Tôi
Sad Wind
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn tập

Toàn Tập

0 Bình luận - Độ dài: 4,696 từ - Cập nhật:

Ngổn ngang suy tư, trăm mối vấn vương.

Bầu trời rít lên từng cơn gió lạnh, những cơn gió mà cuối thu thời tiết thường thấy, chúng làm các tán cây va vào nhau vang tiếng cả một không gian tựa ai đó đang thầm thì bên tai.

Tôi và Lan đi bộ về nhà. Bọn tôi đi chậm, không vội vàng, tách biệt hẳn với dòng người đang hối hả. Phần vì cảnh tượng quá đẹp đẽ để phớt lờ, phần vì trời hãy còn chưa muốn mưa, cứ ứ đọng mãi thôi, kéo theo cả những đám mây xám tựa bộ lông chồn trôi lững lờ. Ông trời ơi, đừng mưa nhé!

Cứ thế dạo bước qua khung cảnh ảm đạm, tôi đi trước, Lan theo sau, thời gian giữa chúng tôi phảng phất trôi ngược lại vào mấy năm trước.

Lúc ấy Lan mới lên mười, cô bạn nom kháu khỉnh và hoạt bát vô cùng. Gặp tôi, một đứa bé tự nhận là trầm tính, ít nói, Lan như cá gặp nước. Ngày nào cũng thế, luôn líu lo bên tôi không ngừng, kể vô số chuyện trên trời dưới đất. Chẳng hiểu sao, giờ lại…

Chốc chốc, tôi lại lén liếc mắt nhìn nó. Tôi thấy thương nó quá. Chỉ lát nữa thôi là Lan phải về ngôi nhà ấy, ngôi nhà đầy đáng sợ trong mắt đứa trẻ mới tuổi cấp hai, chưa tận tai nghe nó nói, nhưng là bạn thân của cái Lan, tôi vẫn có thể hiểu được.

Trẻ con nào có tội tình chi! Sao người lớn lại nỡ gieo vào đầu con trẻ ngọn lửa nơi đáy lòng của mình? Cơn ác mộng mỗi tối của đứa bé ấy vẫn chưa đủ sao? Và trên hết, nhà là chỗ những cánh chim mỏi mệt tìm về để được chở che kia mà, duyên cớ gì giờ lại trở thành chỗ ban phát nỗi đau và xé toang những vết thương chưa khép vảy thế này? Vết bầm trên mắt Lan không phải tự nhiên xuất hiện. Bị té à! Có Chúa mới tin!

Dù tội nó, nhưng tôi cũng chẳng thể làm gì khác. Gia môn bất hạnh, mỗi nhà mỗi cảnh. Thế nên, tôi chỉ có thể dõi theo bóng đứa bạn thân của mình lặng lẽ bước vào “nhà”. Trước khi vào, hình như nó ngoảnh mặt nhìn tôi một cái, chỉ một cái nhìn thôi mà cảm tưởng như tim tôi thắt lại. Vậy là cái Lan “về” rồi, tiếp theo là tới tôi.

***

Trong căn nhà to lớn, mọi thứ thật hỗn loạn. Tiếng cãi vã, trách móc vang lên om trời, xen lẫn vào đó là tiếng rơi vỡ đinh tai của đồ đạc. Hai người họ lại cãi nhau nữa.

Kể cũng lạ. Đôi khi, chỉ vì những lí do hết sức nhỏ nhặt, mà đôi vợ chồng bên dưới sẵn sàng lao vào đấu khẩu với nhau gay gắt. Rồi sau đó, kẻ cuối cùng hứng chịu cơn phẫn nộ của cả hai luôn là tôi – “kết tinh tình yêu” nơi họ. Không biết lần này sẽ dài bao lâu đây? Hi vọng sẽ nhanh. Hi vọng thế.

