáo sư Kanjori lại bộc lộ một sự hứng thú chưa từng thấy. Đặc biệt, cậu ta có vẻ phản ứng rất mạnh khi ta nhắc đến con “giun trong đầu” và chứng sợ bị người khác nhìn.

Hijiri được đưa đến để làm một vài xét nghiệm đặc biệt. Một tuần sau đó, ta đã thử đem Hijiri đi cùng để nghe kết quả, nhưng nó không chịu, lấy cớ đau đầu. Ta biết thừa đau đầu chỉ kéo dài một lúc, nhưng vì không muốn ép con bé phải đi nếu nó không muốn, nên ta đã tới bệnh viện của giáo sư Kanjori một mình.

Ở đó, ta đã được tiết lộ một sự thật kinh hồn.

“Đầu tiên, mời ông xem cái này.”

Giáo sư Kanjori cho ta xem kết quả chụp cắt lớp não bộ của Hijiri. Trên đó, ta có thể thấy một vài khu vực có màu tương phản hình cái nhẫn. Kế đó, cậu ta cho ta xem kết quả xét nghiệm máu. Trước khi ta có thể nhìn qua số liệu, giáo sư Kanjori đã tuyên bố luôn.

“Cháu sẽ đi thẳng đến kết luận, có một con ký sinh trùng trong não cháu gái chú.”

Ta há hốc và chậm rãi gật đầu. Bằng cách nào đó, ta đã có thể bình tĩnh tiếp nhận sự thật đó, đến chính ta cũng thấy lạ.

Giáo sư Kanjori nói tiếp. “Tuy nhiên, có thể nói, cháu gái của chú vô cùng may mắn. Tất nhiên là chuyện bị nhiễm ký sinh trùng thì không may chút nào… nhưng việc chú tìm đến cháu đầu tiên để chẩn đoán cho cháu thì không thể là gì khác ngoài phép màu.”

Thế rồi cậu ta giải thích rằng đã có những bệnh nhân khác với triệu chứng tương tự như Hijiri, trong đầu họ cũng có một loài ký sinh trùng mới đang lẩn trốn, con “giun” đó có khả năng đang chế ngự tâm trí của vật chủ nó ra sao, nhưng vẫn hoàn toàn có thể được chữa trị với các phương pháp y tế hiện thời.

Ngày hôm sau, tôi đến bệnh viện một lần nữa cùng với Hijiri. Hijiri bắt đầu được giáo sư Kanjori điều trị. Đó là cách mà ta đã quen được vị giáo sư đó – nhưng chưa đầy một tháng sau, bọn ta biết tin về cái chết của cậu ta.

Vụ tự tử của giáo sư Kanjori được đăng đầy trên báo. Bản thân giáo sư y khoa của một viện nghiên cứu đại học tự tử đã là chuyện lạ, nhưng thực tế không chỉ có cậu ta, mà còn là một vụ tự tử đôi với bệnh nhân của mình nữa, đã gây ra một cơn địa chấn. Đủ loại giả thuyết được rêu rao.

Ta cho Hijiri xem bài báo về cái chết của giáo sư Kanjori. Ta biết giấu diếm chẳng có ích gì. Con bé nhìn qua, tự nhủ một câu “Hơ, y như cha mẹ cháu.” Cảm nhận của ta lúc ấy cũng giống thế.

“Vị bác sĩ đó có thể đã dùng cơ thể của chính mình để làm vật thí nghiệm,” Hijiri nói mà sắc mặt không đổi. “Người tốt như thế mà lại…”

“Cháu cũng nghĩ loài giun đó là nguyên nhân khiến cậu ta tự tử sao?”, ta hỏi, và con bé gật đầu như thể chuyện hiển nhiên.

“Người bệnh nhân mà bác sĩ đó tự tử cùng có thể cũng là một trong các bệnh nhân. Người phụ nữ đó đã đến gặp giáo sư Kanjori ngay trước cháu.”

Ta suy nghĩ một lúc, rồi hỏi Hijiri.

“Ta hỏi thật cháu câu này. Vào lúc này cháu có thấy muốn chết không, dù chỉ là một chút?”

“Chắc cháu không thể nói là không muốn,” Hijiri nhún vai. “Nhưng cái mong muốn đó đã xuất hiện từ lâu rồi. Nó không chỉ mới xuất hiện. Cứ cho là thuộc về tính cách cũng được.”

Nghe thấy thế giúp ta nhẹ lòng đôi chút.

“Cứ cho con ký sinh trùng này là một loại sinh vật nguy hiểm có thể khiến cho người nhiễm nó tự tử,” con bé nói, trỏ vào trán nó. “Hay biết đâu triệu chứng giữa mỗi người có thể sẽ khác nhau? Nếu không, cặp vợ chồng đầu tiên tới khám đáng nhẽ ra đã tự kết liễu cuộc đời họ từ lâu rồi.”

“Cháu không sợ à?” Ta không thể không hỏi, một phần là vì thấy cháu gái mình quá bình tĩnh đón nhận tình hình như vậy.

“Cháu có sợ. Nhưng ít nhất thì có thêm một chuyện đã sáng tỏ. Cha và mẹ cháu không tự tử và bỏ cháu lại. Chỉ là con ký sinh trùng đã giết họ thôi.”

Dứt lời, Hijiri mỉm cười. Đáng cười thay, đó là nụ cười đầu tiên của nó kể từ khi được đặt dưới sự chăm sóc của ta.

Ta chỉ nhận ra vào tối hôm đó rằng giáo sư Kanjori đã gửi một bức thư điện tử cho ta ngay trước khi tự sát.

Có thể giáo sư Kanjori đến phút cuối vẫn lo lắng rằng cậu ta sẽ kết liễu đời mình và bỏ mặc ba bệnh nhân còn lại. Thế nên cậu ta mới gửi gắm nó cho ta, người làm trong cùng một lĩnh vực, và là họ hàng của một bệnh nhân, biết chi tiết về những điều liên quan đến con giun. Khả năng những email của họ được gửi đến ta là nguyên vẹn vì không còn thời gian để ghi lại một lời nhắn đúng nghĩa.

Ta đã đọc đi đọc lại những email trao đổi giữa hai người, nhưng vẫn không biết được gì hơn về tác nhân đã khiến con giun thúc đẩy vật chủ nó tìm đến cái chết. Một điều rõ ràng là ngay cả người có học thức như giáo sư Kanjori cũng không chế ngự nổi con giun.

Ta đã tiếp tục thực hiện chữa trị cho Yuuji Hasegawa và Satoko Hasegawa – hai người “Y” và “S” được nhắc đến trong email. Biến chứng liên quan đến ký sinh trùng không phải chuyên môn của ta, nhưng bằng cách làm theo phác đồ trong email, ta vẫn có thể tiến hành diệt giun cho cặp Hasegawa và Hijiri.

Xét việc cả bốn người đã chết cho tới thời điểm này đều là các cặp đôi bị nhiễm giun, ta đã khuyên cặp Hasegawa tạm thời sống xa nhau. Họ sẵn lòng nghe theo. Thậm chí trông họ nhẹ nhõm vì đã có một lý do chính đáng để tách ra. Hệt như giáo sư Kanjori miêu tả trong email. Dường như mối quan hệ giữa họ không còn có thể hàn gắn được nữa.

Dù cặp Hasegawa đang tiến triển, những triệu chứng của Hijiri vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Con bé dùng cùng loại thuốc trị giun, nhưng có một sự khác biệt đáng kể trong hiệu quả. Chứng ghét bỏ cộng đồng Hasegawa dần dần yếu đi, còn Hijiri thì không, mà chỉ nặng hơn.

Cũng phải, bởi hóa ra, Hijiri đã không chịu uống thuốc.

Một hôm ta tình cờ chứng kiến được. Ta có mặt đúng lúc Hijiri ném viên thuốc vào trong sọt rác. Mắt nó nhìn ta, không hề hối lỗi; con bé chỉ nhún vai như muốn nói “ông muốn mắng mỏ gì cháu cũng được.”

Riêng lần đó, ta đã nghiêm khắc với Hijiri. Ta hỏi nó có biết mình đang làm gì không, và con bé thở dài với vẻ chán chường. Rồi nó lẩm bẩm một câu,

“Cháu không cần khỏi bệnh. Cháu chẳng quan tâm chuyện nó sẽ giết cháu. Đằng nào cháu cũng muốn nhanh chóng từ biệt cái thế giới này.”

Đó là tại con giun trong người cháu, nó khiến cháu suy nghĩ như thế để bảo vệ cho nó – dù đã hết sức cố gắng, ta vẫn không bảo được nó. Không lâu sau, con bé nhuộm tóc sáng màu và bấm khuyên tai. Rồi nó bỏ học, chỉ đọc mỗi sách viết về ký sinh trùng và triết học.

Để trừ khử con giun trong Hijiri sẽ cần phải nhen nhóm trong nó một khao khát được chữa trị. Tuy nhiên, ta không biết làm cách nào để con bé có thái độ tích cực hơn về việc trị giun.

Thế rồi ông Izumi xuất hiện. Người đàn ông bỗng từ đâu đến gặp ta không một lời hẹn trước này có một cái họ thật quen. Dĩ nhiên là vậy rồi. Ông ta là cha của cô Izumi, người phụ nữ đã tự tử cùng với giáo sư Kanjori. Ông ta cũng nhận được email của giáo sư và đã biết được sự tồn tại của con giun.

Ông ta là một vệ sĩ và đang làm cho một tập đoàn quốc phòng lớn, nhưng cảm nhận ban đầu của ta thì ông ta giống một nhà khoa học hoặc một kỹ sư hơn. Cách nói chuyện của ông ta có một lối tư duy như thế. Ông Izumi đã không căm ghét vị bác sĩ láo xược đã tự tử cùng với bệnh nhân của mình. Trên thực tế, ông ta tôn trọng sự dũng cảm của giáo sư Kanjori khi đã cố gắng cứu chữa cho con gái ông, để rồi trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Ta thấy lạ khi ông ta có thể bình tĩnh đến vậy. Nếu người đã tự tử cùng với giáo sư Kanjori không phải là con gái ông ta mà là cháu gái của ta, liệu ta có thể xử sự lịch thiệp giống vậy không? Ta cho đó là điều không thể.

Ông Izumi tìm đến ta hỏi rằng có thể làm điều gì để giúp tiêu diệt loài giun đó. Lúc đầu, ta đã lịch sự từ chối. Ta cảm động trước lời đề nghị ấy, nhưng thật sự là một người không chuyên như ông ta khó mà giúp được gì.

Tuy nhiên, ông ta vẫn nhất quyết. Làm ơn hãy để tôi giúp, cách nào cũng được, ông ta cầu xin. Ta thấy trong mắt ông ta có một ngọn lửa kỳ lạ. Ta đoán: có lẽ ông Izumi này muốn cái chết của con gái mang lại một ý nghĩa nào đó. Sự ra đi của con gái trở thành động lực để ông ta hành động, và điều đó sẽ mang đến ánh sáng cho các bệnh nhân khác – ông ta tìm đến cái kết như thế chăng? Có lẽ ta chỉ có thể giúp cho ông ta có được một thứ gì đại để như thế.

Ta đồng cảm sâu sắc với ông ta, và xem xét lời yêu cầu đó kỹ hơn. Rồi ta nghĩ ra một việc mà ông ta có thể làm.

Khi ta kể về chuyện Hijiri miễn cưỡng với việc chữa trị và thiếu nghị lực sống, ông ta nhận lời ngay.

“Để đó cho tôi.” Ông ta vỗ ngực. “Tôi cam đoan sẽ khiến cho cháu gái ông mở lòng.”

Và thế là ông Izumi bắt tay vào nỗ lực giúp cho Hijiri có mong muốn được sống trở lại. Chẳng bao lâu, ông ta tìm thấy cậu. Việc này hoàn toàn là trùng hợp. Ông Izumi chỉ muốn tìm người có khả năng tạo dựng mối quan hệ gần gũi với Hijiri, chứ chẳng dám mong là sẽ tìm được thêm một người bị nhiễm giun nữa.

Dù thế nào, kết quả là cậu và Hijiri đã phải lòng nhau, khiến cho con bé mở cửa trái tim đóng chặt của nó. Nếu như tôi không mủi lòng chấp nhận yêu cầu của ông Izumi, khả năng cao là Hijiri vẫn sẽ chỉ một mình giữ chặt lấy bóng tối trong lòng. Có lẽ vì vậy nên người ta mới nói: Cho đi nghĩa là nhận lại.

*

Câu chuyện kết thúc ở đấy. Urizane đặt tay lên cổ và húng hắng, hẳn là mệt do nói nhiều.

Kousaka cố gắng sắp xếp trong đầu nội dung của đống email cùng với câu chuyện của Urizane. Ba điểm chính đã được làm rõ về con “giun” trong người hắn – và của Sanagi – là như sau.

1. Con giun cô lập vật chủ của nó.

2. Con giun khiến cho các vật chủ yêu nhau.

3. Khi hoàn thành những điều kiện nhất định, các vật chủ sẽ tự sát.

“Nói tóm lại,” Kousaka mở lời, “ông gọi tôi đến đây để tiêu diệt con giun trước khi Sanagi và tôi chịu chung số phận với giáo sư Kanjori và cô Izumi?”

“Đúng thế.”

“Có nghĩa là…” Kousaka hỏi. “Ông muốn tách Sanagi và tôi ra xa?”

“Chính xác. Người đã đưa hai cô cậu đến với nhau không ai khác ngoài chúng tôi, nhưng tình thế đã thay đổi. Lý do ông Izumi thuê cậu làm bạn của Hijiri là để mong con bé sẽ mở lòng mình ra và tìm lại nghị lực sống. Đánh giá của ông ta không sai, nhưng mà… nếu như đây là tác động của con giun thì lại hoàn toàn khác. Ta rất tiếc, nhưng ta không thể để cho cậu đến gần Hijiri thêm nữa. Đề phòng chuyện xấu nhất xảy ra.”

Kousaka thử mường tượng cái “chuyện xấu nhất” mà Urizane nói đến. Khung cảnh hắn cùng Sanagi cùng nhau tự tử hiện lên một cách sống động đến bất ngờ trong tâm trí hắn. Ra vậy – vào lúc này, kết cục như thế có xảy ra cũng chẳng lạ, Kousaka nghĩ như thể hắn chẳng có phần nào liên can. Nếu Sanagi yêu cầu hắn, Kousaka chắc cũng sẽ chẳng chối từ, và ngược lại. “Sống tiếp thật khó” – chỉ cần lý do đó là đủ.

Có khi Kousaka rồi cũng sẽ đi đến cái suy nghĩ ấy thôi, chỉ là lúc này thì chưa. Nhưng biết đâu ngay ngày mai, hắn sẽ nảy ra cái ý tự tử đôi và đem ra bàn với Sanagi. Nghĩ đến đây khiến hắn rùng mình.

Trong lúc Kousaka khoanh tay lặng lẽ nghiền ngẫm, Urizane mới nói.

“Ta không bắt cậu phải trả lời ngay. Ta cho rằng cậu sẽ cần thời gian để sắp xếp lại luồng thông tin đột ngột này.”

Kousaka gật đầu.

“Ta sẽ cho cậu năm ngày. Trong thời gian đó cậu hãy quyết định có muốn được điều trị hay không. Bản thân quá trình điều trị thì đơn giản thôi, không cần phải chuẩn bị gì quá kỹ lưỡng, cậu có câu trả lời là chúng ta có thể bắt đầu ngay.”

Kousaka nhớ Kanjori đã nói trong email rằng để điều trị không cần phải phẫu thuật, chỉ cần dùng thuốc là đủ.

“Dĩ nhiên, cá nhân ta mong rằng cậu sẽ rũ bỏ được sự cám dỗ của con giun và chấp nhận chữa trị. Tuy nhiên, ta sẽ không ép cậu. Trừ phi là họ hàng thân thích, còn lại nếu bệnh nhân không có nhu cầu trị bệnh, ta cũng sẽ không tạo áp lực.”

Năm ngày, Kousaka nhắc lại trong đầu. Tới lúc đó hắn phải đưa ra lựa chọn.

“Và ta phải nói thêm để đề phòng,” Urizane bảo, “nếu cậu từ chối điều trị, cậu sẽ không bao giờ gặp lại Hijiri nữa. Ta không biết nó có chấp nhận chữa hay không, nhưng trong cả hai trường hợp, để cho hai người từng bị bệnh ở cạnh nhau là quá nguy hiểm.”

“Phải rồi,” Kousaka đáp. “Chứng sợ vi khuẩn và ghét bỏ xã hội của tôi trong trường hợp đó cũng sẽ không khỏi.”

“Đúng thế. Kể cả nếu như cậu đồng ý điều trị, cho đến khi bọn ta xác nhận rằng con giun đã biến mất hoàn toàn khỏi cơ thể cả hai người, ta không thể để cho cậu tới gần Hijiri. Cậu hiểu chứ?”

“…Hiểu.”

Rồi Urizane dường như chợt nhớ ra một điều, mở ngăn kéo tủ và đưa cho Kousaka một bức ảnh. Trên đó là thứ gì trông như chấm mực trong các trắc nghiệm Rorschach. Theo mạch hội thoại, Kousaka cũng ít nhiều đoán được bức ảnh mờ đục này là gì.

“Đây là ảnh chụp của con sâu?”

Urizane gật đầu. “Bức ảnh đó làm cho mọi thứ có cảm giác thực hơn một chút phải không? Trong ảnh là hai con giun đang bám vào nhau. Email của giáo sư Kanjori cũng đã nhắc tới, chừng như khi hai cá thể loài này gặp được nhau trong cơ thể người, bộ phận sinh dục đực và cái của chúng sẽ kết nối, cùng nhau tạo thành một chữ Y.”

Kousaka nhìn bức ảnh lần nữa. Hai con giun, nhuộm màu đỏ nhạt, đối với hắn trông không hẳn là chữ Y, mà giống với một hình trái tim được một đứa trẻ con vẽ nguệch ngoạc hơn.

*

Khi Kousaka quay trở lại phòng đợi khám, Izumi và Sanagi ngước lên từ băng ghế sô pha sau cùng. Kousaka mỉm cười với Sanagi, nhưng nhỏ né tránh ánh mắt và cúi xuống.

“Cậu xong rồi hả,” Izumi nói. “Tôi sẽ đưa cậu về.”

“Gặp lại sau, Hijiri,” Izumi nói với Sanagi. Có vẻ nhỏ sẽ ở lại đây. Chắc phòng khám này còn được dùng để sinh hoạt nữa.

Kousaka dừng lại trước mặt Sanagi, muốn nói gì đó giúp nhỏ an tâm trước khi đi. Nhưng hắn không biết nói gì.

Không, hắn biết chứ. Chỉ cần nói là “ngay cả sau khi nghe hết mọi chuyện, tình cảm dành cho em vẫn không thay đổi, em đừng lo.” Đơn giản vậy thôi.

Nhưng Kousaka không thể làm vậy. Hắn không còn tự tin vào cảm xúc của chính mình như trước.

Khi nghĩ lại, ngay từ đầu mọi thứ đã bất thường. Kousaka nghĩ, tại sao Sanagi lại bị hấp dẫn bởi một kẻ vô tích sự như mình chứ? Tại sao chứng rối loạn cưỡng chế của hai người lại khá hơn khi ở gần nhau? Tại sao tình yêu lại nảy nở khi có một khoảng cách tuổi tác lớn đến vậy? Đơn giản là có quá nhiều điểm phi lý.

Nhưng nếu tất cả đều là ảo ảnh được con giun vẽ nên, thì lại quá trùng khớp. Sanagi và mình không yêu nhau. Hai con sâu trong người mình và trong người nhỏ mới yêu nhau.

Hắn cảm thấy mình đã bị lừa một vố ngoạn mục. Cảm xúc của hắn nhanh chóng tỉnh rụi, như bị đánh văng khỏi niềm hạnh phúc mà chỉ vài giờ trước vẫn còn trong hắn.

Cuối cùng, hắn bước ra khỏi phòng khám mà không nói một lời với Sanagi. Trên đường về, Kousaka chỉ lơ đãng nhìn ra ngoài cửa kính, nhưng khi đến gần căn hộ, hắn bảo với Izumi, “Ừm…”

“Có một điều tôi quên không hỏi về con giun…”

“Gì vậy?” Izumi hỏi, mắt vẫn nhìn phía trước. “Tôi sẽ trả lời nếu có thể.”

“Cách lây nhiễm của nó đã được tìm ra chưa?”

Izumi lắc đầu. “Chưa rõ. Nhưng Urizane nghĩ là qua đường miệng. Chắc cậu đã không may ăn phải đồ có con giun trong đó. Nghĩ ra được gì không?”

“E là không.”

“Cũng phải. …Còn câu hỏi nào không?”

“Con giun có khả năng lây từ người qua người không?”

“Có.” Gã đáp gọn. Izumi dường như đã đề phòng sẵn câu hỏi này. “Con giun trưởng thành trú ngụ trong hệ thần kinh trung ương, nhưng trứng và ấu trùng di chuyển quanh cơ thể qua mạch máu… nhưng chỉ sống cùng nhau thì chưa đủ. Nếu không thì con giun không phải mất công khiến cho vật chủ của chúng yêu nhau. Cậu hiểu ý tôi chứ?”

“Đã hiểu,” Kousaka nói. “Kiểu như nó cũng giống các bệnh lây qua đường tình dục chứ gì?”

Izumi nhe răng. “Vậy là cậu không muốn tế nhị hử. Đúng thế, chúng tôi biết con giun của cậu không lây từ Hijiri Sanagi. Nó đã ẩn trong người cậu kể từ rất lâu trước đó.”

“Tôi biết. Tôi không nghi ngờ Sanagi. Tôi chỉ tò mò thôi.”

Câu trả lời của Izumi rốt cục đã làm bí ẩn sáng tỏ. Vào ngày 20 tháng 12, Sanagi đã cố hôn Kousaka trong lúc hắn đang ngủ. Nhưng nhỏ tự ngăn mình lại đúng lúc, và nói: “Em sắp sửa làm một điều không thể vãn hồi.”

Sanagi lúc đó có lẽ định truyền con giun sang Kousaka. Trước đây không ai biết Kousaka là vật chủ của con giun. Sanagi biết rằng các vật chủ của con giun này sẽ đi đến với nhau bởi một tình yêu trói buộc.

Sanagi dự định sẽ khiến cho mối quan hệ giữa họ trở nên hoàn hảo bằng cách lây truyền con giun qua người Kousaka. Nhưng ngay trước khi thực hiện, nhỏ bừng tỉnh. Nhỏ ngộ ra rằng làm thế sẽ đặt tính mạng Kousaka vào vòng nguy hiểm, sau đó chạy đi vì không thể đối mặt với hắn.

Dường như đó là thực tế.

Sau khi thả Kousaka xuống trước cửa căn hộ, Izumi nói.

“Tôi sẽ đến vào buổi chiều sau năm hôm nữa. Chuẩn bị cho tới lúc đó đi.”

“Tôi không nghĩ là sẽ lâu vậy đâu.”

“Không cần phải nghĩ ngợi nhiều quá. Cái này có thể xảy đến với bất kỳ ai. Men rượu, nỗi cô đơn và bóng tối có thể đánh lừa thị giác và khiến cậu tin vào một tình yêu định mệnh. Rồi khi hai con người thức dậy tỉnh táo vào sáng hôm sau, họ mới nhận ra lỗi lầm của mình. Điều tương tự đã xảy ra với cậu.”

Hết lời nhắn nhủ, Izumi bỏ đi.

Kousaka không đi thẳng vào bên trong; hắn đứng ở ngưỡng cửa và nhìn về phía những ngọn đèn đang hắt ra từ những ô cửa sổ của căn hộ và khu dân cư xung quanh. Cái ý nghĩ rằng bên trong những ô cửa đó là những con người sống những cuộc đời hoàn toàn khác nhau thật kỳ lạ. Đã lâu rồi hắn mới để ý đến cuộc sống của những người khác theo cách đó.

*

Thế rồi bất chợt, Kousaka nhớ lại về cái chết của mẹ hắn.

Biết đâu mình không phải là người duy nhất bị nhiễm con giun lúc ấy.

Có khả năng vụ tự sát của mẹ mình được con giun gây ra.

Một tháng trước đó, bà trở thành một con người hiền từ một cách trái nết và đối xử với hắn rất tình cảm. Chuyện đó chưa bao giờ có nghĩa lý gì với hắn suốt từ bấy đến giờ. Người mẹ mà hắn biết sẽ chẳng bao giờ thừa nhận lỗi lầm của bản thân cho dù thế giới này có đảo lộn tùng phèo.

Nhưng nếu là vì con giun thì hắn có thể chấp nhận được. Mẹ hắn, bị con giun làm cho ghét bỏ cộng đồng, chỉ có thể mở lòng mình với Kousaka, người cũng nhiễm chính loại giun đó. Con giun trong người mẹ hắn và con giun trong người hắn đã cất tiếng gọi lẫn nhau.

Lạ kỳ thay, hắn thấy thật hân hoan. Giờ hắn đã có thể toàn tâm toàn ý căm ghét người mẹ, Kousaka nghĩ vậy. Đến giờ phút cuối cùng, người phụ nữ đó vẫn không thể yêu thương hắn bằng chính lòng mình. Điều đó khỏa lấp đi một nỗi bất mãn trong lòng hắn.

Bình luận (5)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

5 Bình luận

TRANS
thanks.
Xem thêm
AUTHOR
TRANS
Tuyệt vời. Đọc mấy khúc về kí sinh trùng vs đường lây nhiễm có hơi bị lú nhưng đọc thêm chút nữa thì hiểu kha khá r.
Xem thêm
hay quá <3
Xem thêm