Cuộc Chiến Siêu Nhiên Giữa Đời Thường – Tập 6
Chương đọc thử
“Rốt cuộc thì con người là loài sinh vật luôn tìm kiếm sự ‘đồng cảm’. Juurai có nghĩ như vậy không?”.
Sagami nói những lời đó khi nào nhỉ?
Tôi đã chẳng thể nhớ rõ thời gian cụ thể nữa, nhưng từ việc cậu ta gọi tôi là “Jurai” thì chắc hẳn đó là hồi lớp tám rồi.
Chỉ có hồi ấy, cậu ta mới gọi tôi bằng tên mà thôi.
Hồi đó, cậu ta gọi tôi một cách thân thiết là “Jurai”, còn tôi cũng gọi cậu ta bằng biệt danh thân mật là “Sagamin”.
Tật giống bạn bè làm sao.
Tật giống bạn thân làm sao.
“Tớ luôn muốn có ai đó khẳng định ‘Đúng như vậy đó’ trước những ý kiến của bản thân. Đúng, chính là sự khẳng định. Sự đồng cảm là điều cực kì quan trọng để ta cảm thấy bản thân mình không cô độc, để bản thân biết rằng mình là một sự tồn tại đúng đắn. Là con người, ai cũng muốn được người khác khẳng định để thỏa mãn cái ham muốn được công nhận của bản thân mình. Và được đồng cảm là điều quan trọng hơn bất cứ điều gì”.
“Có lẽ vậy”.
Tôi đồng ý với cậu ta.
“Tớ cũng hay giới thiệu sách cho Hatoko nữa. Như người ta hay nói thì nó cũng giống như là truyền đạo vậy. Tớ cũng lờ mờ nhận ra rằng tớ và cô ấy không cùng sở thích, thế nhưng tớ vẫn muốn cho cô ấy biết những thứ bản thân cảm thấy thú vị. Bởi vì, tớ muốn nhận được sự đồng cảm”.
Tôi nói.
Đúng như lời Sagami đã nói, có lẽ tìm kiếm sự đồng cảm là bản năng của con người.
Con người, dù là bất cứ ai, cũng luôn muốn được người khác thấu hiểu, công nhận và chia sẻ cảm xúc cùng mình.
So với câu “Cố lên!” thì câu “Cậu vẫn rất nỗ lực nhỉ?!” lại khiến người nghe thấy ấm lòng hơn.
Và khi ta tâm sự những trăn trở, khó khăn của bản thân, so với một người luôn đưa ra những phương án giải quyết từ quan điểm của một cấp trên thì một người bạn biết đồng cảm với mình, có thể nói những câu “Tật vậy sao?”, “Cậu vất vả quá” lại giúp ta xoa dịu nỗi lòng hơn hẳn.
“Ví dụ như khi nêu cảm nhận về một cuốn truyện tranh hay phim hoạt hình chẳng hạn, mọi người thường chia thành hai phe là ‘fan’ và ‘antifan’ rồi tranh cãi ầm ĩ lên cũng là có liên quan đến việc ‘đồng cảm’ này đấy nhỉ?”.
Sagami chính là loại người mà người ta hay gọi là “otaku”.
Cậu ta say mê trong thế giới 2D, gọi các nữ chính trong phim hoạt hình là vợ và những nhân vật nữ trong game là người tình. Có lẽ vì thế mà những câu chuyện của cậu ta, dù là chủ đề nào đi chăng nữa, cũng đều hướng đến văn hóa otaku.
“Này Jurai, tại sao con người lại có nhiều xung đột thế nhỉ?”.
Đang nói chuyện về cảm tưởng với những bộ phim hoạt hình hay truyện tranh, cậu ta lại bật ra một câu nói đầy thâm thúy.
“Chuyện đó hả? Hẳn là khi những gì mình thích lại bị người khác nói xấu thì bản thân mình sẽ muốn phản bác lại thôi. Hay ngược lại, những gì mình ghét lại được cả thế giới tung hô, thế có điên không cơ chứ…?”.
“Ừ, đúng thế thật. That's right. Tế nhưng, nghĩ lại thì chuyện này cũng kì thật đấy”.
Sagami nói.
“Hầu hết mọi người đều không phải là kẻ ngốc đến mức ấy. Thế nên chúng ta vẫn luôn hiểu được rằng ‘Ai cũng có những niềm yêu thích riêng’. Cũng giống như mỗi người lại thích những món ăn khác nhau, thì những tác phẩm truyện tranh hay phim hoạt hình cũng phải tùy theo cảm nhận của mỗi
người chứ. Chắc hẳn ai cũng phải hiểu điều này. Thậm chí, cả học sinh tiểu học cũng hiểu được ấy chứ. Thế nhưng, tại sao dù biết chắc như vậy thì những cuộc tranh cãi vẫn xảy ra? Tại sao các antifan lại cứ phải cố chấp chê bai tác phẩm đến mức đi soi từng lỗi nhỏ? Và tại sao các fan lại không thể chấp nhận những đánh giá trái chiều được nhỉ?”.
“…”.
“Tớ cho rằng, câu trả lời cho vấn đề này chính là niềm mong mỏi, tìm kiếm sự đồng cảm của con người”.
Sự đồng cảm.
Có cùng cảm nhận chung về một điều gì đó, gọi là đồng cảm.
“Khi suy nghĩ, cảm nhận của bản thân không được mọi người khẳng định, chúng ta sẽ thấy buồn bã, giận dữ, bực mình, đau khổ, oán giận hay tức đến nghiến răng nghiến lợi…
Nói tóm lại, việc tác phẩm mà mình yêu thích bị chỉ trích, phủ nhận, hay tác phẩm mà mình thấy chán muốn chết lại được đánh giá cao là một điều hết sức, hết sức khó chịu”.
Con người luôn tìm kiếm sự đồng cảm, sự khẳng định từ người khác.
Thế nhưng, bản thân mỗi chúng ta chẳng thể nào có được sự công nhận hoàn toàn cả.
“Người khác là người khác, bản thân mình là bản thân mình”.
Bất cứ ai cũng hiểu điều đó. Chắc chắn ai cũng hiểu điều đó.
Vậy thì, tại sao con người lại luôn muốn thấu hiểu cũng như được thấu hiểu?
“Kì quặc nhỉ? Cùng là con người, đáng lẽ chúng ta phải hiểu nhau mới phải”.
Sagami mỉm cười.
Một nụ cười thật thoải mái, dễ chịu, và tôi chẳng cảm thấy chút tối tăm, u ám nào trong đó cả.