Điếu thuốc hút dở...
The 2nd Metaphor
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

One Shot

Điếu thuốc hút dở...

1 Bình luận - Độ dài: 1,458 từ - Cập nhật:

[Nhân ngày thế giới không thuốc lá 31/5]

Phù...

Lại tiếng thở dài, lần thứ hai rồi, đầy vẻ tiêu cực hòa lẫn làn khói xám xịt, trông lão như sắp chết đến nơi. Tôi liếc nhìn, không dám bắt chuyện như mọi lần, chắc do nhìn ông ta khang khác mọi ngày, một làn khói bay khẽ cùng với tiếng thở dài ấy...

Quái lạ, quen biết nhau mấy năm trời, đã bao giờ thấy ông ta hút một điếu nào đâu? Tôi còn nghĩ, lão già này là một tên chẳng biết buồn là gì, luôn mồm nói những chuyện phiếm mà một thằng sinh viên như tôi chẳng thể nào ngấm nổi, nào là chính trị, rồi gái gú, không thì gã lại hoài niệm về ngày trẻ, khoe mẽ một cách liến thoắng về những ngày tháng anh dũng, hay bồi hồi về những giây nhìn những người bạn ông nằm xuống vì bọn đế quốc chết dẫm. Đấy, không phải là chuyện cười thì là chuyện để chửi thôi.

Nhưng hôm nay là một tiếng thở dài...

Lũ chim cũng chẳng còn ồn ào như mọi lần, như để hoà vào dòng cảm xúc của lão, tiếng xào xạc của gió cũng không. Hôm nay là một ngày như bao ngày khác, vẫn là tôi và gã, mỗi người một ghế, ngước nhìn lên nhà thờ Đức Bà. "Cái nhà thờ này mấy năm nay sao không sửa cho xong nhỉ?" - tôi tự hỏi. Cạnh bên vẫn là một ly cà phê, lão là đen đá, tôi là sữa đá, có lẽ vì tôi vẫn chưa đủ lớn để nếm giọt đắng đen ngòm kia chăng. Nhưng hôm nay, có hai điều khác lạ.

Đó là khói thuốc và thứ âm thanh tĩnh lặng này.

Như để đập tan dòng miêu tả đang chảy trong đầu tôi, lão bắt chuyện, phá tan bầu không khí:

- Mới đó mà tao gần bảy mươi rồi.

- Ông mà cũng biết đếm ngày kiểu này sao? - tôi hỏi, với một giọng cười nhạt.

- Tuổi già, ai mà chẳng sợ chết chứ...

Não nề làm sao, khi con người ta biết rằng mình cũng sắp đến cái ngày ấy, lão lại không gia đình, không người thân thích, quá khứ là như thế nhưng lúc này đây, lão cũng chỉ là một tên vô công rỗi nghề, bán vài ba món bánh kẹo mà bọn nhóc con rất thích. Tôi biết ông ấy từ hồi học cấp hai, lúc nào chiếc xe của ông cũng đầy rẫy những thứ linh tinh cho trẻ con, mới đó đã gần 10 năm nhìn thấy lão, tôi khẽ nhìn lão ấy lần nữa, quả là thời gian làm thay đổi con người, theo những góc cạnh chẳng ai nhận ra...

Chẳng cần lê thê, tôi lao vào hỏi thẳng vấn đề:

- Sợ chết mà ông dám hút thuốc cơ à, cháu biết ông cũng lâu, đây là lần đầu tiên đấy, riêng cháu là không dám hút gì đâu, sợ lắm.

Lão đáp lại, giọng trầm xuống một cách từng trải:

- Mày không hút thì làm sao mà biết được, chỉ có những lúc buồn bã hay suy tư con người ta mới đưa cái que ấy vào mồm, nhả khói như muốn che đi sự thật đang phải đương đầu ấy, dù cho họ biết, khói chẳng tồn tại được lâu...

- Mọi lần ông có hút đâu, sao bữa nay lại trầm ngâm thế, cái ông lão hay nói quá trời về con nhỏ người mẫu trên báo của cháu đâu mất tiêu rồi?

- Tao chỉ mới có ba lần hút thuốc, lần thứ nhất là khi mẹ tao mất, ông anh tao dúi cho tao một điếu, bảo rằng chỉ khi đau khổ mới hút thôi cho quên sầu, lúc đó tao quyết tâm trả thù mấy con chó đã giết mẹ tao lúc đó. Lần thứ hai là khi thằng bạn chí cốt của tao trên chiến trường mất, cùng tiểu đội với nó cả quãng đời đi lính, vậy mà nó dám đi trước, bỏ tao với vợ con nó. Giờ là lần thứ ba, khi tao biết, tao không còn ngồi đây được lâu nữa, tới lượt tao rồi...

Tôi, một thằng nhóc năm nay chỉ mới 21, nghe tiếng ông lão đã gần 70, chỉ biết im lặng cúi đầu, hớp một miếng cà phê của mình, tôi không thể nào đáp lại ông ấy.

Bầu không khí sầu não bao trùm...

Tôi nhớ đến cha, cha tôi là một người nghiện thuốc nặng, trái ngược hẳn với lão, chẳng lẽ cha lại nhiều nỗi buồn đến thế ư? Không, chỉ đơn giản là cha tôi, ông ấy thích hút thuốc cho thoải mái. Có lần tôi đọc báo mới biết, thuốc lá cũng có tác dụng cho người hút đỡ stress, đúng là thuốc chữa suy tư của quý ông, cha tôi có lẽ vì nhiều thứ bao vây mà ông ấy lại mê mẩn thứ khói với mùi đặc trưng ấy nhỉ.

- Nhưng rốt cuộc là ông bị thế nào, sao không nói cháu biết, hút thuốc có hại lắm đấy ông.

- Nè nhóc, mày còn nhỏ, biết mẹ gì mà giở giọng với tao? Trước khi tao chết, tao sẽ về quê, về đấy chết kiểu gì cũng có người lo, tao lang thang trong cái Sài Gòn này quá lâu rồi.

- Nhưng mà ông có bị sao đâu mà chết...

Tôi nào nói được thêm lời nào nữa, có lẽ lão cũng đã có kế hoạch cho những dòng cuối, của cuốn sách mang tên của ông... tôi ngập ngừng rồi im lặng, bầu trời, tán cây, lũ bồ câu cũng im lặng, chỉ còn tiếng xe cộ, nhẹ nhàng lướt...

"Cháu chào ông nhé, mai lại gặp ạ, cháu phải đến trường, trễ rồi."

Rồi ông ấy chẳng thèm đáp, rít thật mạnh hơi thuốc cuối cùng trên tay rồi vứt phăng tàn thuốc, cứ như muốn ném mạnh đi những nỗi đau của chính mình.

Tôi đâu biết, lời chào ấy lại là lời cuối cùng của tôi, với ông lão bán bánh dị hợm kia...

Vài ngày sau, cô hàng nước nói tôi rằng:

- Ông già bán kẹo hả? Kiếm ổng thì không được nữa đâu, hôm đó ổng đi là ổng nói ổng sẽ về quê, ổng mua vé xe rồi, con vừa đi tí xíu là ổng cũng đi á.

Tôi cũng gật đầu.

- À, con hay nói chuyện với ông già đó mà con không biết hả? - bỗng cô ấy nói tiếp, dù tôi đã toan rời đi.

- Có chuyện gì hả cô? - tôi đáp.

- Ổng bị ung thư, suốt ngày chỉ có khói bụi đường phố, về nhà thì cũng chẳng ai lo lắng cho, ngày bệnh ngày đau cũng đến thôi.

Tôi chết lặng, nhưng vẫn không tỏ ra, tôi chưa lớn, nhưng tôi đủ trưởng thành để cư xử và hiểu rằng ý ông nói với tôi ngày trước là gì. Bỗng tôi nhớ lại lời ông:

"Này, mày ráng học nha nhóc, tao đứng ở cái góc nhà thờ này đó giờ, nói chuyện với mày, xàm xàm với mày, thấy mày cũng sáng sủa. Ráng mà thành tài, kiếm cho mày con nhỏ nào đó chăm lo, chứ đừng như tao..."

"Ai mà dám lo cho thằng thương binh như tao... không có chân, tao còn chẳng thể tự đi được..."

Cứ thế, chúng tôi, cuộc trò chuyện dang dở, dư âm tàn thuốc chưa cháy hết, lốm đốm đỏ, như thể muốn cháy lên, nhưng lại lặng đi...

Có lẽ, tôi vẫn chưa trưởng thành hay chuẩn bị cho cái chết của chính bản thân, còn với lão ấy, ông ta đã trải qua quá nhiều, để trước khi ra đi có thể bình thản hút một điếu thuốc như vậy. Điếu thuốc tàn như cách cánh cổng đau khổ đời này khép lại, với những người đàn ông, hay với chính ông ấy.

Ôi chiến tranh, những trận bom đạn vô nghĩa dường như đã lấy đi cả cuộc sống của ông.

Tôi châm một điếu thuốc vừa mua của chính cô hàng nước, nhẹ nhàng đặt xuống bàn.

Tự nhủ rằng mình không hút thuốc, để không ngậm vào đó nỗi đau của chính mình, ông cứ hút đi, cháu sẽ mua cho ông mỗi ngày một điếu, cảm ơn ông đã cho cháu một bài học trưởng thành.

Ít khi tôi khóc, nhưng hôm nay vị cà phê sao cứ nhạt dần.

An nghỉ nhé, ông ơi.

[3/6/2023]

Bình luận (1)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

1 Bình luận

Tự nhiên đọc nhiều mấy cái truyện này kia xong qua đọc cái này, lòng nặng nề ghê 😭
Xem thêm