• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Web Novel

Chương 53 - Thẩm phán (3)

6 Bình luận - Độ dài: 2,857 từ - Cập nhật:

Trước khi nền văn minh sụp đổ, người ta thường hay nói nửa đùa rằng,

“Trời ạ, thiệt tình. Cái kiểu phán quyết gì vậy?”

“Thà bây giờ để cho AI làm có khi còn tốt hơn!”

Tất nhiên, nửa còn lại trong những câu nói ấy mang hàm ý nghiêm túc, rằng một AI làm từ thép và mã lệnh quả thực có thể công tâm hơn các Homo sapiens, vốn dễ bị vướng vào nhiều mối lợi ích. Giờ đây khi thẩm phán AI đã ra mắt trên toàn quốc, người ta có thể sẽ thốt lên rằng, “Oa! Cuối cùng thì thời đại mà luật pháp không thể thiên vị ai đã tới!” Đương nhiên, mọi chuyện trên đời không đơn giản như thế.

「Phán quyết. Bị cáo bị kết án tù chung thân.」

“Hả?”

“Tên đó đã giết người đấy, vậy mà lại không phải chịu án tử hình?”

“Sao chúng ta không thể giết quách tên tội phạm đi?”

Mọi người hoang mang. Bởi chưa nhận được bản cập nhật nào kể từ lúc nền văn minh sụp đổ, những phán quyết của các thẩm phán AI đều tương đối nhạt nhẽo so với khẩu vị của một nhân loại vốn đã quen mùi tận thế.

「Phán quyết. Bị cáo bị kết án ba tháng tù.」

“Hả?”

“Hắn dám sờ vào đồ của người khác, vậy mà lại không phải chịu án tử hình?”

“Sao chúng ta không thể giết quách tên tội phạm đi?”

Ngay từ đầu, khái niệm ‘án tù’ do các thẩm phán AI đặt ra đã là cổ vật tới từ một thời đại trong quá khứ. Nhà tù? Giờ còn ai dùng cái đó nữa? Tại sao người ta phải xây dựng những bức tường bất khả xâm phạm và lắp thêm cả chấn song, nhưng lại vẫn phải cho ăn, chu cấp chỗ ở, và chăm sóc các tù nhân? Chẳng lẽ các cai ngục làm việc không cần lương hay sao? Đúng vậy, thẩm phán AI rất công bằng. Nhưng cũng giống như thần linh là công bằng vậy. Tức là nếu sự công bằng ấy không tác động vào thực tế, thì sẽ chẳng có ích gì.

“Chờ một chút. Chẳng phải ba tháng tù tương đương với mất một ngón út hay sao?”

“Ồ…”

Bởi thế, sự xuất hiện của một nhóm người chuyên đi ‘giải nghĩa’ những ‘lời sấm của thần linh’ này là điều tất yếu. Vai trò của các thầy tư tế thời cổ đại và những linh mục thời Trung cổ, giờ đây được thực hiện bởi các vị hội trưởng hoặc những người mà họ tín nhiệm nhất. Một hội trưởng với đủ chiến tích để nắm giữ cả một thành phố, theo nghĩa nào đó có thể được coi là kẻ gần nhất với thần linh trong thành phố ấy.

“Đúng như mong đợi từ Hội Trưởng. Vậy còn sáu tháng tù thì sao?”

“Thế thì giống như chặt ngón trỏ thôi. Tất nhiên, nếu nạn nhân muốn, thì chặt một ngón chân cũng được.”

“Nếu là một năm tù thì sao ạ?”

“Từ một năm trở lên, chẳng phải chỉ cần chặt một bàn tay hoặc bàn chân là đủ sao? À! Nhưng làm bừa thì không ổn đâu, vì sẽ ảnh hưởng tới nguồn nhân lực lao động, nên hay là ta chia 50-50 đi… Vì dụ như hình phạt là năm ngón tay, thì ta sẽ lấy ba ngón từ người phạm tội và hai ngón từ thân nhân của bọn họ.”

“Ồ…”

“Đúng như mong đợi từ Hội Trưởng.”

Nếu nhà tù là một món cổ vật, thì hệ thống trừng phạt theo nhóm này lại giống như một món hàng mới sốt dẻo mà tất cả những bang hội thành công thời nay đều muốn có.

“Nếu toàn bộ các ngón tay và ngón chân đều bị chặt hết rồi thì sao ạ?”

“Thì bọn họ phải chết thôi. Mẹ nó. Nếu các người không chơi nổi một con game dù đã được cho tận 20 máu, thì tốt nhất là nghỉ chơi cho rồi.”

“Cũng đúng.”

“Hơn nữa, nếu chẳng có bạn bè hay thân nhân nào chịu đứng ra mất một ngón tay thay cho tên tội phạm, thì bọn họ có chết cũng chả ai quan tâm, phải không? Cứ giết quách bọn họ đi.”

“À…”

Đoạn đối thoại trên nguyên là lời của một hội trưởng ở Incheon, đã được chỉnh sửa lại để tiện theo dõi.

Cách lí giải của những ‘thầy tư tế’ còn tùy thuộc vào từng thành phố. Trong khi một số nơi như Incheon chuyển đổi sạch sẽ tất cả các án tù ra đơn vị ngón chân và tay, một thành phố khác lại coi sáu tháng tù như sáu tháng làm nô lệ, biến kẻ phạm tội thành nô lệ của nạn nhân. Nhưng đây chính xác là lí do vì sao các hội trưởng vui vẻ chấp nhận các thẩm phán AI đến vậy.

“Không tệ.”

Dang Seo-rin gõ nhẹ lên đầu thẩm phán AI.

“Thay vì một mình phân xử mọi việc từ đầu đến cuối, thì những hội trưởng sẽ thấy thoải mái hơn nếu họ chỉ phải ‘giải nghĩa’ cho một phán quyết vốn đã công tâm tới từ một ai đó khác.”

“Hừm.”

“Các phán quyết không sai. Chỉ là ứng dụng vào thực tiễn, tức là công tác giải nghĩa, vẫn còn hạn chế. Vậy nên kể cả nếu nảy sinh vài lỗi nhỏ, thì thiệt hại về uy tín của các hội trưởng cũng ít đi đáng kể. À. Chắc đây là nguyên nhân vì sao những nhà cầm quyền thời cổ đại cũng là các linh mục.”

Đúng như mong đợi từ người hội trưởng quản lí một trong những thành phố phát triển bậc nhất Bán đảo Triều Tiên, lời của Dang Seo-rin vô cùng có trọng lượng. Dù vậy, bản thân cô lại giao thẩm phán AI cho dân thường sử dụng mà không dùng AI để ra phán quyết thay mình. Không phải chỉ là bởi Dang Seo-rin tin rằng ‘chịu trách nhiệm cho những việc không cần thiết’ là phẩm chất quan trọng của một nhà lãnh đạo. Cô cũng là một Đại Phù Thủy, và phương pháp điều hành Busan của cô vô cùng độc đáo… Nếu tôi phải mô tả bằng một từ, thì sẽ là ‘rất phù thủy’. Ở Busan của cô, một hệ thống khác với tên gọi ‘phiên xét xử phù thủy’ đang được thi hành. Nhưng bởi vì nhân vật chính của ngày hôm nay không phải Dang Seo-rin, nên tôi sẽ kể câu chuyện ấy vào dịp khác.

Thật ra, tôi không quá hào hứng hay nghiêm túc về việc cho ra mắt các thẩm phán AI. Chỉ là tôi bị bất ngờ trước ý tưởng độc đáo của Noh Do-hwa. Như đã nói ở trên, các phán quyết của thẩm phán AI quá xa rời thực tiễn—chẳng hơn gì những câu châm ngôn của Khổng Mạnh nếu nói về ứng dụng. Tôi, Người Đưa Tang, có một ước mơ. Ước mơ rằng một ngày nào đó, tôi sẽ tạo ra một hệ thống tư pháp mới phù hợp với một thế giới hậu tận thế. Từ góc nhìn của tôi, các thẩm phán AI chỉ đơn thuần là một phát kiến thông minh, một sản phẩm khiếm khuyết không đạt tới tiêu chuẩn của một hồi quy giả.

Vậy nhưng mỉa mai thay, chính đặc điểm ‘xa rời thực tiễn’ này lại gây thiện cảm với không chỉ những vị hội trưởng mà còn cả công chúng.

“Tại sao mày không kết án tử hình cho ai?”

「Bắt đầu trả lời. Trong triết lí luật học và tư pháp hiện đại, án phạt tử hình có thể được xem xét dưới nhiều phương diện. Trong số đó, lập luận được ủng hộ nhiều nhất là chính phủ không thể quyết định quyền được sống của công dân. Công dân chuyển giao một số quyền vào tay chính phủ qua hợp đồng xã hội, nhưng họ vẫn được giữ lại đặc quyền về phẩm giá mạng sống. Chính phủ không phải là cá nhân mà là một thể nhân tạo giống như một chương trình, và bởi vậy không thể tự quyết định những thứ không được lập trình sẵn.」

“Ờm… Thế thì sao?”

「Đang hạ thấp cấp độ thông minh của lời giải thích xuống hai mức. Thay đổi câu trả lời. Chính phủ không phải một thực thể hoàn hảo. Chính phủ có thể mắc lỗi bất kì lúc nào. Thẩm phán bất tài, thao túng bằng chứng với mục đích xấu, hoặc các phe phái dựng lên những màn giết người với âm mưu chính trị, tất cả đều có thể là nguyên nhân dẫn đến các lỗi sai của chính phủ. Bởi vậy, ngăn chặn các hành vi phá hoại sinh mạng là điều nên làm, bởi những hành vi như vậy ‘không thể đảo ngược được’.」

“Ồ… Vậy thì sao?”

「Đang hạ thấp cấp độ thông minh của lời giải thích xuống sáu mức. Thay đổi câu trả lời. Hãy trân trọng cuộc sống.」

Quả thực như lời nói của mình, thẩm phán AI không hề kết án từ hình trong bất kì trường hợp nào.

“Một tên sát nhân giết hại dã man đứa bé hai tuổi chẳng vì lí do gì. ”

「Có thể tuyên án tử hình, nhưng án sẽ không được thi hành.」

“Một tên điệp viên kiêm khủng bố đánh bom các tòa nhà công cộng, giết hại ba nghìn người!”

「Có thể tuyên án tử hình, nhưng án sẽ không được thi hành.」

“Hitler!”

「Có thể tuyên án tử hình, nhưng án sẽ không được thi hành.」

“Mẹ kiếp, đến thế rồi mà vẫn không bị tử hình? Thật à?”

Và khi mọi chuyện diễn ra như vậy, các công dân của Busan (Dang Seo-rin đặt NPC thẩm phán ở giữa quảng trường để người dân tùy ý sử dụng) cũng chẳng biết nói gì hơn. Đến mức nào thì một người mới bị tử hình?

“...Đúng là lố bịch. Một nhát dao vào cổ thôi là tên tội phạm đi đời, dễ ợt. Sao nó cứ phải nhất quyết không tử hình làm gì?”

“Hừm, nhưng thử nghĩ mà xem, trước khi thế giới biến thành dạng này, đúng là mọi thứ vận hành như thế. Những kẻ đáng chết lại không phải chết và chỉ ngồi chơi ăn cơm trong tù.”

“Ờ. Đúng, hồi xưa là như vậy.”

“Sao giờ mọi thứ lại thành ra thế này?”

“...”

“...”

Những con người của thời tận thế thường nhớ về quá khứ.

Những người sống sót, vốn chỉ biết cắm đầu chạy về phía trước mà không ngoái lại và chật vật sống sót qua ngày, giờ đây nhận ra họ đã chạy xa đến mức nào khi nghe những phán quyết của thẩm phán AI. Đúng vậy, thế giới đã thay đổi. Bản thân họ cũng thay đổi. Họ dừng chân lại lấy hơi trong chốc lát, khả năng nhân loại đánh bại Hư Không và xây dựng lại nền văn minh dường như vẫn còn rất xa. Người của thời đại này đều biết rằng họ đang chứng kiến những năm cuối cùng của nhân loại.

Nỗi nhớ thương về một ngôi nhà họ không thể trở về.

Vậy nên, con người của thời đại này dành thời gian rảnh (không biết vì phép lạ gì mà thi thoảng vẫn có dịp như vậy) bằng cách tụ tập ở các tòa nhà bang hội và xem ‘phim từ thời đại trước’ trên những chiếc tivi lớn. Bất kể bộ phim có nhàm chán đến mức nào.

“Oa, nhìn xem mấy con đường nhựa sạch chưa!”

“Xe ô tô đang chạy vòng quanh kìa!”

“Đúng là điên mà. Bọn họ uống cà phê cứ như nước lọc vậy.”

“Sao anh ta không giết luôn tên khốn vừa va vào mình đi?”

Với mọi người, những hình ảnh xưa cũ ấy giống như phương tiện để nhớ về một thời quá khứ hoàng kim của nền văn minh nhân loại. Bằng chứng nằm ở cách họ xem tivi. Họ không ngồi gọn thành hàng ngang và chăm chú nhìn màn hình. Thay vào đó, họ quây quần lại với nhau, cắn lạc, thi thoảng liếc qua màn hình, và trao đổi rõ to về những ‘vật phẩm kì lạ’ trên video.

“Nước nóng ngay trong nhà? Lại còn chỉ cần ấn nút là lấy được một chai nước? Oa…”

“Nhưng sao nhìn bọn họ bất mãn thế? Gần như thiên đường còn gì nữa.”

“Dù sao, mấy tên đó đều bị chiều quá sinh hư rồi. Phải bị quái vật xé đầu moi não ra thì bọn họ mới khá lên được. Ê, đưa tôi cái búa, hạt này khó mở quá.”

Gần như một bức tự họa đương đại. Đây là lí do tại sao những ‘phán quyết phi thực tiễn’ của các thẩm phán AI, vốn ban đầu bị xem như đồ chơi, nhưng theo thời gian, dần mang trên mình một màu sắc khác.

「Phán quyết. Bị cáo B trả cho Nguyên cáo A một triệu won.」

“Thật sao? Chờ chút nhé, khoảng một tuần là tôi gom đủ.”

“Hả?”

Một số người bắt đầu nghiêm túc chấp hành các phán quyết của AI. Trong thế giới hiện tại, tiền giống một thứ bùa may hơn là đơn vị trao đổi—một thứ để nhắc nhở người ta rằng họ từng thuộc một xã hội văn minh. Để gom đủ ‘một triệu won’ bùa may như thế là cực kì khó khăn. Nhưng một công dân bắt đầu thu thập tất cả những tờ 50,000 won, 10,000 won, 5,000 won, và 1,000 won mà anh ta thấy và sau cùng đưa đủ một triệu won cho nguyên cáo.

“Như vậy đã ổn chưa?”

“Ờ, ừm…”

“Tốt rồi. Xin lỗi vì làm gián đoạn công việc kinh doanh của anh. Từ giờ chúng ta hoà nhé.”

Ngạc nhiên thay, lời xin lỗi của công dân kia được chấp nhận. Tiền bạc, vốn đã mất hết ý nghĩa trao đổi hàng hóa và chỉ còn là một thứ bùa may—tức là mất hết ý nghĩa của tiền bạc bình thường—giờ đây được xem như một cái giá để hòa giải. Sự kiện này vô tình dẫn tới việc nhiều công dân hơn tự nguyện chấp hành các phán quyết của AI.

Tất nhiên, các công dân không dựa vào thẩm phán AI trong trường hợp họ bị thương hoặc tính mạng họ gặp nguy hiểm. Nhưng với những vụ cãi vã nhỏ không đáng để chém giết lẫn nhau, thì người ta sẵn sàng tuân theo các ‘phán quyết cũ’—thứ công lí từ thời thế giới vẫn còn nguyên vẹn.

“Đây là ba triệu won.”

“Từ giờ hãy hòa thuận với nhau nhé.”

Ngay cả khi lần in tiền gần nhất là hơn mười năm trước, và những tờ giấy bạc đều đã nhàu nát và nhớp nháp bởi những cái chạm, mọi người vẫn vô cùng trân trọng và dùng chúng để trao đổi. Nếu nhìn nhận một cách khách quan, thì cử chỉ ấy không giống chấp hành luật pháp, mà giống một nghi lễ. Một nghi lễ để chứng minh và khẳng định với nhau rằng họ từng cùng là thành viên của một thế giới đã sụp đổ. Một thủ tục để xác nhận rằng chúng ta từng thuộc chung một xã hội. Biết sao được? Thông thường khi tận thế ập tới trong các tác phẩm văn học, tiền tệ sẽ bị coi như rác ngay lập tức, nhưng thực tế khác xa những tác phẩm ấy.

“...Đúng là không ngờ mà.”

Như thể tâm trí tôi vừa bị vả một cái. Nhưng cảm giác ấy không hẳn là tệ. Sau cùng, tôi đã xác nhận được rằng bất kể thế giới có bị phá hủy đế đâu, một số người vẫn cảm thấy nhớ nhà. Ngay cả sau vòng lặp thứ 109, tôi vẫn giữ những ‘thẩm phán AI’ lại. Kể cả nếu chúng không giúp ích gì về mặt tư pháp, nếu các AI có thể tồn tại để nhắc nhở con người của thời đại này về một phần ‘nhân loại’ rất nhỏ trong họ, thì chẳng phải bản thân điều ấy đã có ý nghĩa rồi sao?

“Thưa Tòa.”

「Vâng.」

“Có một vô tận hồi quy giả. Một lão già bỏ rơi cả công việc lẫn đồng nghiệp để đi tán tỉnh vợ lão. Nhờ ơn lão mà người đồng nghiệp còn lại này phải làm hùng hục đến gãy cả lưng để giải cứu thế giới. Một hồi quy giả hèn hạ như vậy phải chịu phán quyết thế nào cho thoả đáng?”

「Phán quyết. Vô tội.」

‘Nhân loại’ cái quái gì chứ.

Rõ ràng AI vẫn không hiểu được đầu óc của con người.

== Thẩm phán. Kết. ==

Bình luận (6)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

6 Bình luận

Sau hàng ngàn năm, anh ấy vẫn cay(=
Xem thêm
Thanks for new chapter, trans
Xem thêm
vâng anh vẫn rất cay
Xem thêm
:)))))vô tội
TFNC~~~
Xem thêm
:)))))vô tội
TFNC~~~
Xem thêm