Thế giới viễn tây trên đại dương xanh: một tác phẩm chất lượng nhưng lại chưa được nhận lại với đúng giá trị thực sự của nó
Members

Gray on blues là bộ truyện mà mình đã chờ để thấy nó được góp mặt trên kỳ vote từ rất lâu rồi. Thú thật thì mình còn chưa đọc hết quyển đầu tiên, mình đã muốn dành nhiều thời gian cho truyện hơn, mình muốn phải đọc hết quyển đầu tiên rồi mới viết một bài cảm nhận thật trọn vẹn, nhưng thời hạn của kỳ vote không cho phép, lại không phải lúc có tâm trạng thích hợp để đọc truyện nên cũng không thể cố gắng được. Nến trước tiên mình xin đắc tội xin lỗi tác giả, nếu còn có lần sau, mình sẽ trả lại cậu một bài cảm nhận hoàn chỉnh hơn nhé.

 

Vì vậy nên bài cảm nhận này sẽ rất ngắn gọn, ngắn tương đường với độ dài của truyện so với dự định của tác giả vậy. Gray on blues đã có mặt trên Hako từ năm 2020, hồi đầu mình cũng không nhớ bìa gốc như thế nào, nhưng mãi tới khi truyện đổi sang cái bìa đậm chất poster phim hàn quốc (xin lỗi (✿˵◕‿◕˵)) mình mới click vào. Tên truyện không thực sự kích thích tò mò của mình lắm, tóm tắt cũng không thực sự lột tả được những gì tác phẩm muốn truyền tải. Khâu marketing như vậy là dở rồi, may mắn là có Zen Ava vẽ cho tấm bìa rất manhwa nhé, dụ được mấy con fan hallyu lớ ngớ đi lạc qua cái ổ wjbu này.

 

Nhưng tại sao mình lại nghĩ Gray on Blues là một tác phẩm chất lượng cao, các cậu cùng mình tìm hiểu nhé.

 

Thực tế, khi đọc mình mới rõ, thế giới của Gray on Blues không hoàn toàn giống như cái bìa của nó mà chỉ là một góc nhỏ của thế giới ấy thôi. Nhìn bìa thì tạo cảm giác đây sẽ là một câu truyện diễn ra trong không gian thực tế và nghiêm túc, nhưng thế giới thực sự của Gray on Blues lại rất sinh động và nhiều màu sắc. Không biết có phải ngụ ý của Tombery có phải là như vậy hay không nhưng qua diễn biến của những chương đầu tiên, mình cảm thấy thế giới quan của Gray on Blues rất giống với One Piece, và mình đoán hướng đi của nó cũng sẽ có phần giống vậy (cái này là mình hỏi sau đó: tác giả đã xác nhận là bạn ý lấy cảm hứng từ một tác phẩm có tên là Suisei no Gargantia chứ không phải One Piece nha). Ngay từ bối cảnh chung, một thế giới bốn bề là đại dương đã gợi lên sự tương đồng. Thành phố cảng Couver, nơi câu truyện bắt đầu, qua ngòi bút hiện lên một hình ảnh một thành phố giao thương sầm uất, một thủ phủ của những xưởng đóng tàu với những kiến trúc châu âu. Đâu đó lại thoáng qua hình ảnh của kinh đô water seven đã in sâu vào tiềm thức một thế hệ. Chỉ qua những chương mở đầu thôi mình đã nhìn ra được ngay đây là một thế giới rất có tiềm năng, sống động và đến với người đọc một cách rất tự nhiên. Tuy vậy, mình sẽ không đặt thế giởi của gray on blues lên bàn cân với thế giới của One piece mà tôn trọng nó dưới vai trò tạo hóa riêng của tác giả. Nhưng nếu dùng một từ thích hợp để khen ngợi Tomberry, mình muốn gọi bạn ấy là một tài năng worldbuilding, tạo ra một thế giới còn ‘thật’ và ‘rộng lớn’ hơn cả những tác phẩm được xem là chuyên nghiệp cũng tập trung vào xây dựng thế giới quan trên hako (Tự nhận giống One Piece Nhân tâm thiên ý và Trò chơi vương quyền Huyền thoại cổ ngọc, đó tui không ngại bày tỏ quan điểm đâu) này.

 

Đối với những tác giả viết truyện lấy bối cảnh thế giới giả tưởng trên Hako, mình thấy phần lớn các bạn, các em cứ cố gắng nhồi nhét thật nhiều, dùng những từ hoa mĩ để phóng đại sừ kỹ vĩ, sự đa dạng của bối cảnh lên, kết quả là sản sinh ra những thế giới rập khuôn và giới hạn, giới hạn, trong chính những từ ngữ dùng để phóng đại nó của các em. Nhưng trái đất sau hậu va chạm của Tombery lại không như thế. Lấy ví dụ trong một tác phẩm khác có miêu tả: thế giới của tôi có yêu tính, có thần lùn, có tinh linh, có chủng nọ chủng kia, người đọc sẽ dễ bị tư duy là thế giới ấy chỉ có đúng những loài vật đó. Nhưng Tomberry lại rất thông minh, bạn ấy chỉ nhá một câu thoáng qua rằng, bên kia đại dương ấy, có rất nhiều những sinh vật, rất nhiều những vùng đất chưa biết tới. Đối với con người, cảm giác mơ hồ về những nơi xa xôi bên ngoài kia mới chính là cảm giác khiến cho thế gian trở nên thật rộng lớn.

 

Nhắc đến xây dựng thế giới, một thế giới làm cho người đọc cảm thấy ‘sống’ được trong câu chữ không chỉ đòi hỏi phải làm nổi nên được sự rộng lớn của nó, đôi khi, để ỷ đến những tiểu tiết trong đời sống hàng ngày trong thế giới đó mới là mấu chốt khiến cho nó trở nên thật. Mình xin trích một phân đoạn trong tác phẩm:

 

Dù hơi lạnh nhưng với bầu trời trong xanh và ánh nắng chói chang thì hôm nay quả thật là một ngày đẹp trời. Trên con phố sầm uất của thành phố cảng Couver, những cửa tiệm đang bày hàng chào khách với đủ loại mặt hàng. Những tiếng cười nói của khách đi đường, tiếng chào bán mặc cả từ các cửa tiệm hòa thành một âm thanh đặc trưng. Khác hẳn với khu chợ trên trại scavenger, nơi này tràn ngập mùi vị, âm thanh và sắc màu. Mùi bánh mì nướng tỏa ra từ tiệm bánh, tiếng cười nói vui vẻ của những đứa nhóc đang nô đùa và những màu sắc sặc sỡ từ các quầy hoa quả.

Đây là thời gian những khu trại scavenger trở về sau một mùa săn kéo dài hơn tám tháng. Các scavenger xuống tàu với túi tiền rủng rỉnh kéo theo đó là những bữa tiệc thâu đêm, các bữa ăn thịnh soạn ấm cúng chào mừng những người chồng người cha trở về. Do đó nhu cầu mua sắm tăng cao kích thích thị trường, đó cũng là nguyên nhân tạo nên quanh cảnh náo nhiệt cho khu phố mua sắm này.

 

Câu văn không hề phức tạp, nhưng lại truyền đạt đầy đủ những gì cần biết một cách thật tự nhiên.

 

Tombery đã chú ý tới từng điều kiện thời tiết, từng mùi hương, từng âm thanh vang vảng qua cảm nhận của bước chân nhân vật, nhưng như thế mới chỉ là bước cơ bản, vẫn chưa đủ để tạo nên một thế giới giả tưởng đáng nhớ, cái mình thích nhất, là cách bạn ý khôn khéo trong việc lồng văn hóa địa phương vào lời dẫn.

 

Trại scavenger này giống như một thị trấn nhỏ được xây dựng trên những con tàu. Không gian sinh hoạt đa phần gói gọn trong các khoang tàu nhỏ hẹp, ẩm thấp và sẽ còn ồn ào nếu ở gần khoang động cơ. Nơi rộng rãi thoải mái nhất chính là trên boong tàu nhưng giá cả thuê mặt bằng lại không hề thấp. Trên đó có những khu nhà hạng sang, casino, nhà hàng... Nói chung đó là chỗ dành cho những kẻ rủng rỉnh tiền bạc.

 

Buổi tối đó trong một khoang nhỏ tầng giữa tàu, tại một quán hàng rong vốn là một cái xe đẩy có những treo những ngọn đèn lồng, kiểu hàng quán nơi mà thực khách nhấc ghế ngồi ngay tại quầy, chủ quán đứng nấu nướng bên trong. Quán xá dạng này đã tồn tại đã lâu và xuất xứ từ quốc gia nào đó mà bây giờ người ta cũng chẳng còn nhớ đến tên nữa.

 

Có hai người đàn ông ngồi đó, trước mặt họ là vài xiên cá, mực nướng và một bát súp cá viên rong biển. Người chủ quán hàng rong cùng tên, lão Hiro rót rượu vào hai cái cốc nhỏ và đặt trước mặt những người khách.

 

Không đáp lời, Jade đặt cái cốc thủy tinh xuống bàn và búng nhẹ một đồng mười coin về phía lão chủ quán. Hiểu ý, lão ta nhét đồng xu bạc vào túi và lẳng lặng rời khỏi quầy tạo ra chút không gian riêng tư.

 

Trước đó tác giả cũng đã hành hình người đọc bằng cách bắt bọn mình phải qua đêm với nhân vật chính trong quán nhậu xập xệ dưới một gầm tàu nhỏ hẹp... nơi bốn bề ngập mùi rượu và đồ ăn, ngập tiếng động cơ tàu, được bao bọc bởi những những thành phần nham hiểm trong xã hội. Nhưng chính buổi tối ấy và một cuộc trò chuyện thoáng qua với một nhân vật phụ khác, thế giới liên tục mở ra với những câu hỏi và những câu trả lời chẳng ai hỏi, nhưng lại thật tinh tế.

 

Một tiểu tiết rất phụ mình để ý được, là bạn ấy có hẳn một hệ thống phân loại ngọc trai, ngọc trai được chia thành loại gần bờ, loại dưới lòng biển, điều kiện trai mở miệng hay đóng, màu sắc của viên ngọc là gì, giá cả trên chợ đen sẽ thay đổi. Nếu đọc đến đó mà chưa biết gì về sau, mình nghĩ nó chỉ là một kho báu trong thế giới mà có khi không bao giờ đề cập lại. Nhưng  chính việc đào sâu vào những cái không ai hỏi mới khiến cho thế giới ấy ‘thật’ và ‘sâu’ như mình đã khen rất nhiều ở trên. Thay vì tập trung vào mấy cái bề nổi nhảm nhỉ như phân loại sức mạnh hay phân loại chủng tộc đã bị nhai đi nhai lại đến thành rập khuôn, tập trung vào những chi tiết nhỏ bé và đi trệch khỏi những điều độc giả đoán trước được sẽ khiến cho tác phẩm chuyên nghiệp và bới trẻ con đi rất nhiều. Tốc độ ra chương mới của tác phẩm thực sự rất chậm, nhưng có vẻ như là vì bạn tác giả để ý tới tưng chi tiết nhỏ bé nhất, và có vẻ không chỉ để tâm tới những sáng tạo riêng của bản thân, tác giả hẳn còn dành nhiều thời gian để tìm hiểu về tàu và chiến thuyền để có một phân đoạn mặc cả tạo cảm giác ‘chuyên nghiệp’ nhất có thể giữa nhân vật chính của chúng ta với công ty buôn tàu. Nhắc đến hệ thống giá cả và văn hóa đóng tàu trong thế giới của Tomberry... đó lại cả một câu chuyện khác, mà nếu mình nói nữa thì sẽ tiết lộ toàn bộ những cái hay của Gray on Blues nên mình nghĩ sẽ tạm dừng lại ở đây.

 

Chỉ qua chưa chưa đầy mười chương truyện và tới thời điểm mình dừng lại thì nhân vật chính của chúng ta còn chưa rời khỏi Couver, nhưng bạn ấy đã đưa mình đi khắp các ngóc ngách của thành phố, từ những khu làng nổi du mục trên biển, đến những khu chợ giao thương tấp nập, đến những xưởng đóng tàu phủ rêu phong trên đoạn phố lát đá, rồi lại luồn lách qua những con hẻm lắt léo để đến một quán cà phê đậm màu sắc tân cổ điển.

 

50% thành công của worldbuilding là tạo ra một thế giới đáng nhớ để lại dấu ấn trong trí nhớ của tác giả, và với một đứa hay quên như mình, đọc rất lâu rồi mà còn nhớ chi tiết về làng du mục và thành phố cảng couver thì mình đã xem đó là một minh chứng cho sự thành công ấy của tomberry rồi đó. Một số bạn đã đọc cũng có nhận xét vui là sao mãi chưa ra khơi thế, nhưng mình có lòng tin vào lựa chọn của Tombery. Như cách mà mình đã so sánh phong cách viết của Tomberry với Eiichro Oda, mình đoán bạn ấy sẽ không rời khỏi một địa danh cho tới khi nơi đó in hằn vào tiềm thức của người đọc, quá nhiều tiểu tiết tưởng chừng như dông dài nhưng nó lại không hề thừa thãi một chút nào.

 

(Trong đoạn đầu của tác phẩm, Tomberry còn name drop một số địa danh sau này sẽ xuất hiện, như là liên hiệp Vablington, đại lục Daihoan, đế chế Yamato và lục địa yggdrasil nữa... sao mà càng ngày cấu trúc truyện càng giống với One Piece thế không biết.)

 

50% là để lại một nơi mới mẻ và đáng nhớ, vậy 50% còn lại là gì, các cậu thử đọc đoạn trích sau đây để tìm hiểu nhé:

 

Sau khi rời khỏi quán, cậu rảo bước về nhà trọ bằng lối đi quen thuộc. Khung cảnh mà Jade đã quá quen là một hành lang hẹp với những bóng đèn dây tóc le lói giãn cách một quãng dài khiến con đường xen khẽ đoạn tối đoạn sáng. Nhưng thay vì tiếng chỉ có bước chân đơn độc của cậu thì đâu đó một khoảng phía sau cũng có một bóng người.

 

Jade không biết ly nước giải rượu có tác dụng hay không nhưng cảm giác âm ấm cùng mùi thơm thoang thoảng đúng là rất dễ chịu sau khi nốc một mớ bia rượu tới đắng cả miệng. Tuy vậy, có một điều chắc chắn là bản thân cậu đang rất tỉnh táo. Có thể là do ly nước giải rượu thực sự có tác dụng hoặc là do những viên cafein và cũng có khi là cả hai, cậu không biết được. Nhưng nhờ vào sự tỉnh táo đó mà Jade biết rằng không chỉ có mình cậu trên con đường này. Âm thanh của những bước chân đó dường như không có ý định che dấu. Có khi nào hắn tưởng cậu vẫn đang còn ngà ngà say hoặc là một con mồi ngơ ngác tới mức chẳng cần thận trọng?

 

Không như lần trước, khẩu súng ngang hông giờ đây không khiến cậu cảm thấy đủ an tâm nữa. Tuy nhiên cậu vẫn rất bình tĩnh cứ như tâm lý đã thích ứng với chuyện này. Và rồi Jade cảm thấy bản thân thật ngu ngốc, đáng lẽ từ khi chọn cái nghề scavenger thì cậu phải sớm tính tới chuyện thế này sẽ xảy ra chứ không phải lúc này mới bắt đầu thích ứng.

 

Thở nhẹ một hơi khi kết thúc dòng suy nghĩ, Jade rẽ bước vào một con hẻm nhỏ. Đi chừng mười bước thì cậu dừng lại rồi chờ đợi.

 

Một. Hai. Ba giây...

 

Như để không vuột mất bóng dáng của cậu, tiếng bước chân đó dồn dập hơn. Jade có thể nghe rõ sự gấp gáp và nôn nóng qua từng bước chân.

 

Chắc hẳn đọc đến đây, thì có vẻ các cậu cũng vừa được xem một phân cảnh rất hồi hộp rồi phải không?

 

Mình chọn dùng từ ‘xem được’, thay vì ‘đọc được’, bởi vì với mình, đoạn văn trên có tính gợi hình nhưu là một cảnh phim. Quay trở về câu hỏi vừa rồi, thành công của xây dựng thế giới trong một tác phẩm, 50% là để lại những đặc điểm đáng nhớ, vậy 50% còn lại là gì? Nếu các cậu chưa suy được ra thì mình mạn phép trả lời luôn nhé, đó chính là không khí. Cũng hơi trở về với những cái mùi bánh, tiếng trẻ con ở đoạn chợ biển mà mình đã khen hết lời ở trên, một thế giới chỉ thật, khi tác giả cho phép người đọc chạm đến được nó bằng các giác quan, và trong Gray on Blues, khứu giác, thị giác, thính giác, xúc giác... mình nghĩ là không có còn cảm xúc nào mà Tomberry chưa đem lại đến cho độc giả cả.

 

Cũng chính đoạn miêu tả trên, mà mình xin giới thiệu đến một khía cạnh chính khác của Gray on Blues. Đó chính là hầu hết những phân cảnh hành động, đều có tình chất giật gân và đen tối giống như vậy. Lúc trước mình có nói, mình bị thu hút bởi cái bìa và sự nghiêm túc của nó, nhưng vào truyện, thế giới của Gray on blues lại vô cùng sặc sỡ, vậy thì cái bài đó có phải lừa tình hoàn toàn hay không?

 

Không để cho những con giời bị lừa vào truyện thất vọng thì may mắn thay phần lớn những phân cảnh hành động và những cuộc đối đầu trong tác phẩm đều mang cảm giác căng thẳng xứng đáng đúng như vậy. Xung đột trong Gray on blues thường là kết thúc trong một cuộc đấu súng, nhưng lại hòa hợp với không khí của các set piece đến kỳ lạ. Đi sâu vào những cảnh hành động, thì lại không phải là chuyên môn của mình, nên mình xin mạn phép bỏ qua phần này. Mình nhớ với mỗi trận giao tranh Tombery cũng có miêu tả rất dài và tường thuật rất chi tiết. Nên những bạn nào đam mê thể loại hành động cũng chớ vội thất vọng nhé, có rất nhiều những cảnh đối đầu và thời lượng của chúng nó chiếm đa số thời gian luôn đó. Đặc biệt như mình đã nói thì fan của thể loại đấu súng thì không thể nào bỏ qua, có một số đoạn diễn ra trong khung cảnh đậm màu sắc tân cổ điển (neo noir) với những ánh đèn neon và những quán bar tăm tối, thi thoảng lại là một trận đấu một chọi nhiều áp đảo khiến mình liên tưởng đến  John Wich (nghĩ đến thôi nhé, chứ tui chưa xem phim đó nên cũng không chắc là so sánh chính xác đâu). Nói túm lại là bắn nhau nhiều lắm ai thích giang hồ hành động thì kiên nhẫn một chút là sẽ thỏa mãn thôi.

 

Có khen thì cũng phải có chê, điểm sáng của Gray on Blues là thế giới, không khí và những phân cảnh hành động. Vậy, điểm trừ của nó là gì.

 

Lạ thay để nói về điểm trừ tuyệt đối, thì mình nghĩ Grays on Blues với mình lại không hề để lại một vết sạn nào. Như mình đã nói, đây là một trong số ít những tác phẩm sáng tác mình thực sự tôn trọng để dám gán cho nó cái mác chất lượng cao. Lướt qua bề nổi  thì cốt truyện tổng thế với mình khá nhạt nhẽo. Mạch xương sống truyện đi theo lối mòn đuổi theo mc guffin/ đan xen một nhiệm vụ hộ tống, như bao tác phẩm cùng chủ đề phiêu lưu thông thường và khi đọc có thể dễ dàng đoán được ra diễn biến tiếp theo. Nhưng côt truyện thôi thì chưa đủ, tình tiết mới là then chốt để quyết định một tác phẩm có hay hay không. Và với cảm nhận của cá nhân mình thì cách Tombery giải quyết những khúc mắc rất bình thường của bạn ấy lại thật đáng khen ngợi. Có vài lân Tombery đưa nhân vật của bạn ấy vào thế bí khiến mình không nghĩ ra được cách giải quyết như thế nào, cũng không biết là có thành hay không, và rồi, Tombery gỡ rối và nó thực sự để lại cho mình những khoảnh khắc à ra thế, kèm theo một cảm giác vô cùng thỏa mãn.

 

Hầu hết khi quá tay đưa nhân vật của mình vào thế quá bí ,các tác giả khác sẽ tung một cú deus ex machina rồi tìm đường lui (như mình nè T.T, ai mà không biết deus ex machina nghĩa là gì thì tra google nha, mình không biết tiếng việt dịch ra nó là gì) nhưng Tom  thì không. Bạn không những giả được nó mà còn vận dụng chính không gian xung quanh nhân vật để giải quyết. Đến đây, mình mới ngộ ra được kỹ năng sắp đặt tài tình của Tombery khi  dùng chính những chi tiết nhỏ bé tưởng như chỉ để xây dựng thế giới để quay lại để đóng vai trò quan trọng. Đó là lý do mình gọi Tombery là một chuyện gia về worldbuilding, bạn không chỉ hiểu rất rõ về thế giới của bạn ấy, mà còn biết sắp xếp chúng vào những vị trí thuận lợi cho cả cốt truyện.

 

Về phần chi tiết cụ thế Tom giải quyết nó như thế nào, cái này không dành cho người đọc bởi sẽ tiết lộ nội dung, nhưng mình có nhắn nhủ riêng với tác giả: Mình đặc biệt ấn tượng với hai chi tiết: kết cục của thương vụ mặc cả ở công ty đóng tàu và cách Jade phá được câu hỏi làm sao qua mặt cảnh vệ đưa Taenya ra khỏi thành phố. Thực sự cách giải quyết rất sáng tạo đấy nhé!

 

Cũng chình vì cốt truyện đơn giản nên cũng không thể xem thường được, chính vì đơn giản nên kết cấu lại vô cùng chặt chẽ, muốn tìm lỗi để chê cũng khó. Mình có cảm giác như trong quá trình viếtTombery đã phải có những sự chọn lựa khó khăn và bỏ đi nhiều tình tiết mang tính ưu tiên thấp hơn, vậy nên tất cả nhưunxg gì xảy ra đều là những tình tiết có tính chắt lọc cao và mang lại cảm giác như nhịp độ của câu chuyện không có đoạn nào là thừa thãi.

 

Có bối cảnh, có câu chuyện, vậy thì còn yếu tố nào quan trọng cầm nhận xét nữa, à phải rồi, là nhận vật.

 

Về khoản nhân vật thì thẳng lòng ra mình vẫn chưa ưng ý lắm. Không phải là Tomberry  nghiêng về cán cân tốt hẳn, hay dở hẳn nhưng mà đâu đó có một sự đầu tư khá khập khiễng. Giả dụ như lấy nhân vật chính Jade của chúng ta, mình cảm thấy so với mặt bằng thì đây là một nhân vật có sức nặng. Về chiều sâu thì không hẳn, bởi câu chuyện mới ở giai đoạn mở đầu nên chúng ta vẫn chưa được biết nhiều về cậu ấy lắm, nhưng chọn theo chân một nhân vật chính với tính cách hơi ích kỷ, cẩn trọng, lại lạnh nhạt khi tiếp xúc với những chuyển biến xung quanh thì thật sự rất là khó. Nhưng mà Tomberry vẫn làm cho bạn nhân vật ý đủ hấp dẫn để người đọc muốn theo dõi, vừa không đi trệch khỏi tính cách đã đặt ra trước đó. Với một bài toán khó, chỉ cần giải được thôi mình đã khâm phục lắm rồi, thế nên là không giải hay cũng không sao nha.

 

Ở thời đại 4.0 này thì người hướng nội nhiều hơn người hướng ngoại, nên phần lớn các tác giả dễ hòa mình vào những nhân vật lạnh lùng ích kỷ hơn. Mình thấy hầu hết các tác phẩm trên hako phần lớn đều chọn nhân vật góc nhìn là một anh chàng hay một cô nàng khép kín lạnh lùng nào đó (cái này thì khi nào rảnh khen Bạch Tiểu Dương một bài riêng sau nhá (◠▿◠✿)) nhưng 9 trên 10 kết cục của các nhân vật đó đều là đi trệch khỏi cá tính ban đầu. Hoặc là thành một tính cách nửa nạc nửa mỡ hoặc là thành một edgelord wannabe trẻ con rất buồn cười. Nhưng mà Jade Harris của Tombery thì lại không thế. Theo một cách nào đó, câu chuyện được kể theo ngôi thứ ba mà nhiều lúc mình cứ nhớ nhầm là ngôi thứ nhất. Mình biết một chút về quá khứ của Jade, hiểu vì sao bạn ý lại trở thành người có tính cách như bây giờ. Cái sự lạnh nhạt ấy không chỉ để là ‘ngầu’ mà đó là một con người đã từng bồng bột muốn khám phá thế giới để rồi để thế giới làm cho khuất phục. Đồng thời, ngôi thứ ba cũng chính là lựa chọn thông minh bởi người đọc không phải lúc nào cũng ở trong đầu của Jade để biết bước tiếp theo cậu ấy sẽ chuẩn bị trước điều gì, vừa đủ để người đọc hiểu được cậu, vừa giữ được hình tượng của một tay giang hồ từng trải cẩn trọng trước tất cả các cám dỗ.

 

Lại nhắc lại về những tiểu tiết, Jade có một vài thói quen xấu lặp đi lặp lại ví dụ như là nghiện viên cà phê nén khiến cho cuộc sống của bạn ấy có đôi khi phải dở khóc dở cười. Nhiều lúc vào đúng đoạn nguy hiểm nhất do dùng quá liều mà thuốc phát tác cậu ta lại không phân biệt được đâu là thật và đâu là mê. Những tác giả hơi tinh tế một chút ban cho nhân vật của họ những đặc điểm như thế là mình rất thích nhưng mình thích hơn nữa là cách Tomberry không chỉ dùng một lần mà thường nhắc lại rất nhiều để độc giả cũng phải làm quen. Ngoài lề thì Tom Berry làm mình rất thích cậu chàng này vì cái lanh lợi khi còn có đoạn giấu hàng cấm vào trong đ*t để đi qua mắt hải quan mà cái mặt thì vẫn lạnh tanh (cái này khum phải tui huyễn hoặc đâu Tom Berry nhỉ  (ꈍ ꒳ ꈍ✿))

 

Có thể vì Jade là mẫu con trai mình thích từ quá khứ đến cách xử lý vấn đề của cậu ấy nên dễ để lại ấn tượng cho mình. Nhưng ngoài Jade ra, những cư dân còn lại của thế giới biển lại chưa đủ sức nặng để thuyết phục mình. Có vẻ tới thời điểm mình dừng đọc mới chỉ có thêm Taenya được tính là nhân vật chính nữa thôi. Tom Berry có cố gắng tạo cho bạn ấy một quá khứ cũng có sức nặng như của Jade nhưng dưới tư cách người đọc mình thấy chưa tới. Có thể vì nỗi đau của cô ấy hơi viễn tưởng quá, nên mình không đồng cảm được. Tư duy của mình khá bình thường, thế nên cái gì hơi thần thoại hơi lớn lao một chút là mình chẳng cảm thấy gì luôn. Có thể với fan của thể loại fantasy sẽ thấy Taenya là một nhân vật có chiều sâu, nhưng hiện tại mình không nhớ nhiều về cô ấy ngoài cái tên và chủng tộc. Nhưng câu chuyện chỉ vừa mới bắt đầu nên mình sẽ không phán xét mà chỉ dừng lại ở nêu cảm nghĩ thế thôi.

 

Cùng với Taenya, Tom Berry cũng đi sâu vào nhiều các nhân vật nữ đóng vai trò bổ trợ nữa, nhưng họ đều rất dễ lãng quên. Thật lòng nhé, đáng quên kinh khủng. Đặc biệt là hai cô gái Lara và Jane mình còn quên cả tên của họ. Mình cảm thấy Tom đã cố để cho hai nhân vật này trở nên quan trọng, nhưng rồi lại bỏ giữa chừng nên cảm giác như mới chỉ khều chưa tới. Cách cư xử và ngoại hình của họ cũng khá rập khuôn, theo tiêu chuẩn con gái harem làm cho mình cảm thấy một màu và hơi khó chịu, còn các tình huống họ được đặt vào cũng không thú vị cho lắm. Kiểu tụi nó được cho vào vì tác giả muốn có nhân vật theo stereotype như thế, bị trẻ con với ứng xử không thực tế ấy. Đây là phần duy nhất mình cảm thấy không thực sự được chọn lọc lắm.

 

(Cái này chỉ là góp ý thôi, bởi mình cũng hay bị vướng vào lỗi viết ra những bình hoa di động nên cũng không có tư cách phán xét và vì tôn trọng sở thích của Tombery nên sẽ không nói làm mất vui và làm mất đi chất tác giả nên cậu đừng để bụng nha (இ ˆ இ✿))

 

Vậy thì túm lại, đối tượng độc giả mà Gray on blue muốn hướng đến là ai? Mình cảm thấy như rào cản khiến cho hầu hết độc giả e ngại Gray on blues, bởi vì mối băn khoăn không biết tác phẩm này nói về điều gì. Ảnh bìa nói về một thứ, tóm tắt nói về một thứ, hình minh họa trong phụ chương còn làm cho nó rối nữa. Nếu phải dùng một cụm từ chính xác để miêu tả Gray on Blues, thì mình sẽ nói đây là một tác phẩm viễn tây trên đại dương. Kiểu One Piece nhưng là thợ săn tiền thưởng thay vì hải tặc giao khám phá thế giới ấy.

 

Khó tìm từ miêu tả, bởi Gray on Blues là một cái gì đó rất riêng của tác giả, nó vừa giống với các tác phẩm fantasy thế giới mở nhiều màu sắc, vừa có cái gì đấy thục tế và nghiêm túc nên có thể làm hài lòng fan của cả hai bên. Đến đây, thì kết luận của mình cũng chính là tiêu đề của bài review này: Gray on Blues là một trong những tác phẩm chất lượng nhất trong mảng sáng tác của Hako.  Là một tác phẩm được chăm chút rất cẩn thận, nhưng lại ít ai thấy được giá trị thực sự bên trong nó. Tại sao Gray on Blues lại kén người đọc? Bởi vì đối tượng độc giả tiềm năng của Gray on Blues chẳng hướng đến thể loại nào sẵn có. Gray on Blues là một thứ gì đó rất riêng biệt, một thứ gì đó của riêng tombery không đi theo số đông, một thứ mà mảng sáng tác của hako này đang khan hiếm.

 

Ngoài ra thì đối tượng đọc thứ hai mà mình cũng muốn giới thiệu Gray on blues đến là nhưng ai muốn tìm một tác phẩm thực sự có chuyên môn trong mảng sáng tác. Những bạn muốn viết Web Novel lấy bối cảnh Fantasy chuyên nghiệp thì nên đọc để học qua một lần để học hỏi từ một trong những bút lực cá nhân mình đánh giá cao nhất Hako này nhé!

Truyện sáng tác

8 Bình luận

AUTHOR
Thật ra cũng sẵn tiện lý giải câu hỏi bự nhất vì sao truyện flop: do nó cập nhật thật sự chậm.
Thời đầu truyện ra được hưởng ứng thật sự với chương 1 không chê vào đâu. Càng lúc ra càng chậm, người cũ bỏ đi, người mới nhìn vào ngán ngẫm.
Chứ nói một câu công tâm nếu 1 tuần 1 chương thì bộ này còn nổi dài.
Chỉ tiếc là tác lười zl 👺
Xem thêm
MOD
Nghe buồn nhỉ, có nên giảm thời hạn delay của bộ này xuống còn 1 tháng hay không ta? Mình canh me bộ này quá hạn delay vài lần rồi mà vẫn chưa được >.<
Xem thêm
Xem thêm 2 trả lời
ADMIN
TRANS
Vậy thì hạn delay của Gray on Blue nên có chút khác biệt. Tối đa 1 tháng 1 chương để chống flop.
Xem thêm
AUTHOR
Chà, không nghĩ có ngày sẽ được một post review thế này.
Cảm ơn Diệu Hoa rất nhiều.
Xem thêm
AUTHOR
Lấy hứng viết ào ào đi 👺
Xem thêm