Tôi nào có tư cách gì giận họ. Nhiều lần tôi tự hỏi, bố mẹ cho con cái cuộc sống, nuôi chúng ăn học, trong khi họ lại đày đọa thân xác đứa trẻ dưới địa ngục. Vậy thì rốt cuộc là ai nợ ai? Thương thay, tôi nào biết câu trả lời.

Không thể làm gì khác, tôi đành cố gắng an ủi bản thân để tốt hơn, đáng tiếc lại không có tác dụng bao nhiêu. Tim tôi lúc này đập nhanh quá… Trước mắt tôi, mọi thứ đang mờ dần. Hình như là nước mắt? Hoặc có lẽ là nỗi sợ chăng?

Bóng tối bao phủ xung quanh, ngoài kia là cơn mưa như trút nước, nước mưa theo gió va vào cửa tạo thành từng dòng, từng dòng thác, xuôi theo cửa kính chảy xuống tường nhà.

Rúc mình vào trong chăn, chợt tôi nghĩ đến cái Lan. Cả tôi và nó đều là những đứa trẻ bình thường, hằng ngày đều đến trường giống bao đứa trẻ khác, cũng cười đùa, cũng vui chơi, và có gia đình… Nhưng gia đình này lạ lắm!

Gia đình của tôi, là nơi người lớn dọa giết nhau, là nơi con trẻ luôn khóa cửa phòng, núp trong chăn. Ở đó, vết thương chẳng khác lời khen, nỗi đau, cũng như cái hôn dịu dàng.

Còn cái Lan? Có lẽ hoàn cảnh của nó còn tệ hơn tôi nữa, dù thế, nụ cười chưa bao giờ mất trên môi nó.

Tôi bắt đầu phát hiện mọi chuyện vào tháng mười hai năm ngoái. Do là bạn thân, nên chúng tôi thường xuyên ra về cùng nhau. Chiều một hôm, trên đường về nhà, Lan bật khóc.

Lần đầu tiên tôi trông thấy nó khóc. Càng về gần nhà… nó càng khóc nhiều hơn. Hóa ra nó cũng giống tôi. Những giọt nước mắt như những viên pha lê trong suốt và lấp lánh dưới ánh hoàng hôn u ám, trượt trên gò má của cô bé mới tuổi cấp hai.

Dẫu biết đó chỉ là nước thôi, nhưng không hiểu sao lại trĩu nặng trong lòng tôi thế này. Có cảm giác… hàng ngàn con dao đang khoét sâu vào tâm hồn tôi. Mặt Lan đỏ au, giọng Lan đứt quãng, nấc lên từng tiếng.

Từ dạo đó, ngày nào ra cổng trường về nhà, nỗi buồn luôn hiện hữu trên mặt và trong lòng nó. Nếu không buồn xo, thì cũng mếu, hoặc im lặng.

Mặc tôi cố hỏi, câu trả lời từ con bạn thân luôn là những cái lắc đầu, đánh trống lảng. Hẳn là gia đình cái Lan phải xảy ra chuyện gì tồi tệ lắm, Lan mới sợ phải về nhà đến thế.

Cho đến ngày hôm nay, tình cờ tôi phát hiện trên tay nó có vết bầm. Tôi nào biết vết bầm xuất hiện bao giờ, điều tôi biết là dù tôi có cố gặng hỏi về nó đi nữa cũng chỉ vô ích. Dường như mọi chuyện đang dần xấu đi với cái Lan và với cả tôi.

Và rồi… một cái gì đó trong tôi đã nảy sinh. Tôi thương tôi một thì thương cái Lan mười. Tim tôi và cô bé ấy đập cùng nhịp với nhau, tôi và nó cùng hít thở một bầu không khí như nhau, nhưng trên hết là hoàn cảnh của cả hai.

Chẳng biết có phải tình yêu không nhỉ? Không rõ nữa, cứ thấy nó buồn, tôi lại càng thương, thấy nó khóc, tôi muốn tiến tới an ủi, vỗ về. Tôi muốn làm một con chim đậu bên nó, rỉ vết thương cho cái Lan, để vết thương mau khép vảy và cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến bên cô gái nhỏ bé lại kiên cường này.

Một phần trong tôi cũng mong, điều tương tự sẽ đến với bản thân, dù chỉ là trong thâm tâm, tựa những vòng tròn nước nhỏ bé trên mặt hồ tĩnh lặng, gợn rồi lại tan, đáng thương biết bao.

Tiếc thay, có kẻ hạnh phúc thì luôn phải có kẻ bất hạnh. Số phận như một trò chơi xổ số, kẻ thắng không phải là kẻ tài giỏi, còn người thua cũng nào đâu thấp kém. Họa chăng, họ hơn nhau chỉ ở hai từ “may mắn” mà thôi.

Mọi người thường nói, kiếp trước hẳn phải làm nhiều việc bất nhân, phạm phải tội lỗi nghiêm trọng lắm, chẳng hạn: giết người, làm bị thương người khác, lừa đảo… thì kiếp này mới phải khổ đến thế, có nhân ắt phải có quả.

Nhưng tôi không hiểu… đã là nhân quả, tại sao nó không đến với nhau khi con người ta vừa phạm phải sai lầm, tại sao nó không đến trong kiếp trước, mà lại để con tim vạn vật héo hon trong sự đằng đẳng của thời gian.

Phải chăng sự kiên nhẫn của Chúa là vô biên? Hay người muốn mọi người có cơ hội để phát hiện và tự chữa sai lầm bản thân?

Nếu nhân loại nhận thức được tội lỗi, trên thế giới nào có đau thương – “chỉ với một chữ nếu, người ta có thể bỏ Paris vào một cái chai”. Đức tin của tôi vào người đã mai một đi không còn nhiêu theo độ bao dung nơi người.

Có lẽ nhà văn người Nhật Bản nào đó mà tôi quên tên đã đúng, cái chết không sinh ra hay mất đi, nó ở đó, được chính sự sống nuôi dưỡng. Và cái chết ấy không rõ còn cách kẻ đáng thương nơi này bao xa nữa.

Đây không phải lần đầu tiên tôi nghĩ tới sự kết thúc. Trước đây, hiện tại, cả trong tương lai, chắc chắn nó luôn ám ảnh tôi. Mỗi lần nghĩ về nó, hai thái cực đối lập lại hiện lên trong đầu tôi.

Là chiếc cầu vàng vô tận được bắc lên tầng trời rộng lớn, xung quanh bao la những áng mây trôi chầm chậm, đẹp đẽ tựa giấc mộng thầm kín nhất của những thiếu nam, thiếu nữ tuổi mới lớn. Chẳng ai biết cuối cây cầu là gì, nhưng luôn có người bước lên nó.

Là hình ảnh thần chết đầu đội áo choàng đen, mặt mũi mơ hồ, với chiếc lưỡi hái tử thần nhớp nháp máu tươi đỏ ngòm, vươn bàn tay xương xẩu kêu gọi những linh hồn lang thang, miệng thì thầm gì đó tối nghĩa.

Cả hai hình ảnh, cứ thế thôi thúc con tim tôi. Như nói lên tiếng lòng tôi – tôi muốn chết, đồng thời lại sợ hãi cái chết. Chúng giằng xé con người, bản ngã của tôi, chẳng khác gì xé toạc tôi ra làm đôi.

Tôi nhớ, đã từng nghe ai đó bảo, dù sống trong địa ngục đi nữa, loài người vẫn sẽ luôn hướng về thiên đường. Hay là, sự sống là bất diệt, mong muốn được sống không bao giờ sai, có hay không, nó vẫn sẽ le lói trong trái tim vạn vật, nào sẽ biến mất.

Ngay cả thực vật như cây cỏ, khi mọc trong điều kiện không thuận lợi, vẫn tìm cách vươn mình đến ánh sáng ban mai, tranh giành để sinh tồn. Gần gũi hơn, có thể kể đến động vật, khi bị thương nặng, chúng vẫn phải tìm cách để săn mồi, kiếm thức ăn lấp đầy cái bụng rỗng.

Càng hiểu rõ, tôi lại càng thấy bản thân thật thảm hại.

Tuyệt vọng. Bất hạnh. Nhưng tôi vẫn muốn sống.

Hèn nhát làm sao, đau đớn biết bao, tựa con đom đóm mất phương hướng trong bóng tối vĩnh hằng. Rồi đến lúc nào đó, con đom đóm ấy cũng sẽ tắt ngúm, hòa mình vào đêm đen.

May mắn thay, giờ tôi đã có cái Lan. Cô bé len lỏi vào cuộc đời tôi tựa dòng suối trong, vắt ngang qua phiền muộn nơi tôi, kéo tôi dậy đi hướng phía trước. Tuy không lớn bao nhiêu, nhưng hạnh phúc, hi vọng sống mà nó mang lại cho kẻ bất hạnh này là thật.

Tôi thật sợ, sợ cảm giác một ngày nào đó mất đi cái Lan, tôi cũng mất đi lý do để sống. Để rồi lại quay về chuỗi ngày lầm lũi trước đây, chuỗi ngày tôi cố gắng tồn tại chẳng khác gì một bản năng mà không có mục đích cụ thể nào cả.

***

Đôi vợ chồng đang cãi nhau. Tại sao họ lại cãi nhau? Ai biết! Chí ít tôi không biết. Tôi cũng chẳng nhớ tại sao bản thân lại ở đây.

Đứng trong nhà ăn rộng lớn, được bao phủ bởi ánh sáng dịu nhẹ phát ra từ chiếc đèn chùm treo trên trần, xung quanh là bộ bàn ghế gỗ đặt đầy thức ăn đã nguội lạnh, nét mặt cả hai càng ngày càng đỏ.

Người phụ nữ gân cổ lên nói về một vấn đề gì đó. Mắt bà ta mở to hết cỡ, nước bọt văng tứ tung trong không gian, trong khi bàn tay thì liên tục chỉ về phía người đối diện.

Vẻ mặt và giọng điệu người phụ nữ ấy trông không hề phù hợp tí nào với trang phục bà đang mặc – một bộ vest đen bó sát vòng eo, và cũng khác hẳn gương mặt mà bà thường hay mang lúc lên truyền hình.

Đó là mẹ tôi. Từ lúc sinh tôi ra, mẹ đã luôn như thế. Còn người đàn ông gương mặt chữ điền, phúc hậu, sở hữu đôi mắt sâu thẳm như vực sâu, đôi mày đậm nét, đang mang bộ âu phục màu nâu sẫm là cha tôi.

Ông ấy cũng không chịu thua kém, quát tháo liên tục vợ mình, nhìn vào ông lúc này, mọi người hẳn phải ngạc nhiên lắm, bởi ông đâu còn dáng vẻ hiền từ như trước mặt công chúng nữa, ngược lại càng giống một nhà buôn vải hơn.

Biết điều gì sắp xảy ra với mình, tôi nhanh chóng cúi đầu xuống, giảm sự hiện diện của bản thân tới mức thấp nhất. Xui rủi thay, kết quả không khác những lần khác là bao.

Trận cãi vã nhanh chóng đi đến hồi kết mà chẳng đi tới đâu cả. Và rồi người phụ nữ đã nhớ ra tôi, đứa con trai bé bỏng do bà mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, bà nhanh chóng bước lại gần chỗ tôi, nắm đầu tôi.

Bởi quá đau nên tôi không thấy rõ động tác của bà, điều duy nhất tôi cảm nhận được là tóc tôi như sắp sứt khỏi đầu đến nơi, da đầu tôi bị kéo căng, và cơn đau từ đỉnh đầu truyền khắp cơ thể, khiến tôi run lên bần bật.

Chưa dừng lại ở đó, mẹ tôi tiếp tục dùng cái tay còn lại tát đứa con trai của bà, từng cái tát nặng nề vang lên trong không gian thanh vắng.

Mặt tôi đỏ rát vì nhức, nước mắt thì tuôn ra ầng ậc. Đã có lúc, tôi nghĩ mình sẽ khóc lên, khóc và hét thật to để vơi đi cơn đau nơi mặt cũng như trong lòng.

Nhưng cuối cùng tôi vẫn cắn răng kìm lại được. Hơn ai hết, tôi hiểu rất rõ người phụ nữ đang đứng trước mặt này. Nếu tôi kêu lên hay phản kháng dù chỉ một chút thì thứ chờ đợi sẽ còn kinh khủng hơn nhiều.

Đành vậy… mọi thứ sẽ ổn thôi. Vài ba cái tát thì nhằm nhò gì, chẳng phải bình thường tôi vẫn chịu được đấy sao?

Tiếc thay cái suy nghĩ đó vừa mới nhen nhúm trong tôi chưa được bao lâu đã vụt tắt, như ánh dương sớm nở tối tàn nhanh chóng bị cơn mưa mùa hạ che lấp. Bố đang bước dần lại chỗ cả hai. Hành động ấy khiến tôi thấy bất an, nhất là vẻ mặt phẫn nộ của ông.

Ông phẫn nộ vì đứa con trai mình bị đánh? Hay ông phẫn nộ vì nó trông thật thảm hại? Nào có chuyện đó bao giờ. Người đàn ông đó chẳng phải vẫn luôn thờ ơ với những gì không liên quan đến ông ta hay sao? Một con người vị kỉ đến đáng sợ.

Rồi thắc mắc của tôi đã được giải đáp. Cầm lấy chén cơm nguội trên bàn, ông đập thật mạnh vào đầu tôi. Bỗng chốc, tầm nhìn tôi trở nên mơ hồ thấy rõ, có lẽ tôi đã nghe loáng thoáng ông nói hai từ “mất dạy”, hoặc cũng có lẽ không.

Điều kì lạ là lúc này tôi chẳng cảm thấy đau đớn chút nào. Cơn đau từ những cái tát mà mẹ ban cho lẫn vết thương nơi thái dương đều biến mất, chỉ còn lại một khoảng trống vô hạn.

Cảnh vật trông như thể sắp đổ vỡ đến nơi, những vết nứt cứ thế xuất hiện chằng chịt trong không gian, tựa tấm mạng nhện khổng lồ. Ánh sáng từ nguồn sáng duy nhất là chiếc đèn chùm ngày một rút đi, cho đến khi khung cảnh nơi căn phòng ăn đổ vỡ hẳn, thì nơi đây còn độc mỗi mình tôi.

Một tôi đang lẻ loi với bóng tối, một tôi cố gắng la khàn cả giọng lại chẳng ai nghe, chẳng tiếng đáp lời. Tôi hoảng hốt!

Nỗi hoảng hốt này phức tạp và trừu tượng hơn hẳn cơn đau lúc nãy, nó không đơn thuần là cảm xúc nhất thời, mà như một hạt giống đã từng chôn sâu dưới đáy sông của lòng tôi, giờ đây chen chúc nảy mầm phủ kín mọi thứ.

Chạy mòn mỏi khắp nơi, cuối cùng tôi cũng bỏ cuộc. Thật ra kết quả này không khác lúc trước tôi nghĩ bao nhiêu. Từ khi tôi có nhận thức, các bạn xung quanh mình ai ai cũng đều là những đứa trẻ ngoan, được bố mẹ chiều chuộng, có gia đình êm ấm.

Họ đều bình thường trong cái cuộc sống bất thường của tôi. Rất lâu về trước, tôi đã nhận ra, tôi biết… rằng bản thân có vấn đề, bản thân có “bệnh”.

Nhưng biết vấn đề thì sao chứ, tôi nào tìm được thuốc chữa. “Căn bệnh” tôi mắc phải không như cảm hay ho thông thường, nó tồi tệ hơn cả ung thư.

Bệnh nhân ung thư còn có thể sống lạc quan hòa mình vào xã hội. Còn tôi, dù tôi có cố gắng thay đổi để trở nên tốt đẹp đến cỡ nào đi nữa, thì vẫn mãi là đứa trẻ hư, vẫn mãi khác biệt với mọi người.

Đột nhiên… một bạn nữ tóc dài xõa ngang vai, mang đồng phục học sinh bước ngang qua chỗ tôi. Cô bé có một đôi môi mỏng, hồng như những cánh hoa, đôi mắt cong cong hình trăng lưỡi liềm khiến người ta vừa thấy đã yêu.

Dù chỉ là một cô gái bé nhỏ, nhưng đối chọi với bóng tối vô biên, ánh sáng từ cô bé chẳng hề tàn phai đi chút nào, một thứ ánh sáng thuần khiết và ấm áp. Cô xuất hiện trong vùng đất tĩnh lặng này hệt như Thái Dương giữa vụ trụ, soi sáng, đem lại sự sống cho con dân duy nhất là tôi đây.

Phải rồi, sao tôi lại quên mất cái Lan chứ. Nguồn sáng duy nhất trong cuộc đời trĩu nặng ưu phiền của tôi. Ngọn lửa nơi trái tim tôi. Tôi nào chỉ có một mình. Tôi còn cái Lan kia mà!

Tôi đứng dậy đuổi theo nó. Nhưng… khoảng cách giữa tôi và nó ngày một lớn. Rõ ràng nó chỉ bước đi như đang dạo phố thôi, lại nhanh tựa cơn gió cuối thu, cứ mãi miết thổi qua những ngọn đồi hoang vu, những cánh rừng bạt ngàn, đi qua mà không ngoảnh lại, bỏ sau lưng đám mây mùa hạ ngóng trông chờ đợi.

Đi xa. Đi xa… xa… xa... xa mãi.

Và cô cũng biến mất. Cuối cùng, vẫn chỉ độc một mình tôi nơi đây, với cuốn sách đọc phần đầu đã đoán được phần cuối vì chỉ rặt một nỗi buồn. Nỗi buồn cứ thế kéo dài mãi qua từng trang sách.

Lạc lõng biết bao.

Đang bần thần chợt tôi nghe đâu đó vang lên tiếng đập cửa. Cảnh vật xung quan như thủy triều nhanh chóng rút lui. Đầu tôi đau đớn vì nhức mỏi, mắt tôi lim dim hé mở. Phải mất chút thời gian tâm trí tôi mới về thực tại. Hóa ra đêm qua, trong khi trùm chăn đợi chờ hình phạt sẽ đến với mình, tôi đã ngủ quên lúc nào chẳng hay.

Một giấc mơ khó chịu. Đưa tay lên trán làm dịu vết sẹo còn đang nhức nhối, dù biết mọi chuyện đã qua rồi, đó chỉ là một cơn ác mộng, nhưng cơn đau nơi đầu tôi hãy còn dai dẳng quá.

Bên ngoài, tiếng đập cửa vang lên ngày một lớn, có cảm tưởng như người ở ngoài đang ngày một hết kiên nhẫn, chuẩn bị phá cửa tới nơi. Liếc nhìn đồng hồ, biết mình không tránh được, tôi bèn đứng dậy mở cửa.

Ngoài phòng đang đứng đấy mẹ tôi, nét mặt bà hằm hằm vì tức giận, thật may vì đêm qua trôi qua an ổn. Bà nhìn tôi chằm chằm, khiến tôi không thể không cúi đầu xuống, tránh cái nhìn trực diện và sắc bén như lưỡi dao của bà.

Và… điều gì đến cũng phải đến. Tuy tôi tránh được nhất thời, nhưng chừng nào bố mẹ vẫn còn, là chừng đó tôi mãi ở trong tay hai người họ. Điều đáng an ủi duy nhất, có lẽ do đã trôi qua một ngày, nên mẹ đã vơi đi phần nào cơn tức giận.

Sau khi xong việc với mẹ, tôi nhanh chóng ăn vội bữa sáng rồi qua nhà cái Lan cùng nó đến trường.

Trời hôm nay không mưa, nhưng vẫn thế thôi, cứ mang mãi gam màu xám xịt như hôm qua, cứ mãi cơn gió hiu hắt ấy. Gió cuốn từng cánh hoa trôi nhẹ tênh, man mác bay khắp không gian vắng lặng. Hoa cúc vàng ươm nay đã mất màu mất rồi. Xa xa, từng chiếc xe nối đuôi nhau chạy trên mặt đường rộng lớn, không một tiếng động, không một âm thanh.

Ánh nắng ngoài kia đã lên đỉnh đầu, còn cõi lòng tôi lại chẳng thấy nắng đâu. Dù cho Thái Dương có chói chang đến mấy, cũng nào chiếu rọi tới tâm hồn tôi – vùng đất dành cho kẻ bị lưu đày, đã khô hạn tự bao giờ. Trong cái rủi có cái may, trong tôi vẫn còn đó một Mặt Trời, một Mặt Trời nhỏ bé, mà nhiệt độ lại cao hơn cả ngôi sao sáng cùng tên trên vũ trụ bao la.

Bước qua thêm hai ba căn nhà, một khu ngõ nhỏ, chẳng mấy chốc tôi đã tới được nơi cần đến. Nhà cái Lan đang ở là một căn biệt thự có kiến trúc Pháp cổ, loại được xây trong vài năm trở lại đây nhưng lối thiết kế lại ăn theo thập niên năm mươi, sáu mươi của thế kỉ trước.

Cạnh cửa ra vào trồng đó lác đác những chậu hoa thủy tiên, hoa cúc vàng đang khẽ đong đưa theo gió. Tuy thế, lúc này sự chú ý của tôi lại không tập trung vào chúng, mà vào cảnh tượng đang diễn ra trước mặt mình.

Bố của cái Lan, đồng thời là bạn của bố tôi, một người đàn ông giàu có, thành công trong cuộc sống đang kéo tay cái Lan mặc cô bé khóc lóc inh ỏi. Chuyện gì xảy ra thế này? Chẳng lẽ bố cái Lan không sợ ai đó bắt gặp họ hay sao? Mà cũng phải, với địa vị, tiền bạc của ông ta, hẳn mọi thứ sẽ rất đơn giản.

Hình như họ còn nói với nhau chuyện gì đó, nhưng lúc này tâm trí tôi nào để ý chi đến chuyện ấy. Thấy Lan khóc, trong tôi sinh ra một cỗ cảm xúc khó tả. Vừa buồn, vừa thương, và trên hết có cả phần nhỏ… vui vẻ. Phải, vui vẻ!

Tôi “bệnh” thật rồi! Thấy người khác bất hạnh còn phần mình cảm thấy hạnh phúc. Sai trái làm sao! Và càng sai trái hơn nữa khi người bất hạnh là cái Lan.

Rủi thay, bây giờ khống chế cảm xúc quá xa xỉ với tôi. Cảm xúc do con tim sinh ra cơ mà, trí óc tôi ơi, làm gì đó đi, khống chế con tim không nghe lời này lại đi, đừng đề nó cười trên nỗi đau của người khác nữa.

Và rồi, cứ thế mọi thứ ngày càng leo thang mà chẳng có điểm dừng, có lẽ… nhịp đập nơi lồng ngực và bộ não thực sự độc lập với nhau. Trớ trêu thay, Chúa tạo ra con người với sự cao thượng, và chính sự cao thượng ấy lại phản bội con người.

Những giọt nước mắt trượt trên khóe mi, cùng với đó là nụ cười ngoác cả mang tai. Nụ cười mới thảm hại làm sao, bất lực biết bao. Cớ sao tôi lại vừa cười vừa khóc như thế?

Lúc này đây, tôi đang hạnh phúc vì suy nghĩ của tôi đã đúng, nhưng… phần nhiều hơn cả lại là cảm giác tội lỗi, muốn như chưa có gì xảy ra. Thật khó giải thích, thật rối rắm, tựa mê cung không lối thoát, càng đi sâu vào càng bị thất lạc trong đống tơ vò ai giăng khắp lối, mọi nẻo. “Căn bệnh” này ngày một nặng, có lẽ đã hết thuốc chữa rồi.

Không! Không thể được! Tôi nào có thể hạnh phúc chứ!

Tôi tình nguyện lạc lõng, bất thường cũng hãy nào muốn ai đó phải chịu cảnh khổ đau bất tận, đau đớn triền miên. Nhất là người ấy lại là cái Lan. Cái Lan là Mặt Trời nơi tôi, không ai được phép làm tổn thương nó, không ai được phép vấy bẩn nó!

Cầm lấy tảng đá bên đường, tôi trút hết mọi nỗi căm phẫn, cảm giác bức bách, áp lực mà mình đang trải qua lên người đàn ông đang dằn vặt nàng.

Một tiếng động thật lớn vang lên, ông ta ôm đầu rồi khuỵu xuống. Máu bắn lên khắp cơ thể, cùng với đó là vẻ mặt bất ngờ nơi cái Lan khiến hô hấp tôi như dừng lại.

Cảnh cuối cùng tôi thấy, cô bé vừa khóc thút thít khi nãy, ngước mắt nhìn kẻ thấp kém này, trong đôi mắt đó chứa vô vàn điều muốn nói. Ngạc nhiên, sợ hãi, có cả… tức giận.

***

Góc nhìn quyết định tư duy. Tồi tệ hơn nữa, con người sao có thể có được góc nhìn bao quát vạn vật như Chúa. Tất cả những gì chúng ta có, là một quan điểm chủ quan và đầy định kiến về thế giới này.

Kẻ bị đau chân nào nghĩ được gì khác ngoài cái chân đau của mình, tương tự con ếch ở dưới miệng giếng, thế giới chỉ quanh quẩn nơi ao tù nước lã, nào được biết thế giới rộng lớn trên trời cao. Bởi thế nên… tôi đã sai, ngay từ lúc bắt đầu.

Ngồi trên chiếc giường lạnh lẽo, bao quanh bởi bốn bức tường ẩm thấp, tôi chẳng còn hơi sức đâu để nhớ lại những chuyện xảy ra lúc trước. Đâu đó, vang lên tiếng xì xào không ngừng, như những âm thanh vọng lại từ nơi xa dưới biển khơi đen kịt, từ miệng những con ác quỷ mở mồm dụ khị loài người.

Những người ngoài kia đang nói gì? Họ… bảo tôi bị điên. Nhưng… tôi biết, tôi có điên bao giờ. Cuối cùng, đồng tiền cũng chiến thắng tất cả.

Các bạn đang đọc câu chuyện này hẳn phải rõ ràng chứ? Cảm xúc, suy tư trong lồng ngực này là thật, tôi có tồn tại, tôi đã tồn tại, đã có ý nghĩa đối với cõi đời!

Sau sự kiện ấy, cái Lan đã chuyển trường, thật lòng mình tôi mừng cho nó. Vậy là chuỗi ngày địa ngục của nó cũng chấm dứt. Nhưng không hiểu sao, từ nơi sâu xa đâu đó ở cơ thể tôi, một chút hụt hẫng lóe lên… rồi biến mất thật nhanh. Sau tất cả, vẫn chỉ có một mình tôi nơi đây, với bóng tối vô hạn, cô đơn và lẻ loi.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận