• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Giỏ bánh mì buổi sáng

1.

0 Bình luận - Độ dài: 2,774 từ - Cập nhật:

Bánh Mì, con gái tôi, hay xông vào phòng không một lời báo trước. Con bé lao đến chỗ tôi, quấn quýt như một chú mèo nhỏ và bắt đầu hỏi đủ thứ chuyện.

“Cha đang làm gì á?” Con bé hỏi.

“Cha đang viết,” tôi trả lời, đó cũng là công việc chính của tôi hiện tại.

Con bé tiếp tục hỏi, tôi vừa viết vừa trả lời. Sau nhiều năm, tôi đã quen với sự có mặt của con bé trong cuộc sống đơn độc của mình. Tuy nhiên, tôi không giỏi giải thích chuyện cho trẻ con lắm nên đôi khi câu chuyện vượt ra khỏi tầm hiểu biết của con bé. Thế là tôi vừa phải trả lời thắc mắc ban đầu của con bé vừa phải giải thích những từ vựng mới mà con bé chưa nghe bao giờ. Để rồi tôi lại sử dụng những từ mới hơn mà con bé chưa nghe bao giờ. Cách duy nhất để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này kà bảo con bé xuống nhà để tôi tiếp tục làm việc.

Thời gian cứ thế trôi qua. Con bé đi học và thói quen đó cũng dần biến mất. Một chiều thứ bảy nọ, sau khi hoàn thành bản thảo chương đầu của cuốn tiểu thuyết mới, tôi đi bộ ra siêu thị để mua thực phẩm chuẩn bị cho bữa tôi. Băng qua công viên gần nhà, tôi thấy con bé và đám bạn đang vây quanh một người phụ nữ bên trong vọng lâu. Tôi đứng đó quan sát một lúc. Vì ở khá xa nên không rõ bọn trẻ đang làm gì. Bỗng một thằng nhóc trong đám nhận ra sự có mặt của tôi. Nó cất tiếng chào tôi. Việc đó đánh động tất cả đám trẻ có mặt ở đó. Bọn chúng là bạn con bé đều quen mặt tôi cả nên tôi vẫy tay chào rồi tiếp tục đi bộ ra siêu thị.

Lúc quay về, tôi để ý người phụ nữ kia đã không còn ở đó nữa. Tôi vốn có trí tưởng tượng phong phú và hay suy diễn vu vơ. Nỗi lo lắng về sự ăn toàn của con bé mơ hồ xuất hiện. Nhưng không đủ nhiều đề phản ứng một cách thái quá. Tôi chỉ nhắc con bé về sớm để ăn tối.

Tối đó lúc sau bữa tối, tôi gợi chuyện tra hỏi con bé về người phụ nữ. Đúng như dự đoán, con bé cũng không biết người phụ nữ là ai. Chỉ biết cô ta thường ngồi ở công viên đó mỗi cuối tuần với giấy vẽ và đống màu.

“Con chỉ biết vậy,” con bé nói. “ Cổ vẽ. Tụi con chơi. Mà hôm nay bỗng cổ bắt chuyện với tụi con, hỏi có ai muốn cổ vẽ cho một bức không. Cổ bảo không lấy tiền.”

“Rồi con bảo sao?”

“Tất nhiên là muốn rồi ạ. Miễn phí là một chuyện, hơn hết là cổ vẽ rất đẹp. Con được vẽ đầu tiên. Tuần sau đến lượt thằng An.”

“Thế rồi bức họa đâu?”

“Cổ chưa vẽ xong. Cổ bảo tuần sau cổ sẽ đưa khi vẽ xong.”

Đúng một tuần sau thì con bé nhận được bức họa từ người phụ nữ. Là một tấm vải canvas vẽ bằng màu acrylic. Tuy không phải dân trong nghề nhưng tôi có thể khẳng định luôn cô ta là dân vẽ chuyên nghiệp. Bức tranh vẽ giống y như chụp. Và dĩ nhiên con bé thích lắm, nhất quyết bảo tôi đóng khung treo trong phòng cho con bé.

Vài tuần sau đó, vào một buổi tối muộn trời rả rích. Tôi vẫn ngồi ở bàn viết như mọi khi. Con bé gõ cửa và rồi bước vào phòng tôi.

“Sao thế?” tôi nói. “Chưa ngủ à?”

“Cha ơi, con hỏi cái này.” Con bé nói.

“Ừ”, tôi đáp, tay vẫn viết. Sau nhiều năm tôi đã học được cách làm quen với sự có mặt của con bé trong cuộc sống của mình.

“Mẹ con đâu hả cha? Mẹ con chưa chết có phải không?”

