Hành Trình Ma Cà Rồng
Mặc Tiên Diệp
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập 01

Chương 01

0 Bình luận - Độ dài: 3,215 từ - Cập nhật:

Quyển thứ nhất~

Khi tôi chết, nó là của anh-Loucas De Corix

Ngày 10 tháng 5 năm 1781

Đã 15 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên tôi viết nhật kí. Cảm giác cứ là lạ, bồi hồi sao sao ấy.

2 tuần trước,

Bên bờ sông Mississippi, New Orleans của năm 1781 là một thành phố không bao giờ ngủ. Đó là thành phố của những cơn gió ẩm vương mùi muối biển, những con đường lát đá rêu xanh và những khu chợ rộn ràng lời rao bằng đủ thứ loại ngôn ngữ. Toà nhà gạch đỏ cùng ban công sắt san sát nhau, chúng vươn ra trên những con hẻm chật hẹp, nơi bóng đèn lay động theo nhịp điệu của màn đêm. Dọc các dãy đường phố, mùi hương của quế, thuốc lá và cá biển hòa quyện trong không khí, trôi theo những con thuyền chất đầy hàng hóa cập bến từ vùng Caribbean.

Ở Congo Square, giữa lòng thành phố hoa lệ, tiếng trống vang lên, nhịp nhàng và cuồng nhiệt tựa như tiếng tim đập của New Orleans. Những người nô lệ sau một ngày dài kiệt sức tụ họp lại với đôi chân trần giẫm lên mặt đất. Vòng hông rắn chắc uyển chuyển đung đưa theo những vũ điệu cổ xưa mà tổ tiên họ từng nhảy múa dưới bầu trời châu Phi xa xôi. Song hành cùng nhịp điệu dồn dập do trống tạo ra, âm thanh đàn banjo cất lên, hòa cùng tiếng vỗ tay và giọng hát trầm đục tạo nên một thứ âm nhạc hoang dại huyền bí, vang vọng như một lời nguyện cầu tự do.

Tôi nghĩ tôi đã yêu tiếng hát và vũ điệu ấy. Hoặc có lẽ, từ trong những đôi mắt đen tuyền kia hay những khuôn mặt gầy gò. Tôi như thấy chính mình, một nô lệ trong cái xã hội tư bản da trắng chết tiệt này. Nơi mà bọn chúng xem những kẻ có màu da khác biệt là đám mọi. Đặc biệt là gã Charles-chủ của nhà hàng trên sông mà tôi làm việc. Con mẹ nó, tiền lương chẳng có bao nhiêu mà còn phải làm cả công việc của tạp vụ và nếu dám phản kháng thì lập tức sẽ bị gã chó chết ấy đuổi cổ.

Ở New Orleans, sự phân biệt chủng tộc chính là một chuyện thường thấy. Tuy nó không gay gắt như một số nơi khác. Bằng chứng là đâu đó tôi vẫn thấy có một vài ông chủ da màu giàu có. Nhưng sự thật là có tiền thôi vẫn không đủ. Ở thời đại này, quyền lực luôn nằm trong tay người da trắng. Mà đi đôi với quyền lực thì chính là tiền bạc.

Men theo những con phố xa hoa, từng tốp người rời khỏi nhà hát hoặc các buổi tiệc trong dinh thự, tiếng cười nói hòa lẫn trong tiếng vó ngựa lộc cộc trên đường. Các quý bà trong bộ váy lụa đính ren khoác tay các quý ông với áo chẽn thêu chỉ vàng, họ bước qua những quán cà phê nhỏ nơi những thương nhân và nhà thám hiểm hay ngồi, làn khói trắng phau từ tẩu thuốc lơ lửng trong ánh đèn vàng nhạt rồi chầm chậm tan biến.

Gần bến cảng, nhiều chiếc tàu neo đậu chập chờn trên mặt nước tối đen như mực. Một vài gã thủy thủ vừa đặt chân lên bờ đã vội tìm đến quán rượu hay các nhà chứa, nơi những cô gái da trắng, da đen và cả những người mulatto (con lai giữa châu Âu và châu Phi) uốn mình trong điệu nhảy lả lơi. Rượu chảy tràn trên mấy chiếc bàn gỗ, đồng xu leng keng trong những ván bài khuya. Và đâu đó, một kẻ thất thế trong trò đỏ đen khụy gối trong con hẻm tối, nơi chỉ có bóng dáng của một vị linh mục khoác áo choàng đen lướt qua, miệng thì thầm một lời cầu nguyện.

Trên cao, ánh trăng mờ đục treo lơ lửng trên mặt sông Mississippi, phản chiếu thành những vệt sáng lấp lánh trôi dọc theo dòng nước. Nó luôn hiện diện ở đây nhưng tôi lại chưa từng có đủ thời gian để thực sự ngắm nhìn vẻ đẹp ấy. Con thuyền Harnd Gas này hay còn được đám tứ xứ gọi là nhà hàng Gan Ga luôn tràn ngập tiếng ồn ào đầy náo nhiệt. Để không bị ăn đòn hoặc trừ tiền công, tôi ép mình phải luôn di chuyển thật nhanh và khéo léo, đồng thời mắt và bộ não buộc phải căng thẳng mọi lúc để không mắc ra sai lầm nào. Hết dòng người này đến dòng người khác. Bọn họ ai ai cũng đều sẵn lòng trả một số tiền đắt đỏ cho một bữa ăn thậm chí còn hơn cả nửa tháng lương mà tôi nhận được.

“Doris, mày đâu rồi. Thằng khốn Chinois chết tiệt này.”

Cắn nát điếu thuốc trong miệng, tôi kéo quần lên sau khi cố rặn ra mấy cục cứt cứng ngắc. Con mẹ nó, dạo này stress kinh khủng, việc đi ỉa không thông thế này chắc chắn là hậu quả do cả tháng tôi hốc đống bánh mì khô để lại.

“Mày không cút ra đây nhanh lên thì ngày mai không cần ló mặt đến nữa đâu”

“Mẹ, đám da trắng chó đẻ!” Tôi lẩm bẩm trong miệng rồi dùng đế giày chà tắt điếu thuốc còn đang cháy trên sàn.

“Tôi ra ngay đây thưa ngài!”

Giật mạnh cánh cửa gỗ ọp ẹp, tôi bước ra khỏi cái nhà cầu hôi thối như cái mả hoang mà bọn chủ nhà hàng chả bao giờ thèm cho người dọn dẹp đến. Tiếng nhạc jazz từ sảnh chính vọng đến, hòa cùng tiếng cười nói, tiếng ly tách chạm nhau lách cách. Đúng là cái ổ tạp nham. Nghĩ là thế nhưng ở cái đất New Orleans này, nếu không có tiền, không có chỗ dựa, thì một thằng Châu Á rách rưới như tôi còn biết đi đâu chứ?

Tôi lao nhanh vào bếp, nơi hơi nóng bốc lên ngột ngạt từ những bếp than. Mùi thịt nướng, dầu mỡ và rượu rum trộn lẫn trong không khí đặc quánh. Ông chủ Charles, cái gã người Anh to béo với bộ ria mép lúc nào cũng dính dầu mỡ đang đứng chống nạnh ngay giữa bếp, đôi mắt gã đỏ ngầu như sắp nổ tung.

“Chết tiệt, Doris! Mày đi đẻ hay sao mà mất cả nửa tiếng?”

Tôi cúi thấp đầu, nhưng miệng thì lầm bầm: “Thưa ngài, tôi chỉ…”

Bốp!

Một cái tát từ bàn tay đầy thịt kia khiến tôi nổ đom đóm mắt. Cả bếp im lặng vài giây, rồi tiếng dao thớt lại lách cách như chẳng có gì xảy ra. Tôi nuốt cục tức vào trong. Đám đầu bếp và bồi bàn chẳng ai thèm quan tâm bởi chuyện này xảy ra hoài. Hơn nữa dẫu sao tôi cũng chỉ là một thằng da vàng, một thằng thu ngân kiêm luôn tạp vụ bị bốc lột sức lao động mà thôi nên cho dù có bị đánh chết cũng chẳng ai buồn đoái hoài tới.

“Đứng đực ra đó làm gì? Mày muốn bị đá ra đường hả?!!” Charles gầm lên, nước bọt hôi thối của gã bắn vào mặt tôi.

Cố cắn chặt răng nhẫn nhịn, tôi quay lại quầy, tiếp tục xẻ thịt, bày món, lau chùi bát đĩa. Cả đêm, khách ra vào tấp nập. Những gã thương nhân say khướt gọi thêm rượu mạnh, mấy mụ đàn bà sặc sụa nước hoa phả khói thuốc vào mặt nhau, bọn nhà giàu chơi bài ở góc phòng, kẻ thắng cười ha hả, kẻ thua thì chửi rủa.

Lúc này sau khi làm xong việc ở nhà bếp tôi trở lại với vị trí thu ngân của mình. Mệt mỏi hướng mắt lên tấm gương lớn trên quầy bar phía đối diện, hình ảnh phản chiếu là một gã trai châu Á gầy nhom, mặt còn in dấu bàn tay đỏ chót. Tôi nhếch mép cười nhạt. “Đỗ Nam ơi là Đỗ Nam, mày sinh ra ở cái đất chết tiệt nào không sinh, lại sinh ngay vào cái thời buổi này.”

Tiếng nhạc jazz vẫn dồn dập, mạnh mẽ, hỗn loạn và đôi khi khiến người ta nghẹt thở.

Charles đột ngột gào lên từ trong phòng bếp, nơi gã đang uống cạn một ly rượu rum: “Doris, mang thịt bò ra bàn số 5!”

Thằng heo nái này, bố mày là thu ngân. Thầm chửi là vậy nhưng tôi vẫn đặt cây bút trên tay xuống, vội vã đi vào bưng lên khay thịt bò sốt vang vừa được phụ bếp xếp lên rồi sải bước nhanh qua cánh cửa đến sảnh chính.

Tôi len lỏi qua đám khách, né tránh một gã đàn ông đầy mụn như con cóc ghẻ đang cười hô hố với một cô gái điếm tóc đỏ.

Khi tôi đặt đĩa thịt bò xuống bàn số 5, gã khách ngồi đó nheo mắt nhìn tôi.

“Chinois?” Hắn cười khẩy, giọng lơ lớ đặc trưng của một tay người Pháp. “Hay mày là Jap? Hoặc Annamite?”

Tôi siết chặt khay trong tay. Annamite. Lâu lắm rồi tôi mới nghe lại từ đó.

“Tôi chỉ là người mang thức ăn đến, thưa ngài.” Tôi đáp, cố giữ giọng bình tĩnh.

Hắn bật cười, ngoắc tay gọi một cô gái lại gần và vòng qua ôm lấy eo cô ta như thể tôi chưa từng tồn tại.

Tôi xoay người rời đi, nhưng kịp nhận ra một ánh mắt khác đang dán vào mình. Ở góc quầy bar, lại là một gã Pháp nữa đang ngồi đó nhưng hắn điển trai hơn. Một tay lơ đãng khuấy ly rượu Whiskey, tay còn lại gõ nhẹ lên mặt bàn bằng gỗ sẫm màu. Mái tóc vàng ngang vai của hắn buông lơi, phản chiếu ánh sáng hắt từ những chùm đèn treo trên trần nhà. Đôi mắt xanh biếc—một màu xanh trong vắt như biển Maldives, hoặc Madivel như cách người Pháp gọi—dừng lại trên tôi, lạnh lẽo và khó đoán.

Hắn không giống đám khách thương nhân ồn ào hay bọn lính thường lui tới Harnd Gas. Ở hắn có một sự lặng lẽ nhưng nguy hiểm, một loại bình thản của những kẻ đã quen với việc điều khiển mọi thứ theo ý mình.

Và tôi đã đúng, gã người Pháp ấy…à nên gọi là Loucas De Corix-Mon cher ennemi của tôi. Hắn quả thực chính là cơn ác mộng của đời tôi nhưng cũng là ánh sáng duy nhất đem đến cho tôi sự tự do.

Mà đó chỉ là chuyện của sau này. Còn bấy giờ, không hiểu sao bản năng cứ liên hồi thúc giục tôi phải tránh xa tầm mắt hắn.

Nhanh chóng đôi chân tự động gia tăng thêm tốc độ rời khỏi sảnh để trở lại khu bếp, nơi tiếng dao thớt lách cách lấp đầy không gian. Nhưng cái cảm giác khó chịu cứ bám theo mãi. Gã đó là ai? Tôi chưa từng thấy hắn trước đây. Khả năng cao đây là lần đầu hắn đến New Orlens chứ nếu không thì tôi đã nhận ra hắn, một khuôn mặt đẹp như vậy chắc chắn tôi sẽ không quên.

Một lúc sau, khi tôi vừa lau dọn xong mấy cái đĩa bẩn, gã tóc vàng đột nhiên xuất hiện ở cửa bếp.

Hắn tựa người vào khung cửa, hoàn toàn phớt lờ ánh mắt soi mói của mấy tên đầu bếp và bồi bàn.

“Chinois.” Hắn gọi. Giọng hắn trầm, có chút khàn khàn như thể vừa hút thuốc xong.

Tôi ngẩng lên, trong lòng bất giác căng thẳng.

Những âm thanh ồn ào của nhà hàng dội vào tai tôi—tiếng cười cợt thô lỗ, tiếng dao nĩa va vào đĩa sứ, tiếng gọi món quát tháo từ Charles. Dòng người vẫn tấp nập ra vào, chẳng ai thèm bận tâm đến một thằng Chinois đang đứng bất động giữa phòng cả.

Loucas thì khác. Hắn tựa người vào khung cửa bếp, dáng vẻ thản nhiên như thể xung quanh chẳng có lấy một ai dù bản thân đang là tâm điểm. Mái tóc vàng ngang vai của hắn phản chiếu dưới ánh đèn khiến từng sợi như phát sáng. Đôi mắt xanh biếc ấy vẫn nhìn tôi, sắc bén và đầy kiên nhẫn.

“Ta biết cậu không phải Chinois.”

Tôi cau mày. Gã người Pháp nói bằng tiếng của bọn họ—những âm thanh trôi qua tai tôi nhanh đến mức tôi chỉ kịp nắm bắt được vài từ rời rạc. Tiếng Pháp của tôi kém lắm, chỉ đủ để hiểu mấy câu chửi rủa hoặc mệnh lệnh trong bếp.

Thấy tôi im lặng, hắn nghiêng đầu, rồi đột nhiên mở miệng bằng một thứ âm điệu lạ lùng.

“Cậu là người An Nam, đúng không?”

Tôi sững người.

Tiếng Việt.

Tôi lùi một bước, nhìn hắn chằm chằm. Chất giọng và ngoại hình của hắn hoàn toàn không phải người bản xứ, nhưng trôi chảy một cách đáng sợ. Một gã người Pháp, giữa New Orleans, lại có thể nói tiếng Việt?

Cả người tôi căng ra. Cảm giác hoang mang siết chặt lấy lồng ngực.

“Sao ngài biết?” Tôi buột miệng, giọng nói nghèn nghẹn.

Hắn mỉm cười, không vội trả lời ngay mà ung dung bước vào, phớt lờ ánh mắt tò mò của vài người trong bếp.

“Ta đã từng ở đất nước của cậu.” Giọng Loucas nhẹ như gió thoảng, nhưng lại khiến tim tôi đập thình thịch. “Rất lâu về trước.”

Tôi không biết phải phản ứng thế nào. Một gã người Pháp du mục, nói sõi tiếng Việt, lại từng ở An Nam “rất lâu về trước”? Một thương nhân? Một tay lính đánh thuê? Hay một quý tộc kì lạ với sở thích du ngoạn.

Nhưng không, tôi cảm nhận được có gì đó ở hắn…rất khác.

Loucas cười, không vồn vã, không thúc ép, cứ như thể hắn đang thưởng thức phản ứng của tôi. Hắn đưa mắt nhìn xung quanh rồi nghiêng người đến gần, giọng nói trở nên trầm hơn.

“Cậu có muốn thoát khỏi nơi này không?”

Tôi nheo mắt.

“Cái gì?”

Loucas không nhắc lại câu hỏi, thay vào đó, hắn cúi xuống nhìn tôi, đôi mắt xanh sâu thẳm như đáy biển.

“Nếu cậu muốn, ta có thể giúp cậu rời khỏi cái hố rác này.”

Tôi nhìn hắn, chợt hiểu ra từ trong câu nói ấy. Nhịn không được, tôi cười khẩy.

“Ngài sẽ bao nuôi tôi sao? Tôi không phải thằng điếm!”

Loucas không đáp. Hắn chỉ đưa tay vào túi áo rút ra một đồng bạc ném lên bàn.

“Lấy một ly rượu vang đi, Doris.” Gã nói bằng tiếng anh.

Bàn tay tôi vô thức cầm lấy đồng xu. Charles bên cạnh thấy tiền thì mắt sáng lên, cứ luôn miệng thúc giục.

“Mày bần thần cái đéo gì. Mau lấy rượu cho khách nhanh.”

Ở New Orleans, người Pháp rất được kính trọng. Đặc biệt là kẻ có cái loại khí chất như gã trước mặt. Tên béo ú ấy cũng như bao người, bỏ qua chiếc áo Cloak cùng cái mũ bowler cổ điển như từ một thời đại nào đó lạc đến thì gã chẳng khác gì một tay quý tộc Pháp cả.

Đến quầy bar, tôi vươn người lên tủ lấy xuống chai vang được nhập từ Burgundy. Khi rót ra ly, tôi thấy tay mình hơi run. Lạ thật, tôi đã quen với việc rót rượu cho khách, thế mà lúc này lại cảm thấy bất an đến khó hiểu.

Loucas cầm ly rượu, xoay nhẹ chất lỏng màu đỏ rồi nhấp một ngụm nhỏ.

“Bọn ta thường gọi là Bourgogne. Năm 1759

trên con tàu đến Anh, bọn họ cũng phục vụ ta loại rượu ở nơi này. Thú thật khi nghe cái tên Burgundy, ta còn tưởng họ đang nói tới một thứ gì đó chẳng hạn như…món bò hầm.” Nó xong hắn cười nhạt nhìn tôi.

Tôi không chắc vào thời điểm ấy nụ cười hắn có phải là cười nhạt không. Nhưng trò đùa này đúng là nhạt thật. Và mãi đến một thời gian sau, hắn vẫn thường hay nói mấy câu nhạt nhẽo như thế rồi đòi hỏi nụ cười từ kẻ khác.

“Cậu không tò mò sao?” Hắn không thấy tôi đáp lời liền chuyển sang một chủ đề khác

Tôi nhíu mày hỏi.

“Tò mò chuyện gì, thưa ngài?”

“Về lý do tại sao ta biết cậu sắp chết đó.”

Bàn tay tôi khựng lại.

Những âm thanh trong nhà hàng bỗng chốc trở nên mơ hồ, xa xăm như thể tôi vừa rơi vào một thế giới khác chỉ có tôi và hắn.

“Cái gì?” Tôi hỏi, giọng khô khốc.

Loucas đặt ly rượu xuống quầy, chậm rãi nói:

“Ta biết cậu đang mắc bệnh. Ta biết cậu đã ho ra máu, biết cơ thể cậu ngày một suy nhược, biết mỗi khi đêm xuống, cậu phải vật lộn với cơn đau nơi lồng ngực.”

Tôi nhìn chằm chằm vào hắn, cả người cứng đờ vì kinh ngạc.

Không ai biết. Không ai có thể biết.

Tôi đã che giấu rất kỹ. Tôi vẫn làm việc như bình thường, vẫn tươi cười khi bị sỉ nhục, vẫn lầm lũi sống như một con kiến trong thế giới này.

Nhưng gã người Pháp đó…hắn biết.

“Làm một giao dịch đi, Doris.” Giọng hắn vẫn điềm nhiên như thể đang bàn bạc một thương vụ làm ăn. “Ta sẽ ban cho cậu 30 năm để sống tiếp, cũng sẽ thực hiện ước mơ đưa cậu đi chu du khắp thế giới. Nhưng đổi lại, trong vòng 30 năm, cậu phải hoàn thành một cuốn sách về cuộc đời ta.”

Tôi bật cười. Một tràng cười ngắn khô khốc.

“Ngài đang định hoá thân thành thần thánh sao? Ngài có vẻ đã say rồi”

Loucas không đáp. Hắn chỉ nhếch môi, như thể câu hỏi của tôi chẳng có nghĩa lý gì cả.

“Sớm thôi…chúng ta sẽ gặp nhau lần nữa. Cho đến lúc đó, cho ta câu trả lời cũng không muộn”

Chú thích:

Annamite: Một thuật ngữ cổ để chỉ người Việt Nam, xuất phát từ "Annam"—tên mà triều đình nhà Nguyễn dùng để gọi lãnh thổ Việt Nam khi còn là một nước chư hầu của Trung Quốc. Từ này mang sắc thái miệt thị khi được người Pháp sử dụng trong thời kỳ thuộc địa.

Chinois: Trong tiếng Pháp, Chinois nghĩa là "người Trung Quốc". Tùy vào ngữ cảnh, từ này có thể trung lập hoặc mang hàm ý phân biệt chủng tộc khi được dùng theo cách miệt thị.

Jap: Một từ viết tắt của "Japanese" (người Nhật), nhưng mang tính xúc phạm, đặc biệt là trong bối cảnh Thế chiến II khi binh lính Mỹ dùng nó để gọi người Nhật một cách khinh miệt.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận