Vol 1: Giương cờ chống lại Thiếu nữ Thần Chết!
Chương 10 - Hôm nay cũng là một ngày tràn đầy hy vọng
3 Bình luận - Độ dài: 1,933 từ - Cập nhật:
"Dạ không, cảm ơn chú. Cháu chỉ… đi ngang qua xem một chút thôi."
Tôi khẽ gật đầu chào chú bán kẹo bông rồi quay người chạy nhanh vào khu chợ rau, tiếng bước chân vang lên đều đặn. 'Bịch bịch bịch bịch.'
Bốn giờ rưỡi chiều, chợ không quá đông cũng không quá vắng. Dựa vào trí nhớ của tôi thì đi thẳng tới khu hải sản sẽ tìm thấy một quầy có bán cá vược. Chủ quầy nhìn tôi bằng ánh mắt tò mò, tôi chỉ vào con nhỏ nhất rồi nói.
"Con này ạ, làm giúp cháu luôn nhé."
"Cô bé đi chợ phụ mẹ hả?"
Thấy tôi thật sự muốn mua cá, chủ quầy có vẻ vui ra mặt, vừa dùng vợt vớt cá vừa nói bằng giọng địa phương.
"Cháu xinh xắn quá, lại còn hiểu chuyện nữa chứ."
"Dạ."
Tôi không muốn đôi co với chủ quầy, liền lấy điện thoại ra rồi quét mã QR gần đó.
"12 tệ. Nhà cháu có mấy người vậy? Con cá nhỏ như vậy ăn có đủ không?"
"Đủ rồi ạ, cháu cảm ơn."
"Cháu có muốn mua thêm gì không? Nghêu chẳng hạn? Nấu canh ngon lắm. Hay là tôm?"
"Không đâu, cháu cảm ơn. Nhà cháu ăn không hết được."
Tôi chạm nhẹ để điện thoại thanh toán, và ngay khi chủ quầy làm sạch cá xong rồi bỏ vào túi, tôi liền cầm túi lên chạy nhanh về phía khu bán rau.
"Bé cưng đi chợ phụ mẹ à?"
"Muốn mua rau gì nào? Rau cải hay rau muống Trung Quốc?"
"Cà chua? Bí đao? Cháu có cần mua cà tím không?"
So với khu hải sản thì mấy cô chú bán rau nhiệt tình hơn hẳn. Tôi đi đến đâu là họ gọi với theo đến đó, như thể muốn kéo tôi vào quầy của họ vậy.
Kỳ lạ thật, hồi còn là khách quen với tư cách là một ông chú thì hiếm khi tôi nhận được sự niềm nở như vậy.
"Dưa leo giống bao nhiêu tiền ạ?"
Tôi chưa đứng lại ở mấy quầy rau quá nửa phút thì đã thấy thứ mình cần. Dừng chân tại một quầy hàng bày những cây dưa leo còn non mơn mởn, tôi hỏi bằng chất giọng trong trẻo, có phần trẻ con.
"3 đồng 1 bó bé con ạ. Với cháu thì chỉ 3 đồng thôi. Trời ơi, xinh quá đi mất. Chắc chắn lớn lên sẽ còn xinh hơn nữa!"
Người phụ nữ bán dưa giống trông chừng bốn, năm mươi tuổi. Thấy tôi tỏ vẻ quan tâm đến rau của mình, bà liền cười không ngớt.
"Cô bé này, cháu bao nhiêu tuổi rồi? Tóc cháu đẹp ghê. Cháu nuôi tóc dài chắc lâu lắm rồi nhỉ?"
"Dạ, vâng…"
Tôi vừa trả lời qua loa, vừa chọn mấy cây dưa leo.
Rút kinh nghiệm từ bữa trưa, lần này tôi cố tình chỉ mua khoảng một nửa khẩu phần ăn thông thường, chọn một bó rau nhỏ, nhẹ nhàng rũ phần sương còn đọng trên rau rồi đưa cho bà cô trước mặt.
"Con gái bây giờ giỏi thật đấy. Con trai cô học lớp sáu rồi mà sai ra tiệm mua chai nước còn sợ."
Bà cô cầm mớ rau tôi chọn đem đi cân, rồi bắt đầu gói chúng lại.
"1 tệ 8 đồng."
Tôi đưa điện thoại lên và quét mã QR gần đó bằng một tiếng 'tít'.
"Nhìn con bé kìa, còn nhỏ mà đã biết phụ mẹ đi chợ rồi, lại còn biết dùng cả WeChat nữa chứ."
Ôi trời, cô ơi, cháu làm gì có mẹ, mấy thứ này là đồ của cháu cả.
Mà nói chứ, mấy đứa nhỏ ở quanh đây không biết dùng WeChat hả? Tôi nhớ nhiều đứa mới bảy, tám tuổi đã biết nạp tiền vào game qua WeChat rồi. Có đứa còn tiêu cả ngàn, thậm chí là cả chục ngàn tệ nữa kìa, báo chí từng đưa tin mấy lần rồi còn gì.
Dù trong đầu không ngừng âm thầm phê phán những đứa trẻ này, tôi vẫn giữ nguyên tắc sống kín tiếng, không nói lời nào, chỉ lẳng lặng cầm theo bó dưa leo rồi rời khỏi quầy.
Tiếp theo, tôi chỉ cần mua thêm chút khoai lang và bắp, kết hợp với chỗ trứng có sẵn ở nhà là đủ cho bữa sáng ngày mai.
Bắp vừa là trái cây, vừa là rau củ. Nó giàu chất xơ và theo tôi, đó còn là nguyên liệu hoàn hảo cho bữa sáng. Trưa thì có thể xào chung với thịt băm, tối đến có thể băm nhỏ nấu canh với sườn. Chỉ tiếc một điều là loại quả–rau này rất khó bảo quản. Để ngoài thì nhanh héo, còn để trong tủ lạnh thì ba, bốn ngày là mất vị tươi. Muốn ăn ngon nhất thì nên dùng trong vòng 24 tiếng sau khi mua.
Còn khoai lang thì dễ hơn nhiều. Ưu điểm lớn nhất của chúng là bảo quản được lâu, ăn vào cũng rất no bụng. Nếu muốn đổi khẩu vị vào những hôm không muốn ăn cơm, đổi sang khoai lang cũng là một sự lựa chọn thân thiện với dạ dày.
Bữa sáng thường ngày của tôi sẽ là bắp, khoai lang và trứng gà. Nhưng những hôm lười quá thì tôi sẽ ghé tiệm ăn sáng gần nhà để mua vài cái bánh bao nhân thịt kèm rau, hoặc bánh bao chay để bắt đầu một ngày mới tràn đầy hy vọng.
"Tất cả tổng cộng là 5 tệ 3 đồng."
"Cho cháu thêm chút hành lá ạ."
"Lấy cho cháu một củ gừng với cái này nữa."
"Cháu quét mã QR chưa?"
"Được rồi, đi đường cẩn thận nhé cô bé!"
Chừng mười phút sau, tôi rời khỏi chợ rau, tay xách theo mấy chiếc túi lớn nhỏ.
Ông chú bán kẹo bông ngoài cổng chợ vẫn còn đó, và khác với khung cảnh vắng vẻ khi nãy, giờ đây đã có khá nhiều người lao động chuẩn bị tan làm. Lượng người qua lại cũng đông hơn, và có hai vị khách đang tụ lại quanh chiếc máy làm kẹo bông, bên trong vang lên những tiếng nổ lách tách.
Chỉ trong thoáng chốc, mùi hương ngọt ngào của kẹo bông tràn ngập cả con phố.
Ưm~… tôi thực sự muốn thử một chút…
Tôi bất lực bước ra khỏi khu chợ.
Việc bỗng dưng biến thành một bé gái đã là chuyện khó tin rồi, lại còn không xu dính túi nữa... Làm sao mà tôi có thể sống trong tình cảnh này đây?
Chỉ cần có nhiều tiền hơn một chút thì tôi đã không cần phải lưỡng lự đến vậy chỉ vì cây kẹo bông 3 tệ rồi…
Khoan đã, sao lại có người ngồi ở đằng kia vậy?
Lúc này, tôi mới để ý đến người đàn ông trung niên mặc vest đi giày da đang ngồi dưới bức tường, đối diện với xe kẹo bông.
Người đàn ông trông chừng khoảng bốn mươi tuổi, tóc hói trán cao, nhưng bộ vest thì được giữ gìn cẩn thận, giày da cũng gần như không dính bụi. Thoạt nhìn thì có vẻ như ông là một quan chức cấp cao, hoặc ít nhất cũng là một quản lý doanh nghiệp nào đó gần đây.
Thế nhưng bây giờ ông lại ngồi bệt xuống nền đất bụi bặm, cúi gằm mặt xuống, một tay cầm ví, tay kia lướt điện thoại. Mắt ông đỏ hoe, khóe mắt vẫn còn đọng nước cùng vẻ mặt vô cùng đau khổ, như thể vừa trải qua một nốt thăng trầm của cuộc đời.
Tôi dừng bước trên đường về nhà khi nhìn thấy người đàn ông trung niên đang ngồi bệt dưới nền đất.
Con đường này nằm gần khu chợ rau, nhân viên vệ sinh chỉ quét dọn mỗi ngày một lần từ năm đến sáu giờ sáng. Còn tầm xế chiều thì đường phố rất bẩn, đặc biệt là ở những góc khuất, nơi thường có những quầy hàng rong đi ngang qua, để lại đủ thứ thức ăn thừa vương vãi khắp nơi.
Thị lực tuyệt vời của cơ thể mới này giúp tôi nhìn thấy rõ những giọt nước nơi khóe mắt của người đàn ông ấy.
Cứ như thể… một loại cộng hưởng nào đó giữa những ông chú với nhau vậy.
Thông thường, trong hoàn cảnh như thế này… hoặc là có chuyện xảy ra với người thân, hoặc là công ty phá sản, làm ăn thất bại, hay cũng có thể vừa chia tay người yêu.
Đúng như cô gái Thần Chết kia đã nói, mấy năm trước, ngoài việc đi làm tăng ca thì tôi còn tranh thủ viết lách kiếm thêm sau khi tan làm. Rất cực nhọc.
Mệt mỏi quá mức khiến tôi phải đến bệnh viện khá thường xuyên, và đôi khi bị ốm nặng, tôi thậm chí còn phải truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
Một mình đến bệnh viện, một mình đăng ký, một mình gặp bác sĩ, tựa người vào chiếc ghế lạnh lẽo trong phòng truyền dịch để chợp mắt, rồi lại một mình rời khỏi bệnh viện, tiếp tục vật lộn với đời.
Tôi từng thấy rất nhiều cảnh tượng tương tự ở bệnh viện. Những người vợ gào khóc trước cửa phòng cấp cứu, hay những người mẹ gục ngã ở một góc vì không thể lo nổi viện phí cho con.
Lý do người đàn ông này ngồi bệt xuống đất mà chẳng màng đến vẻ ngoài, có lẽ là do vừa nhận được một tin nhắn kiểu như 'ca phẫu thuật đã thất bại', 'chúng ta chia tay đi', hoặc 'ngày mai hãy đến thanh toán' khi đi ngang qua đây.
Thường thì, một hai chuyện như thế có lẽ vẫn chưa đủ để đánh gục một người đàn ông trưởng thành. Nhưng một trận lở tuyết… thường xảy ra vì tuyết đã tích tụ quá nhiều theo thời gian, để rồi một ngày, chỉ cần một chiếc lá rơi nhẹ xuống cũng khiến mọi thứ sụp đổ.
Hy vọng là ông bạn có thể cố gắng vượt qua nó.
Sau khi đứng lặng vài giây tại chỗ, tôi âm thầm gửi lời chúc tốt lành đến người đàn ông xa lạ ấy trong lòng. Tôi khẽ mỉm cười rồi ôm đống đồ vừa mua, chuẩn bị quay về căn phòng trọ nhỏ của mình.
Lúc này, người đàn ông mặc vest dường như cũng đã ổn định lại phần nào cảm xúc, ông đứng dậy và đi về phía chợ rau.
Đúng lúc đó, một chiếc xe máy không biết lao từ đâu lao tới 'brmm, brmm', xẹt qua bên người ông ta. Cú giật khiến người đàn ông run bắn lên, ví tiền trên tay cũng rơi ra ngoài, vài đồng xu lăn ra từ bên trong.
"Xin lỗi nhé!"
Gã lái xe thậm chí còn chẳng buồn giảm tốc, chỉ hô mỗi một câu rồi vọt mất hút.
"...."
Lenh keng, leng keng.
Chẳng mấy chốc, những đồng đã xu rơi vãi khắp mặt đường, vài đồng lăn đến tận chân tôi.
"Ư…"
Tôi nghe thấy người đàn ông mặc vest như nghẹn lại trong giây lát. Rồi ông ngã phịch xuống đất.
Ông ta vứt chiếc ví rỗng của mình sang một bên, thốt lên một tiếng "Ah!" đầy tuyệt vọng rồi…
Bật khóc như một đứa trẻ.


3 Bình luận