TL Note: Chúng ta bắt đầu có cái nhìn rõ hơn về tâm lý của main. Từ chap này sẽ là xuyên suốt những tình tiết hơi sầu và hiểu nhầm uất ức, nhưng tất cả sẽ có lý của nó. Sau đó truyện mới chính thức bắt đầu (Misty)
___________
Khi tỉnh dậy, mắt tôi nặng trĩu, không sao mở nổi.
Tôi mò mẫm dọc theo bức tường để tìm đường vào phòng tắm. Nước lạnh táp lên mặt, xua đi chút uể oải, giúp tôi nhìn rõ hơn một chút.
Trong gương, phản chiếu không phải khuôn mặt quen thuộc mà là một con ếch thảm hại với đôi mắt sưng húp đỏ hoe.
Trời ơi.
Tất cả là do cơn khóc ngất tối qua, những giọt nước mắt cạn khô ngay trước khi giấc ngủ mỏi mệt cuốn tôi đi.
Đã bao lâu rồi tôi không thấy mắt mình sưng đến mức này? Có lẽ phải quay lại tận những năm cấp hai...
... Những ký ức xưa cũ chẳng mấy vui vẻ lại ùa về, kéo theo một cảm giác lặng lẽ siết chặt trong lồng ngực.
Bạn có nhớ không?
Trong những buổi cắm trại thời học sinh, đêm cuối cùng thường là khoảnh khắc đáng nhớ nhất. Một đống lửa trại nhảy múa dưới bầu trời đêm sâu thẳm.
Khi mọi niềm vui đã dần khép lại, cũng là lúc bắt đầu một chương trình đầy… ám ảnh: “kích thích cảm xúc”.
Bọn trẻ, dù hiếu động hay lạnh lùng, đều bị cuốn vào một vòng tròn xung quanh đống lửa.
Dưới ánh lửa bập bùng, các hướng dẫn viên – những người tự xưng là “thiên thần hay ác quỷ, tùy thuộc vào bạn” – cất tiếng.
“Hãy nằm xuống, nhìn lên bầu trời và cảm nhận,” họ bảo.
Dù chẳng ai muốn làm bẩn quần áo sạch sẽ, sự sợ hãi mất đi một đêm vui chơi không ngủ khiến bọn trẻ miễn cưỡng nghe theo.
Ánh lửa hắt lên khuôn mặt non nớt, những tia lửa nhỏ xẹt lên cao, hòa cùng bầu trời đầy sao hiếm khi thấy ở thành phố. Cảnh tượng ấy đẹp đến mức có thể làm bừng lên những vần thơ trong tâm hồn nhỏ bé nhất.
Nhưng đó cũng là khoảnh khắc nguy hiểm.
Khi lũ trẻ ngây người ngắm trời sao, các hướng dẫn viên bắt đầu kể chuyện. Những câu chuyện giản dị mà nghiệt ngã, những mảnh đời bình thường nhưng lấp lánh trong gian truân, một sự tồn tại đặc biệt trong vũ trụ nhỏ bé.
Sau đó, câu chuyện thường xoay quanh người mẹ – hình bóng luôn yêu thương con mình vô điều kiện.
Những lời kể, bằng giọng điệu trầm lắng nhưng đầy quyền năng, từng chút từng chút xuyên qua vỏ bọc cảm xúc, chạm đến những trái tim non nớt.
Ở tuổi dậy thì, nơi cảm xúc dễ dàng bị kích động, sự pha trộn giữa bầu trời đẹp đẽ, ánh lửa ấm áp và những lời kể đau đáu về tình mẫu tử tạo ra một cơn sóng cảm xúc cuốn phăng lý trí.
Đứa trẻ nào chẳng từng thấy gương mặt mẹ mình hiện lên trong những câu chuyện đó? Lồng ngực chợt thắt lại, tầm nhìn nhòa đi trong ánh nước.
Khi cảm xúc bị đẩy lên đến cao trào, giọng người hướng dẫn đột ngột vang lớn:
“Các em có nhớ mẹ không?”
“Có!”
“Chỉ nhớ đến thế thôi sao? Các em có nhớ mẹ không?”
“Có!!!!”
“Vậy hãy hét lên, hãy gọi mẹ thật to để mẹ biết rằng các em yêu mẹ đến nhường nào! MẸ ƠI!”
“MẸ ƠIII!!!”
Trong hoàn cảnh ấy, tiếng khóc không còn là điều xa lạ.
Đó là tiếng gọi bạn sẽ chẳng bao giờ dám thốt ra khi chỉ có một mình, nhưng dưới bầu không khí tràn ngập cảm xúc tập thể này, nó trở thành điều tự nhiên. Tất cả lũ trẻ hét lên, gọi mẹ mình bằng tất cả nỗi nhớ nhung của mình.
