Số lượng những con ma đã giảm đi trông thấy kể từ ngày người ta phát minh ra máy ảnh kỹ thuật số. Song dường như vẫn có vài con đã xâm nhập được vào không gian điện tử sau vài thập kỷ, và bắt đầu từ một thời điểm nào đó, những báo cáo về hồn ma lại xuất hiện trên khắp mạng máy tính. Hầu hết chỉ là những câu chuyện được thêm mắm thêm muối hoặc một trò đùa tinh xảo, và mặc dù chúng tạo ra những tin giật gân, có một vài vụ việc sự thật vẫn đến giờ vẫn chưa được giải thích.
Một trong những câu chuyện ma trên mạng nổi tiếng nhất đó là “Chị em nhà Kayano.” Một người phụ nữ báo tin rằng một người bạn cô ấy gọi điện gần như hàng ngày trong suốt năm năm trời hóa ra đã mất hai năm trước đó. Câu chuyện này có một sự lý giải đàng hoàng, nhưng cũng khá bất ngờ. Tiêu đề có nói là “chị em”, và đúng như vậy, bạn của người phụ nữ kia có một cô em gái giống như đúc. Sự thật là người em gái đã đóng vai người chị quá cố của mình.
Ngược lại với người chị hòa đồng, người em gái lại có một tính cách hướng nội, và thân thiện với không một ai trừ chị gái mình. Cô em Kayano, sau khi mất đi người duy nhất có thể nói chuyện cùng, quyết định nhận các cuộc gọi từ người bạn của chị và giả vờ mình là chị gái. Và cứ như thế, người em tiếp tục đóng vai người đã khuất. Cô em nói chuyện điện thoại y như chị gái mình, gặp người phụ nữ đó y như chị gái mình, tiếp tục đăng bài trên mạng xã hội y như chị gái mình. Chị em nhà Kayano không chỉ có cùng cân nặng và chiều cao, mà người em gái còn biết mọi thứ khác liên quan tới người chị, nên người phụ nữ kia chưa bao giờ mảy may nhận ra là đã có sự thế chỗ. Sự trá hình dài hai năm cuối cùng cũng bị lộ bởi một chi tiết nhỏ nhất, nhưng sau đó hai người cũng đã chính thức thiết lập một tình bạn.
Nếu chỉ có vậy, đây đã là một câu chuyện ấm lòng. Nhưng có một thông tin rùng rợn nổi lên. Xuất hiện một bài báo viết về thứ dường như là bài đăng cuối của Kayano chị trước khi cô ấy chết, nội dung của nó đã làm dậy sóng mạng xã hội. Nếu nhìn qua, dòng chữ trông có vẻ rời rạc, nhưng nó có thể được hiểu là “ai đó bên cạnh đang nhắm vào mạng sống của tôi.” Tờ báo phải trích xuất bài đăng từ kho lưu trữ của một bên thứ ba, nên việc cô em Kayano đã xóa bài đăng ban đầu đã tạo nên một sự náo động khá lớn. Những tin đồn lan ra về việc người em hẳn đã giết cô chị để chiếm lấy người bạn của chị gái mình.
Cuối cùng, không có một lời giải thích nào được đưa ra từ phía người em Kayano, tài khoản đã chìm vào quên lãng, và giờ đóng vai trò như một phế tích nổi tiếng trên mạng, hoàn hảo cho việc thử thách người khác dám ghé thăm nó.
*
Trời mưa suốt ba ngày, và rồi có một ngày mù mịt mây như để tạ lỗi, xong thì kéo theo đó lại là ba ngày mưa. Cái thứ thời tiết ủ dột này càng tiếp diễn, tôi càng có cảm giác là mình sẽ quên đi màu sắc của bầu trời xanh. Dự báo đã nói rằng sắp có một cơn bão khổng lồ kéo tới, chỉ khi nó đã qua đi, chúng tôi mới có lại tiết trời tạnh ráo trong vài hôm.
Hè này mưa nhiều thật đấy. Những cơn mưa lớn thì khá hiếm, thay vào đó là lớp mưa mỏng như sương mù cứ rơi mãi không ngừng. Kết quả là, tôi cứ đi đi về về giữa tiệm giặt là bỏ xu và căn hộ của mình. May là tiệm giặt có điều hòa chạy tốt, nên trong lúc đống đồ của tôi đang ở trong máy sấy, tôi có thể thoải mái chờ thời gian trôi qua bằng cách đọc những xấp tạp chí và báo cũ.
Trong vòng một tuần đó, tôi đã mất đi một cái ô do bị gió bẻ gãy, và một cái khác do bị lấy trộm. Tôi đã vứt đi cái dép lê bẩn thỉu của mình và mua một đôi mới. Tôi để hạt chống ẩm vào tủ quần áo. Từng đấy cũng là hết những tác động của cơn mưa lên cuộc đời tôi. Từ ban đầu, những ngày tháng của tôi vốn đã sạch trơn ngoại trừ lúc đi làm thêm. Trong cái thời tiết ẩm ương này, cửa hàng cho thuê băng đĩa còn vắng khách hơn mọi khi, nên có cảm giác nó như là một nơi bán đồ lưu niệm đặt sâu trong lòng núi. Mùi nấm mốc ẩm ướt đã loáng thoáng xuất hiện trong cửa hàng, nhưng ông chủ hình như chẳng bận tâm chút nào.
Tôi chưa có cuộc gọi nào từ Emori. Không còn bạn bè nào khác ngoài cậu ta, nên tôi không tránh khỏi được việc phải dành thời gian một mình. Cũng vẫn vậy. Cuộc sống này với tôi vẫn như thường lệ.
Trong những ngày không phải đi làm, tôi đi tới thư viện tỉnh để đọc qua những tài liệu liên quan tới Phỏng Ức. Chẳng còn gì cụ thể mà tôi muốn biết, nhưng tôi nhận ra nếu đọc những bài báo khoa học mà mình không quan tâm thì có thú vị hơn một chút so với việc đọc những tạp chí mà mình không quan tâm.
Khi đã chán đọc, tôi chợp mắt một lúc ngắn, đi tới phòng giải lao và mua cà phê từ một máy bán hàng tự động, hút hai điếu thuốc, và rồi quay lại phòng đọc. Khi nghe được bài “Mặt trời mọc, mặt trời lặn” thông báo đã 5 giờ chiều, tôi xem nó như một lời chỉ dẫn để rời khỏi thư viện, trên đường về mua một ít bia lon, thưởng thức chúng trong lúc lười nhác đi bộ trên con đường vắng từ sân ga về nhà. Trong lúc cân nhắc xem mình nên coi TV hay nghe radio, tôi sẽ ăn bữa tối chỉ bao gồm một cốc mì ăn liền, đi tắm để rũ bỏ mồ hôi của cả một ngày dài, uống rượu gin cho đến tối, và đi ngủ lúc trời đã rạng sáng.
Những mẩu thuốc lá, vỏ lon rỗng, chai rượu trống không. Qua những thứ đó, tôi suýt soát nhận biết được sự thay đổi của ngày tháng. Nếu không có chúng, sẽ không tài nào tôi phân biệt được hôm qua với hôm nay. Những ngày tháng của tôi bất biến đến vậy đó. Tôi khó mà nhớ được mình đang làm gì vào lúc này năm ngoái.
Tôi đã có bằng chứng trong tay: lời khẳng định của cha và của Nozomi Kirimoto, những trang kỷ yếu lớp. Người bạn thơ ấu Touka Natsunagi không tồn tại, chắc chắn là thế. Trí nhớ của tôi không sai. Cô ấy không là gì hơn ngoài một Phỏng Nhân, một con người tưởng tượng được một tay kỹ sư Phỏng Ức tạo nên.
Giờ tôi chỉ cần đưa ra bằng chứng cho kẻ lừa đảo đó và bắt cô ta thừa nhận thất bại. Sẽ là kết thúc của mọi thứ. Tôi có thể uống gói Lethe đang đặt sâu trong ngăn tủ và đặt dấu chấm hết cho chuỗi sự kiện ngu xuẩn này.
Kế hoạch là thế.
Trùng hợp là, kể từ cái ngày cô ta rời khỏi phòng tôi mà không nói “chúc ngủ ngon”, tôi đã hoàn toàn không còn thấy bóng dáng của người phụ nữ tự nhận mình là Touka Natsunagi nữa. Tôi biết cô ta vẫn ở đó vì bóng đèn bên phòng cô ta vẫn sáng vào buổi tối, nhưng không thấy cô ta có động tĩnh gì hết.
Cô ta đã từ bỏ việc gài bẫy tôi chưa? Hay cô ta đang lên một âm mưu phức tạp nào đó? Sẽ là nói dối nếu như tôi bảo mình không quan tâm, nhưng đúng là tôi không có một ý muốn nào về việc chủ động đi mà nói chuyện với cô ta. Nếu cô ta muốn kết thúc việc này trong sự mù mờ thì cứ việc. Nếu như cô ta đang lên một kế hoạch mới, thì tôi sẽ có sự đáp trả trong lần tới cô ta mò đến. Và khi sự việc đã kết thúc theo một cách nào đó, đấy sẽ là thời gian thích hợp để uống Lethe.
Như bao ngày khác, tôi uống cho tới tận sáng, ngủ say bất tỉnh nhân sự, và thức dậy vì tiếng gió tám tiếng sau. Một cơn dông. Tiếng gió rít cất lên qua những lỗ hổng trên khung cửa sổ. Tôi bật radio lên đúng lúc để nghe một bản tin về cơn bão.
Đầu và cổ họng tôi nhức buốt. Tôi vẫn đang chếnh choáng, và đã hút thuốc hơi bị nhiều. Tôi đổ nước vào trong dạ dày bằng cái cốc vẫn có mùi rượu gin đêm qua, hâm nóng một chút cà phê pha sẵn và uống nó chậm rãi, rồi đứng dưới quạt thông gió và hút tiếp. Sau khi biến hai điếu thuốc thành tàn lửa, tôi gục lên giường và lắng nghe tiếng radio hòa nhịp cùng tiếng mưa.
Tôi thích mưa. Tôi thích sự công bằng của nó, rằng ai ai cũng có vẻ như bị nó làm phiền. Việc bạn có thích thời tiết khô ráo hay không còn tùy thuộc vào từng người, nhưng hầu hết có thể tận hưởng một cơn mưa to với lượng vừa phải. Tất cả bạn có thể làm là nhâm nhi một thứ gì đó nong nóng trong phòng của mình, chấp nhận thứ cảm xúc khó tả mà cơn dông mang tới từ một chỗ trú an toàn.
Khi đã mệt mỏi với tiếng radio, tôi kê một cái gối lên ô cửa sổ để ngồi, mở ra cuốn sách mà tôi đã mượn từ thư viện ngày hôm qua. Đó là một cuốn tự truyện của một người nổi tiếng mà tôi chưa từng nghe qua ở một lĩnh vực tôi chưa từng nghe đến và thành tích của họ tôi cũng chưa từng để ý. Đối với cá nhân tôi, một cuốn sách chẳng liên quan gì tới mình là thứ mà tôi muốn. Nó giúp tôi quên rằng cái con người tôi đang ở đây trong lúc này có tồn tại. Có lẽ việc gặp Nozomi Kirimoto ngày hôm trước đã khiến tôi bất chợt muốn được đọc sách.
Cứ ba mươi phút tôi lại nghỉ một quãng ngắn, cẩn thận nghiền ngẫm qua cuốn sách. Đôi lúc một cơn gió mạnh sẽ thổi tới, và những hạt mưa cứ đập lốp đốp vào ô cửa kính. Thời gian trôi lù đù phát sợ.
Lúc đó có lẽ là tầm ba giờ chiều.
Đột nhiên, tôi thấy đói dữ dội.
Cơn đói cực kỳ hung tợn, cái loại khiến cho bạn mất đi tính người. Nghĩ lại thì, tôi chưa ăn gì kể từ khi tỉnh dậy. Ngay khi nghĩ về việc đó, dạ dày tôi thắt lại thậm tệ, như thể thuốc gây tê vừa mất tác dụng.
Tôi đặt cuốn sách xuống và ngó bên dưới bồn rửa bát, nhưng không còn lại cốc mỳ ramen nào. Dĩ nhiên là tủ lạnh cũng trống không. Tôi bỏ cuộc và quyết định đi hút thuốc, nhưng điếu vừa nãy cũng là điếu cuối cùng. Hình như tôi đã hoàn toàn bỏ bê việc mua sắm.
Ô của tôi trông như thể sẽ chẳng có tác dụng gì, nên tôi mặc một cái áo khoác gió, kéo thấp mũ trùm đầu, đeo dép lê và bước ra ngoài cơn bão. Bên ngoài tối hơn bất kỳ cái ba giờ chiều nào mà bạn có thể tưởng tượng ra, và con đường thì lốm đốm rác rưởi, cành cây gẫy, và những chiếc ô bị gió thổi bay. Tôi không thể giữ mắt mở trong cơn mưa quăng quật, và mỗi khi có một cơn gió ập đến bất ngờ, người tôi rung lên bần bật.
Bên trong siêu thị im lặng một cách bất thường. Tôi mua thứ mì cốc và thuốc lá rẻ nhất mà họ có, thít chặt túi đồ lại và rời khỏi đó. Cơn mưa giờ còn nặng hạt hơn.
Để ẩn mình khỏi những cơn gió dữ dội, tôi nép theo dọc bức tường. Đột nhiên, tôi dừng lại. Có thứ gì đó đang nhìn chằm chằm vào tôi từ ô cửa sổ trên con đường đối diện.
Không phải người. Một con mèo. Một con mèo đốm tôi nhớ là đã trông thấy rất nhiều lần xung quanh đây. Tôi luôn luôn nghĩ nó là mèo hoang, nhưng hình như hóa ra là nó có chủ. Nó đang lườm tôi với vẻ “Cậu là một thứ lạ kỳ đấy nhỉ, ra ngoài vào cái thời tiết này.” Tôi tiến tới sát ô cửa sổ và nhíu đôi lông mày, nhưng con mèo không di chuyển, dính chặt tại chỗ như một món đồ trang trí trong lúc ngó lại tôi.
Khi trở về với căn hộ, tôi vứt đồng đồ ướt vào máy giặt và đi tắm. Khi đổ nước vào ấm sau khi đã tắm xong, tôi nhận ra là cơn đói đã dồn tôi đến đường cùng trước đó đã dịu xuống như chưa hề xảy ra.
Ngồi xuống thảm trải nền nhà, tôi thưởng thức điếu thuốc mà mình vừa mới mua. Căn phòng mát mẻ, và chất liệu thô ráp của tấm thảm khá là dễ chịu. Cơn mưa rơi khắp thị trấn không ngừng nghỉ, lột bỏ hết những ý nghĩa và ý định của mọi vật, cuốn phăng chúng đi. Tôi nghĩ về con mèo, và rồi, tôi nghĩ về con ma trên ô cửa sổ.
*
Mùa hè năm bảy tuổi, tôi trông thấy ma.
Những thứ tôi sắp kể cho bạn là một thứ thực sự vớ vẩn và chẳng quan trọng. Đầu tiên, con ma này không phải là ma thật. Thứ hai, câu chuyện vốn chỉ là một phần trong Phỏng Ức của tôi. Từ điểm này, nó đã mất đi ý nghĩa mà một câu chuyện ma có thể có.
Con ma ấy trú ngụ trong một ngôi nhà cổ kiểu dáng Nhật trong xóm, và luôn luôn nhìn ngắm người ta đi ngang qua từ một cửa sổ nhô ra ở tầng trệt. Đó là hồn ma của một cô gái có mái tóc dài, gầy gò và xanh xao, luôn luôn tỏa ra một thứ không khí u ám mỗi khi bạn nhìn vào cô ta. Mỗi khi tôi đi ngang qua, con ma đó sẽ nhoài về phía trước, nắm chặt lấy khung cửa sổ, đưa mắt dõi theo tôi.
Đó chắc hẳn là một đứa bé đã chết trong ngôi nhà đó nhiều năm về trước. Tôi thấy thương hại cho cô bé ấy, nhưng cũng vừa sợ. Không khéo cô ta sẽ cảm thấy đố kỵ với những đứa trẻ đang sống cùng tuổi với mình, và đang tìm cách kéo theo tôi đi cùng. Con ma ngắm tôi với vẻ vô hồn, nhưng có lẽ thẳm sâu trong đôi mắt không màu kia là một nỗi căm ghét bừng bừng tới những người đang sống. Tôi sợ phải nhìn thẳng vào mặt cô gái ma ấy, nên tôi luôn đi nhanh qua con đường đó.
Tình cờ là tôi lại vừa mới xem một chương trình đặc biệt của mùa hè trên TV về những hiện tượng kỳ quái. Tôi lại còn nghe lỏm được tin một đứa bé đã đi lạc trong khu vực này mấy năm về trước. Những yếu tố như thế kết hợp đã làm tôi tin rằng đứa con gái ốm nhách vừa nhìn tôi đi qua sau ô cửa sổ là một con ma. Trí tưởng tượng của tôi thì có thừa, nhưng sự khôn ngoan thì không.
Mùa hè đó, tôi tham dự một khóa học bơi. Không hẳn, tôi bị bắt tham dự một khóa học bơi. Mẹ tôi nghĩ rằng con trai mình ở nhà cả ngày trong kỳ nghỉ hè thì quá là buồn chán, nên mẹ đã đăng ký cho tôi vào một khóa học bơi trong một thời gian ngắn để đem tôi ra khỏi nhà mà vận động. Bể bơi nằm cách mười phút đi bộ từ nhà, và chỉ có năm học viên khác trừ tôi ra. Năm người đó có vẻ đã là bạn từ trước, nên chỉ có tôi lạc loài. Tất nhiên, cái cảm giác bị cho ra rìa đã có sẵn ở nhà từ khi tôi sinh ra, nên đó không phải là vấn đề. Tôi chỉ để ý tới con ma mà thôi.
Bể bơi được xây trên một vùng đất rất thấp, do vậy chỉ có một con đường mà bạn không thể tránh nếu muốn đi đến đó, và cửa sổ của nhà con ma trông thẳng ra con đường đó. Cha mẹ không đưa cũng không đón tôi, và cũng chẳng có bạn bè nào mà đi cùng, nên tôi luôn luôn phải đi qua trước mặt cô ta một mình. Đường đi tới bể bơi không tệ lắm, bởi khi ấy vẫn còn sáng choang, nhưng khi tôi đi về thì thường đã tối, và tôi run rẩy vì sợ hãi khi nghĩ đến chuyện bắt gặp cặp mắt con ma ấy trong đêm tối. Cùng lúc ấy, tôi có cảm giác nếu như mình nhìn đi chỗ khác, cô ta sẽ lợi dụng cơ hội ấy để thực hiện một hành vi gì đó. Nên ngay cả khi đã đi qua ô cửa sổ, tôi thường xuyên kiểm tra sau lưng mình để xem cô ta có ở đó không. (Chưa bao giờ tôi nghĩ cô ta lại coi đó như một biểu hiện của sự quý mến)
Ngày qua ngày, tôi thấy con ma thường xuyên hơn. Để tránh sự nhàm chán, cô ta bắt đầu học được giờ giấc mà tôi thường đi qua - thế nhưng tôi coi thay đổi đó như một điềm gở. Dám chắc là chuyện này sẽ tiến triển thành thế nào đó, tôi nghĩ vậy.
Phỏng đoán của tôi là đúng, trong một chừng mực nhất định. Không lâu sau, con ma bắt đầu cười từ sau ô cửa mỗi khi cô ta trông thấy mặt tôi. Đó là một nụ cười ngây thơ, nhưng cái đầu lấp đầy sự sợ hãi của tôi trông thấy nó như một nụ cười gằn của một con thú dữ. Thêm vào đó, nụ cười ấy dường như được dành riêng cho chỉ mình tôi, bởi những đứa trẻ khác không nói về bất cứ sự thay đổi nào trong nét mặt của con ma khi chúng đi qua. Sự lo lắng của tôi được khẳng định.
Đó là một hồn ma ác độc. Nó mượn hình dáng của một bé gái xinh xắn, nhưng thực chất là một con thú đói khát chiếm giữ cơ thể con người và ăn linh hồn của họ. Và tôi - vì cái lý do nào không biết nữa - đã lọt vào tầm ngắm của hồn ma hắc ám này.
Sự sợ hãi ngấm dần vào cuộc sống của tôi. Tất cả những gì tôi nghĩ đến là làm thế nào tôi có thể khiến cho con ma đó tha mạng cho tôi. Dù ngủ hay thức, gương mặt của cô ta chiếm lĩnh hoàn toàn đầu óc của tôi. Nghe cực kỳ giống tôi là một thằng nhóc đang say nắng, chỉ trừ việc tôi hoảng sợ đến tận tim gan. Tôi có những ác mộng hằng đêm về việc cô ta đến để lấy mạng tôi, hoặc đi đến chỗ không thể cứu vãn được khi ô cửa ấy mở ra.
Đã có lần tôi nghĩ đến chuyện nói với ai đó về việc này, nhưng tôi thấy rằng nội việc công nhận sự tồn tại của cô ta cũng chính là mời tai họa đến, nên đã lưỡng lự. Bên cạnh đó, tôi không có ai để mà nói chuyện, không có bạn bè hoặc cha mẹ đủ quan tâm.
Đó là một tháng dài dằng dặc. Ấy vậy mà cuối cùng, một sự kết thúc đã đến.
Ngày khóa học kết thúc, tôi chào tạm biệt hai giáo viên hướng dẫn của mình và bỏ lại bể bơi phía sau. Cơ thể tôi mệt lả sau những quãng bơi lâu lắc, nhưng bước chân lại nhẹ tênh. Giờ thì tôi đã tự do. Không còn phải đi qua ô cửa sổ ấy thêm một lần nào nữa. Tôi sẽ không phải nhìn vào mặt cô ta nữa. Trái tim tôi nhảy lên khi nghĩ tới đó.
Ngôi biệt thự ma ám hiện ra trước tầm mắt. Tim tôi đập nhanh. Bởi ánh mặt trời đang lặn, tôi không thể thấy rõ ô cửa sổ từ đằng xa. Nhưng tôi vẫn biết. Cô ta sẽ lại ở đó hôm nay. Với đôi khuỷu tay đặt trên bệ cửa sổ và hai tay chống cằm, nhìn ngắm xa xăm về phía xa, nhoài người tới trước khi trông thấy tôi và nở ra nụ cười ấy.
Đúng là con ma có ở đó.
Nhưng hôm nay cô ta lại có vẻ khác. Khi nhìn thấy tôi, cô ta không động đậy, và không cười. Gần giống như lần đầu tôi qua, mắt cô chỉ nhìn theo tôi máy móc. Tôi dụi lại mắt để trông rõ biểu cảm của cô ấy.
Khi nhận ra con ma đang khóc, sự cảnh giác mà tôi xây dựng hơn một tháng vừa qua lập tức quay ngoắt, lật ngược lại ngay tức thì. Hồn ma hắc ám đe dọa tôi không có; chỉ có một cô bé đang sống, đang thở.
Gọi cô ấy là ma thì thật vớ vẩn. Cô gái đang nức nở đằng sau ô cửa đơn giản chỉ là một tù nhân không may nào đó, bị nhốt trong nhà của cô vì một lý do không rõ và đang khao khát được đi ra ngoài, đó là lý do tại sao cô luôn ngồi ở đó. Cơ thể mảnh mai của cô có cảm giác còn nhỏ hơn mọi khi. Tôi cảm thấy hổ thẹn vì đã sợ hãi một cô gái nhút nhát như thế này.
Cùng lúc ấy, tôi ngô nghê thắc mắc tại sao cô bé lại khóc. Khi mà sự đe dọa đã bị loại bỏ, tất cả những gì còn lại là nỗi xấu hổ vì đã quá hoảng sợ, và một sự tò mò chân thật về phía cô gái ấy.
Bức tường bê tông nằm giữa ô cửa sổ nhô ra và con đường cao không quá một mét, nên nó khá là dễ để vượt qua. Đầu tiên tôi vứt cái cặp vẫn còn hơi có mùi chlorine sang, rồi tự mình nhảy qua đó. Và giờ thì tôi đang đứng trước ô cửa sổ trước đây chỉ ngó từ đằng xa.
Cô nhìn tôi làm hết những trò này với một vẻ mặt thảng thốt. Lúc tôi gõ nhẹ lên kính cửa sổ, cô bật dậy như thể bị sét đánh, nhanh chóng mở khóa cửa sổ và kéo nó lên. Rồi chúng tôi nhìn ngắm lẫn nhau ở khoảng cách sát gần lần đầu tiên.
Đó là một buổi tối tháng Tám âm vang tiếng ve.
Cô bé mỉm cười với khuôn mặt đẫm lệ, bật ra một tiếng gì đó giữa “ehehe” và “ahaha”
Sự nghi ngờ của tôi về cô đã được làm sáng tỏ, ấy vậy mà tôi không thể không hỏi.
“Cậu không phải là ma đấy chứ?”
Cô chớp mắt mấy cái, rồi khe khẽ cười khúc khích. Rồi cô đưa bàn tay trái lên ngực như để kiểm tra nhịp tim, hơi nghiêng mái đầu qua một bên.
“Tớ vẫn sống. Ít nhất là cho đến bây giờ.”
Đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên với Touka Natsunagi. Trong mười năm tiếp theo, tôi sẽ liên tục bị trêu chọc bởi câu hỏi ngớ ngẩn ấy. Và rốt cục thì tôi chưa bao giờ được cho biết lý do cô đã khóc ngày hôm đó.
Trong đôi tai của đứa trẻ 7 tuổi là tôi, những từ ngữ như “hen suyễn” và “co thắt” nghe như thể chúng đến từ một vùng đất xa lạ. Nhưng tôi có thể nắm được lờ mờ đại khái, rằng cô gái này có một căn bệnh mãn tính khiến cho cha mẹ cô cấm cô rời khỏi nhà.
“Tớ không biết khi nào thì mình sẽ lên cơn, nên nếu không cần thiết thì tớ không thể ra ngoài.”
Có lẽ bởi vì cô đã giải thích tình trạng bệnh của mình rất nhiều, hoặc vì cô nghe thấy những thông tin đó từ cha mẹ và bác sĩ vô số lần, nên mỗi khi nói đến cơn hen của mình là cô lại lưu loát đến lạ, và nói ra rất nhiều từ ngữ bạn không nghĩ là sẽ nghe được từ một đứa trẻ 7 tuổi.
“Tớ không nên gây phiền hà cho người khác.”
Cho dù có xét nó từ góc độ nào, những lời này không đến từ cô ấy. Cha mẹ chắc hẳn đã chủ ý đóng đinh cái suy nghĩ đó vào trong đầu cô.
“Nếu như cậu ra ngoài thì cậu sẽ lên cơn hen suyễn sao?”, tôi hỏi, dùng thử cái từ ngữ mà tôi vừa mới học được.
“Có đôi lúc. Nếu tớ tập thể dục quá sức, hít thở không khí ô nhiễm, hay trở nên lo lắng thì hình như cơn hen càng có khả năng xảy ra. Nhưng không phải cứ ở nhà là mọi thứ đều ổn…” Rồi cô lặp lại câu nói nghe như thể nó được trích ra từ một cuốn sách. “Dù sao thì, nếu tớ bị lên cơn hen khi ở bên ngoài, sẽ là rất phiền phức cho những người khác.”
Sau khi nuốt xong câu giải thích của cô ấy, tôi hỏi:
“Thế tại sao cậu lại nhìn ra ngoài cửa sổ?”
Cô ngay lập tức cúi đầu và không nói gì nữa. Và như thể đang gắng hết sức kìm nén những giọt nước mắt, cô mím chặt môi lại. Dường như tôi đã động đến một chủ đề mà mình không nên.
Ngay lập tức, tôi đưa ra cho cô ấy một lời đề nghị.
“Này, chúng ta cùng đi đâu đó đi.”
Cô từ từ ngẩng đầu lên. Cô ngoái đầu sang một bên, có lẽ đang nghĩ rằng “cậu nhóc này có nghe mình nói gì không vậy?”
“Cậu không phải đi lại đâu. Tớ sẽ đèo cậu.”
Tôi bảo cô ấy “cứ chờ nhé” và vội vàng quay về nhà. Sau khi vất cặp trước cửa chính, tôi phi như bay về phía ngôi nhà ma trên chiếc xe đạp của mình. Cô ấy vẫn đang đợi ở đúng vị trí lúc tôi rời đi, và đang cười với vẻ an tâm khi thấy tôi trở lại.
Tôi dừng xe và chỉ vào yên sau.
“Leo lên phía đằng sau đi.”
Cô lưỡng lự. “Nhưng mẹ tớ sẽ cáu nếu tớ ra ngoài…”
“Bọn mình sẽ về sớm thôi, đừng có lo. Cậu không muốn ra ngoài sao?”
Cô lắc đầu.
“Tớ muốn chứ.”
Cô lấy đôi giày đặt ở lối vào và đeo chúng lên, xong nhảy từ ô cửa sổ và tiếp đất không được vững. Cô cẩn thận trèo qua bức tường, ngồi phịch xuống yên sau của xe đạp và nắm lấy vai của tôi.
“Thế thì, nhờ cậu nhé.”
Tôi gật đầu. Rồi bỗng nhiên, tôi nhận ra là mình chưa hỏi tên cô ấy.
“Tên cậu là gì?”
“Touka,” cô ấy nói. “Touka Natsunagi. Thế còn cậu?”
“Chihiro Amagai.”
“Chihiro…”
Cô ấy lặp đi lặp lại cái tên rất rõ ràng. Nghe có vẻ lạ, nhưng có cảm giác rằng đó là lần đầu tiên trong đời có ai đó sử dụng tên tôi một cách tử tế.
Cho tới khi ấy, tôi chỉ đơn giản là căm ghét tên của mình. Tôi nghĩ đó là một cái tên yếu đuối và nghe giống con gái. Nhưng cái lúc Touka nói “Chihiro,” tôi có thể cảm thấy một sự biết ơn sâu sắc rằng tên tôi là Chihiro.
Chihiro. Nghe hay đấy chứ.
Mặc dù giờ nghĩ lại, cái tên nào nghe cũng sẽ tuyệt vời khi đến từ miệng cô ấy.
“Tớ sẵn sàng rồi,” Touka cho biết từ phía sau.
Tôi hồi hộp bắt đầu đạp xe. Chiếc xe đạp từ từ di chuyển với hai chúng tôi ngồi trên đó. Touka hô lên một tiếng chẳng phải hét mà cũng chẳng phải la và bấu chặt lấy tôi.
“Cậu không sao đấy chứ?”, tôi hỏi mà không ngoái lại.
“Ừmm, không biết nữa… tớ vui quá ấy, không khéo sẽ lên cơn mất.”
Tôi vội vàng bóp phanh, và cô lại cất ra cái tiếng cười nằm giữa “ehehe” và “ahaha” quen thuộc.
“Đùa thôi mà. Tớ hoàn toàn không sao hết. Cậu có thể đạp nhanh hơn đó.”
Câu nói đó làm tôi hơi khó chịu một chút, nên tôi cố tình lái xe đi theo một cung đường ngoằn ngoèo. Cô bấu chặt vào vai tôi, cười phá lên vui vẻ.
*
Phỏng Ức được làm ra để đáp ứng những ước vọng thầm kín của khách hàng, nhưng chỉ đặt những ham muốn chưa được xử lý ở đó sẽ gây ra xung đột giữa trí nhớ thật và ký ức mô phỏng. Nếu bạn nhận được Phỏng Ức tách biệt hoàn toàn so với thực tế, chúng sẽ không tồn tại lâu dưới dạng ký ức, mà sẽ được coi như câu chuyện của một người khác.
Đó là lý do Phỏng Ức lấy hình dạng của một “khả năng tốt nhất có thể xảy ra trong thực tế”, thay vì hoàn toàn như trong mơ. Một việc gì đó không hề kỳ lạ nếu nó xảy ra, nhưng cũng chắc chắn là chưa từng xảy ra. Một việc gì đó đáng ra đã xảy ra. Một việc gì đó bạn ước mong rằng nó đã xảy ra.
Những Phỏng Ức được cấy vào trong tôi hầu như là đã được đan xen một cách khéo léo vào quá khứ thực sự của tôi. Lấy ví dụ, đúng là tôi đã đi học bơi năm bảy tuổi. Cũng đúng là có một thứ đã nhìn chằm chằm lúc tôi khi đi qua một ô cửa sổ hàng ngày. Sự khác biệt - đó không phải một cô gái bằng tuổi, mà là một con mèo già.
Cũng đúng là tôi đã được chọn làm người chạy cuối của lớp trong phần thi chạy tiếp sức hồi năm ba cấp hai. Thế nhưng, người con gái đã khích lệ và dẹp tan áp lực trong tôi không có mặt. Vào lúc tôi nhận được cây gậy từ đồng đội, lớp tôi đã ở vị trí cuối cùng, và tôi không vượt qua được đối thủ nào, nên chúng tôi kết thúc ở vị trí bét bảng. Không có sự cổ vũ, không một lời cảm ơn. Trong thực tế, vốn dĩ từ đầu lớp tôi đã chẳng có hy vọng gì vào môn chạy tiếp sức. Đơn giản họ muốn tôi là người nhận lấy cảm giác về bét. …Tôi có thể nêu ra hàng tràng những ví dụ như thế.
Rất nhiều những kỷ niệm là những mô phỏng chi tiết dựa trên cơ sở rằng “nếu như một người bạn ấu thơ tên Touka Natsunagi có thật thì sao?” Cái họ vẽ ra không hẳn là vô lý. Những lời bịa đặt được giữ ở mức nhỏ nhất, và con người thật của tôi không cảm thấy có gì sai ở lời nói và hành động của mình trong các Phỏng Ức. Tôi có thể chấp nhận một cách tự nhiên là mình sẽ phản ứng đúng như thế nếu bị đặt trong những tình huống đó. Những sự kiện ấy hoàn toàn có khả năng xảy ra - nếu có một Touka Natsunagi đứng bên cạnh tôi.
Có một cách để diễn giải, chúng là những ký ức của tôi trong một thế giới song song may mắn hơn. Hoặc có thể là một người anh em song sinh của tôi, người sống trong hệt những hoàn cảnh như vậy, ấy vậy lại sống một cuộc đời đa màu sắc hơn nhiều. Đó là lý do Phỏng Ức rất thực tế - và chỉ càng tàn nhẫn hơn. Bạn sẽ dễ dàng từ bỏ một thứ mà từ đầu bạn đã biết là mình sẽ không có được. Nhưng một thứ bạn có thể có chỉ trong tầm một bước chân mới khiến bạn tiếc nuối mãi mãi về sau. Qua Phỏng Ức của mình, tôi được cho biết rằng cách biệt giữa một con người tôi hạnh phúc và một con người tôi bất hạnh chỉ mỏng như tờ giấy. Gặp được cô, hoặc không gặp được cô - sự khác biệt đó là vách ngăn giữa thiên đường và địa ngục.
Tôi nghĩ rằng mình đã bỏ cuộc với những hạnh phúc giản đơn từ rất lâu rồi. Nhưng việc có một thứ “đáng ra mọi chuyện phải thế này” dí sát vào mắt rõ như ban ngày làm tôi đau đớn biết rằng mình chưa hề từ bỏ chút nào. Tôi nghĩ mình đã sắp xếp mọi thứ đâu ra đấy, nhưng thực chất chỉ che đậy những mong muốn của mình bằng một cái nắp đậy để chúng khỏi lọt vào tầm mắt.
Giờ thì tôi đã biết. Tôi muốn được tắm trong sự yêu thương vô điều kiện, nhưng hơn cả vậy, tôi nghĩ mình muốn được làm người hùng của ai đó.
Tôi đã muốn xóa đi ký ức từ 6 đến 15 tuổi để chạy thoát khỏi nỗi mông lung này.
Tôi muốn tiến tới số không nhất có thể, để không còn chỗ cho “đáng ra mọi chuyện phải thế này” nữa. Bằng việc làm đó, tôi đã hy vọng sẽ phá bỏ mọi ngã rẽ trên con đường đời.
Tôi không có thèm ăn, nhưng cái dạ dày rỗng lại bắt đầu đau. Tôi tắt điếu thuốc, đi vào bếp, đặt ấm nước lên bếp lò, vô thức ngắm ngọn lửa trong lúc đợi nước sôi. Sau khi cái ấm bắt đầu tỏa ra khí nóng, tôi tắt lửa, và trong lúc cúi gập xuống để lấy ra một cốc mì cất dưới bồn rửa, tôi phát hiện ra một thứ nằm trên sàn.
Đó là một mẩu giấy nhỏ. Lức đầu tôi nghĩ nó là một cái hóa đơn, nhưng khi nhặt nó lên thì lại thấy chữ viết tay trên đó. Một lời ghi chú gửi đến tôi. Không cần thiết phải thắc mắc là ai đã để nó lại.
