Holmes ở Kyoto - Tập 1
Chương đọc thử
CHƯƠNG MỞ ĐẦU
HOLMES VÀ THIỀN SƯ BẠCH ẨN
“Quý khách có món đồ cổ nào đang ngủ quên trong nhà không? Cửa hàng chúng tôi nhận giám định và thu mua đồ cổ!”
Khi đi bộ dọc con phố mua sắm mái vòm đông đúc náo nhiệt ở Teramachi Sanjo thuộc Kyoto, ta sẽ thấy một tiệm đồ cổ nhỏ nằm giữa những cửa hàng kề nhau san sát.
Trên biển hiệu, chỉ có một chữ Hán “Kura”. Đây có vẻ là tên cửa hàng.
(Nếu nói đến tiệm đồ cổ, trong đầu mình sẽ hiện lên các cái tên như, “Phòng triển lãm ○○”, hay “Antique ○○”, hoặc cái tên nào đó có gắn chữ “Đường” thế nhưng ở đây lại có mỗi một chữ “Kura”, đơn giản quá nhỉ…)
Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi với cửa hàng này.
Không khí cửa hàng giống như một quán cà phê retro hơn là một tiệm đồ cổ.
Cửa hàng được bài trí kết hợp phong cách Nhật Bản và phương Tây, làm người ta liên tưởng tới thời kì Minh Trị – Đại Chính. Sát lối vào là một góc uống trà, còn phía bên trong thì bày sản phẩm. Tôi thấy bóng dáng một người phụ nữ đứng tuổi với một người đàn ông đang uống cà phê và chuyện trò vui vẻ.
Thật sự là nếu không nhìn biển hiệu, có khi tôi sẽ nghĩ đây là một quán cà phê.
Trong khi tôi đang đứng trước cửa hàng và lấm lét ngó vào trong, tôi nhận ra mấy người đi ngang qua cứ thi thoảng lại lén liếc nhìn tôi một cái.
“…”
Tôi luống cuống chỉnh lại tư thế, mặt làm ra vẻ chẳng biết gì.
Chắc người ta sẽ thấy lạ lắm khi bắt gặp một nữ sinh cấp ba lảng vảng trước cửa hàng đồ cổ.
“Cô bé kia muốn vào cửa hàng mà không vào được nhỉ?” Có thể họ sẽ nghĩ về tôi theo kiểu ấy cũng nên.
Nếu người ta nghĩ như thế thì… vâng, chuẩn rồi.
Đúng, tôi là một cô nữ sinh cấp ba chán đời, dù muốn vào hàng đồ cổ này nhưng không thể, thế nên đang lảng vảng ở bên ngoài.
Cũng bởi, nếu đây là một tiệm tạp hoá mang phong cách Bắc Âu cởi mở, hay một cửa hàng đồ cổ nhẹ đô hơn thì đã chẳng nói làm gì. Nhưng không khí cửa tiệm này lại đậm chất “cửa hàng mĩ nghệ cổ”, nên tôi không thể thoải mái bước vào.
“Nhận giám định và thu mua đồ cổ.”
Kể từ khi tình cờ nhìn thấy dòng chữ đó, tôi đã để ý đến cửa hàng này. Bao nhiêu lần tôi đã bụng bảo dạ rằng, “Vào thôi, vào thôi,” nhưng kết quả là tôi vẫn cứ lướt qua.
“Kyoto”. Không phải quá lời khi nói đây là địa điểm tham quan số một Nhật Bản. Trong vòng một năm, rất nhiều khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đã ghé thăm nơi đây. Thế nhưng, đối với một học sinh cấp ba sống tại mảnh đất này mà nói, đây không ngờ lại là một “thành phố không có chỗ để vui chơi”.
Đền chùa miếu mạo thì tuyệt vời và cũng xoa dịu lòng người đấy, nhưng không phải nơi cho bạn bè tụ tập chơi đùa.
Chỗ để giải trí loanh quanh chỉ có tới quán karaoke hoặc trung tâm thương mại lớn, tạt vào rạp chiếu phim ở Sanjo rồi đi dạo lòng vòng ở khu mua sắm mái vòm mà thôi.
Nhân tiện, tôi thấy con chim linh vật tên “Sanjoto~ri”, biểu tượng của khu phố mua sắm Sanjo, đáng yêu hết biết. Tôi thích nó ghê.
A, ở lối vào cửa hàng này cũng dán poster “Sanjoto~ri” nữa.
Quả nhiên là đáng yêu thật, nhìn mà dịu cả lòng.
Mà thôi, tạm thời không nói đến chuyện đó. Vì lí do kể trên, hễ tới chơi ở phố mua sắm Sanjo, tôi lại liếc nhìn cửa hàng “Kura”, nhưng lần nào cũng chỉ lướt ngang qua nó.
Đến nước này rồi, tôi không thể cứ lảng vảng bên ngoài mãi được.
Tôi nắm chặt quai chiếc túi giấy trong tay.
(Được rồi, vào thôi!)
Ngay giây phút tôi vừa hạ quyết tâm, một người đàn ông trung niên mặc com lê từ sau lưng vượt qua tôi êm ru rồi mở cửa đánh xạch một cái.
“Chào cả nhà, Holmes có đây hôn?” Ông vừa nói vậy vừa bước vào cửa tiệm.
(Holmes?)
Dù cảm thấy khá là kì quặc, tôi vẫn bước vào cửa hàng, như thể bị lôi kéo bởi người đàn ông nọ.
Vừa mới vào bên trong, tôi trông thấy ngay một bộ sô pha cổ làm người ta liên tưởng tới phòng tiếp khách của những toà kiến trúc phương Tây cổ kính. Một phụ nữ đứng tuổi đang vui vẻ nâng tách cà phê lên miệng.
Chiếc đèn chùm nhỏ treo trên trần nhà không cao lắm.
Một cái đồng hồ tủ đứng rất to dựng sát tường. Rất nhiều những món đồ cổ và vật dụng đủ loại được bày trên giá nằm sâu bên trong cửa hàng.
Nhìn từ cửa ra vào thì cửa hàng trông cũng nhỏ, nhưng bên trong có vẻ khá sâu.
Quầy thu ngân nằm ở bên khoảng không gian tiếp khách đặt ghế sô pha, tại đó có một chàng trai trẻ đang ngồi trên ghế, nhìn thế nào cũng thấy giống sinh viên đại học.
“Kính chào quý khách.” Anh chàng trông như sinh viên ấy đưa mắt về phía chúng tôi và mỉm cười tươi tắn.
Thân người mảnh dẻ, tóc mái hơi dài, làn da trắng trẻo. Sống mũi thẳng tắp, khá là…
À không, rất chi là đẹp trai.
… Bảnh thật đấy. Anh ấy là nhân viên làm thêm chăng?
“Holmes, xem hộ bác cái này chút ha.”
Người đàn ông trung niên trong bộ com lê ngồi xuống ghế, đặt một bọc được gói bằng khăn furoshiki lên quầy thu ngân.
“Bác Ueda, thôi nào. Đừng gọi cháu là ‘Holmes’ nữa, có được không bác?”
“Kêu vậy hay mà, có chi đâu?”
“Bác Ueda” chẳng buồn tỏ ra áy náy. Thấy vậy, anh đẹp trai được gọi là “Holmes” nhún vai, đeo găng tay trắng vào rồi cẩn thận gỡ nút buộc khăn furoshiki.
Bên trong tấm khăn furoshiki là một chiếc hộp gỗ hông hoàng gia hình chữ nhật, chỉ thoáng nhìn thôi đã thấy ấn tượng rồi. Khi anh ấy tiếp tục mở hộp ra, tôi nhìn thấy một vật màu vàng kim được cuộn lại, trông cũng khá dày.
Hình như đó là tranh cuộn. Nó toả ra bầu không khí của một “món hàng đắt tiền”.
“Giấy thêu kim tuyến ạ…?”
Anh Holmes buột miệng ồ một tiếng rồi ngẩng mặt lên.
“Kimono tốt bác nhỉ.”
“Phải ha? Bác là bác cũng nghĩ vậy đó.”
Nghe thấy đoạn hội thoại ấy, tôi nghiêng đầu thắc mắc.
(Kimono tốt?)
Thế rồi, người phụ nữ đứng tuổi đang uống cà phê ở sô pha đứng dậy, vừa nói, “Chà chà, kimono ấy hả?” vừa rướn người ra đằng trước. “Ơ hay, nghe kêu ‘kimono tốt’ nên bà cứ tưởng là kimono. Hổng phải đây là tranh cuộn hở? Lại còn tuyệt hảo nữa chớ.”
Người phụ nữ lên giọng chẳng buồn giữ kẽ, còn anh Holmes thì mỉm cười đáp lại.
“Kimono tốt có nghĩa là ‘tuyệt hảo quá mức’ đấy ạ, bà Mieko.”
Có vẻ tất cả mọi người đều là khách quen nên họ biết hết mặt nhau.
“Tuyệt hảo quá mức thì hổng được sao?”
“Vâng, giống như một kẻ nói dối có thể sắp xếp câu chữ rất trơn tru, hộp và vỏ ngoài phô trương quá mức thế này thì giống như đồ giả vậy. Người ta gọi những thứ như thế là ‘kimono tốt quá mức’ hoặc ‘có gì đấy sai sai’.”
Anh ấy giải thích với giọng điệu rất hiền hoà. Tôi vừa hóng hớt vừa gật gù lẩm bẩm: “Ồ…”
“Ồ, vậy hả? Túm lại là kiểu nói biến nói tướng ha. Vậy kia cũng là đồ dỏm hở?” Bà Mieko hạ mắt nhìn xuống bức tranh cuộn và nói. Đáp lại, anh Holmes chỉ nhẹ lắc đầu.
“Không, cái đó thì giờ cháu phải xem mới biết được. Với chuyện này, mình cũng không thể để định kiến chi phối được đâu.”
Anh ấy cẩn thận nhấc cuộn tranh lên rồi từ từ mở ra.
Bên trong cuộn giấy thêu kim tuyến vẽ hình núi Phú Sĩ.
Đằng trước là cây hoa anh đào.
Núi Phú Sĩ điềm nhiên dựng lên sừng sững ở phía bên kia rặng anh đào.
Thứ đó có một lực hấp dẫn như muốn hút lấy tôi.
(… Đỉnh quá.)
Trong lúc rón rén ngó nghiêng, dãy núi Phú Sĩ trong bức tranh cuộn ấy khiến tôi bị áp đảo, thậm chí còn cảm thấy rung động tâm can.
“Ồ, coi này.” Anh Holmes thốt lên với vẻ trầm trồ.
“Đó, dữ ha con?” Bác Ueda chồm người ra đằng trước, mắt sáng lên lấp lánh.
“Là ‘Tranh Phú Sĩ và hoa anh đào’ của ‘YokoyamaTaikan’. Hàng tuyển đấy bác nhỉ?”
“Phải hôn? Tình trạng cũng tốt nè, ổn ra trò đó chớ?”
“Chà chà, Yokoyama Taikan sao? Mắc tiền lắm hở?”
Bà Mieko nhìn về phía bác Ueda và nói.
“Ô kìa, nếu là tranh Taikan thiệt, năm triệu cũng đừng có mơ nha. Cái này có khi phải tới cả chục triệu hổng chừng?”
“Chục triệu ấy hở!? Bác Ueda, thế thì khủng à nha!”
“Chớ sao?”
Thấy hai người hào hứng như vậy, hàng lông mày của anh Holmes trĩu xuống với vẻ hơi áy náy.
“… Vâng… Tranh này rất đẹp, tình trạng cũng tốt. Nhưng thật đáng tiếc, đây lại là ‘tranh dựng’ ạ.”
Câu nói đó làm bác Ueda khựng lại, lông mày nhíu vào đầy vẻ hoài nghi.
“… Thiệt hở? Nếu là ‘tranh dựng’ của Taikan thì phải có đóng dấu ‘dựng’ chớ? Hổng có thấy đâu nè. Chắc là đồ thiệt chớ?”
“Không, đây là ‘tranh dựng’ đấy ạ. Không nhầm lẫn được đâu.”