• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Mùa hạ.

Chap 9: Mới đầu chương đã giẫm phải cứt.

7 Bình luận - Độ dài: 3,192 từ - Cập nhật:

Cảnh báo: Chương này có chứa yếu tố kinh tởm và bốc mùi.

***

Tôi có hai tin tức mới cho các bạn đây, một tin vui và một tin buồn.

Tin vui là tôi đã giải quyết xong vấn đề tuyệt giao với quốc gia phương Đông rồi. Vì có kinh nghiệm sau việc giải quyết vụ táo vừa qua nên tôi cũng tìm ra giải pháp nhanh chóng hơn.

Ngoại thương với quốc gia phương Đông chủ yếu là xuất khẩu phô mai và nhập khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ. 

Đối với phô mai, thay vì dùng sữa bò để ủ phô mai thì tôi đã gợi ý cho nông dân chuyển qua làm sữa đặc. Dù sao thì việc tạo ra xi rô hay sữa đặc là giống nhau, đều sử dụng phương pháp cô cạn bằng bình chân không. Ngoài ra, vì sữa đặc cũng là một dạng sản phẩm mới nên nhanh chóng cháy hàng, không thiếu nguồn cung.

Còn sản phẩm thủ công nhập từ quốc gia phương Đông thì không cần thiết lắm. Vì chủ yếu chúng là gốm sứ, vải lụa, tượng điêu khắc… Chỉ ảnh hưởng tới tầng lớp quý tộc chứ thường dân thì không có cũng chẳng sao. Thay vào đó còn tạo cơ hội cho người dân làng thủ công trong nước giảm bớt sự cạnh tranh. Nói chung là trừ việc không được mặc những bộ đồ lụa mát mẻ ra thì không có gì quá rắc rối.

Vậy là vấn đề về cơ bản đã được giải quyết ổn thỏa.

Còn tin buồn là, tôi giẫm phải cứt rồi.

Ừm… Mấy bạn không nghe nhầm đâu. Tôi giẫm phải cứt rồi.

Cứt nghe thô quá nên tôi đổi thành phân cho nó lịch sự, mặc dù vẫn thối như nhau.

Còn lý do tại sao ra nông nỗi này thì đó là một câu chuyện dài.

Cách đây một tiếng trước, hợp đồng thu mua sữa đặc cuối cùng cũng đã được viết xong. Mặc dù mọi thứ ổn thỏa rồi nhưng tôi vẫn còn tức hai đứa nam chính nữ chính lắm, toàn gây chuyện rồi bắt người khác dọn.

Thế là trong cơn bực tức, tôi đã vẽ hình hai người đó ra giấy rồi viết bậy mấy từ ngữ chửi rủa lên để xả giận. 

Xui xẻo sao, một cơn gió đầu mùa hạ lướt qua khiến tờ giấy bay về phía khu vườn phía sau cung điện. Mà cũng không thể gọi người hầu nhặt giúp được, lỡ ai đó mà thấy bức tranh thì tôi sẽ bị can tội vẽ bùa chú nguyền rủa rồi lên giàn thiêu mất.

Vậy là tôi phải tự mày mò tìm nó, chỉ một mình.

Sau một hồi tìm kiếm cũng phát hiện ra tờ giấy đang vắt vẻo trên cành cây, vật vã mãi mới vớt nó xuống được. Ngay lập tức, tôi xé tờ giấy ra hàng trăm mảnh và nhanh chóng chạy tới bãi rác để vứt.

Kết quả, đập vào mắt tôi là một vùng xú uế, đầy rác thải, từ đồ ăn thối, đồ đạc hư hỏng cho tới cả phân.

Đúng vậy, thế giới này hoàn toàn không có nhà vệ sinh với ống dẫn thải như thời hiện đại. Nếu muốn giải quyết vấn đề thì tôi sẽ vào một cái buồng riêng có đặt một chiếc bệ xí kèm chiếc bô bên dưới. Sau khi xong việc, người hầu sẽ dọn dẹp và thay bô mới để tránh bốc mùi.

Nói thật lúc mới xuyên đến, tôi cũng sốc mất mấy tuần mới làm quen được. May cho tôi xuyên thành Công chúa, có người hầu phục vụ tới tận răng nên tiện nghi sinh hoạt cũng không quá khốn khổ so với thời hiện đại. Không biết xuyên làm thường dân thì còn thảm cỡ nào.

Trước giờ, những gì mà tôi quản lý hầu hết là công việc bàn giấy cao cấp liên quan đến chi tiêu, bài trí... Còn những công việc cấp thấp như dọn dẹp, vệ sinh.. thì quản gia, hầu trưởng sẽ tự động lên lịch sắp xếp.

Tôi đã không biết họ lại xử lý rác thải theo cách này.

Mùi ô uế bốc lên xộc thẳng vào mũi. Tôi suýt nôn thốc nôn tháo, nhanh chóng ném vụn giấy vào bãi rác và nhắm mắt chạy đi.

Kết quả là đạp trúng cục phân đang lăn lóc gần đó.

Kết thúc hồi tưởng.

Giờ thì tôi ngồi đây, trên một tảng đá cảnh trong khu vườn, suy tư với một bên chân bốc mùi.

Tôi phải làm gì với nó đây?

Không thể gọi người hầu giải quyết được. Chuyện này mà lộ ra thì tôi sẽ ghi danh vào lịch sử thế giới với ngụ ngôn “Công chúa giẫm phải cục phân” mất.

Sau một lúc loay hoay, cuối cùng tôi cũng tìm thấy một giếng nước nhỏ. Phải múc hàng chục gáo nước mới tạm thời tẩy uế được cái chân bốc mùi.

Xem như đây là bài học cho sự bất cẩn và thiếu kiến thức của tôi vậy.

6be28a31-761d-4c36-bafe-bffc990b1196.jpg

***

Sau khi quay lại thư phòng, tôi bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ về tình hình hiện tại.

Tôi cần thêm thông tin về hệ thống vệ sinh của thời đại này, vậy nên đã truyền lệnh cho bác già tìm kiếm các tài liệu tham khảo.

Lần đầu tiên tôi thấy bác già bối rối, mất đi vẻ bình tĩnh vốn có của mình. Có lẽ một Công chúa như tôi đi tìm hiểu về đống chất thải bẩn thỉu là việc vô cùng hiếm thấy. Nhưng rồi bác ấy cũng chiều theo ý, cố gắng tìm tài liệu cho tôi.

Sau khi đọc qua một lượt thì tôi xám cả mặt.

Thế giới này chất lượng vệ sinh còn tồi tệ hơn những gì tôi tưởng tượng.

Những con đường mà tôi đi qua được dọn dẹp thường xuyên bởi công nhân vệ sinh nên vẫn gọi là sạch chán. Còn những nơi khác, rác thải, chất thải, phân được đổ thẳng ra đường cùng với xác ngựa chết. Tình hình như một mớ hỗn độn kinh tởm. Chỉ đọc thôi cũng buồn nôn.

Thân là người của thế kỉ 21, đây là điều mà tôi không thể chấp nhận.

Mặc dù hầu hết thời gian tôi chỉ ngồi trong thư phòng giải quyết công việc hoặc đến thư viện học thêm thông tin nên chẳng mấy khi gặp phải vấn đề mất vệ sinh. Nhưng những thường dân ngoài kia thì không sung sướng như thế.

Nếu không nhanh giải quyết vụ này trước khi mùa hè nóng bức tới, dịch bệnh sẽ bùng phát mất.

Tôi vẫn còn nhớ trong tiểu thuyết, có một giai đoạn vào mùa hè mà nữ chính mắc phải bệnh dịch khiến cô ấy nằm liệt giường tận hai tuần. Nam chính vì thế mà khóc lóc như một đứa trẻ, ngồi cả đêm cạnh giường để cầu nguyện. Em chồng mà chính là [Lynne] đây phải chăm sóc nữ chính để rồi mắc bệnh suýt hẹo theo.

Tất nhiên vì Elly là nữ chính nên cô ấy không thể chết, đây chỉ là phân cảnh được viết ra để làm sâu sắc thêm mối quan hệ của nam nữ chính, thể hiện rằng nam chính yêu nữ chính nhiều đến mức nào. Quả thật là một câu chuyện ngôn tình lãng mạn.

Cơ mà với nhân vật phụ mà nói, dịch bệnh không khác gì một cơn ác mộng.

Nữ chính là Hoàng hậu danh giá, ho một cái là thuốc thang đầy đủ, chăm sóc tận tình. Nhưng thường dân thì khác, hầu hết họ không đủ tiền mua thuốc, vì thuốc mắc như vàng. Nếu bị bệnh thì chỉ có thể dựa vào hệ miễn dịch, hoặc sống hoặc chết.

Nhìn vào vấn đề vệ sinh của thời đại này, không quá khó hiểu khi dịch bệnh lại bùng phát. Bằng mọi giá tôi phải cải tổ lại vấn đề dịch tễ trước khi nó xảy ra.

Nhưng phải làm sao mới được?

Tôi không thể thiết kế một hệ thống nhà vệ sinh với đường thoát nước chuẩn chỉnh được. Tôi có phải kỹ sư đâu.

Vụ công xưởng lần trước là do tôi ăn may, làm công nhân lâu năm ở nhà máy thời hiện đại nên học lỏm được tí thiết kế. Còn những thứ khác thì chịu, quá khó với tôi rồi.

Nhưng mà phàm cái gì khó có học giả lo.

Đến Viện nghiên cứu thôi!

***

Viện nghiên cứu lần này khi nghe tin tôi đến đã bày ra một đống băng rôn chào đón, các học giả xếp thành hàng hai bên khiến tôi cảm tưởng mình là minh tinh sắp sửa bước lên sân khấu vậy.

Viện trưởng đứng trước cửa, háo hức như thể đã chờ rất lâu, niềm nở đón chào.

“Sự viếng thăm của người là vinh dự cho Viện nghiên cứu, thưa Công chúa. Liệu chúng thần có thể giúp được gì cho người chăng?”

Ú òa! Lễ nghi trang trọng hơn cả lần trước nữa.

Có lẽ việc học giả được ghi danh sách sử đã khiến cho Viện nghiên cứu có thêm tiếng thơm, giúp nhiều nhà đầu tư bắt tay vào hỗ trợ.

“Việc này không tiện nói ở chốn công cộng. Hãy chuẩn bị cho ta một nơi kín đáo, tránh mọi ánh nhìn.”

Dù sao cũng liên quan đến đống phân, một Công chúa như tôi có lẽ không nên tùy tiện nói ra mấy điều dơ bẩn đó trước mặt mọi người, không là phá hỏng thanh danh cao quý luôn.

Viện trưởng gật đầu ra hiệu cho một học giả kỳ cựu bên cạnh, sau đó mời tôi đi về phòng họp của ban quản lý. Tôi cũng hạn chế số cảnh vệ, chỉ chừa lại bốn người tinh nhuệ nhất theo sau.

Sau khi đảm bảo rằng không có gì bất trắc, tôi mới bình tĩnh lên tiếng.

“Ngài có bản nghiên cứu nào về hệ thống tiêu hủy hoặc dẫn thải không?”

Khi tôi nói ra những lời đó, Viện trưởng có chút kinh ngạc, nhưng rồi cũng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, đưa ra câu trả lời.

“Vâng, có ạ. Vấn đề vệ sinh vẫn luôn là câu hỏi nhức nhối thường xuyên được gửi tới Viện nghiên cứu. Chúng thần cũng từng đề ra rất nhiều giải pháp, nhưng không có thứ nào trong số chúng có thể áp dụng được vào thực tiễn.”

“Ta có thể hỏi lý do không?”

“Cái đó… Là vấp phải vấn đề kinh phí cũng như sự chấp thuận của người dân.

Chúng tôi đã từng đưa ra các giải pháp bao gồm:

Xây một trung tâm đổ chất thải, người dân sẽ trữ chất thải trong bô rồi định kỳ mang ra đổ. Nhưng nó đã không thể đi vào thực tiễn, vì đa số mọi người không muốn phải đi quá xa, tiêu tốn thời gian. Họ bảo rằng cứ thải thẳng ra đường rồi mặc kệ công nhân vệ sinh đến quét dọn sẽ tiện hơn.”

Máaaa! Dân lười đến mức này!

“Chúng thần cũng từng đề xuất giải pháp làm ống dẫn thải chìm dưới đất. Nhưng không thể thực hiện vì kinh phí để dỡ gạch đào đường hầm vượt quá ngân khố của cả quốc gia. Hơn nữa giải pháp này chỉ khả thi vào mùa mưa khi đủ nước để xả thải, còn vào mùa khô thì vô dụng.”

Hóa ra phương pháp sử dụng ống dẫn lại khó áp dụng thực tiễn như vậy… Tôi đã không nghĩ đến bất tiện này.

“Ngoài ra, về vấn đề chất thải và ô nhiễm từ xác ngựa thì không có cách nào loại bỏ. Ngựa là phương tiện di chuyển phổ biến nhất của chúng ta. Con người không thể đi bộ hàng trăm cây số để qua lại giữa các lãnh địa được.

Tóm lại là cho đến hiện tại không có giải pháp nào khả thi cả. Thần cũng rất lấy làm tiếc.”

Thật sự là không còn cách nào sao?

Chẳng lẽ thế giới này sẽ phải chịu đựng sống chung với phân cho tới tận thế kỷ 19, sau khi ô tô được phát minh và đưa vào sản xuất đại trà sao?

Nhưng tôi thì không đợi được lâu hơn thế đâu! Dịch bệnh sắp dí tới mông rồi.

Nghĩ lại thì thế kỷ 21 đã xử lý vệ sinh bằng cách nào nhỉ?

Có vẻ giống như phương án đầu tiên mà Viện trưởng đã đề xuất, làm một nhà máy xử lý chất thải. Chỉ khác là thay vì người dân phải tự đi đến nhà máy đổ, họ sẽ chỉ cần phải vứt ra thùng rác rồi chờ xe gom. 

Tôi lập tức trình bày ý tưởng đó cho Viện trưởng, khéo léo thay thế mấy cụm từ hiện đại đi.

“Nghe cũng là một phương pháp tốt.”

Viện trưởng đưa ra kết luận sau một lúc suy ngẫm.

“Tuy nhiên vẫn có vài điều bất cập.

Đầu tiên là người dân, đối với họ mà nói, việc xả thẳng chất thải từ trên tầng hai xuống đường sẽ nhanh gọn lẹ hơn là phải mang ra tận thùng tập kết, mặc dù khoảng cách chỉ vài trăm mét.

Thứ hai là những người thu gom chất thải sẽ phải vất vả hơn trước. Thay vì chỉ dùng chổi quét rác vào góc khuất thì bây giờ, họ sẽ phải kéo những bồn chứa phân nặng nề. Thần tin không ai muốn làm điều đó mà không nhận được lợi ích.”

“Vẫn không thể sao?”

Tôi ngập ngừng một lúc.

“Vậy… Nếu Hoàng gia ban bố luật lệ phạt nặng những người đổ chất thải ra đường, bắt buộc họ phải đổ vào thùng tập kết thì sao?”

“Thần chắc chắn họ sẽ phản đối và biểu tình đấy ạ.”

Đầu tôi bỗng lóe lên một ý tưởng.

“Không sao. Ta sẽ thử. Ta đang nghĩ tới một ý tưởng táo bạo.

Còn vụ công nhân quét dọn, ta sẽ soạn công văn tăng lương cho họ.”

“Vâng. Thần tin vào người.”

Viện trưởng cười hiền hậu.

Còn vụ phân ngựa mới là nan giải đây. Tôi không thể cấm luôn ngựa được. Nhưng chừng nào ngựa vẫn là phương tiện di chuyển chính thì chừng đó đường vẫn đầy phân.

Có thể thay thế ngựa sang phương tiện nào khác không nhỉ?

Một loại phương tiện không cần sử dụng nhiên liệu hiện đại, cũng không gây ra rác thải ô nhiễm, một loại phương tiện thân thiện với môi trường.

Tôi cứ thế suy ngẫm về những phương tiện phổ biến ở thế kỷ 21.

Xe căng hải, xe ô tô, xe máy, xe đạp…

A! XE ĐẠP!

Chính nó!

Thứ đó phải tận thế kỷ 18 mới phát minh ra. Nhưng với tình hình hiện tại, có lẽ tôi phải đi trước một bước.

Nhưng tiếc là tôi mù tịt về cách chế tạo xe đạp. Tôi chỉ nhớ mang máng hình dáng và cách nó hoạt động thôi.

“Viện trưởng! Ta cần ngài nghiên cứu về một thứ!”

“Vâng! Xin người hãy chỉ bảo!”

Viện trưởng nhanh chóng trả lời với tâm trạng háo hức.

Sau đó, tôi miêu tả những gì mà mình nhớ về xe đạp, về thiết kế cũng như cách hoạt động, chỉ là tôi không nhớ cơ chế nào có thể khiến nó hoạt động. 

Viện trưởng chăm chú lắng nghe và ghi chép một cách tỉ mỉ. Sau khi nhìn lại bản thiết kế, ông ấy có chút trầm tư lưỡng lự.

“Cái tạo vật hai bánh này thực sự có thể di chuyển sao?”

“Nếu khó cân bằng quá thì ngài có thể làm nó thành ba bánh. Tất nhiên nếu là hai bánh sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như tối ưu tốc độ hơn.”

“Vâng. Thần sẽ lưu ý.”

Tiếp theo, chúng tôi bàn về trung tâm xử lý rác thải.

“Theo ý kiến của thần, chúng ta nên xây một hầm chứa chất thải, ủ ở đó vài tháng và bán lại cho các nông dân như một dạng phân bón.”

Tôi biết là nông dân thường bón cây bằng phân ngựa hay phân bò. Nhưng phân người ư? Hell nô! Kiết lỵ, dịch tả và giun sán sẽ bùng phát cho xem.

“Ta phản đối!

Chúng ta không thể trực tiếp sử dụng chất thải tươi để bón cây được, dịch bệnh sẽ lây lan. Thay vào đó, phải xử lý chúng trước khi muốn sử dụng.”

“Xử lý ư? Bằng cách nào ạ?”

“Ta có ý này…”

Và thế là tôi lại tiếp tục miêu tả về một thứ gọi là biogas, một loại nhiên liệu đốt mang tên metan được tạo thành trong quá trình phân hủy chất thải hữu cơ. Đó là thứ khá phổ biến ở làng quê nghèo nơi tôi sinh ra khi còn ở thời hiện đại. Tôi vẫn nhớ mang máng về nó. Còn việc thiết kế để áp dụng vào thực tiễn trong thời đại này thì cứ để học giả lo, tôi sẽ chỉ đưa ra gợi ý thôi.

Sau khi nghe tôi miêu tả, Viện trưởng tròn mắt ngạc nhiên.

“Thứ này… Cũng có thể đốt sao?”

“Đúng vậy. Ta từng đọc mấy bản báo cáo về việc những chuồng bò yếm khí thường xảy ra cháy nổ, nên đi đến kết luận rằng khí sinh ra từ phân có thể sử dụng làm chất đốt.

Ta gọi đấy là lấy độc trị độc. Chúng ta sử dụng chính khí thải để đốt chất thải, diệt lũ ký sinh trùng trước khi muốn đem chúng làm phân bón.”

“Quả là một phát kiến vĩ đại! Nếu thứ này có thể đi vào thực tiễn thì người xứng đáng được ghi vào đầu trang sách sử.”

“Ấy chết! Đừng ghi tên ta vào đó! Ta chỉ đưa ra ý tưởng thôi, còn thiết kế thuộc về công các học giả, không phải ta.

Hãy giữ bí mật về vụ này. Đây là mệnh lệnh.”

Tôi vội vã phân bua. Một phần vì đây vốn chẳng phải những thứ do tôi phát minh, tôi chỉ học nó từ thế giới hiện đại thôi. Một phần nữa vì nếu những thứ hiện đại này xuất hiện trước mặt nữ chính, một người cũng đến từ thế giới hiện đại, thì chị ấy sẽ nghi ngờ về người đứng đằng sau nó. Tạm thời tôi vẫn chưa thể để lộ bí mật của bản thân ngay được.

Viện trưởng có chút không cam tâm, nhưng vẫn đành miễn cưỡng chấp thuận.

Vậy là cuộc trao đổi kết thúc, tôi nhanh chóng trở về cung điện để bắt tay vào kế hoạch cải tổ vấn đề vệ sinh.

Bình luận (7)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

7 Bình luận

om nhom nhom, nanu9 nguyên tác ch này không báo, vậy hẳn là ch sau báo:D
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Chương mùa hè thì đến cuối truyện mới báo nặng. Còn đầu chương báo hơi nhẹ á.
Xem thêm
@Aculchan: uii báo nặng cơ á, tui hóng ó
Xem thêm
Hay nhể đem cả vụ xưa xả rác phóng uế tùy tiện với phân ngựa vào luôn chắc sắp tới có cả vụ đi tiểu trong cùng điện nhà vệ sinh,mấy đài phun nước vô dụng với cả chiến tranh nhể 😅
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Mỗi mùa giải quyết một tí, từ kinh tế dịch tễ chính trị quân đội nên chắc chắn sẽ có chiến tranh. Nhưng mấy thứ kia thì không có đâu, nhiều quá không viết hết được xD
Xem thêm
@Aculchan: làm quả chiến tranh vì có thằng ất ơ nào đấy ko biết chửi nữ hoàng :)))))
Xem thêm