Không biết cô ấy có tự ngâm nga với chính mình trong lúc viết cái này không nhỉ. Có phải cô ấy định để lại cho tôi một lời nhắn rồi quay lại phòng mình bởi hình như tôi sẽ về muộn? Nhưng ngay khi viết xong thì tôi đã về. Và khi cô khoe với tôi về tác phẩm nấu nướng vào tôi hôm đó, tôi đã dùng sức đẩy cô xuống và lấy lại chìa khóa của mình (tôi đồ rằng đây là lúc mà mẩu giấy rơi xuống sàn), vứt bữa ăn vào thùng rác ngay trước mắt cô, rồi ra lệnh cho cô phải rời căn phòng ngay. Đó là lý do mẩu ghi chú nằm lại ở đây.
Nó viết thế này.
“Hy vọng rằng cậu sẽ mãi vui, Chihiro.”
Tôi đứng đó bất động với mẩu giấy trên tay.
Đột nhiên, tôi tưởng tượng đến cảnh không phải “cô ta”, mà là “Touka Natsunagi” đã để lại mẩu giấy đó.
Ngay lập tức, tôi cảm nhận được một nỗi buồn sâu thẳm suýt chút nữa đã khiến tôi ná thở.
Vui mừng, uất hận, yêu thương, trống trải, mất mát, những cảm giác ấy đến cùng lúc và đi cùng lúc. Chúng xông vào lồng ngực tôi và xé toang nó ra, móc nó ra, băm nó ra, và dẫm đạp lên hết những mẩu vụn. Và rồi chỉ còn lại sự buồn bã trơ trụi trong một cái lỗ khoan thẳng vào tim tôi.
Khi đã uống rồi mới thấy nó thật lãng xẹt.
Trên mặt bàn là hai gói giấy đã mở và một cốc thủy tinh. Cái cốc thì đã trống rỗng, và tôi đổ đầy nó bằng rượu gin rồi uống. Tôi không đọc thấy cảnh báo nào về việc không nên hòa nanobot với chất cồn, nên chắc chẳng sao đâu.
Tôi không có bất cứ nuối tiếc nào mà tôi đã e ngại, cũng không có cảm giác đã đạt được gì đó như tôi hy vọng; tối đa chỉ có một cảm giác nhẹ nhõm đôi chút vì tôi đã xử lý được một việc rắc rối.
Sau khi uống hết chỗ gin, tôi nằm xuống thảm trải sàn và đợi Lethe dâng lên não. Tôi không phải là đã vượt qua được nỗi sợ của việc mất đi trí nhớ, nhưng mong muốn quên đi nỗi đau này nhanh nhất có thể đã chiến thắng.
Không lâu sau, cơn buồn ngủ chiếm lấy tôi, và tôi thiếp đi trong cảm giác đang chìm xuống đáy biển.
Tôi nghe thấy tiếng gì đó rơi mạnh xuống sàn.
Sau khi tỉnh dậy, tôi phải vắt óc xem liệu đã nghe thấy nó trong mơ hay ngoài đời.
Chắc là ngoài thật.
Thế thì nó xuất phát từ đâu?
Căn phòng đối diện.
Tôi dỏng tai lắng nghe. Cơn bão đã vượt qua đỉnh điểm, nhưng tiếng gió rít từ lỗ hổng trên cửa sổ vẫn còn. Không có âm thanh nào phát ra từ phòng bên cạnh. Tôi ép sát tai vào bức tường mỏng, nhắm mắt lại để tập trung cho thính giác. Đúng là tôi chỉ nghe độc tiếng gió.
Dần dà, tiếng gió bắt đầu nghe như tiếng người thở. Âm thanh này hết sức quen thuộc với tôi. Nó là tiếng thở của một người đang lên cơn hen. Cái cách mà Touka đã thở khi cô ấy ngã quỵ. …Dường như tôi vẫn chưa quên về Touka Natsunagi. Đã bao lâu rồi kể từ khi tôi đi ngủ? Chắc chắn là Lethe phải có hiệu lực vào lúc này rồi chứ. Tôi không chấp nhận nổi việc mình lại bị gửi nhầm nanobot một lần nữa. Hoặc có lẽ uống nó với rượu là không ổn.
Để kiểm tra, tôi liệt kê ra những thứ mình nhớ về Touka Natsunagi. Mái tóc dài, làn da xanh, nụ cười thân thiện, vóc người mảnh mai, năm nụ hôn, Ánh sáng Đom đóm, cuộc chạy tiếp sức, thư phòng và những đĩa hát, bóng ma trên ô cửa sổ, khuôn mặt cô ấy tái xanh, lồng ngực co thắt kỳ lạ khi cô thở, tiếng huýt gió trong hơi thở của cô, thuốc xịt hen nằm trên sàn,
“Bác sĩ nghĩ rằng nó có thể liên quan tới những thay đổi trong áp suất không khí.”
bộ đồ ngủ trắng phau, cái cổ và đôi tay gầy nhô ra,
“Ý tớ là hình như sắp có bão ha? Hóa ra chính nó đã làm cho áp suất sụt giảm, khiến tớ bị lên cơn.”
Có phải cô ấy đã lên cơn hen và ngã gục trong đó?
Có phải áp suất không khí thấp đã làm cơn hen của cô tệ đi?
Có phải cô ấy đang co quắp trên sàn, không thể cử động nổi?
Tôi lại lẫn lộn ký ức thật với giả với nhau. Tôi biết là thế. Đúng, Touka Natsunagi bị hen suyễn nặng, nhưng người phụ nữ bên phòng bên kia là một người khác không phải Touka Natsunagi. Cô gái Touka Natsunagi đó vốn từ đầu đã không tồn tại. Chẳng phải tôi đã xác nhận bằng cách gặp Nozomi Kirimoto rồi sao? Tên cô ấy còn chẳng xuất hiện trong cuốn kỷ yếu.
Nhưng dẫu có đưa ra bao nhiêu lời tranh cãi hợp lý đi nữa, cơ thể tôi vẫn không hài lòng. Tim tôi đập nhanh hơn, cảm giác như nó sắp nổ tung. Mắt tôi rung lên, đầu ngón tay tê cứng, cơ bắp co giật. Tôi bỗng quên cách thở trong một thoáng, nên vội vàng hít một hơi thật sâu.
Đó là giới hạn của tôi. Tôi đi chân trần ra hành lang đầy nhẹp nước mưa. Với ngón tay run rẩy, tôi ấn chuông phòng đối diện. Không có ai trả lời. Cứ vài giây tôi lại ấn một phát. Không có ai trả lời. Tôi lấy điện thoại ra và gọi cho cô ta. Không có ai trả lời. Tôi đập dữ dội lên khung cửa. Tôi đập mãi.
Không có ai trả lời.
“Touka!”
Trước khi kịp nhận ra, tôi đã hét tên cô ấy.
Vẫn không có tiếng trả lời.
Trong một lúc, tôi gục đầu với cánh tay vẫn đặt trên cửa. Cơn mưa tạt vào đã làm tôi ướt sũng mà không hề hay biết. Không lâu sau, tiếng gió ngừng lại, và nó làm tôi bình tĩnh hơn một chút. Đột nhiên tôi bắt đầu thấy xấu hổ vì hành động của mình.
Không có ai trả lời có nghĩa là cô ấy đi ra ngoài. Chỉ vậy thôi. Cái thứ nghe giống như tiếng thở trong cơn hen của cô là tiếng gió thổi qua cửa sổ, và tiếng nghe như ai đó ngã xuống sàn là tại gió làm đổ một vật gì đó. Chắc cô ấy đã để cửa sổ mở.
Tôi tự cười nhạo mình và lấy ra một cái bật lửa cùng thuốc lá từ túi áo. Tôi ngồi trong đống nước mưa trong hành lang và lấp đầy phổi mình bằng khói thuốc, rồi thở ra sau năm giây, sau đó dựa vào tường và nhắm mắt lại.
Tôi không còn quan tâm vì sao Lethe chưa có tác dụng nữa, chỉ muốn nhìn thấy khuôn mặt Touka bây giờ thôi. Kể cả khi đã biết nó ngu ngốc đến thế nào, tôi vẫn muốn có được cảm giác an tâm khi biết rằng cô ấy vẫn ổn.
Đằng sau khóe mắt, tôi có thể cảm thấy những tia nắng.
Cô chắc hẳn đã giấu đi tiếng bước chân của mình trong tiếng mưa nhỏ từ máng xối.
Tôi nghe một tiếng cười xẻ giữa “ehehe” và “ahaha” ở rất gần.
Đó không phải là một ảo giác cũng không phải nghe nhầm.
Khi mở mắt ra, Touka đang cúi thấp và nhìn thẳng vào mặt tôi.
Óc phán đoán của tôi không thể bắt kịp.
“Cậu nghĩ là tớ đã bỏ đi sao?”
Bằng câu nói đó, cô ấy ngồi xuống bên cạnh tôi.
“...Hay cậu nghĩ là tớ đã lên cơn hen và không thể di chuyển được?”
Tôi không thể tập trung sức lực để mà trả lời.
Bởi đang quá chú tâm vào việc cố che đi sự nhẹ nhõm trong lòng.
“...Cô đứng ở đó bao lâu rồi?”
“Kể từ khi cậu gõ lên cửa đó, Chihiro.”
Cô xích lại gần tôi, khoảng cách chỉ còn là một hơi thở.
“Cậu lại gọi tớ là Touka kìa.”
“Cô nghe nhầm rồi.”
“Hừm, là nghe nhầm sao…” Cô cố tình tròn xoe mắt. “Thế thật ra cậu đã nói gì?”
Thấy tôi trả lời bằng sự im lặng, Touka cười rúc rích.
“Cô đã tráo Lethe với đồ giả đúng không?”, tôi tra hỏi.
“Ừ,” cô ấy khẳng định không chút sợ sệt. “Vì suy cho cùng, tớ không muốn bị lãng quên, và tớ cũng không muốn cậu quên.”
Tôi quá choáng váng để mà cất nên lời.
“Tớ có thể hỏi một câu nữa không?”
“Sao nào?”
“Tại sao cậu lại vội vàng tắt thuốc đi?”
Tôi nhìn xuống bàn tay của mình, mẩu thuốc lá đã bị dí nát tự lúc nào.
Đó là một hành vi hoàn toàn vô thức.
Mắt cô ấy nheo lại trong sung sướng.
“Cậu nhớ là tớ không thích thuốc lá, phải vậy không?”
“...Trùng hợp thôi.”
Một cái cớ thảm hại.
Tôi chưa từng để ý cho tới khi cô ấy chỉ ra, nhưng đúng là tôi không bao giờ hút thuốc trước mặt cô ấy.
Chỉ vì cô ấy là phụ nữ?
Không hề.
Tôi có thể chối bỏ nó sao cũng được, nhưng trong tâm thức tôi đã chấp nhận người con gái này là Touka Natsunagi.
“Không sao, tớ đỡ hơn nhiều rồi. Tớ cũng không phiền cái mùi thuốc lá lắm.”
Touka nhẹ nhàng dựa vào vai tôi. Giống hệt khi hai đứa ngồi cạnh nhau trong căn phòng đọc và lắng nghe đĩa hát.
Và rồi cô thì thầm vào vai tôi.
“Yên tâm đi, tớ sẽ không tự nhiên mà biến mất đâu.”
*
Đêm hôm đó, lần đầu tôi thử ăn đồ ăn của Touka.
Tất cả những gì tôi có thể nói là nó ngon.
Touka chống tay lên cằm và đặt khuỷu tay trên bàn, ngắm tôi với đôi mắt ngước lên trong lúc chờ đợi lời nhận xét. Tôi hỏi cô ấy.
“Tại sao cô lại làm tất cả những chuyện này cho tôi?”
Cô ấy đáp lại với một câu trả lời chẳng tương xứng với một câu trả lời.
“Tớ làm tất cả những chuyện này là bởi tớ muốn làm tất cả những chuyện này.”
Tôi thở dài.
“Tóm lại, trong những mục tiêu để mà lừa, tôi không nghĩ là mình lại đáng giá đến thế.”
“Hmm,” Touka bảo. “Ý tớ muốn nói về lời hứa trước kia cơ.”
“Lời hứa á?”
“Đúng, là lời hứa đó.”
Cô ấy khẳng định với một nụ cười tự mãn, rồi nói bằng một tông giọng mà tôi không phân biệt được là đùa hay thật.
“Đó là lý do tớ sẽ hiến dâng cả đời mình cho cậu, Chihiro.”
Tôi đi một vòng qua những Phỏng Ức, nhưng cái từ “lời hứa” không để lại vang vọng nào. Chính bởi vì những tuyên bố trước đây của cô ấy luôn trùng lặp ngay ngắn với những đoạn Phỏng Ức, nên sự không nhất quán đó đã để lại một chút gợn trong trái tim của tôi.
6 Bình luận