Người hướng dẫn đứng đó, lặng lẽ tận hưởng khoảnh khắc như thể đang nghe một bản opera ngọt ngào.
Hẳn họ đã nghĩ thầm: “Ta đã làm được! Ta đã điều khiển được cảm xúc của chúng!”
Một suy nghĩ thật đắc ý, và cũng thật quỷ quyệt.
Khi tiếng hét dần lắng xuống, người hướng dẫn đưa ra lời cuối cùng.
“Tôi hy vọng các em có thể mang những cảm xúc hôm nay về nhà với mình.”
Vừa nói, họ vừa nở nụ cười mãn nguyện và rời đi.
Hầu hết lũ trẻ, sau khi trải qua một cơn bão cảm xúc, đều bận rộn tìm cách xử lý những gì còn vương lại.
Nhưng không phải tất cả đều như vậy.
Các cô gái, dễ dàng để nước mắt rơi, sẽ luôn có những cái ôm an ủi, những lời vỗ về đầy dịu dàng từ bạn bè xung quanh.
Còn các cậu bé, đang chập chững bước vào tuổi dậy thì, lại phải đối mặt với một cuộc chiến nội tâm khốc liệt.
Khóc ư? Không, với các cậu, khóc gần như đồng nghĩa với việc mất đi cái gọi là “nam tính”.
Ngày hôm đó, lũ con trai chia thành ba loại rõ rệt:
Loại thứ nhất là những kẻ không hề để lộ cảm xúc.
Họ ưỡn ngực, hét lớn, thậm chí cười nhạo những kẻ khác, như thể muốn khẳng định rằng mình chính là đỉnh cao của sự nam tính, bất khả xâm phạm.
Loại thứ hai là những người để rơi vài giọt nước mắt nhưng kiên quyết chối bỏ.
Mắt đỏ hoe, khuôn mặt rõ ràng cho thấy dấu vết của một cơn xúc động mãnh liệt, nhưng họ nhanh chóng lau khô và lớn tiếng hùa theo những kẻ không khóc, thậm chí đẩy sự chú ý về phía người khác để làm “vật thế thân”.
Và cuối cùng, luôn có một cậu bé không thể cưỡng lại cảm xúc cuộn trào, khóc nức nở như thể thế giới đang sụp đổ.
Một con cừu non ngờ nghệch, đứng trước cơn bão chế giễu đang chờ vồ lấy mình.
Chết tiệt. Đúng vậy, đó chính là tôi.
Tôi khóc lớn đến mức cả khối đều biết. Ngay cả khi đã trở về phòng, tôi vẫn không thể ngừng khóc. Những giọt nước mắt cứ thế rơi, cho đến khi kiệt sức và thiếp đi, bỏ lỡ đêm vui chơi. Và trong khi tôi ngủ, những cậu trai tàn nhẫn ấy đã không bỏ qua cơ hội gây tội ác.
Khi tôi tỉnh dậy, mắt không mở nổi, tôi đi vào phòng tắm để rửa mặt và nhìn thấy khuôn mặt mình trong gương.
Dưới đôi mắt sưng húp, là những vệt nước mắt được tô vẽ một cách khéo léo bởi một bạn học sau này sẽ trở thành sinh viên mỹ thuật. Trên trán tôi, dòng chữ “Nàng tiên nước” hiện lên với những nét chữ uốn lượn thanh tao, do một kẻ mê tiểu thuyết kỳ ảo để lại.
Và tất nhiên, tất cả đều được viết bằng bút dạ vĩnh viễn.
Tôi đã tức giận đến mức lao vào cả hai kẻ đó trong một trận chiến gối nảy lửa. Nhưng mặc cho sự phản kháng của tôi, những vết mực trên mặt vẫn không phai đi cho đến tận cuối buổi cắm trại. Khuôn mặt khóc lóc cùng những nét vẽ hài hước ấy đã trở thành kỷ niệm khó quên, và từ đó, biệt danh của tôi ở cấp hai là “Nàng tiên nước”.
Không chỉ dừng lại ở đó, chúng còn sáng tạo thêm: “Tinh linh của Nước Mắt”.
Mỗi khi có ai khóc hoặc xảy ra cãi vã, chúng sẽ quay sang tôi và chế giễu: “Tinh linh nước mắt ơi, xin hãy dùng sức mạnh của mình mà ngăn dòng lệ này lại!”
Lẽ ra, tôi nên sống mái với bọn chúng ngay từ lúc đó.
Tôi từng nghĩ sẽ trả thù, sẽ đòi cả vốn lẫn lãi khi có cơ hội. Nhưng thời gian trôi qua, chúng tôi đều bị cuốn theo dòng chảy của xã hội và dần mất liên lạc. Trước khi tôi kịp nhận ra, mọi chuyện đã chìm vào quá khứ.
Thật mỉa mai, khi ở kiếp trước tôi là Nàng tiên nước, còn ở thế giới này, tôi lại sở hữu sức mạnh hệ lửa.
Tôi lau trán đẫm mồ hôi, nở một nụ cười khổ. Lấy chiếc khăn, tôi làm ướt dưới vòi nước lạnh, vắt nhẹ rồi đặt vào tủ lạnh để làm mát.
Với đôi mắt sưng húp thế này, tôi thậm chí không thể nghĩ đến chuyện ăn sáng, dù có muốn cũng nuốt không trôi.
Thật ra, tôi cũng chẳng còn tâm trạng nào để ăn. Vậy nên, tôi quyết định trở lại giường.
Đặt chiếc khăn mát lên đôi mắt sưng đỏ, tôi nhắm nghiền mắt, cố gắng ép mình chìm vào giấc ngủ.
___
Đến khoảng trưa, tôi tỉnh dậy.
Tình trạng sưng mắt đã giảm đi đáng kể, giờ đây chỉ còn hơi đỏ, đủ để tố cáo rằng tôi đã khóc sưng mắt vào ngày hôm trước.
May mắn thay, tôi không cần đến một nụ hôn của tình yêu đích thực để biến từ ếch trở lại thành người.
Nhưng mà, nghĩ kỹ thì câu chuyện về ếch và tình yêu đúng là đã đi trước thời đại.
Dẫu vậy, động vật lưỡng cư thì vẫn… hơi quá.
Tôi lắc đầu, cố gắng xua đi những suy nghĩ ngớ ngẩn rồi bước đến tủ lạnh, lấy ra một ít giá đỗ.
Trưa nay, tôi quyết định làm món giá đỗ xào quen thuộc.
Vì đã ăn món này hôm qua, giờ tôi tự tin mình đã trở nên miễn nhiễm với giá đỗ xào. Vậy nên tôi có thể ăn chúng mà không khóc nữa!
Cảm giác đói sau khi bỏ bữa sáng khiến món ăn thậm chí còn ngon hơn.
Có lẽ bạn nghĩ ăn cùng một món vào ngày hôm sau sẽ ngán lắm, nhưng với giá đỗ xào thì khác.
Thật ra, tôi tự hào rằng mình chính là đội trưởng của “đội quét sạch giá đỗ”!
Tôi có thể ăn nó cả ngày mà không chán.
Sau bữa trưa, tôi nằm dài trên giường một lúc và đột nhiên muốn ra ngoài đi dạo.
Tôi bước đến tủ quần áo, mở ra và nhìn vào bên trong.
Vài bộ quần áo thường ngày lẻ loi treo trên mắc.
Khi nhận ra mình không có lấy một chiếc quần nào phù hợp, tôi lặng lẽ rơi một giọt nước mắt… trong lòng.
Không còn cách nào khác, tôi đành chọn chiếc váy dài nhất mình có, phối với một chiếc áo sơ mi đơn giản. Khoác thêm chiếc cardigan mỏng bên ngoài, tôi hít một hơi thật sâu và bước ra khỏi nhà.
(TL: Mặc giống như này nhưng với váy dài hơn đầu gối)
Thời tiết hôm nay thật hoàn hảo.
Không quá nóng, không quá lạnh, chỉ vừa đủ dễ chịu của một ngày xuân lý tưởng, khiến tôi vô thức mỉm cười.
Trên phố, có vẻ như mọi người cũng chia sẻ cùng một tâm trạng. Những nụ cười nhẹ nhàng, thoáng qua nhưng chân thật, như thể ai cũng ngầm đồng tình rằng hôm nay là ngày tuyệt đẹp.
Khi đang thả bước vô định, tôi bắt gặp một bà lão với dáng đi chậm rãi, trên đầu đội một món đồ trông có vẻ nặng.
Vì có dư thời gian, tôi tiến lại gần và đề nghị giúp đỡ.
“Bà ơi, để cháu giúp bà nhé?”
“Nặng lắm đấy, cháu có chắc là mang được không?”
Tôi mỉm cười, rồi nhấc món đồ lên chỉ bằng một tay, nhẹ nhàng như không. Bà nhìn tôi, đôi mắt thoáng chút ngỡ ngàng, rồi bất chợt nở một nụ cười rạng rỡ, hồn nhiên như thiếu nữ.
“Hóa ra cháu là anh hùng à, cô gái trẻ.”
Tôi bước chậm rãi bên cạnh bà, cố gắng khớp với nhịp chân thong thả, điềm tĩnh của bà.
Những đứa trẻ chạy nhảy đầy năng lượng, những người trẻ tuổi bước đi vội vã, nhiệt huyết, tất cả đều lướt qua chúng tôi như một dòng chảy hối hả.
Nhưng từng bước đi của bà lão toát lên vẻ bình thản của một người đã nhìn thấy mọi thăng trầm trong đời.
Có lẽ, khi ở giai đoạn đời mà mọi thứ đều là hồi âm của quá khứ, dòng chảy của thế giới bỗng trở nên chậm rãi hơn rất nhiều.
Trong suốt quãng đường, bà kể tôi nghe những câu chuyện của mình.
Về người con trai đã trưởng thành và mang về nhà một cô gái mà nó muốn cưới làm vợ.
Về cô con dâu sinh ra một đứa trẻ giờ đã bước vào cấp ba.
Những câu chuyện ấy được kể bằng giọng điệu nhã nhặn, lịch sự, mang theo sự điềm nhiên của một người đã trải nghiệm đủ đầy.
Người ta nói rằng, những nếp nhăn trên gương mặt người già phản ánh cuộc đời mà họ đã sống.
Có sự khác biệt rõ ràng giữa một gương mặt ngạo mạn, cứng đầu với một gương mặt mang theo trí tuệ và sự bao dung.
Nhìn vào đôi mắt hiền hậu, nụ cười ấm áp và những câu chuyện chan chứa yêu thương của bà lão, tôi chợt nghĩ: Mình cũng muốn già đi theo cách như bà.
Một cuộc đời được khắc họa bằng sự tôn trọng và tử tế, như những nét chạm tinh tế của thời gian trên khuôn mặt.
Khi đến nơi, tôi trả lại món đồ cho bà. Bà lão định lấy tiền trong ví để đưa tôi, nhưng tôi lắc đầu từ chối, nói rằng rằng mình không giúp đỡ vì lợi lộc.
Dù trong lòng biết mình không dư dả, nhưng ý nghĩ nhận tiền từ bà khiến tôi không thể làm được.
Bà mỉm cười, cất tiền đi, rồi nắm lấy tay tôi, chúc phúc:
“Chúc cho tương lai của cháu luôn ngập tràn những điều tốt lành, cô gái trẻ.”
Tôi cúi đầu cảm ơn, rồi quay bước về phía công viên mà mình vừa thấy lúc nãy.
Ngoái đầu lại, tôi thấy bà vẫn đứng đó, mỉm cười và vẫy tay với tôi.
Tại công viên, tôi ngồi trên chiếc ghế dài, đôi mắt lơ đãng hướng về những đứa trẻ đang vui vẻ chơi đùa gần đó.
Các cặp vợ chồng ngồi gần, ánh mắt họ tràn đầy yêu thương và ấm áp khi dõi theo con cái.
Không gian thật yên bình.
Tuy nhiên, trong cái bình yên ấy, tôi cảm thấy như mình đang lạc lõng. Có lẽ vì tôi biết rằng sự bình yên này sẽ không kéo dài mãi.
Có thể vì tối qua tôi đã khóc, hoặc sáng nay khi nhớ lại những ký ức cũ, lòng tôi bất chợt trỗi dậy một sự nhạy cảm lạ kỳ. Cảm xúc đong đầy, mỏng manh và không thể kiểm soát.
Tôi đưa tay lên trời, để những tia nắng nhẹ nhàng lọt qua những kẽ tay, rồi lẩm bẩm một câu với chính mình khi nhìn vào bàn tay.
“Có lẽ mình không thuộc về thế giới này...”
Ngay lúc ấy, một cơn gió nhẹ thổi qua, bụi mịn bay vào mắt tôi.
Mắt tôi vốn đã nhạy cảm, giờ lại bắt đầu rưng rưng, và tôi vội vàng dụi mắt, cảm giác xấu hổ trào dâng trong lồng ngực.
Mình vừa nói cái gì vậy? Nghe chẳng khác nào những câu đầy "cảm xúc tuổi dậy thì" mà tôi đã từng nghe đâu đó.
Sợ bị ai đó nhìn thấy, tôi nhanh chóng liếc xung quanh và chợt bắt gặp một mái tóc trắng quen thuộc ở xa.
Giống như một con quái vật xuất hiện ngẫu nhiên trong game, tại sao tôi lại phải chạm mặt cậu ta cơ chứ?
Tôi vội vàng đứng dậy và bỏ chạy để tránh đối diện với Yoon Si-woo.
Về đến nhà, tôi tắm rửa, ăn tối, rồi lặng lẽ nằm dài trên giường.
Tôi cố gắng nhắm mắt, nhưng cảm giác xấu hổ lúc trước cứ lởn vởn trong đầu. Ba lần tôi đạp chăn ra, xoay người qua lại, và cuối cùng, mệt mỏi, tôi mới chìm vào giấc ngủ.
3 Bình luận