Bởi tôi không có thói quen đọc sách, một cái “thư viện” đối với tôi có nghĩa là “thư viện trường”, và “thư viện trường” mang nghĩa “một nơi trú ngụ.” Từ tiểu học tới trung học, thư viện là một nơi như vậy, ngoài ra còn là một loại trại tạm giam.
Những học sinh không có chốn dung thân trong lớp học, không thể hòa nhập với đám còn lại, là những người đầu tiên bỏ trốn tới thư viện. Những đứa không được thư viện chấp nhận bỏ qua phòng y tế. Những đứa không được cả phòng y tế chứa chấp thì trốn về nhà. Giống như việc đi từ đồn cảnh sát tới trại giam, và từ trại giam tới một nhà tù. Vẫn có ít nhất một vài học sinh bỗng tự nhiên ngừng tới lớp, nhưng phần lớn những đứa không thể dung hạp được sẽ trải qua quá trình này trong sự rút lui khỏi cuộc sống học đường của chúng. Phần lớn sẽ không bao giờ đặt chân quay trở lại lớp học nữa.
Hầu hết những người đào tẩu ra thư viện sẽ trở lại lớp sau một vài giờ. Phần nhỏ những ai chạy khỏi đó sẽ đào tẩu ra phòng y tế, nhưng hiếm có đứa nào bò được ngược trở lại. Những đứa ở lỳ hàng tháng trong thư viện gần như là không tồn tại, bọn họ hoặc là kiểu người thích đọc sách đích thực – một loại sinh vật sách đỏ, hoặc là thể loại lập dị giống như tôi đã thích nghi hoàn toàn với thư viện.
Trong hai cấp trung học, tôi dành ra phần lớn thời lượng những buổi nghỉ trưa dài của mình trong thư viện. Nhưng tôi không có một ký ức nào về việc đã mở ra một cuốn sách ở đó. Tôi chỉ làm một trong hai việc: hoặc là học, hoặc là ngủ.
Một phần vì đơn giản là không có hứng thú với sách, nhưng quan trọng hơn, tôi muốn luôn luôn nhận thức được rằng mình đang không sử dụng thư viện đúng mục đích. Tôi không muốn bị cho vào cùng một nhóm những người khó tính mê đắm vào những trang sách với khuôn mặt như muốn nói “Tôi đến đây vì tôi muốn đọc sách, chứ không như phần lớn mấy người, chỉ ở đây để trốn học.” (Mặc dù bây giờ nghĩ lại, điều tôi làm và điều bọn họ làm về căn bản là như nhau.)
Mặc dù đó là hình thức duy nhất để tôi quan tâm về thư viện, nhưng vào ngày hôm nay, tôi đã đến thư viện tỉnh với một động cơ đàng hoàng. Tất nhiên là không phải để đọc sách. Rồi tôi có thể sẽ làm thế, nhưng tôi muốn thử một việc đã.
Tôi chìa ra tấm thẻ thư viện ở quầy lễ tân và điền vào một phiếu đăng ký sử dụng cổng thông tin. Dữ liệu của các cơ sở y tế có thể được truy cập vào từ những chiếc máy tính của thư viện. Đó cũng là lý do tại sao tôi không đến thư viện trong thị trấn gần đó, mà phải đi tới tít tận thư viện tỉnh xa xôi. Những nghiên cứu liên quan đến Phỏng Ức đã đạt được những bước tiến thần tốc trong những năm gần đây, nên tôi muốn có được thông tin cập nhật nhất có thể từ những tờ báo về công nghệ.
Lần cuối tôi đến đây là để nghiên cứu về độ an toàn của Lethe. Mục tiêu hôm nay của tôi là để xem liệu việc cấy ghép Phỏng Ức có thể gây rối loạn lên bộ nhớ hay không.
Chính xác hơn, đây là điều tôi muốn được biết: liệu người ta có thể nhầm lẫn hiện thực với một Phỏng Ức được không? Có khả năng nào để một người bị thuyết phục rằng tuổi thơ thật của họ chỉ là một sản phẩm của Thanh Thanh?
Dĩ nhiên rồi, không phải là tôi tin cô ta. Nhưng với sự lần khần của mình tối qua, tôi không thể chối bỏ rằng có một phần trong tôi vẫn muốn tin vào cái giả thuyết nó có thật ấy. Nếu tôi hoàn toàn tin rằng cô ta là một tay lừa đảo thì chẳng sao tôi lại khó ở đến thế này.
Tôi muốn những bằng chứng rõ ràng giải thích cho mình. Tôi cần một sự khẳng định rằng Phỏng Ức cho dù thế nào cũng vẫn chỉ là Phỏng Ức, không chút liên quan gì tới thực tại. Nếu không, việc bị cô ta lừa chỉ còn là vấn đề thời gian.
Không, nếu có ai đó đang đánh lừa tôi thì chỉ có chính tôi mà thôi. Ước vọng của tôi rằng lời nói của cô ta là đúng, ước vọng Touka Natsunagi thực sự tồn tại, chúng cùng nhau gây ra sự hỗn loạn trong tâm trí của tôi.
Tôi phải cắt đi những hy vọng ngây thơ của mình từ gốc rễ.
Sau khi gõ vài câu lệnh tìm kiếm chung chung và in ra mọi tài liệu có chút gì đáng đọc, tôi vô thức mê mải trong hơn một giờ đồng hồ, và sau khi đã liếc qua hầu hết tiêu các tiêu đề, tôi cầm lấy đống văn bản đã in và tiến về phía phòng đọc. Tôi dành ra nửa ngày ở đó xem qua hết tất cả.
Tôi tìm thấy một vài trường hợp ngược lại. Có vẻ như việc nhầm lẫn rằng những sự kiện trong Phỏng Ức của bạn thực sự đã xảy ra là không hiếm. Cuối cùng tôi rút được ra một điều, là mọi người sẽ tin vào thứ mà họ muốn tin. Khi không thể chịu nổi hiện thực, con người ta sẽ bóp méo đi chính những tri giác của họ. Điều đó dễ hơn là thay đổi thực tại.
Bên cạnh đó, dù đã tìm kiếm rất lâu, tôi không thể tìm thấy một trường hợp có người nghĩ rằng những sự việc có thật chỉ là Phỏng Ức. Tôi nhẹ nhõm. Ít nhất thì tôi đã có thể xén đi một nhúm những âu lo của mình. Có khả năng rằng chỉ là tôi chưa tìm đúng cách, nhưng việc biết được rằng không có trường hợp nổi tiếng nào về những biểu hiện này là rất có ý nghĩa.
Tôi hít một hơi dài và ngả lưng ra ghế. Chỉ khi ấy tôi mới nhận thấy bên ngoài đã tối om. Thư viện đã mất đi khoảng nửa số khách viếng thăm vào lúc ban ngày. Tôi nhét đống tài liệu vào trong cặp, nhẹ nhàng mát xa đôi mắt của mình rồi đứng dậy.
Sau khi đi quá cánh cửa mở tự động hai bước, tôi đột nhiên ngửi thấy cái mùi hương đặc sệt của đêm hè. Tôi có thoáng chút chóng mặt, có thể là bởi không thể bắt kịp lượng thông tin mà cái mùi hương đó, cùng những liên tưởng kèm theo, mang tới bộ não. Ký ức của mười chín mùa hè trải ra từ đầu tới cuối, chạy theo những bước chân của tôi.
Mùi vị của đêm hè là mùi vị của kỷ niệm. Đó là suy nghĩ mà tôi luôn luôn có mỗi khi tiết trời này kéo tới.
Đây cũng là thời điểm trong ngày mà người lao động trở về nhà từ công việc và bọn học sinh trở về nhà từ trường học hòa cùng nhau trên những chuyến tàu. “Giờ cao điểm” không phải là cách gọi đúng lắm cho những vùng vắng người như thế này, nhưng việc phải ở trong một không gian chật hẹp với những hành khách áo quần ướt sũng mồ hôi của một ngày đi làm khiến tâm trạng tôi trùng xuống.
Tôi bấu chặt vào một dải bám, nhìn xa xăm ra cửa sổ về phía những ánh sáng thành thị đang chạy vù qua. Cứ mỗi năm phút, một cơn buồn ngủ uể oải ập đến và rồi lại rời đi. Đôi mắt làm việc quá sức của tôi đang nhòa đi như thể chúng đã thức cả đêm. Tuy nhiên, sự mệt mỏi này rất đáng giá. Tối nay tôi đã có thể đối mặt với kẻ lừa đảo đó không chút bối rối.
Con tàu rung lắc dữ dội trong lúc đi qua một khúc cua. Một người đàn ông trung niên đứng bên cạnh mất thăng bằng và va vào vai tôi. Ông ta ném cho tôi một cái nhìn trách móc, nhưng sau đó lại chìm vào thứ mà tôi đoán là một cuốn tạp chí lá cải.
Tôi giả vờ như vừa bị một hành khách khác xô đẩy ở phía đối diện để có thể liếc trộm vào thứ mà ông ta đang đọc.
Lúc đầu tôi đã cho nó là một bài báo rác rưởi.
Nhưng dòng tiêu đề lại ngay lập tức thu hút sự chú ý của tôi.
Người đàn ông nhận nhầm vợ mình với một Phỏng Nhân.
Cơn ngái ngủ của tôi ngay lập tức bị thổi bay.
Tôi ngăn mình khỏi bắt chuyện với ông ta vào lúc ấy, chờ đến lúc người đàn ông đó bước xuống. Ông ta xuống trước tôi một trạm. Tôi bám theo ông ta, và sau khi đã ra khỏi cổng soát vé, tôi gọi với theo.
“Bác gì ơi.”
Người đàn ông đó quay lại. Sau một vài giây, có vẻ ông ta đã nhận ra tôi là hành khách đứng bên cạnh ông ta trên chuyến tàu.
“Cái gì đấy?”, người đàn ông lí nhí nói, hoàn toàn trái ngược với tính cách ngạo mạn của ông ta vừa nãy.
“Ừm, cái cuốn tạp chí mà bác vừa đọc ấy…”
Tôi định hỏi tên tạp chí là gì, nhưng ông ta lại nói “Ồ, thấy có gì thú vị hả?”, và giơ cuốn tạp chí đang cặp dưới nách ra cho tôi.
“Đằng nào tôi cũng sắp vứt nó đi, nên cậu có thể giữ nó.”
Tôi cảm ơn ông ta và nhận lấy cuốn tạp chí. Người đàn ông đó chuyển cái va li của mình sang cánh tay giờ đã rảnh và thanh thoát rời đi.
Tôi đi ngược lại qua cổng soát vé, ngồi trên một băng ghế đã sờn trên sân ga và mở cuốn tạp chí ra đọc. Tôi tìm ra được bài báo đó chẳng tốn mấy thời gian. Nó dài chưa đến nửa trang, nhưng thông tin trong đó có giá trị với tôi hơn bất cứ cái nào trong hàng tá tài liệu mà tôi đã đọc ở thư viện hôm nay.
Bài báo viết về một người đàn ông trẻ tuổi vừa mất đi người vợ của mình.
Chị vợ chết ngay trước mắt anh ta. Một cách ra đi thật bi thảm. Một cái kết đau khổ ngăn cản cô ấy có được chút tự trọng nào của một con người, và khiến cho bất kỳ ai chứng kiến chuyện ấy sẽ khó mà nhớ được cô ấy đã từng ra sao khi còn sống. Ngay sau khi vợ anh ta thiệt mạng, người đàn ông quyết định mua Lethe. Bởi vì vợ anh ta chắc cũng sẽ không muốn được nhớ đến bằng cách ấy.
Không phải là họ chỉ có thể lấy đi những ký ức đau buồn. Nếu anh ta chỉ không nhớ được cái chết của cô ấy, việc đó kiểu gì cũng sẽ gây ra những mâu thuẫn. Sớm muộn gì anh ta cũng sẽ cố lấy lại những ký ức đó. Để quên chúng đi, anh ta sẽ phải quên hoàn toàn. Mọi thứ từ ngày anh gặp cô, cho tới ngày bọn họ chia lìa.
Và đó là điều mà anh ta đã làm. Anh ta đã dùng Lethe để xóa đi mọi trí nhớ liên quan đến người vợ của mình.
Nhưng ngay cả khi những ký ức đã tan biến, cảm giác mất mát tựa hồ như anh ta đã mất đi một nửa cơ thể mình vẫn nguyên vẹn mãi ở đó, không chịu rời bỏ anh ta. Người đó cũng không cảm thấy có ý định tái hôn (mặc dù anh ta sẽ nghĩ rằng đó sẽ là lần kết hôn đầu tiên). Cũng giống như cảm giác mất mát, nỗi sợ mất đi bạn đời của mình cũng đã được khắc sâu vào não bộ của người đàn ông này.
Lựa chọn anh ta đưa ra là sử dụng Tuần Trăng Mật; một loại Phỏng Ức về một đám cưới giả tưởng. Một tháng sau khi được tư vấn ở một phòng khám, thuốc Tuần Trăng Mật được tạo nên dựa trên những khao khát sâu thẳm của anh ta được gửi đến nhà. Nó lấp đầy một cách hoàn hảo vào lỗ hổng trong tim anh chàng. Anh ta không thể cảm nhận được một chút gì là có bàn tay của một kỹ sư Phỏng Ức ở trong đó. Đó chính là loại ký ức mà tôi cũng đang kiếm tìm. Anh ta yêu những ký ức về người vợ giả tạo của mình, và tìm thấy sự thanh thản trong chúng.
Nhưng không lâu sau đó, anh ta bắt đầu có những cơn ác mộng. Anh ta không thể nhớ nổi chúng khi đã thức dậy, nhưng ít nhất thì anh biết được mình đã mơ đi mơ lại cùng một giấc mơ. Có cảm giác như nó chứa đựng tất cả những ác độc của thế gian, và anh ta bật khóc trên chiếc gối của mình từ lúc đi ngủ cho tới khi thức dậy.
Hai năm sau, anh ta nhận ra rằng những ký ức mà mình nghĩ rằng là Phỏng Ức lại chính là quá khứ thật sự. Thứ thuốc anh ta uống ngày hôm đó không phải là Tuần Trăng Mật, mà là Memento. Người ta đã nhầm lẫn đưa cho anh những nanobot khôi phục lại trí nhớ đã bị xóa, chứ không phải là những nanobot cấy ghép Phỏng Ức. Người ta nhầm anh với một khách hàng khác có tên gọi gần giống. Người mà anh ta nghĩ rằng là người vợ giả tưởng lại chính là người vợ đã khuất.
Xui xẻo là, bài báo không đả động gì tới hành động của anh ta sau khi nhớ lại mọi chuyện - liệu anh ta có uống lại Lethe thêm một lần nữa hay không.
Sau khi đọc hết ba lượt, tôi ngước lên. Chuyến tàu đến mười phút sau đó chỉ lác đác người, mọi hành khách trông đều đã mệt lử. Tôi ngồi xuống những chiếc ghế đặt dọc con tàu, nhắm mắt lại và sắp xếp lại đầu óc.
Tôi không có sự bảo đảm nào là câu chuyện trong bài báo có thật. Có thể đó là một thứ mà người viết đã thêu dệt nên, chẳng có chút căn cứ nào.
Nhưng để một việc như vậy xảy ra cũng là có lý. Khả năng phục hồi trí nhớ của Memento không phải là toàn diện. Nếu như bạn vẫn mất đi ký ức về việc “đã xóa ký ức của mình” và chỉ nhớ được những phần chính, việc cho rằng những thứ trong đầu bạn là Phỏng Ức sẽ hoàn toàn tự nhiên.
Giờ thì tôi lại trở về với con số không. Mà không, có lẽ còn tệ hơn thế nữa. Tôi đã bị thôi miên bởi giả thuyết mới mẻ và như mơ mà mình vừa mới nghĩ ra. Những Phỏng Ức mà tôi tưởng là sản phẩm tạo thành bởi Thanh Thanh lại chính là ký ức thật được khôi phục bởi Memento; tôi chỉ tạm thời mất đi chúng do Lethe. Thế nên những ngày tháng tươi đẹp ấy không phải là giấc mơ viển vông nào cả, và người bạn thơ bé Touka Natsunagi của tôi thực sự tồn tại - trời ơi, khả năng ấy làm con tim tôi nhảy nhót.
*
Chỉ vì tôi không có thói quen đọc sách cũng không có nghĩa là tôi có thói quen nghe nhạc. Trong những đêm mất ngủ, tôi có thể sẽ bật cái radio lên, nhưng chỉ có đến thế. Tôi chưa từng một lần trong đời dành tiền ra cho âm nhạc. Nên tôi không có kiến thức gì về việc bài hát nào đang thịnh hành, bài hát nào là kinh điển.
Nhưng tôi có thể nhớ ngay đến tên gọi của bài hát ấy.
Cô lại đang chờ đợi trong phòng tôi hôm nay. Vừa đứng trong bếp để chế biến một bữa ăn, cô vừa ngâm nga.
Một bài hát cổ. Một bài hát mà Touka Natsunagi thường ngâm nga. Cha cô là một người sưu tập đĩa hát, nên cô có kha khá kiến thức về âm nhạc.
Kỷ niệm xa xăm khơi gợi lại Phỏng Ức của tôi.
Mùi sách cũ phảng phất.
“Khi còn nhỏ, tớ chẳng hiểu nổi mấy lời bài hát đó,” Touka nói, đoạn nhấc lên đầu kim đọc đĩa.
“Nó có giai điệu tươi tắn, nên tớ cũng đoán là lời ca cũng vui vẻ. Khi đã có thể đọc được tiếng Anh nhiều hơn, lời bài hát mới làm tớ bất ngờ. Tớ không thể tin là mình lại suốt ngày ư ử một bài buồn bã đến vậy.”
Chúng tôi đang ở trong thư phòng của cha Touka. Cô ấy thường rủ tôi lẻn vào đây khi chúng tôi có thời gian rảnh hoặc đã chán học bài. Rồi cô sẽ cẩn thận cho một đĩa hát vào máy chơi nhạc như thể một nghi thức đã ấn định, và bắt tôi lắng nghe với một vẻ ta đây trên mặt.
Tôi không có hứng thú với âm nhạc, nhưng tôi thích khoảng thời gian dành bên Touka trong thư phòng đó. Nó thực sự hơi chật chội, lại còn chỉ có một cái ghế, nên chúng tôi quyết định ngồi cạnh nhau trên sàn nhà. Khi chúng tôi đã lớn hơn một chút và bắt đầu giữ một khoảng cách nhất định giữa hai đứa, đây là một trong những lúc chúng tôi đưa ra ngoại lệ và xích lại bên nhau. Cô cũng chỉ coi âm nhạc là thứ yếu, và có đôi lần không để ý là mình đã chơi cùng một đĩa nhạc trong cả hai hôm liền nhau.
Bằng cách này, câu nói “đi nghe đĩa không” của cô ấy có thêm một ẩn ý đối với tôi. “Đi nghe đĩa không” là một cụm từ pha đặc những xúc cảm vô tư mang nghĩa “tớ có thể ở bên cậu nhiều hơn được chứ?” và “tớ muốn chúng ta dành chút thời gian bên nhau.”
Tôi bắt đầu yêu thích tất cả những vật có liên quan tới thư phòng ấy như một lẽ tất yếu. Những cuốn sách cũ, đĩa hát quay, quả địa cầu, những chiếc đồng hồ cát, đồng hồ đứng, những viên chặn giấy, khung ảnh, những chai vodka (tôi vẫn nhớ nhãn hiệu hồi đó là Hysteria Siberiana). Căn phòng như một chiếc cầu, nối liền những đồ vật ấy với hơi ấm và làn da của Touka.
Bài hát mà cô thường ngâm nga, tôi cũng thường ngâm nga theo. Khi chúng tôi ở bên nhau và đã hết chuyện để nói, một đứa sẽ bắt đầu bắt nhịp.
“Lời bài hát như thế nào cơ?”, tôi hỏi. Tôi không thật sự quan tâm lắm, chỉ muốn kéo dài cuộc trò chuyện để có thể ở trong thư phòng lâu hơn.
Touka trầm ngâm vào một điểm nào đó trong không khí trong vài giây như để liếc trộm qua đáp án, rồi trả lời.
“Có một cô gái mà anh chàng nọ cảm thấy phiền phức khi ở gần, nhưng đến khi một người đàn ông khác có được cô ấy, anh chàng này mới hết lòng yêu cô, gào khóc rằng “hãy trở về bên anh,” “cho anh thêm một cơ hội.” Nó là một bài hát kiểu đó.”
“Tóm lại, chỉ khi để mất rồi người ta mới biết mình đã có những gì.”
“Chuẩn rồi đó,” cô gật. Rồi sau một giây lưỡng lự, cô chèn thêm vào một câu. “Đó là lý do cậu cũng nên cẩn thận đấy, Chihiro.”
“Tớ á?”
“Kể cả nếu cậu có thấy tớ phiền phức, đừng có mà bỏ tớ lại.”
“Nhưng chắc chắn là tớ không thấy cậu phiền đâu.”
”Ừ hứ…?”
Kế đến là một sự im lặng mơ hồ. Trong lúc tôi đang cố tìm kiếm chủ đề mới, Touka chúi về phía tôi mà không hề báo trước.
Vừa ngả lên người tôi, cô vừa cười ha hả như một đứa say rượu chập mạch.
“Còn cái này… thì đúng là hơi phiền một chút.” tôi nói để khỏa lấp đi sự xấu hổ của mình.
“Không được cằn nhằn,” Touka réo lên. “Không thì sẽ có một thằng con trai khác mang tớ đi đấy.”
Tôi ngoan ngoãn làm theo lời cô ấy.
Khúc hát thì thầm đã dừng lại, cùng lúc ấy, tôi cũng trở lại với hiện thực.
“Cậu về rồi à,” cô ấy quay lại và nói. “Này Chihiro, tớ rất tự hào về tác phẩm của mình hôm nay đấy nhé. Cậu ăn thử nhé, dù là một miếng thôi cũng được.”
Mắt tôi không thể nào mà tập trung nổi, hình bóng của cô ta mờ mờ ảo ảo.
Trong đầu tôi dường như có tiếng của một thứ đặc sệt gì đó trào ra ngoài.
“Chihiro?”
Cánh tay vươn ra của tôi tóm lấy đôi vai mảnh khảnh của cô ấy.
Một giây sau, tôi đẩy cô ta xuống. Cô ta chạm đất bằng lưng, hơi thở có phần hổn hển. Tôi trèo lên người cô ta và nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ của mình.
Chìa khóa đang nằm trong túi quần soóc của cô ta. au khi kiểm tra xem nó có đúng là của phòng tôi chứ không phải của phòng cô ta, tôi mới thả ả ra.
Cô ta ngồi dậy và bắt đầu lí nhí “Cậu làm tớ sợ đấy…”, rồi ngước nhìn lên phía tôi vẻ bàng hoàng, không thèm chỉnh lại quần áo của mình.
Tôi chỉ ra phía cửa.
“Đi ra ngoài.”
Cô ta loạng choạng đứng dậy, đeo giầy vào và đứng trước cánh cửa. Cô ta đặt tay lên nắm đấm, nhưng rồi lại quay về phía tôi.
“...Cho dù thế nào cậu cũng không muốn tin tớ sao?”
Ngược lại thì có, tôi nghĩ.
Nếu như tôi chỉ mất cảnh giác dù là một chút thôi, tôi sẽ tin vào cô ấy - đó chính là lý do tôi phải cư xử cực kỳ lạnh lùng.
Khi thấy tôi chỉ đứng đó mà không nói gì, cô ta mỉm cười buồn bã. Cô ta một lần nữa quay lưng lại phía tôi, chuẩn bị rời khỏi căn phòng.
“Chờ đã.”
Tôi cầm lấy đĩa đồ ăn của cô ta đúng lúc ả quay lại. Đó là một đĩa thịt hầm đầy rau củ mùa hè đủ màu sắc, được chuẩn bị rất tỉ mỉ, đến nỗi có phần lo lắng.
“A…” cô ta kêu lên một tiếng khe khẽ.
Tôi nghiêng cái đĩa, và tác phẩm nấu nướng của cô ta bị hút trọn bởi cái thùng rác.
Tôi giơ cái đĩa trống ra và nói:
“Cô đem cái này về đi.”
Cô ta nhìn về phía cái thùng rác, khóe mày không nhúc nhích. Rồi cô lặng lẽ nhận cái đĩa, bỏ ra khỏi căn phòng, nhẹ nhàng khép cánh cửa lại.
Chiến thắng đầu tiên, tôi nghĩ vậy. Tôi đã rũ bỏ được sự mê hoặc của cô ta và chứng minh được là tôi đã chế ngự thành công cái ảo ảnh của Touka Natsunagi.
Nhưng mặc dù đã có được một đòn đánh sau bao nỗ lực, tôi lại không cảm thấy thỏa mãn chút nào. Thực tế là, thời gian càng trôi đi, tâm trạng tôi càng chùng xuống. Tôi lấy ra chai gin từ ngăn đá, đổ đầy một cốc, uống hai lần. Nằm trên thảm trải sàn, tôi ngước lên trần và chờ đợi chất cồn rửa trôi đi nỗi khổ sở khó mà lý giải nổi của tôi.
Trong lúc gỡ đi những ý nghĩ phức tạp và rối bời, tôi đột nhiên nhớ ra một chuyện. Tôi ép mình bật dậy và khởi động chiếc máy tính xách tay đặt trên bàn.
*
Tại sao tôi lại bỏ qua một thứ cực kỳ cơ bản vậy chứ?
Chắc chắn là nó đã trơn tuột khỏi đầu óc tôi bởi cái lối sống trên cung trăng của bản thân, nhưng có một thứ nho nhỏ gọi là mạng xã hội, và nó giúp bạn tìm được mọi người qua tên tuổi và nơi sống của họ kể cả nếu như bạn không biết số điện thoại hay địa chỉ email của người đó.
Dùng cách này, việc liên lạc với một đứa bạn cùng lớp hồi cấp hai sẽ trở nên dễ dàng. Tôi không chỉ có thể nói chuyện với họ về quãng thời gian đó, mà còn có thể mượn kỷ yếu của họ để xem nữa. Nó làm tôi lo lắng khi nghĩ về chuyện phải bắt chuyện với những đứa bạn học mà mình chẳng bao giờ thèm nói chuyện, nhưng nếu việc này có thể giúp tôi có được bằng chứng về việc Touka Natsunagi không tồn tại, tôi không thể không làm nó.
Tôi lập một tài khoản trên một mạng xã hội lớn và tìm những người cùng trường với mình. Sau khi thu hẹp phạm vi tìm kiếm xuống cùng niên khóa, những cái tên quen thuộc cứ từ từ hiện lên.
Theo bản năng, tôi bỗng cảm thấy ngột ngạt. Như thể cái không khí của lớp học ngày đó đang tuôn chảy vào phòng tôi qua màn hình máy tính. Nhưng nó chỉ là một ảo giác nhất thời, nên cảm giác lùng bùng cũng nhanh chóng dịu đi. Tôi không còn là một đứa học sinh cấp hai nữa, và tôi không phải gặp lại những con người đó một lần nào nữa trong đời - trừ cái đứa mà tôi sắp liên lạc đây.
Tôi tìm ra tám người bạn cùng lớp. Sáu nữ, hai nam. Tôi lần lượt nhìn qua các bài đăng của họ. Tôi ngó vào cuộc đời họ. Tôi biết là chẳng có lý do tốt đẹp gì để mà mình làm vậy, nhưng không thể cưỡng lại.
Họ sống những cuộc đời rất khác. Một người đang đi du học. Một người đã có việc và đang làm việc chăm chỉ. Một người đang học ở một đại học có tiếng theo chương trình học bổng. Một người đang làm cho một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ trẻ mồ côi. Một người khác thì đã kết hôn cùng với một sinh viên cùng lớp.
Có rất nhiều các bức ảnh. Một bức ảnh chụp một nhóm đông bạn bè cùng tham gia một buổi thịt nướng. Một bức ảnh chụp đôi tình nhân vai kề vai trong hai bộ yukata. Một bức ảnh của một thành viên câu lạc bộ đang chơi đùa trên bãi biển. Một bức ảnh của ai đó đang bế trên tay đứa trẻ mới sinh. Một bức ảnh tập thể của một buổi họp lớp tôi không tham dự.
Một lần nữa, tôi cảm thấy như mình đang bị sự vô hồn của chính cuộc đời tôi đâm xuyên qua. Nhưng không có cảm xúc đố kỵ nào dâng lên cả. Một con người đang bò trên mặt đất không có lý do gì để quan tâm xem những người sống trên mây đang làm gì. Khi mọi thứ đã tách biệt đến độ này, bạn mất đi cả những ý muốn so sánh.
Tôi ấn chuột lên tài khoản của người cuối cùng, Giữa những đóa hoa mọc trên vách núi cao, lẫn vào đó là một bông hoa dại. Những bức ảnh cô ấy chụp đều dở tệ, và không có bức nào chụp người cả. Những dòng cập nhật trạng thái cũng đều vô vị khủng khiếp, chỉ có cảm giác của việc “tôi mở một cái tài khoản vì tất cả đều làm thế, nhưng thực sự tôi chẳng có gì để viết cả” là rõ mồn một. Khi kéo xuống những bài viết phía dưới, cô cho biết mình đang sống ở một thị trấn gần đó.
Tôi xem lại tên của tài khoản đó một lần nữa. Nozomi Kirimoto. À, Nozomi Kirimoto đó đó hả. Tôi không thể khơi lại vẻ mặt hay giọng nói của cô ấy, nhưng tôi nhớ tên người bạn đó hơn một chút so với những đứa khác. Bởi vì chúng tôi là bạn cùng lớp suốt ba năm liền, song không phải là chỉ có thế. Nozomi Kirimoto là một trong số ít những người tôi từng gặp mà tôi cảm thấy có thể đồng cảm được.
Nozomi là một cư dân của thư viện. Không phải là một đứa đào tẩu ra thư viện như tôi, mà là dân đọc sách chính hiệu. Từ mùa xuân của năm học thứ nhất đến mùa đông của năm học thứ ba, cô ấy luôn luôn lui tới thư viện. Cô đọc ngấu nghiến, với một tốc độ khiến tôi ngờ rằng cô ấy sẽ có thể đọc qua hết những đầu sách ở đó. Giờ nghỉ trưa không thôi là chưa đủ để thỏa mãn, nên cô ấy còn tranh thủ trong giờ giải lao giữa các tiết học và sau khi tan trường để mở ra một cuốn sách.
Tôi vẫn nhớ cặp kính dày quá khổ khiến cho đường viền trên khuôn mặt cô ấy như bị biến dạng, và cách buộc túm hết tóc lên trông rất nhà quê. Khả năng học tập của cô ấy cũng chẳng có gì đáng để khoe khoang, còn mặt mũi cô ấy chỉ tạm được. Nếu liếc qua, bạn có thể sẽ nghĩ cô ấy là loại cán bộ lớp nghiêm túc quá trớn, nhưng cô ấy quá khép kín để ứng cử vào một vị trí như vậy. Lúc nào cô ấy cũng chỉ ở một mình, lúc nào cũng giữ cho ánh mắt hạ thấp, lựa chọn cách bước đi trong bóng tối, nơi góc khuất.
Ba hay bốn lần gì đó trong ba năm của trường cấp hai, chúng tôi bắt cặp trong một lớp học hoặc thứ gì đó. Hình như là lớp âm nhạc, mỹ thuật, và một sự kiện của trường. Cùng là những người bị bỏ lại, chúng tôi được ghép vào cùng một nhóm bằng phương pháp loại trừ. Đó cũng là lúc tôi biết được, rằng khi bình thường cậu ấy là một cô gái nhút nhát, nhưng một khi đã vào guồng thì vẫn có thể nói nhiều như bất cứ người bình thường nào.
Không, chẳng có gì “bình thường” về nó cả. Nozomi Kirimoto có thể nói tiếng Nhật lưu loát hơn bất cứ đứa trẻ nào bằng tuổi, vượt trên những sự so sánh thông thường. Vì đã quá quen bơi lội trong những biển chữ in mực, nên cô biết đôi điều về cách dùng từ sao cho hiệu quả. Cô toát lên cái khả năng ấy, và trong một dịp hiếm hoi có cơ hội để thảo luận, cô sẽ thích thú xem thử sự sắc bén của mình. Sau khi diễn thuyết một hồi, cô sẽ chuyển về trạng thái căm ghét bản thân và lại chui sâu hơn vào lớp vỏ của mình.
Nozomi Kirimoto là một cô gái như thế. Không thể làm quen được với tập quán của xã hội này, cô cố đi theo con đường riêng của mình, và trở nên xa cách hơn với thế giới; lối sống vụng về ấy là điều duy nhất mà cô có thể thu xếp được.
Sẽ là cô ấy, tôi quyết định như vậy.
Tôi chọn gửi đi một tin nhắn vô hại trước, không đề cập vào chủ đề chính. Khi không tự dưng liên lạc với bạn cùng lớp mà mình hiếm có nói chuyện bao giờ để nhờ cho xem kỷ yếu sẽ khiến tôi bị nghi ngờ là mình là một tay buôn bán thông tin cá nhân mất.
Tin nhắn tôi dành ra hai mươi phút để viết trông cực kỳ ngớ ngẩn. Nếu nói giảm nói tránh thì đọc nó như một tin nhắn rác được một người ngoại quốc biết tiếng chút chút viết ra vậy. Thì đây là lần đầu tiên tôi gửi tin nhắn cho một người quen, nên cũng không ngạc nhiên lắm. Thật sự thì tôi cũng hơi không giống người Nhật. Tùy cơ ứng biến vậy.
Tôi không bằng lòng với tin nhắn, nhưng biết sự quyết tâm của mình đang lung lay với mỗi giây trôi đi, nên tôi đã gửi nó đi mà không cần viết lại trước khi có thể tỉnh táo lại. Rồi tôi đóng chiếc laptop lại và nằm xuống sàn.
Tôi thức dậy vào đêm đó bởi một cơn ác mộng thường gặp. Tôi ngồi dậy, đi vào bếp, đổ ra một ít nước và uống ba cốc liền. Tôi luôn làm như vậy mỗi khi bị ác mộng. Việc uống nước lạnh có vẻ sẽ khiến cho một cảm giác về thực tại quay trở lại cơ thể tôi, khiến cho cơn ác mộng không còn chỗ trú ngụ và đuổi nó đi nơi khác. Sau vài phút, tôi sẽ quên cả việc giấc mơ đó có cảm giác như thế nào. Trong những hôm nỗi sợ hãi không chịu bỏ đi, tôi sẽ uống một chút rượu gin. Cái đó thường làm tôi quên đi mọi thứ. Những thứ nước trong trẻo có năng lực như thế. Dòng sông quên lãng có tên Lethe theo tưởng tượng của tôi hẳn phải trong vắt và rất đẹp đẽ.
Sau cả một ngày dài, tôi vẫn không nhận được hồi đáp từ Nozomi Kirimoto. Cô ấy nghi ngờ tôi là một tay chào hàng hay một tay cò mồi chắc, hoặc cô ấy biết tôi là bạn cùng lớp trước kia nhưng vẫn phớt lờ tôi đi? Nếu là trường hợp phía trước thì vẫn còn hy vọng, nhưng tôi không thể chắc chắn về cái nào khi mà không có hồi âm gì cả. Mà có khi cô ấy không thường xuyên kiểm tra mạng xã hội chưa biết chừng.
Tôi thắc mắc liệu mình có nên gửi thêm một tin nữa không. Vào lúc này, tôi sẽ gạt mọi thứ sang một bên phục vụ cho mục tiêu bộc lộ danh phận thực sự của Touka Natsunagi. Nên tôi không thể kén chọn phương pháp của mình được. Bên cạnh đó, Nozomi Kirimoto không có ý nghĩa thực sự quan trọng với tôi. Ngay cả nếu như việc lợi dụng cô ấy sau này sẽ dẫn đến sự khinh bỉ và miệt thị, thì cũng sẽ chẳng khiến tôi bận tâm.
Vấn đề là nên viết gì ở tin nhắn thứ hai. Từ ngữ nào tôi có thể dùng để khiến cô ấy tin tưởng? Tôi có thể thu hút sự chú ý của cô ấy không? Giống như một thằng nhóc lần đầu viết thư tình, tôi xóa đi xóa lại. Đến lúc tôi không còn hiểu ý nghĩa của những từ mình vừa viết nữa, tôi đột nhiên nghĩ tới một phương pháp tệ nhất.
Và tôi đã làm theo ý tưởng đó. Tôi sẽ không đi vào chi tiết, hãy xem như tôi vừa nghĩ đến kẻ lừa đảo trong câu chuyện của Emori.
Nó mang lại hiệu ứng thấy rõ. Chỉ một tiếng sau, tôi nhận được tin trả lời từ Nozomi Kirimoto. Tim tôi không hẳn là đau đớn hay gì bởi đã lợi dụng lương tâm của cô ấy, nhưng thật là một cảm giác kỳ lạ khi phải biến thành một kẻ đi lừa đảo để có thể phơi bày ra lời nói dối của một kẻ lừa đảo khác. Chúng tôi giao ước sẽ gặp nhau chiều ngày mai ở gần nhà ga, rồi tôi đóng lại cuộc trò chuyện của chúng tôi tại đó.
Đồng hồ chỉ chín giờ tối. Trong vài ngày gần đây, đó là khoảng thời gian người phụ nữ tự nhận mình là Touka Natsunagi sẽ thường sang phòng tôi. Tôi vô thức nhìn sang bức tường kế bên phòng của cô ta, rồi nhìn về phía cửa ra vào. Nhưng tôi không biết sao lại nghĩ rằng cánh cửa đó sẽ không mở ra tối nay.
Cuối cùng, đêm đó cô ta cũng không giở trò gì. Có lẽ cô ta đã nhận ra là tôi sẽ không đáp lại như cô ta mong muốn và đang sửa lại kế hoạch của mình. Có thể cô ta đang giả vờ là bị tổn thương điều tôi làm đối với đồ ăn do cô ta nấu, và muốn xem thử phản ứng của tôi. Hoặc việc không làm gì tối nay cũng chính là một phần kế hoạch. Nếu thế, thì kế hoạch của cô ta đã thành công một cách chán ghét rồi đấy. Tôi lắng nghe tiếng động phát ra từ căn phòng bên cạnh suốt đêm, ngẫm xem lý do để cô ta không sang là gì. Đến khi cơn buồn ngủ cuối cùng cũng đến, những tia nắng sớm đã chiếu qua bức rèm cửa.
*
Đó là lần gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi trong năm năm.
Nozomi Kirimoto đang đứng nghiêm trang tại điểm đã hẹn ở trước bức tượng đá, nhìn lên cơn mưa với vẻ rầu rĩ dưới tán ô xanh dương đặt trên vai. Tóc cô trước được buộc lại bằng một chiếc kẹp lỗi mốt, giờ được thả tự do, cặp kính dày đã được thay bằng kính áp tròng, quần áo cũng đã chải chuốt hơn, nhưng về cơ bản cô ấy vẫn toát lên cái ấn tượng như hồi đó. Đôi mắt cô ấy vẫn nhô ra từ bên dưới những bờm tóc với một màu xám đục, giống như khi bạn pha mọi cảm xúc tiêu cực có thể có vào cùng với nước. Tưởng chừng như những khái niệm cốt yếu về Nozomi Kirimoto vẫn được giữ lại trong khi mọi thứ khác đã được thay thế bằng những bộ phận mới.
Cô khẽ cúi chào khi nhìn thấy tôi, rồi chẳng nói chẳng rằng chỉ tay tới một quán cà phê nằm đối diện bên đường, và bắt đầu bước đi mà không đợi tôi hồi đáp. “Trốn khỏi cơn mưa này cái đã,” tôi đoán ngụ ý là thế.
Có vài vị khách cũng vào đó để trú mưa, nhưng không đến mức đông đến nỗi không có chỗ cho chúng tôi. Cả hai cùng ngồi xuống một chiếc bàn đặt cạnh cửa sổ, và sau khi đã làm ướt họng bằng cốc nước đá được bồi bàn mang tới, Nozomi Kirimoto từ từ mở miệng ra nói.
“Mục đích của cậu là gì?”
“Mục đích gì?”, tôi lặp lại.
“Cậu có ý đồ gì trong đầu khi liên lạc với tôi vậy?”, cô ấy hướng ánh mắt rầu rĩ về phía cạnh bàn. “Thuyết giáo? Buôn đồ đa cấp? Khóa học bán hàng? Nếu là những thứ đó, thì xin thứ lỗi cho, nhưng tôi phải đi ngay đây. Tôi không nghĩ mình cần phải tiết kiệm gì cả, cũng không ham muốn tiền bạc cho lắm.”
Tôi nhìn chằm chằm cô ấy trong sự ngỡ ngàng.
Cô ném cho tôi một cái liếc, rồi ánh mắt lại lang thang đi chỗ khác.
“Xin lỗi nếu mình đã hiểu nhầm. Nhưng mình không nghĩ ra bất cứ lý do gì để cậu liên lạc với một người như mình, thế nên là…”
Giọng cô ấy lạc đi ở phía cuối, nên tôi khó mà nghe được.
Tôi kéo chiếc cốc nằm ở giữa bàn về phía mình, rồi sau một hồi lần khần, đưa lên miệng hớp một hơi.
Phải làm gì bây giờ? Tôi muốn nói rằng “Không phải thế đâu, tớ nhắn cho cậu chỉ vì muốn gặp cậu thôi,” nhưng phỏng đoán của cô ấy là chuẩn xác. Tôi không phải nhà truyền đạo hay đa cấp gì, nhưng đúng là tôi không đến đây chỉ đơn giản là để gặp cô ấy. Ý định thực sự của tôi nằm ở chỗ khác.
Vờ như không biết thì cũng khá đơn giản. Nhưng tôi không nghĩ mình có thể tiếp tục giả vờ như thế lâu được. Nếu tôi là loại người có thể làm bộ quý mến được người khác một cách thuyết phục thì tôi giờ đã chẳng chỉ có một mình.
Tôi gọi một người phục vụ mang cà phê cho chúng tôi. Và thay vì khẳng định hay chối bỏ nghi ngờ của Nozomi Kirimoto, tôi hỏi ngược lại.
“Phải chăng cậu đã từng trải qua một chuyện như vậy rồi?
Đó là một câu hỏi vô nghĩa để lấp đầy khoảng trống.
Nhưng hóa ra đó là câu trả lời thích hợp nhất.
Mắt cô ấy mở to, toàn thân rung lên, cặp lông mày hạ xuống, cô ấy im lặng như một tảng đá. Kể cả người đi qua cũng có thể thấy cô ấy khổ sở thế nào. Tôi cũng thấy tội lỗi vì có thể đã nói gì sai chẳng hạn.
Cô ấy giữ im lặng trong một lúc lâu sau đó. Cô ấy đang suy nghĩ xem nên nói gì, hay là đang đợi tôi cất lời, hoặc là đang buồn bực đến mức không muốn nói chuyện thêm với tôi nữa? Từ những biểu cảm của cô ấy tôi không thể đoán được.
Vừa lúc tôi định mở lời xin lỗi “tớ không có ý gì đâu, đừng để tâm,” Nozomi Kirimoto khẽ khàng lẩm bẩm một câu gì đó.
Tôi ghé sát lên bàn để nghe được cô ấy rõ hơn.
“Ngay sau khi mình vào cấp ba, mình đã có một người bạn,” cô nói với giọng khô khốc. “Mình rất nhút nhát và đơn độc, nhưng người bạn đó hàng ngày vẫn tới nói chuyện chân thành với mình. Người bạn đầu tiên mà mình có trong đời. Cô bạn đó có tâm tính rất tốt, và không giống như mình, bạn ấy được cả lớp quý mến. Bạn ấy có thể chơi với bất kỳ ai, nhưng luôn luôn dành cho mình sự ưu tiên, và mình rất trân trọng nó.”
Một nụ cười ấm áp xuất hiện trên môi của cô ấy, nhưng không quá hai giây.
“Nhưng chỉ một tháng sau khi bọn mình trở thành bạn bè, bạn ấy đưa mình tới một nơi kỳ lạ. Đó là một buổi họp của một nhóm tín đồ mờ ám mới thành lập mà mình chưa từng nghe qua. Tuần kế tiếp, và cả tuần kế tiếp sau đó nữa, bạn ấy đưa mình tới cùng một chỗ như thế. Bởi mình không có ai, nên bạn ấy nghĩ mình sẽ dễ dàng bị dụ dỗ. Sau khi cương quyết nói rằng mình không muốn tham gia và đừng có mời mọc mình nữa, bạn ấy cũng ngừng nói chuyện với mình. Không những vậy, cô bạn đó còn lan truyền những tin đồn hiểm độc quanh khắp trường, và trong suốt ba năm, mình luôn bị dõi theo bởi những cái nhìn lạnh lẽo và bị công kích bởi những lời nói vô tâm.”
Cà phê được mang tới chỗ chúng tôi. Người phục vụ dường như nhận ra không khí im lặng căng thẳng giữa chúng tôi, nên chỉ cúi chào nhẹ và nở nụ cười mỉm rồi bỏ đi.
“...Tệ thật.”
Tôi chỉ nói được có thế.
“Ừ, đúng vậy,” Kirimoto gật đầu. “Đó là lý do mình ghét những lời nói dối.”
Tôi không còn bụng dạ để mà giấu giếm cô ấy sau khi nghe tới đó. Đành nói với cô ấy sự thật thôi, tôi quyết tâm như vậy.
Nhìn theo một cách khác, mặc dù Nozomi Kirimoto nghĩ tôi rất có thể là một kẻ lừa đảo, nhưng vẫn đến gặp tôi. Chắc là cô ấy không thể từ chối một yêu cầu. Có nghĩa là mọi việc sẽ được đẩy nhanh hơn nếu tôi cứ thành thực với cô ấy về ý muốn thực sự của mình.
Tôi hớp một ngụm cà phê, rồi đặt nó về với tấm lót.
“Cậu nói đúng một nửa đó, Kirimoto ạ.”
Mặt cô ấy hất lên, nhưng rồi nhanh chóng cúi gằm xuống trở lại.
“Một nửa?”
“Tớ có một động cơ ngầm khi liên lạc với cậu. Đó là sự thật.”
“...Vậy còn nửa còn lại?”
“Người tớ muốn gặp có thể là bất kỳ ai. Có một vài ứng viên khác nữa, nhưng tớ có cảm giác mình sẽ ghét phải gặp bất kỳ ai trong số họ. Nhưng tớ cảm thấy dễ chịu khi liên lạc với cậu. Như thế thì, tớ nghĩ có thể nói rằng tớ có mong muốn được gặp cậu, Kirimoto ạ.”
Cô ấy lại trở nên im lặng. Nhưng sự im lặng lần này không kéo dài lâu.
Cô cất lời với vẻ mặt lạnh băng.
“Thế thì, động cơ ngầm của cậu là gì?”
Có vẻ như cô ấy muốn đi thẳng tới vấn đề.
Tôi thầm cảm ơn cô ấy, rồi nói vào chủ đề chính.
“Cái tên Touka Natsunagi có quen thuộc với cậu không?”
“Touka Natsunagi?”
“Cậu có nhớ bạn gái nào trong lớp cấp hai có cái tên đó không?”
Cô khoanh tay lại trên mặt bàn và suy nghĩ về nó.
“Chắc cậu cũng biết, nhưng mình cũng hiếm khi nào trao đổi với bạn cùng lớp của bọn mình. Nên mình không thể khẳng định chắc chắn. Tuy nhiên…”
Cô ấy nhìn chăm chú về phía tôi qua bờm tóc dài, rồi bảo rằng.
“Ít nhất theo những gì mình nhớ, không ai học sinh nào trong lớp có cái tên như vậy cả.”
Kế đến, Nozomi Kirimoto bắt đầu nêu tên học sinh trong lớp, từng đứa một. Nó cho thấy câu cảnh báo “mình không thể khẳng định chắc chắn” thật lố bịch. Cô có thể đọc thuộc lòng tên gọi của tất cả học sinh trong cả ba năm đi học.
“Mình nghĩ vậy là hết rồi,” cô nói sau khi đếm xong bằng đầu ngón tay. “Cũng được một vài năm rồi, nên mình không tự tin lắm.”
“Không, tớ nghĩ là cậu nhớ chuẩn xác rồi đó. Trí nhớ siêu đẳng quá.”
“Vậy mà tớ không tài nào nhớ nổi mặt bọn họ. Lạ thật, chỉ có những cái tên là mình không sao quên được.”
Tôi cũng khoanh tay lại và suy nghĩ về chuyện đó. Gần như chắc chắn trí nhớ của Nozomi Kirimoto là hàng xịn. Khó mà tưởng tượng được, rằng một người với trí nhớ rõ ràng như vậy lại thấy không quen với cái tên của một người bạn cùng lớp đã từng đi học cùng. Nên đúng như tôi nghĩ, không có người học sinh nào tên là Touka Natsunagi hết.
Cho dù vậy, tôi lưỡng lự khi phải phân giải một vấn đề về trí nhớ bằng một biện pháp dùng trí nhớ. Cả cái chuỗi nghi ngờ này đến từ cái việc “ký ức là không thể tin tưởng được.” Một phần trong tôi cảm thấy rằng giải quyết vấn đề này bằng trí nhớ của ai đó thì sẽ chỉ là sự lặp lại so với trước.
“Tớ nghĩ là trí nhớ của Kirimoto chuẩn xác đó,” tôi dùng từ ngữ rất cẩn thận. “Nhưng tớ vẫn muốn nhìn thấy ít nhất thêm một bằng chứng rõ ràng nữa thì mới an tâm được. Cậu vẫn còn giữ cuốn kỷ yếu hồi tốt nghiệp chứ?”
“Ờ… ừ. Mình nghĩ nó nằm đâu đó trong căn hộ của mình thôi.”
“Cậu đưa nó cho tớ xem được không?”
“Bây giờ á?”
“Ừ. Càng sớm càng hay, nhưng nếu cậu không tiện thì…”
“Thế thì đi thôi.”
Trước khi tôi kịp kết thúc câu nói, cô đã vớ lấy tờ hóa đơn và đứng dậy.
“Dù sao thì căn hộ của tớ cũng không xa đây lắm.”
Chúng tôi im lặng đi bộ qua thị trấn chìm trong màn mưa. Không có lấy một câu trao đổi nào giữa chúng tôi, nên bạn sẽ không bao giờ đoán được chúng tôi là bạn cùng lớp gặp lại nhau sau năm năm trời.
Vào những lúc như thế này, tôi đoán là người ta thường nói về những chuyện xảy ra gần đây. Chèn vào đoạn hội thoại một vài tin tức của bạn bè chung, dần dần đưa câu chuyện trở về quá khứ, lôi ra những kỷ niệm hài hước và sự kiện đáng nhớ hồi đó, và thế là có một cuộc nói chuyện êm đẹp về những ngày tháng đã qua.
Nhưng chúng tôi chẳng hề có những kỷ niệm đẹp. Chúng tôi không có bạn bè nào mà mình vẫn còn giữ liên lạc cho tới hiện tại, và cố nói về những sự kiện gần đây sẽ chỉ làm khổ sở thêm mà thôi. Cả hai đều biết người kia đã sống lặng lẽ trong góc lớp, hít thở thứ không khí nhàm chán, chỉ có được sự thảnh thơi ngắn ngủi trong thư viện - chúng tôi đều đã sống qua quãng thời gian xám xịt. Không ai có ý muốn đào lại cái quá khứ như thế.
Từ sân ga, chúng tôi đi xe buýt khoảng hai mươi phút, rồi đi bộ đúng năm phút để tới được khu nhà tập thể của Nozomi Kirimoto. Trông nó sạch sẽ hơn hẳn khu nhà cũ mà tôi đang ở; không có vết ố nào ở bên ngoài, còn bãi gửi xe đầy những chiếc xe máy hạng nhẹ với màu sắc sặc sỡ mà tôi đoán là phụ nữ trẻ sẽ chuộng.
Tôi muốn đợi ngoài cửa, nhưng cô đã ra hiệu cho tôi đi vào phòng.
“Cậu đang vội mà đúng không? Mình không phiền cho cậu xem nó ở đây đâu.”
Tôi cảm thấy hơi khó xử khi vào phòng của một đứa con gái mà mình còn chẳng thân, nhưng Kirimoto đã đúng khi nói rằng tôi muốn nhìn vào cuốn kỷ yếu đó ngay. Đành chấp nhận lòng tốt của cô ấy vậy. Tôi dựa cái ô ướt vào bức tường hành lang, rồi bước vào trong phòng của Kirimoto.
Để mô tả nó bằng từ “bừa bộn” thì cũng không chính xác. “Có rất nhiều sách” thì hợp lý hơn. Có ba tủ sách to đùng, cả ba đều đầy oặp sách, những cuốn xếp không vừa tạo thành những tòa tháp trên sàn và trên bàn. Nếu nhìn gần hơn, chúng dường như được sắp xếp theo một hệ thống nào đó của cô ấy, nên nghe thì có vẻ lạ, nhưng ấn tượng mà tôi nhận được là “một sự bừa bãi có trật tự”.
“Xin lỗi vì căn phòng bừa bộn của mình,” cô xấu hổ nói, chắc đang cố đoán điều mà tôi nghĩ.
“Không đâu, cậu chỉ có quá nhiều đồ thôi. Tớ không nghĩ là nó bừa bộn.”
Dù không có một tiêu chí nào về việc phòng con gái bình thường nên trông ra làm sao, nhưng rõ ràng là phòng của Nozomi Kirimoto khác xa so với chuẩn mực. Nó chắc chắn là có cá tính, nhưng bên cạnh đó, nếu chỉ đơn giản bỏ đi cái núi sách khiến bạn có ấn tượng đó, bạn sẽ bỗng nhiên thấy nơi này chẳng thuộc về ai. Chiếc bàn, chiếc giường, chiếc sofa, chúng đều có thiết kế vượt ra khuôn khổ của sự chung chung. Như thể bạn chỉ cần viết “bàn”, “giường”, “sofa” rồi dán lên chúng vậy.
Cô ngồi xổm xuống trước một giá sách. Hình như những cuốn khổ lớn và album được cất ở ngăn dưới cùng.
Trong lúc tìm kỷ yếu, Nozomi Kirimoto hỏi tôi.
“Mình phải thắc mắc là, tại sao cậu lại không có kỷ yếu của chính mình cơ chứ? Cậu không mua một cái sao?”
“Tớ vứt nó đi rồi. Tớ muốn hành lý chuyển nhà nhẹ bớt đi.”
“Nghe giống cậu thật đấy,” cô cười khúc khích. “Mình cũng định vứt nó đi rồi, nhưng như cậu thấy đấy, mình không phải là một người có thể vất đi bất cứ cái gì trông giống một cuốn sách.”
“Đúng nhỉ, nhưng tớ phải cảm tạ điều đó.”
“Ồ, đừng bận tâm.”
Cô ấy tìm ra kỷ yếu ở tủ sách thứ hai. Sau khi rút nó ra và thổi bay lớp bụi, cô đưa cho tôi và nói “của cậu này.”
Đầu tiên, tôi mở ra trang có chứa những tấm ảnh tốt nghiệp cá nhân. Sau khi nhìn qua lớp của mình, tôi còn kiểm tra các lớp khác để cho chắc chắn.
“Không có ở đây,” Nozomi Kirimoto ngồi xem bên cạnhnhận xét.
Tôi kiểm tra ba lần, và cô ấy đã đúng; tôi không tìm thấy một học sinh nào tên Touka Natsunagi cả.
Sau đó, chúng tôi còn kiểm tra lần lượt hết từng bức ảnh một: ảnh chụp tập thể của hội đồng học sinh và thành viên của các câu lạc bộ, ảnh chụp từng lớp và những sự kiện trong trường. Nozomi Kirimoto có thể đoán đúng hết tên của mỗi người.
“Chihiro.”
Tôi giật mình khi bỗng nhiên nghe thấy cô ấy gọi tên mình, nhưng hình như cô ấy chỉ đang muốn bảo, “Chihiro là người trong bức ảnh này.” Trong tấm đó, tôi đang viết lách trên bảng.
Trong bức ảnh này, tôi trông như một học sinh gương mẫu tích cực tham gia vào bài giảng. Nhưng tôi biết đó không phải sự thật. Tôi luôn luôn nhìn lên đồng hồ vào những ngày ấy, nhìn chằm chằm vào chiếc đồng hồ đặt trên tấm bảng đen, chờ đợi lớp học kết thúc. Tôi muốn rời khỏi trường và ở một mình không muộn hơn một giây. Và tôi càng mong ngóng điều đó thì dường như kim phút càng quay chậm.
Bức tiếp theo thu hút ánh mắt của tôi chụp cô gái đầu tiên tôi thấy khi tìm kiếm bạn cùng lớp trên mạng. Đó là một cảnh tượng từ buổi biểu diễn tại lễ hội văn hóa, thật sự là một tấm ảnh lý tưởng để lưu vào kỷ yếu. Một cô gái duyên dáng, xinh đẹp và ít khi mâu thuẫn, đối xử với mọi người bình đẳng như nhau, nên cũng được mọi người quý mến.
Đột nhiên, tôi nhớ về tấm ảnh họp lớp được đăng trên tài khoản cô gái đó.
“Nhân tiện, Kirimoto, cậu có đi họp lớp không?”, tôi bình thản hỏi.
“Không”, cô ấy nhẹ nhàng lắc đầu. “Mình đoán là cậu cũng không đi hả Chihiro?”
“Đúng rồi. Không có ai mà tớ thực sự muốn gặp cả, và tớ ngờ là có ai ở đó có muốn gặp tớ không.”
“Mình cũng cảm thấy như thế. Ai mình gặp cũng đều làm mình buồn. Bên cạnh đó - “
Vào lúc ấy, cô sững lại. Lúc đầu tôi tưởng là do lỗi in ấn. Nhưng ngay lập tức sau đó, tôi nhớ đây là chỗ bạn sẽ có những lời nhắn của bạn bè dành cho mình.
Tôi thờ ơ lật qua trang đó, nhưng cô ấy cất tiếng “trắng xóa sao, dĩ nhiên rồi,” và tự cười nhạo mình.
Tôi vừa định nói “của tớ cũng vậy mà,” nhưng ngừng lại. Tôi nghĩ cô ấy cũng đã hiểu từng đó.
Không lâu sau, tôi đã xem qua hết các trang. Cuốn kỷ yếu đã chứng minh rằng không có cô gái nào tên Touka Natsunagi tồn tại giữa những người bạn cùng lớp của tôi cả.
Ngay trước khi tôi rời khỏi căn phòng, Nozomi Kirimoto khẽ khàng nói “ừmm…” và hỏi tôi một điều.
“Cái người Touka Natsunagi đó rốt cục là ai vậy? Tại sao cậu lại tìm kiếm cô ấy hả Chihiro?”
“Xin lỗi, nhưng tớ không muốn nói nhiều quá về chuyện này,” tôi trả lời mà không quay đầu lại.
Không rõ tại sao, nhưng tôi không muốn ở trong căn phòng này thêm một giây nào nữa. Tôi muốn mau chóng quay trở lại căn hộ của mình để mà uống rượu gin một mình.
“Vậy sao?”
Cô dễ dàng rút lui.
Tôi trút hơi thở dài, quay lại bảo.
“Đó là một nhân vật hư cấu.”
Chỉ với câu nói ấy, Nozomi Kirimoto dường như đã hiểu tất cả.
“Một Phỏng Nhân?”
Tôi gật đầu.
“Bởi vì có chút tai nạn, nên ký ức trong đầu tớ đã bị lẫn lộn với Phỏng Ức. Tớ đang bị dày vò bởi ảo giác về một cô gái đã thích mình. Thật ngu ngốc phải không?”
Cô ấy nhẹ nhàng mỉm cười.
“Mình hiểu mà. Bởi vì mình cũng đã từng trải qua điều đó.”
Rồi cô ấy sửa soạn định nói gì đó. Có lẽ là đi sâu hơn vào điều đã từng trải qua ấy. Nhưng trước khi câu chữ có thể thoát ra ngoài không khí, cô nuốt chúng lại trong cổ họng. Thay vì thế, cô gói gọn lại cuộc nói chuyện bằng những từ ngữ khác, khách quan hơn.
“Mình hy vọng cậu sẽ sớm tỉnh giấc.”
Tôi đã có thể mỉm cười một chút. Đoạn tôi nói “Cảm ơn vì ngày hôm nay nhé.”
“Không, mình cũng vui khi được gặp lại một người quen cũ. Vậy chào nhé.”
Trước lúc cánh cửa đóng lại, tôi trông thấy cô ấy đang nhẹ tay vẫy.
Đó là lần cuối tôi trông thấy Nozomi Kirimoto.
Bên ngoài trời vẫn mưa. Một số vũng nước đã đọng lại trên những chỗ lõm của mặt đường nhựa, những giọt mưa đang rơi vẽ nên những thiết kế hình học không gian. Ai đó đã từng nói rằng cơn mưa sẽ xóa đi những ký ức đặt bên lề cuộc sống. Vì muốn quên đi những thứ mà mình đã đào bới lên hôm nay, nên tôi khựng lại giữa hành động mở ô, đóng nó lại, và để cả người tôi đằm mình trong cơn mưa một lúc.
2 Bình luận