Hân hạnh được gặp mặt quý vị, tôi tên là Kobayashi Kotei.
Tác phẩm “Truyền kì thiếu nữ Nho sinh ~Tiểu thư cải nam trang chốn địa ngục thi cử~” này là phiên bản truyện dài được biên tập chỉnh sửa từ bản thảo tôi từng nộp cho cuộc thi viết truyện ngắn “MF Bunko J evo” lần thứ hai. Một tác phẩm có bối cảnh Trung Hoa mà lại không lấy chủ đề là thời Chiến Quốc hay hậu cung này nọ kỳ thực khá là hiếm gặp, nhưng phương châm của MF Bunko J evo lại hết mực cởi mở, đến độ “Gì cũng OK hết”, nên là tôi cứ thế để bút tự do nhảy múa thôi. Xin được gửi lời biết ơn sâu sắc nhất đến ban biên tập vì đã cho tôi cơ hội này.
Còn về nguyên do tôi chọn chủ đề này thì đơn giản lắm, chỉ đơn giản là bởi tôi có hứng thú với những thứ mang đậm tính Trung Hoa như thế này. Trong các tác phẩm trước như “Nỗi phiền muộn của Công chúa Ma Cà Rồng Hikikomari”, “Thiếu nữ ấy nguyện cầu, mong sao thế giới này hãy lụi tàn” hay “Tiểu thư Hấp Huyết nắm lấy Ma Đao trong tay” tôi cũng có thêm thắt yếu tố Trung Hoa vào chỗ này chỗ nọ, nhưng lần này tôi quyết chơi hẳn bối cảnh Trung Hoa luôn cho máu. Được viết một cuốn tiểu thuyết có thể bung lụa toàn bộ sở thích của bản thân đúng thực là một trải nghiệm vui sướng khôn tả. Mong rằng mọi người hãy dõi theo hành trình khiêu chiến khoa cử của Tuyết Liên và Lê Ngọc nhé.
Nói thêm, bối cảnh của tác phẩm này được đặt tại một vương triều Trung Hoa giả tưởng có tên là triều Hồng Linh, mà khi đối chiếu với hiện thực thì nằm ở đâu đó khoảng cuối thời nhà Minh. Xưa quá thì khó tưởng tượng mà nay quá thì lại thiếu đi yếu tố huyễn tưởng, thành thử tôi quyết định đặt bối cảnh vào khoảng thế kỷ XVI.
Ngặt nỗi, do câu chuyện này hoàn toàn là huyễn tưởng nên trong truyện sẽ không tuân thủ lịch sử và văn hóa của hiện thực. Phòng khi các quý độc giả có nghiên cứu triết học Trung Hoa hay chỉ đơn thuần là có học tiếng Trung Quốc, tôi xin được cáo lỗi trước nếu mọi người có thấy điểm nào sai sai trong tác phẩm. Mà có thấy thì kính mong mọi người cứ lờ đi mà đọc tiếp nhé. Đồng thời, tôi có đôi lời muốn nói với các quý độc giả hiện tại mới là học sinh phổ thông hoặc sinh viên đại học: Hiện thực không có quốc gia nào tên là Hồng Linh Quốc đâu, và lịch sử trong truyện có nhiều chỗ khác biệt với lịch sử Trung Hoa đời thực lắm đấy, vậy nên đừng ai viết ba cái chuyện này vào bài kiểm tra nhé.
Cuốn sách này có thể đến được tay quý vị âu cũng là nhờ có sự chung tay góp sức của rất nhiều người. Tôi xin được cảm ơn họa sĩ minh họa Aroa-sama vì đã họa nên một Tuyết Liên và Lê Ngọc siêu cấp dễ thương kiều diễm. Tôi xin được cảm ơn biên tập viên phụ trách A-sama đã kiên trì cho tôi không ít lời khuyên hữu ích từ khi tác phẩm này còn là truyện ngắn. Tôi xin được cảm ơn ban biên tập MF Bunko J vì đã lựa chọn phát hành cuốn tiểu thuyết giời ơi đất hỡi này. Cuối cùng, gửi tới những vị tham gia vào quá trình phát hành và bày bán, cùng những quý độc giả đã lựa chọn cầm cuốn sách này trên tay, tôi xin được dành lòng biết ơn chân thành nhất đến cho các vị, thật sự cảm ơn rất nhiều.
Tôi thật sự muốn được viết tiếp cuốn truyện này, vậy nên, kính mong mọi người hết mực chiếu cố cho tôi ạ!
◆ Tài liệu tham khảo
"Khoa cử – Địa ngục thi cử tại Trung Hoa" (Chuokoron-Shinsha) – Miyazaki Ichisada, 1963
"Hoạn quan – Cơ cấu chính phủ thân cận (Bản hiệu chỉnh)" (Chuokoron-Shinsha) – Mitamura Taisuke, 2012
"Luận Ngữ" (Nhà sách Iwanami) – Kanaya Osamu phiên dịch chú giải, 1999
"Luận Ngữ Bản bổ sung" (Nhà xuất bản Koudansha) – Kaji Nobuyuki phiên dịch chú giải đầy đủ, 2009
"Nho lâm ngoại sử" Cái nhìn tổng quát về văn học cổ điển Trung Hoa Hồi 43 (Nhà xuất bản Heibonsha) – Inada Takashi phiên dịch, 1968
"Minh sử Tuyển cử chí 1: Trường học, khoa cử và chế độ phong chức thời nhà Minh" (Nhà xuất bản Heibonsha) – Inoue Susumu và Sakai Keiko phiên dịch chú giải, 2013
0 Bình luận