Honzuki no Gekokujou
Miya Kazuki You Shiina
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập 01 - Con gái của một người lính - Quyển Thượng

Chương III - Cuộc thám hiểm thành phố

2 Bình luận - Độ dài: 2,886 từ - Cập nhật:

Tôi khóc suốt từ hôm qua đến giờ. Dù cho là lúc được gọi ra ăn tối hay bị cha mẹ mắng vì tội kéo chăn bông xuống sàn, tôi vẫn không ngừng khóc.

Bởi khóc quá lâu khiến đôi mắt của tôi sưng vù, đầu thì đau như muốn nứt.

May mà cơn sốt đã lui nên thân thể không còn cảm thấy mệt mỏi nữa. Chưa kể gào khóc xong cũng giúp tâm trạng tôi trở nên tốt hơn. Có điều lúc ăn sáng, người nhà luôn đối xử với tôi như với một món đồ dễ vỡ vậy.

“Hết sốt rồi này.”

Đôi tay lành lạnh thơm mùi xà phòng giặt của mẹ đặt lên trán tôi, còn giúp tôi xoa dịu đôi mắt đỏ ửng. Cảm giác lạnh lẽo đó thật thoải mái.

“Nếu Maine khỏe hơn rồi thì hôm nay hãy đi chợ cùng mẹ nhé?”

… Ơ? Nếu tôi nhớ không nhầm, mẹ từng nói “bây giờ là lúc bận rộn nhất, nên dù Maine bị sốt thì mẹ vẫn phải đi làm mà”.

Nhận thấy tôi nghiêng đầu khó hiểu, mẹ thở dài nói.

“Dolly không thể lúc nào cũng ở bên chăm sóc con mà không đi đâu được. Nhưng hôm qua Dolly vừa ra ngoài thì con liền khóc. Vậy nên Dolly rất buồn, còn nghĩ con khóc vì phải ở một mình. Nên mẹ đã xin mọi người nghỉ ngày hôm nay.”

Tôi “a” lên. Khóc cả ngày mà không thèm quan tâm tới tâm trạng của người khác quả là vô duyên! Bây giờ tôi chỉ muốn chui xuống cái lỗ nẻ nào đó. Chuyện mình làm thật quá mất mặt.

“Con…con xin lỗi.”

“Maine đừng xin lỗi. Ai bị bệnh cũng sẽ như vậy thôi.”

Mẹ càng dịu dàng xoa đầu an ủi bao nhiêu, cảm giác tội lỗi lại càng lớn lên trong lòng tôi bấy nhiêu.

… Xin lỗi. Tôi khóc vì không tìm được sách chứ không phải là do nhớ mẹ. Còn làm Dolly lo lắng như thế, gây bao nhiêu phiền phức như vậy, lại một lòng muốn chị đi khỏi tầm mắt mình để tìm sách. Thành thật xin lỗi…

“Dolly sẽ đi với mọi người đến bìa rừng, nhưng Maine mới khỏi không thể đi được. Thế nên con có muốn cùng mẹ đi mua đồ không?”

“Vâng ạ!”

“Ai ya, có sức sống như vậy mới tốt chứ.”

Mẹ dường như nghĩ tôi rất vui khi được đi cùng với bà nên mới cười tươi đến vậy. Tôi cũng đáp lại bằng một nụ cười xán lạn.

“Dạ, con rất mong được ra ngoài mà.”

Thực ra thì đó là một hiểu lầm vô ý. Tôi cao hứng là bởi khả năng có thể nhìn thấy sách ở thế giới bên ngoài mà thôi.

Nếu được, tôi nhất định sẽ vòi mẹ mua cho mình một cuốn sách. Không phải loại sách dày trịch mà tôi thường đọc, chỉ cần là vở tập viết thôi. Cho dù đó là sách tập đọc cho trẻ con cũng được. Nếu không có, thì bảng chữ cái ABC hoặc ký hiệu chữ viết ở thế giới này là đủ.

Đối với lời năn nỉ yếu ớt của đứa con gái đáng yêu kiểu: “Chỉ cần cho con một quyển sách, con hứa sẽ ngoan ngoãn ở nhà trông nhà mà.”, ít nhất mẹ sẽ chịu mua cho tôi một cuốn vẽ. A haha, hy vọng là thế!

“Mẹ ơi, con đi đây ạ.”

Gương mặt tươi cười của Dolly ló ra từ phòng ngủ. Vì mẹ nghỉ làm hôm nay, nên Dolly không cần ở nhà chăm sóc tôi.

“Nhớ phải bám sát mọi người nhé. Cẩn thận đường đi đấy.”

“Vâng ạ ~ !”

Dolly cõng lấy một cái rổ lớn, chân bước chân sáo chạy ra ngoài. Vẻ vui tươi ấy giống như chị đang chuẩn bị tới một buổi vui chơi, nhưng thực ra đó là đi nhặt củi, tìm kiếm ít trái cây và nấm rừng. Có thể nói là nhờ Dolly nên trong nhà mới có những thực phẩm tươi ngon như vậy.

… Cố lên chị! Vì những món ăn ngon!

Dường như trường học không tồn tại trên thế giới này. Đám trẻ nếu không làm việc nhà thì sẽ đi làm thuê. Tôi không hề tìm thấy thứ gì giống như trường trong những ký ức sót lại, còn những đứa trẻ lớn hơn Dolly vài tuổi thì đều học làm thợ ở các xưởng khác nhau.

Nếu có thể, tôi rất muốn xin vào làm trong các nhà sách hoặc thư viện. Vậy nên, tôi cần ra ngoài để tìm kiếm thông tin về chúng. Rốt cuộc, tôi phải biết được vị trí nhà sách rồi mới làm quen được với người trong cửa hàng và xin một chân học việc được.

“Maine, đi nào con.”

Kể từ khi trở thành Maine, đây là lần đầu tiên tôi được khám phá thế giới bên ngoài, cũng là lần đầu tiên tôi mặc thêm nhiều áo đến vậy. Khoác bộ váy cũ rách rưới và dày dặn của Dolly khiến tôi phải vất vả mới nắm được tay mẹ.

… Quá lạnh! Quá chật! Quá hôi!

Những tòa nhà được xây từ đá khiến cái lạnh quẩn quanh trong không khí. Dẫu có mặc bao nhiêu lớp áo, tôi vẫn cảm thấy rét thấu xương. Những lúc thế này, tôi chỉ muốn có ngay một chiếc áo sưởi, một áo lông dài đến quét đất cùng đôi găng tay ấm áp. Đúng rồi, còn khẩu trang giúp cái mũi khốn khổ của tôi thoát khỏi nguy cơ cảm lạnh và mùi hôi thối ở nơi này nữa.

“Maine, cẩn thận không ngã nhé con.”

Phía trước là một cầu thang vừa dài vừa hẹp khiến tôi chỉ nhìn thôi đã thấy sợ hãi. Hít một hơi sâu để lấy lại can đảm, tôi nắm chặt tay tay mẹ khi bước từng bước một. Tiếng kẽo kẹt vang lên dưới chân chúng tôi.

Chỗ kiên cố và sạch sẽ nhất lại là cầu thang. Thật kỳ quái.

Đều ở trong cùng một tòa nhà, vậy mà lại có sự khác biệt lớn như thế.

Tôi thở phào khi đặt chân lên mặt đất rắn chắc. Nhìn lại thì nhà tôi nằm ở tầng 5 trong khu 7 tầng này. Đối với một người có thể chất yếu đuối và vóc dáng nhỏ bé như tôi, việc phải ra ngoài chẳng khác gì cực hình. Thể nào đa số thời gian trước đây, tôi đều ở nhà.

Như bây giờ, chỉ việc xuống cầu thang cũng làm tôi hít thở không thông. Chỉ sợ còn chưa kịp làm gì thì tôi đã ngất xỉu mất rồi.

“Hô, hô… Mẹ ơi, con… con khó thở quá… chậm… một chút…ạ!”

“Mình vừa mới ra khỏi nhà thôi mà, con có sao không?”

“Chỉ…chỉ cần dừng lại…một chút là được ạ.”

Nhất định tôi phải đến được nhà sách! Tôi vừa hít sâu để lấy hơi, vừa quan sát xung quanh.

Trước tòa nhà là một quảng trường nhỏ với một đài phun nước công cộng bằng đá ở trung tâm, bên cạnh nó là những người phụ nữ đang giặt quần áo và trò chuyện với nhau. Hẳn Dolly cũng lấy nước và giặt đồ tại chỗ này.

“Để mẹ cõng con nhé.”

Sợ chậm trễ thời gian, mẹ nhất quyết buộc tôi lên lưng bằng một sợi dây giống dây thừng rồi sải từng bước dài. Có vẻ như Maine mọi khi cũng được mang theo như thế.

Bao lấy khu quảng trường là những tòa nhà san sát nhau, chỉ có một cánh cổng vòm bằng đá tối tăm dẫn ra ngoài đường chính.

…Oa! Giống hệt những thành phố châu Âu cổ kính mà tôi từng được thấy trong các cuốn sách ảnh và phim truyện.

Khung cảnh đường phố xa lạ trải dài trước mắt tôi. Những sinh vật có vẻ là lừa và ngựa đang kéo các toa xe gõ móng xuống con đường lát đá. Những cửa hàng nhộn nhịp mọc lên bên phố. Tôi bỏ qua cảm giác vinh dự kỳ lạ bỗng xuất hiện trong tâm trí, mải miết tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu của sách vở nào.

“Mẹ ơi, chúng ta sẽ vào cửa hàng nào vậy ạ?”

“Maine đang nói gì vậy? Bình thường chúng ta đâu có vào cửa hàng. Mẹ con mình đang đi chợ phiên mà.”

Theo lời giải thích của mẹ thì chỉ những người có tiền mới vào mua sắm trong cửa hàng. Còn bình thường, người dân nghèo khó như chúng tôi sẽ đến chợ phiên để sắm sửa đồ dùng sinh hoạt.

… Ha? Nói vậy thì chắc nhà sách sẽ là một trong các cửa hàng này nhỉ?

Một tòa nhà cao chót vót đập vào mắt khi tôi nhìn quanh. Cả tòa nhà được xây bằng đá trắng với tạo hình đơn giản, song vô cùng bắt mắt và đậm chất uy nghiêm.

“Mẹ ơi, chỗ đó là một lâu đài ạ?”

“Đó là thánh đường. Đợi Maine lên 7 thì sẽ được rửa tội ở chỗ đó đấy.”

… Ay, là thánh đường sao? Bởi rất ghét những tôn giáo bắt buộc, nên tôi quyết định tránh xa nơi ấy từ bây giờ.

Tôi không thể giải thích được tại sao Urano không thích tôn giáo đến vậy. Hơn nữa ở thế giới này, tôi e mình sẽ bị xem là kẻ dị biệt nếu nói ra mấy chuyện như thế. Vì lẽ đó, tôi chuyển hướng tầm mắt mình sang những bức tường cao phía sau thánh đường.

“Mẹ ơi, những bức tường đó là gì vậy?”

“Đó là tường thành. Bên trong là lâu đài và dinh thự của lãnh chúa cùng quý tộc. Không cần quan tâm tới nó đâu con.”

Dù đó là nơi ở của quý tộc, tôi lại thấy nó chẳng khác nào một tòa ngục giam. Họ xây như vậy để củng cố hàng rào phòng vệ sao?

Tòa lâu đài này không có những chi tiết tráng lê, không có vẻ hào nhoáng xa hoa cũng không mang phong cách mạnh mẽ của một cứ điểm. Có vẻ nó chỉ được xây để ngăn cách thế nhân, chứ không hoàn toàn nhằm mục đích bảo vệ.

… Chẳng giống lâu đài phương Tây mà tôi từng thấy trong các tập tranh ảnh tẹo nào.

“Mẹ ơi, thế còn bức tường cao kia là chỗ nào vậy ạ?”

“Đó là tường ngoài, bảo vệ thành phố này khỏi thế giới bên ngoài. Đi về phía Nam sẽ có một cánh cửa dẫn ra ngoài thành được vệ binh trông coi. Bây giờ cha con đang làm ở đó.”

Từ ký ức của Maine, tôi chỉ biết cha là một người lính. Hóa ra ông còn là một vệ binh nữa.

… Chỗ này có lâu đài của lãnh chúa, còn có tường trong và tường ngoài nên có thể gọi là một thành phố chăng?

Có điều nếu chỉ nhìn phạm vi tường thành và số người vãng lai trên đường thì thành phố này cũng không quá rộng, nên tôi không chắc có thể dùng Tokyo hay Yokohama để so sánh với nó không nữa.

Nếu dùng tri thức về kiến trúc đô thị của Urano làm tiêu chuẩn, tòa thành này có thể xem là một thành phố lớn. Song ở thế giới mà người bình thường có tóc màu xanh lam và lục thì những kiến thức đó chưa chắc đã đúng. Sử dụng kiến thức hạn hẹp để phán đoán độ lớn nhỏ của thành phố là một việc không nên làm.

… A, a, a, quy mô nhà sách sẽ phụ thuộc vào quy mô thành phố, nhưng tôi lại không có thông tin chính xác để dự đoán.

Rốt cuộc thành phố này là lớn hay là nhỏ? Hỡi vị đức ngài vô danh đáng kính, xin hãy đến mà khai sáng cho tôi đi.

“Maine, đi thôi nào, nếu không nhanh chân thì những món đồ tốt sẽ bị mua sạch đó!”

Dọc theo đường đi, tôi cố tìm ra dấu hiệu của nhà sách, nhưng bảng hiệu ở hai bên đường đều là hình vẽ. Toàn bộ các tấm biển được vẽ trên gỗ, khắc trên kim loại những thứ minh họa cho cửa hàng chứ không phải bằng chữ viết. Những hình ảnh này giúp một kẻ không biết đọc như tôi có thể hiểu được, cũng như giúp việc tìm nhà sách trở nên dễ dàng. Có điều… một linh cảm không lành lóe qua khiến mồ hôi lạnh trên người tôi rơi xuống như mưa.

… Quái!? Sao không có chữ nào? Do tỷ lệ biết chữ quá thấp sao? Hay chẳng lẽ… văn tự còn chưa xuất hiện?”

Giả thuyết đó khiến mặt tôi trắng bệch. Tôi chưa hề nghĩ tới trường hợp văn tự không tồn tại. Nếu không có chữ, thì càng không thể có sách.

Lạc vào nỗi khiếp sợ, tôi đã đến chợ phiên lúc nào chẳng hay. Tiếng huyên náo truyền đến màng nhĩ khiến tôi ngẩng đầu nhìn lên. Phía trước là một khung cảnh đầy sức sống, với vô số các quầy bán rong và những người đi bộ rộn ràng. Cảnh tượng náo nhiệt này làm tôi không khỏi hoài niệm những quầy hàng bên đường trong một lễ hội kiểu Nhật. Nụ cười bỗng xuất hiện trên môi. Tôi liếc mắt nhìn về phía một quầy hoa quả. Và rồi, tôi đã thấy một điều không thể tưởng tượng.

Tôi vỗ lên vai mẹ.

“Mẹ ơi, chỗ đó! Biển hiệu đó được viết gì vậy ạ?”

Những ký hiệu được khắc trên các tấm biển thay đổi theo từng loại hàng hóa. Dẫu không hiểu, nhưng tôi bỗng cảm thấy an tâm khi biết chữ viết và con số có tồn tại ở thế giới này! Chỉ chút việc cỏn con đó thôi cũng làm tôi cực kỳ hưng phấn. Có thể nói là nỗi khao khát của tôi đối với chữ viết cháy bỏng đến chừng nào.

“À, trên đó là giá tiền. Chỉ cần con trả đúng số tiền đó thì hàng hóa sẽ thuộc về con.”

“Mẹ ơi, nó viết gì vậy ạ?”

Dù có lẽ mẹ sẽ thắc mắc về thái độ hoạt bát đột ngột của tôi, nhưng nói thật, tôi không để ý mấy chuyện đó nữa.

Mỗi lần mẹ nói một con số, bộ não của tôi sẽ tự động đối chiếu với con số tương ứng đã biết.

… Tuyệt vời, tính logic đã quay trở lại rồi! Cố lên nào!

“Vậy đây là 30 đồng Lion phải không ạ?”

Sau khi nghe mẹ đọc qua các con số nhiều lần, cuối cùng tôi cũng tự đọc được khi quay sang nhìn mẹ. Câu trả lời chớp nhoáng ấy khiến mắt mẹ mở to nhìn lại tôi.

“Maine học nhanh thật đó. Con giỏi lắm.”

“Dạ?”

Có tất cả 10 ký hiệu đại diện cho con số, nên phương pháp tính toán của nó tương tự như hệ thập phân. May mà đó không phải là nhị phân, lục thập phân hay các hệ đếm khác. Chỉ cần nhớ kỹ ký hiệu đối ứng với con số la mã thì việc tính toán không còn khó khăn gì đối với tôi.

… A, chẳng lẽ tôi sẽ trở thành thiên tài một lần nữa sao? Có điều, 10 tuổi là thần đồng, 15 tuổi là tài tử, hẳn 20 tuổi sẽ quay trở lại làm người bình thường thôi.

#Chú thích:

2- Lion: Đơn vị tiền trong novel

3- Thập phân: (hệ đếm cơ số 10) là hệ đếm dùng số 10 làm cơ số. Đây là hệ đếm được sử dụng rộng rãi nhất trong các nền văn minh thời hiện đại.

Đọc thêm tại: https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%87_th%E1%BA%ADp_ph%C3%A2n

4- Nhị phân: (hay hệ đếm cơ số hai) là một hệ đếm dùng hai ký tự để biểu đạt một giá trị số, bằng tổng số các lũy thừa của 2. Hai ký tự đó thường là 0 và 1; chúng thường được dùng để biểu đạt hai giá trị hiệu điện thế tương ứng (có hiệu điện thế, hoặc hiệu điện thế cao là 1 và không có, hoặc thấp là 0). Do có ưu điểm tính toán đơn giản, dễ dàng thực hiện về mặt vật lý, chẳng hạn như trên các mạch điện tử, hệ nhị phân trở thành một phần kiến tạo căn bản trong các máy tính đương thời.

Đọc thêm tại: https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%87_nh%E1%BB%8B_ph%C3%A2n

5- Lục thập phân: (Hệ đếm cơ số 60) là một hệ đếm lấy sáu mươi làm cơ sở của nó. Nó có nguồn gốc từ người Sumer cổ đại trong thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên, nó được truyền lại cho người Babylon cổ đại, và nó vẫn được sử dụng - trong một dạng sửa đổi - cho các hệ đơn vị đo thời gian, góc độ, và tọa độ địa lý hiện nay.

Đọc thêm tại: https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%87_l%E1%BB%A5c_th%E1%BA%ADp_ph%C3%A2n

Bình luận (2)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

2 Bình luận

Bình luận đã bị xóa bởi Hắc Nhật Thiên Chương
CHỦ THỚT
TRANS
CVTER
Bình luận đã bị xóa bởi Hắc Nhật Thiên Chương