“Ai nói với con thế?” tôi đặt bút xuống không viết nữa mà xoay ghế về phía con bé. Lúc này nó ngồi ở góc giường.

“Con nghĩ vấn đề không phải ai nói,” con bé đáp. “Tại sao cha lại nói dối con?”

“Cha có nói dối con khi nào?”

“Mẹ chưa chết.”

“Ừ thì mẹ con chưa chết. Cha có nói mẹ con đã chết bao giờ?”

Và rồi tôi bỗng nhớ ra.

“À, có lẽ con đã hiểu lầm những gì cha nói,” tôi nói.

Con bé đã nhận ra sự thiếu vắng bóng dáng người phụ nữ trong ngôi nhà này từ hồi sáu tuổi. Khi con bé hỏi tôi chuyện về mẹ, tôi đã nói: Mẹ con đang ở một nơi xa. Thường đó là một câu nói ẩn dụ cho cái chết người ta thường nói trên phim. Nhưng ý của tôi chính xác là nghĩa đen của câu nói. Trên thực tế thì tôi không biết. Người sinh ra con bé gần như nằm ngoài nhận thức của cả hai chúng tôi.

“Thôi được rồi,” tôi nói. “Dù sao thì con cũng phải biết sự thật. Con muốn nghe chứ?

“Vâng, cha hãy cho con biết sự thật.”

Hiển nhiên rồi, chẳng có ai đứng trước cánh cửa sự thật mà lại từ chối bước vào. Dù vậy tôi vẫn lưỡng lự một chút, vì không biết nên bắt đầu từ đâu.

Sau một hồi suy nghĩ, tôi lấy từ trong đáy ngăn kéo ra một cuốn sổ tay. Kẹp giữa những trang giấy là một mẩu giấy gấp làm tư nhàu nhĩ và ám vàng. Tôi lấy bức thư và đưa cho con bé.

“Đây là cái gì ạ?” con bé hỏi.

“Thư của mẹ con,” tôi nói. “Chuyện là,... Khi ấy cha mới vừa tròn hai mươi hai tuổi. Trở về nhà sau bữa tiệc thâu đêm ở nhà bạn, lúc đi ngang qua công viên ở đầu ngõ, chỗ mà con hay chơi ấy, thì cha thấy một chiếc giỏ bánh mì đan bằng mây, có lót khăn. Nếu là ngày thường cha chẳng bận tâm làm gì. Nhưng khi đó cha vẫn còn hơi say, tò mò thế nào đó, cha bước đến xem. Thay vì bánh mì hay một chiếc giỏ trống không thì cha thấy một đứa trẻ cuốn quanh người một lớp vải trắng, có vẻ đứa trẻ đang ngủ. Trời lạnh, mưa lâm râm tạt vào giỏ. Có vẻ đứa trẻ đã được đặt ở đó khá lâu nên mặt cái giỏ hơi ướt. Đứa bé nằm im nhắm mắt như đang ngủ. Cha đưa tay chạm lên mặt đứa bé thì thấy lạnh ngắt. Thế cũng hơi sợ thật nhưng không hiểu sao cha vẫn sờ xuống cổ thì thấy vẫn con mạch nhưng khá yếu.

Không nghĩ ngợi gì nhiều, cha bé đứa bé lên, sau sạch nước trên mặt, cởi áo mình ra bọc cho đứa trẻ.

Lúc đó cha chỉ mặc hai áo, một áo thun và một áo jacket mỏng nên cũng không biết ấm hơn bao nhiêu. Không liên quan lắm nhưng cả đêm trước không tắm nên hẳn cũng có chút mùi.

Sau đó thì cha ôm giỏ chạy ngay đến bệnh viện. Giờ nghĩ lại còn thấy buồn cười. Con cứ nghĩ mà xem. Bỗng nhiên buổi sáng có thằng cha nào đó cởi trần chạy lông nhông dưới mưa thì mấy ai nghĩ rằng người đó vừa nhặt được một đứa trẻ và cần phải đến bệnh viện gấp.

Người ta tưởng cha bị tâm thần hay gì đó và bắt cóc con nít các thứ. Xui cái là lúc đó cha vẫn con nồng nặc mùi rượu. Kết quả là bị tạm giữ hai ngay để điều tra, và tìm lại cha mẹ cho đứa bé. Vì chuyện đó, cha mẹ, cô dì chú bác của cha kéo nhau từ quê lên thành phố, làm một phen náo loạn cả dòng họ. Sau cùng người ta tìm thấy bức thư trong giỏ bánh mì chứng minh mọi chuyện cha nói đều là sự thật.

Dù sao thì mọi chuyện cũng được giải quyết ổn thỏa. Đứa bé hạ bị hạ thân nhiệt nhưng may mắn không nguy hiểm đến tính mạng.

Người ta không tìm ra bố mẹ của đứa trẻ nên cha đã nhận nuôi đứa trẻ. Kể ra thì đó cũng là một cái duyên lớn như thể đứa trẻ tìm đến cha vậy. Mà nói là nhận nuôi trên giấy tờ thôi chứ người chăm sóc đứa trẻ ba năm đầu là cha mẹ của cha. Cơ bản thì lúc đó đó cha không khác là một đứa trẻ sống lâu năm. Giờ có lẽ vẫn vậy nhưng có thêm chút kinh nghiệm chăm trẻ, có lẽ vậy...”

Một tia chớp lóe lên bên ngoài cửa sổ, sau đó là tiếng sấm vọng đến.

Những giọt lệ lăn dài trên má con bé. Tôi không nghĩ là vì tiếng sấm mà là vì câu chuyện của tôi. Tôi không muốn thấy cảnh này một chút nào. Giá như chuyện tôi vừa kể không phải là sự thật thì hay biết mấy và rồi tôi sẽ nói với con bé rằng tôi chỉ đùa. Phải rồi. Đó chỉ là tình tiết trong bộ tiểu thuyết mới mà cha đang viết. Nhưng chiếc giỏ mây trong phòng con bé không còn là ngẫu nhiên.

Tôi bước đến ôm con bé vào lòng và rồi con bé òa khóc nức nở. Tôi cứ vỗ nhẹ lên lưng và an ủi con bé. Nhưng trời mỗi lúc mưa một dày hơn, trong một thoáng tôi đã không còn nghe thấy được giọng nói của mình nữa. Mà dù sao tôi cũng không cần. Có lẽ lúc này không có ngôn từ nào có ích trong lúc này cả.

 Thứ ba tuần kế tiếp là một ngày trời mưa rả rích. Tôi đi bộ ra siêu thị mua thực phẩm như mọi khi. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy một người phụ nữ đang cặm cụi vẽ vời gì đó. Mặc dù lần đầu tôi không nhìn thấy rõ mặt mũi cô ta thế nào nhưng khá chắc đó chính là người vẽ bức tranh cho con bé. Tôi bước đến chỗ người phụ nữ đang ngồi. Tôi nghĩ dù sao cũng cần cảm ơn cô ta và đáp lễ bằng cách nào đó.

Người phụ nữ ngẩng mặt lên khi tôi bước đến. Trong thoáng chốc, tôi cảm thấy gương mặt cô ta có chút thân quen. Tôi không chắc mình có đang tưởng tượng hay là vì gương mặt cô ta có nét đại trà thường thấy ở những người phụ nữ.

“Xin lỗi đã làm phiền cô,” tôi nói. “Cô có phải là người vẽ bức chân dung cho con gái tôi hôm trước? Con bé tóc ngắn hay chơi với đám bạn ở công viên này ấy.”

“A,” người phụ nữ reo lên, và mỉm cười. “ Anh là ba của bé Trúc ạ?”

Trúc là tên thật của con bé.

“Vâng...” tôi đáp. “Cảm ơn cô nhiều lắm. Con bé thích bức tranh và...”

Tôi dừng lại ở đó. Cuối cùng tôi đã nhận ra vẻ thân thuộc ở người phụ nữ trước mặt tôi là thế nào.

“Cô là mẹ của bé Trúc phải không?” tôi nói với vẻ mặt nghiêm nghị. “Cô tiếp cận con bé với mục đích gì?”

Nụ cười của người phụ nữ biến mất ngay khi nghe tôi nói thế.

“Anh nói gì thế?” cô ta nói. “Tôi sao có thể là mẹ của con bé chứ?”

“Đừng vờ vịt nữa. Cô biết chuyện này là thế nào mà. Cô không thấy cô rất giống con bé sao. Nhất là khi cười ấy.”

“Trông tôi giống lắm à?” Cô ta nói rồi làm điệu bộ cười thật tươi. “Thế này sao?”

“Hi vọng cô đừng lảng vảng quanh đây nữa,” tôi nói, không quan tâm đến trò hề của cô ta. “Lần sau tôi còn thấy cô ở đây, tôi báo cảnh sát thì đừng có..”

“Anh nhầm rồi,” cô ta nói chen vào. “Đúng là tôi biết chuyện nhưng quả thực tôi không phải mẹ của bé Trúc. Tôi là chị gái của mẹ bé Trúc.”

“Ai tôi cũng mặc kệ. Tôi không rảnh chơi trò nhận người thân cho con bé. Bức quá tôi và con bé sẽ chuyển đến một nơi khác mà các người không bao giờ tìm được. Nên đừng ép người quá đáng.”

Nói xong tôi quay mặt bước đi.

“Này, anh nghe tôi nói đã,” cô ta nói. “Việc này rất quan trọng.”

Tôi mặc kệ không thèm nghe, tiếp tục bước đi. Bỗng tôi nghe thấy tiếng “bộp” sau lưng, quay lại thì thấy người phụ nữ ngã sõng soài trên bãi cỏ. Có vẻ cô ta bị trượt chân hay gì đó khi chạy tắt qua bãi cỏ. Trời mưa mấy ngày nay khiến bãi cỏ ngậm nước, không cẩn thận là rất dễ té ngã.

“Cô không sao chứ?” tôi nói và quay trở lại giúp cô ta đứng dậy.

“Tôi không sao,” cô ta nói, dù thế giọng cô ta nghe thều thào như sắp khóc. “Xin anh hãy nghe tôi nói.”

“Rồi, rồi tôi sẽ nghe,” tôi nói, đỡ cô ta đừng dậy rồi dìu cô ta ngồi trên những bậc thang. Chân trái cô ta hơi cà nhắc, quần ướt sũng, dính bùn đất, cỏ bám đầy mặt. Cô ta hơi run lên vì lạnh, trông không thể thảm hại hơn. “Nhưng trước tiên phải xử lí vấn đề này đã. Nhà cô gần đây không? Tôi đưa cô về nhé?”

Cô ta lắc đầu.

“Nhà tôi ở quận kế bên. Tôi đến đây bằng xe buýt.”

“Vậy sao? Hay cô qua nhà tôi nhé? Nhà tôi gần đây thôi.”

Lưỡng lự một chút cô ta gật đầu đồng ý.

“Chờ tôi một chút,” cô ta nói rồi đứng dậy, bước lên vọng lâu và thu gom những tập vở, màu, bút vẽ các thứ bỏ vào túi xách. Rồi cô ta quay trở lại, bước chân tập tễnh.

“Chân cô ổn chứ?”

“Hơi đau một chút, mà tôi sẽ đi khám sau.”

“Thôi được rồi,” tôi ngồi xụp xuống, quay lưng về phía cô ta. “Leo lên đi.”

“Nhưng...thế tôi sẽ làm bẩn người anh mất,” người phụ nữ nói.

“Không sao. Bẩn thì giặt là xong nhưng chân cẳng thế kia chắc chắn không nên đi lại nhiều,” tôi nói, vốn để cô ta không phải ngại ngần những việc vớ vẩn như thế. Tôi kiên nhẫn giữ nguyên tư thế chờ đợi một lúc thì xuôi theo và chịu cho tôi cõng.

Về đến nhà, tôi lên phòng lấy áo sơ mi, áo khoác và quần jean để thay rồi bảo cô ta vào phòng tắm của con gái tôi ở tầng trệt.

“Tôi nghĩ đồ của con gái tôi sẽ thích hợp hơn,” tôi nói. “Nhưng con bé đang học ở trường đến tối mới về. Tôi không thể tự tiện lấy đồ của con bé được.”

“Không sao,” cô nói và mỉm cười.

“Kia là máy giặt và bàn ủi. Cô tự phục vụ nhé.”

“Vâng, cảm ơn anh,” cô nói rồi bước vào trong nhà tắm. Tôi cũng lên tầng hai rồi chui vào phòng tắm của mình, thay qua bộ quần áo khác rồi ném mớ quần áo bẩn vào máy giặt.

Tôi xuống bếp đun nước sôi để pha cà phê.

Chừng ba mươi phút cô ta bước ra với bộ đồ của tôi.

“Uống cà phê nhé?” tôi nói. “Mà thực ra tôi chỉ có mỗi cà phê thôi.”

“Vâng, làm phiền anh,” cô ta nói.

Tôi đổ hai gói cà phê vào hai cốc, rồi đổ nước nóng vào. Mùi hương cà phê lan tỏa mạnh mẽ trong không khí. Tôi bê hai cốc cà phê lên phòng khách, đặt một li trước mặt cô, một trước mặt tôi.

“Cảm ơn anh,” cô ta nói khi nhận lấy cốc cà phê. Cô nâng cốc cà phê lên mà nhấp một ngụm.

Tôi cũng nhấp một ngụm. Thực ra tôi hiếm khi đụng đến cà phê, nhưng trong tình huống này tôi mà chỉ ngồi đơ như tượng thì hơi kì. Bên ngoài trời vẫn mưa, có vẻ mỗi lúc một nặng hạt hơn.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận