• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Oneshot

Chương 01-Những khoảng trời đơn sắc (1)

11 Bình luận - Độ dài: 4,197 từ - Cập nhật:

u68792-1bb64ba6-5b4c-468f-8e55-044f92f1e460.jpg

Má, mình ghét mùa hè.

Đó là suy nghĩ nảy lên trong tâm trí tôi trong lúc tôi đang phải ngồi nướng người trên sân ga bê tông, thầm cầu nguyện rằng chuyến tàu sẽ tới thật mau để có thể ban cho mình một sự cứu rỗi ngắn ngủi khỏi cái oi bức mới sáng ngày ra.

Giờ mới chỉ là đầu tháng Bảy, vậy mà thời tiết đã hầm hập như một cái lò hơi mỗi lần tôi đặt chân ra khỏi cửa. Nội cái nóng như thiêu như đốt và độ ẩm cao thôi đã đủ khổ sở rồi, thế mà đám ve lại còn khuyến mãi thêm những tràng râm ran không dứt, đủ khiến cho con đường đi học ban sáng này của tôi chẳng khác nào một buổi hành xác đầy bệnh hoạn.

Khi tôi còn đang đinh ninh rằng tình hình chẳng còn có thể tệ hơn thì từ chiếc loa phóng thanh độc nhất của nhà ga vang lên tiếng thông báo rè rè.

“Ờm, tất cả hành khách xin chú ý. Chúng tôi rất tiếc phải thông báo rằng chúng ta đang gặp phải một sự chậm trễ đáng kể do chuyến tàu vừa bất ngờ xảy ra va chạm với một con hươu trên đường tới ga. Chúng tôi hiểu rằng thời gian của các quý hành khách là vô cùng giá trị, vì vậy chúng tôi xin lỗi sâu sắc vì sự bất tiện này. Hi vọng rằng các quý hành khách hãy nhẫn nhịn chờ đợi trong lúc chúng tôi tìm cách giải quyết tình hình…”

Chiếc loa phóng thanh cũ kĩ rỉ sét gắn trên đỉnh cột điện nằm cạnh sân ga phát ra những tiếng loẹt xoẹt khi dòng thông báo bị ngắt.

Đùa nhau. Lại nữa à.

Tôi thầm than vãn. Tháng trước cũng y sì như thế này, mặc dù thay vì là hươu thì lần đó là một con heo rừng.

Chạy qua cái sân ga tồi tàn nhìn thẳng ra biển này chỉ vỏn vẹn mỗi một trục đường ray. Mạn đổ về đất liền của sân ga cũng chỉ có đúng rừng cây rậm rạp và một con dốc đứng. Bởi là một trong số ít các nhà ga vô cùng hẻo lánh còn sót lại ở cái tỉnh lẻ vẫn chưa được tái thiết này cho nên nơi đây đã ít nhiều trở thành một địa danh nổi tiếng đối với những nhà thám hiểm ấp ủ niềm hi vọng có được cơ hội liều mình bước ra khỏi những con đường mòn.

Mà ngặt một nỗi, tình trạng cũ nát của tuyến đường ray cũng đồng nghĩa với những sự cố trì hoãn kiểu hôm nay xảy ra như cơm bữa. Cơ mà không phải tôi bận tâm tới chuyện trễ học hay gì hết. Nếu là vào bất cứ khoảng thời gian nào khác trong năm thì tôi sẽ rất hoan nghênh cái sơ suất dẫn đến trễ học từ trên trời rớt xuống này đấy. Có điều, lúc này thì tôi lại thích cái ý tưởng được ngồi trong căn lớp học mát rượi điều hoà hơn là mòn mỏi chờ đợi dưới cái nắng đổ lửa này chẳng biết cho tới bao giờ.

Sự chậm trễ gây ra bởi thú hoang thường kéo dài từ vài phút tới cả tiếng đồng hồ, song cái cách nhân viên thông báo dùng từ “đáng kể”, cộng thêm với những kinh nghiệm đã nằm lòng từ trước, tôi tin rằng mình sẽ còn bị mắc kẹt ở cái chốn này thêm ít nhất 30 phút nữa.

“Hay thật. Coi bộ mình sắp bị nấu chín luôn rồi…”

Tôi càu nhàu, gục đầu cam chịu. Những tia nắng gay gắt rọi xuống gáy tôi không chút thương tiếc. Giơ ống tay của chiếc áo sơ mi đã nới cúc cổ lên, tôi quẹt đi giọt mồ hôi đang đổ xuống từ thái dương trước khi nó rây vào mắt.

Có thể bạn sẽ cho rằng việc lắp đặt một khu vực chờ khép kín trang bị điều hoà không khí không phải là một vấn đề gì quá khó khăn đối với nhà ga, nhưng nói đi cũng phải nói lại, cái nhà ga này tới cửa soát vé tự động còn chẳng trang bị nổi thì cái nguyện vọng kia là một thứ quá ư là xa xỉ đi. Tất cả những gì tôi có thể làm là lết tới một trong hai chiếc ghế dài nằm dưới tấm mái che bằng gỗ ọp ẹp để phần nào làm dịu đi cơn nóng. Chiếc còn lại đã được chiếm dụng bởi hai nữ sinh cùng trường với tôi, lúc này đang tíu tít chuyện trò, như thể cái tiết trời đổ lửa kia chẳng hề có chút tác động nào tới họ dù chỉ là một chút.

“Ngon lành cành đào rồi! Suy cho cùng thì, bọn mình khả năng là sẽ trốn được tiết thể chất đầu đấy!”

“Ừ á, cơ mà tội nghiệp chú hươu kia ghê…”

“Thôi nào, chọn lọc tự nhiên thôi mà.”

Một cảnh tượng quen thuộc mỗi buổi sáng. Hai cô nàng hầu như lúc nào cũng lệch sóng nhau, song xét theo điệu cười khúc khích không ngừng của cả hai thì có vẻ như chuyện ấy chẳng thành vấn đề với họ lắm.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế trống đối diện với hai nữ sinh kia và nhích người ra góc xa của chiếc ghế hết cỡ để không khiến hai cô nàng cảm thấy rằng tôi đang xen vào cuộc trò chuyện của họ.

Bóng râm, buồn thay, chẳng mát hơn được là bao, cho nên tôi tháo chiếc cúc trên cùng của chiếc áo và dựa người vào lưng ghế, phe phẩy cổ áo hòng kiếm chút gió cho mình. Thế rồi, như để đáp lại lời cầu khẩn từ tôi, một làn gió ven biển dễ chịu thổi qua, đem theo hương cay nồng của muối biển lấp đầy khoang mũi.

Ở phía bên kia đường ray, đất đá dần dần sụt xuống trước khi trầm mình vào lòng biển. Nhìn ra phía ngoài rìa mỏm đá, càng tiến dần về phía đường chân trời mờ ảo, bầu trời xanh lơ càng dần lợt màu. Ngược lại, mặt biển lại dần đổ một màu xanh thẫm sâu hơn, trầm hơn. Từng cơn sóng biển lấp lánh ánh mặt trời một cách dịu nhẹ.

Việc phóng tầm mắt ngắm nhìn khung cảnh đại dương vào buổi sáng sớm gần như vốn đã là một phương thức trị liệu, tương tự như đắm chìm trong ánh sáng lung linh mong manh của đèn cầy hay nhịp chảy của một con suối róc rách. Nó là một trong những thứ mà con người ta có thể dành hàng giờ đồng hồ để thoả sức ngắm nhìn mà không bao giờ cảm thấy chán chường, êm dịu tựa như thuật thôi miên.

Sau một hồi đưa mắt theo những cơn sóng xô bờ, tôi quay người để nhìn lên chiếc đồng hồ cột cao đằng sau lưng. Giờ đã là 8 rưỡi. Ngay cả khi con tàu xuất phát tại thời điểm này đi chăng nữa thì vẫn phải mất 30 phút để bọn tôi có thể tới được nhà ga dự kiến, còn lớp học thì bắt đầu từ 10 giờ.

Sự đã rồi, tôi cũng đành chấp nhận sự thật rằng hi vọng tới trường kịp giờ coi như đã tiêu tan và khép đôi mắt lại để chợp mắt một giấc.

Không lâu sau đó, một trong hai cô gái đang ngồi đối diện nói một điều khiến cho tôi phải dỏng tai lên để lắng nghe.

“Vậy nè…cậu đã bao giờ nghe nói về đường hầm Urashima trước đây chưa?”

Cô ấy hỏi người bạn của mình.

“Mèn ơi” Cô gái còn lại rên rỉ. “Không phải lại một câu chuyện ma khác đó chứ?”

“Tào lao, không hẳn nha. Ý tớ là, có yếu số siêu nhiên thật, nhưng nó nghe giống truyền thuyết đô thị thì đúng hơn.”

“Một truyền thuyết đô thị kinh dị?”

“Chắc là vậy ha?”

“Thế thì thôi miễn. Xin kiếu. Mị khum muốn nghe.”

“Ôi thôi nào. Không dính dáng gì tới ma quỷ đâu, hứa. Dù sao thì, điểm mấu chốt cơ bản của câu chuyện là ở, cái đường hầm ấy sẽ thực thi bất kì điều ước gì cho những ai đặt chân vào nơi đó.”

“Bất kì điều ước gì? Mà lại chỉ việc đi vào trong đường hầm thôi sao?”

“Ừ á. Mọi điều ước luôn.”

“Hơ…và tất cả chỉ có vậy thôi sao?”

“Không, cơ mà đây nhé, từ khúc này chuyện bắt đầu trở nên rợn tóc gáy hơn đây nè…Vậy thì, giả dụ như, cậu đã thoả được điều ước của mình rồi đi. Và giờ cậu đã sẵn sàng để quay trở về nhà. Nhưng đường hầm Urashima nào có để cậu rời đi dễ dàng như thế. Nó sẽ luôn lấy đi một thứ từ cậu, có đi thì phải có lại.”

“Và thứ nó lấy đi là cái gì?”

“Tuổi thọ. Những năm tháng cuộc đời cậu. Cậu đi vào khi còn đương thiếu nữ, nhưng khi trở ra thì đã hoá một bà lão nhăn nheo.”

“Uầy…Thế thì nó như kiểu, liệu bạn có sẵn lòng đánh đổi những năm tháng rực rỡ nhất cuộc đời để trở thành một tỉ phú sống trong nhung lụa, kiểu kiểu vậy ha?”

“Ừ, chuẩn rồi đấy!”

“Thánh thần thiên địa ơi, mới nghĩ thôi đã dựng hết cả tóc gáy rồi.”

“Thấy chưa, đã bảo cậu rồi mà!”

Hai cô nàng tiếp tục tám chuyện giời biển.—Mà chúa ơi, nhắc tới rợn tóc gáy, hôm qua tớ phát hiện ra một con nhện siêu to khổng lồ trong phòng mình đấy! Eo ơi, thật á? Ừ, tớ phải đi cầu cứu ông tớ và ông đã xử đẹp nó bằng tờ báo cuộn lại đó. Haha, ông cậu đúng là ngầu bá cháy ha. Ừ á, ông tớ tuyệt vời lắm

Có mới nới cũ, đổi chủ đề trò chuyện với tốc độ ánh sáng, còn cái chủ đề trước đó thì bị vo lại chẳng khác nào một tờ báo cũ, chỉ còn hữu ích cho việc giết nhện. Song chính tôi lại thò tay vào trong cái sọt rác đó để nhặt ra từ trong tất cả những bài báo mà bọn họ đã vứt đi không thương tiếc ấy tờ báo nhàu nát đã khơi gợi sự hứng thú của bản thân kia, cứu nó khỏi số phận tan tành trong máy xén giấy, rồi chà cho tờ báo ấy phẳng phiu trong tâm trí để đọc lại thêm một lần nữa.

Đường hầm Urashima-một lối đi bí ẩn, nơi khiến cho những ai đặt chân vào già đi một cách chóng vánh, song đổi lại, sẽ đáp ứng cho họ bất cứ điều ước nào. Đây là lần đầu tiên tôi nghe về truyền thuyết đô thị này, dù rằng chỉ dựa vào mỗi tên cũng như trò lừa bịp về thời gian cũng có thể thấy được rằng nó được thêu dệt lên từ cổ tích Urashima Taro.[note44648]

Trong khi “biến mọi mong ước trở thành sự thật” công tâm mà nói là một yếu tố rập khuôn tới phát nhàm đối với những câu chuyện như thế này, thì khoản “lão hoá nhanh chóng” ít ra cũng khá là độc đáo.

Tôi băn khoăn rằng liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ai đó đi vào đường hầm và ước được cải lão hoàn đồng. Liệu làm vậy có thể lừa phỉnh được cái hệ thống kia không, hay đơn giản người đó sẽ chỉ thoáng hồi xuân trước khi hoá trở lại thành một bô lão ngay thời khắc đặt chân ra khỏi đường hầm? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ ước có được nguồn cung vô hạn huyết thanh trẻ hoá có thể mang theo bên mình? Hoặc là, sự bất tử?

Mà, cũng chỉ là mấy câu hỏi để tìm ra lỗ hổng thôi.

Tôi thầm nghĩ vậy trong lúc mở mắt ra và thấy rằng chuyến tàu cuối cùng cũng tới ga. Tôi liếc qua chiếc đồng hồ và nhận ra rằng tàu tới trễ 35 phút. Song nhờ ít phút ngắn ngủi thiêm thiếp đi, cộng kèm với việc hóng được câu chuyện bổ ích cho trí tưởng tượng nữa cho nên 35 phút ấy cũng không dài là bao.

Đầu tàu không hề có chút máu me để minh chứng cho việc đã đâm vào một con hươu hay gì cả, mà vẫn chỉ sạch láng như thường. Tôi lên tàu từ cửa sau và thở dài nhẹ nhõm khi làn gió điều hoà từ bi chậm rãi làm dịu cơ thể bị mặt trời nướng cháy của mình từng chút một. Ngay thời điểm tôi thả người xuống chiếc ghế trống gần nhất gần nhất, các cánh cửa khí nén đóng lại với một tiếng “xì”. Đoàn tàu lại tiếp tục lăn bánh, hướng tới đích đến.

“Cảm ơn các quý hành khách đã lựa chọn đồng hành cùng với chúng tôi ngày hôm nay. Chúng tôi xin bày tỏ lời xin lỗi chân thành nhất tới tất cả các quý hành khách, vậy nên xin hãy vui lòng lắng nghe thật kĩ thông báo ngay sau đây…”

Mà khoan, tôi vừa mới nhận ra bản thân đang suy nghĩ thẩn thơ trong lúc người nhân viên thông báo đang đọc một trong những lời cáo lỗi được thảo sẵn bởi chủ doanh nghiệp.

 

Hình như hôm nay lớp mình có học sinh mới chuyển đến thì phải?

*

Trường cấp ba Kozaki cách không xa nhà ga gần nhất, và nó cũng là ngôi trường mà hầu hết mọi cư dân sống ở vùng lân cận theo học, trừ những thí sinh xuất chúng và những ai thi trượt đầu vào.

Mặc dù toạ lạc ở một nơi hẻo lánh, song nó vẫn giống như các ngôi trường cao trung bình thường có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Ừ thì có thể là các toà nhà sử dụng cấu trúc cách tân đấy, và thỉnh thoảng còn có thể bắt gặp cáo hoặc lửng chó[note44649] lang thang ngoài sân thể dục nữa, nhưng ngoài ra thì ngôi trường hoàn toàn không còn điểm nhấn nào khác cả.

Sau khi đổi giày ở lối vào, tôi đi tới lớp 11A. Vì lúc tới trường thì đã đang là giờ giải lao giữa tiết cho nên sẽ không có gì ngạc nhiên nếu tôi bắt gặp cảnh bạn học đứng túm năm tụm ba tám chuyện dọc hành lang.

Song, ngay khi đi hết cầu thang và rẽ ở một góc, tôi đã hơi ngỡ ngàng khi đập vào mắt là cảnh tượng một đám đông lớn đang chen chúc ngay trước cửa lớp mình. Lúc ban đầu, tôi còn đang thắc mắc xem liệu có phải ai đó đã đập vỡ cửa sổ, hay liệu đang có vụ đánh lộn nào hay không. Nhưng rồi trong đầu tôi loé lên một suy nghĩ, và tôi lúc này mới nhận ra rằng chắc hẳn những người này túm tụm ở đây là để xem mặt học sinh mới chuyển đến kia.

Giáo viên của bọn tôi đã nói rằng chuẩn bị có một bạn nữ chuyển tới lớp, vậy nên việc xuất hiện những ánh mắt hiếu kỳ là hoàn toàn có thể đoán được. Song theo như tôi thấy, để thu được ngần này sự chú ý thì hẳn cô bạn học mới kia phải xinh dữ lắm.

Tôi chen qua đám đông hiếu kỳ để đi vào trong lớp. Và ngay khoảnh khắc thoát ra khỏi biển người kia, tôi liền nhìn thấy cô ấy.

Khoác trên người một bộ váy yếm mang hơi hướm cổ điển và có phần sang trọng, người con gái ấy toát ra vẻ rực rỡ gần như là chói loá so với những nữ sinh khác ở trong lớp chỉ diện độc một bộ đồng phục thuỷ thủ mang tính bắt buộc.

Xem chừng chuyện đơn giản chỉ là nhà trường chưa chuẩn bị được đồng phục cho nữ sinh mới tới này, nhưng chính bộ cánh hiện tại mà cô đang diện khiến cho cô gái ấy trở nên nổi bật hơn hẳn đám chúng tôi, gần như chẳng khác nào một ai đó đã biếng nhác cắt cô ấy ra khỏi một nơi nào đó mà cô vốn dĩ thuộc về và hấp tấp ném cô vào nơi đây bằng công nghệ chỉnh sửa ảnh. Mặc dù, để làm cho rõ thì gương mặt khả ái của cô cũng không phải chịu hư hại gì cả.

Mái tóc đen dài thẳng mượt của cô thoạt nhìn toát lên vẻ trưởng thành nghiêm nghị, nhưng nhờ đôi mắt to hình hạnh nhân mà cái ấn tượng mà cô đem lại cũng dịu đi phần nào.

Ngay cả cái cách mà người con gái đó hoàn toàn chìm đắm vào từng trang sách đang đọc kia trong khi vẫn giữ được tư thế ngồi thẳng lưng hoàn hảo cũng không kém phần quyến rũ.

Theo như những tiếng xì xào thì nhan sắc của cô ấy phải ngang, nếu không muốn nói là hơn, với Koharu Kawasaki, người được đại đa công nhận là nữ sinh xinh đẹp nhất lớp bọn tôi. Nhưng ngoài ra, vì một lí do nào đó mà dường như ở cô có một sự hài hoà tới mức xuất sắc nhẹ, gần như tạo ra một cảm giác rằng đối phương chính là bông hoa đẹp trên đỉnh núi cao, khó lòng với tới.

Thật vậy, khi mà mặc dù đã trở thành chủ đề bàn xa tán gần khắp ngôi trường, song chưa một ai có đủ gan dạ để tiếp cận cô. Dường như ai nấy đều cảm thấy tương đối hài lòng khi được chiêm ngưỡng nữ sinh mới chuyển trường này từ xa.

Vốn cũng chẳng muốn vào vai người đầu tiên ra mặt chấm dứt tình trạng ấy cho nên tôi cứ vậy lết thẳng về chiếc bàn nằm bên mạn cạnh hành lang của mình và ngồi vào chỗ.

“Ê Kaoru! Bữa nay có gì đặc sắc không mày?” Một giọng nói hớn hở hoạt bát vang lên sau lưng tôi.

“Chẳng có chi hết mậy” Tôi đáp và quay người lại mặt đối mặt với chủ nhân của giọng nói kia.

Đó là Shohei Kaga, cậu bạn thân cùng lớp tôi.

Với dáng ngưởi dong dỏng, tóc húi cua và cách ăn nói thẳng như ruột ngựa của anh chàng thì việc bạn coi chàng ta như đúc ra từ cùng một khuôn với cậu bạn đầu đất ưa thể thao của bạn thì việc đó hoàn toàn có thể thông cảm được. Nhưng thực tế mà nói, cậu ta lại thuộc tuýp thích làm tổ trong nhà và có toàn những thú tiêu khiển dành cho dân não to.

Cậu ta là một thành viên của Câu lạc bộ Thư pháp của trường. Thậm chí vào những lúc rảnh rỗi, cậu ta còn rất khoái trò lắp ráp tàu mô hình trong chai nữa cơ.

“Nghe nói chuyến tàu mày đi đâm phải một con nai phỏng?”

“Ờ.”

“Quái, cảm giác dạo gần đây chuyện đấy cứ xảy ra quài ha. Tao thấy ghen tỵ muốn nổ đom đóm mắt với mày luôn. Ý tao là, với một thằng phải tự đi xe tới trường như tao, tao sẽ chẳng bao giờ được tận hưởng chút lợi lộc từ những sự cố nho nhỏ kiểu đấy.”

“Ờ, mày thì hay rồi. Cứ thử lê mông bên ngoài nửa tiếng đồng hồ giữa cái tiết trời giữa hè hay tầm chính đông đi rồi quay lại đây nói tao nghe mày còn bao nhiêu ghen tỵ hén.”

“Cơ mà…tao đi xe đạp điện nên nắng mưa sương sãi tao cũng trải đủ chứ bộ.”

“Ờ thì công nhận.” Tôi hết đường chối cãi.

Shohei khẽ liếc về phía nữ sinh mới tới.

“…Cá là dân Tokyo chẳng bao giờ phải bận tâm tới mấy sự cố kiểu này đâu nhể.”

“Có chứ sao không. Suốt luôn là đằng khác.”

“Èo, có làm sao được. Tokyo thì đào đâu ra hươu với chả nai.”

“Nhưng lại không thiếu mấy người làm công ăn lương lao đầu xuống đường tàu.”

“…Lạy thánh, thi thoảng thánh lại có mấy phát ngôn đen tối không chịu được.” Shohei nhăn mặt, trông như thể cả đời này cậu ta chưa từng kinh tởm tôi hơn thế.

Công bằng mà nói, về phần mình thì có lẽ đó chỉ là một trò đùa khá là vô vị thôi, mặc dù bản thân tôi không khoái cái cách cậu ta nói như thể tôi thường xuyên làm như vậy lắm không bằng. Dẫu vậy, chuyển chủ đề vẫn là một ý hay.

“Cơ mà này, tại sao chúng ta lại so sánh mình với dân Tokyo nữa vậy ba?”

“Ờ thì, tại vì nghe cô H bảo bạn học sinh mới kia đến từ đó mà.”

À, ra vậy.

Cô Hamamoto là giáo viên mới được biên chế bởi nhà trường năm rồi, đồng thời cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp chúng tôi. Mặc dù để làm cho rõ thì cô ấy không phải là kiểu nữ giáo viên trẻ trung nóng bỏng mà con trai tuổi mới lớn tầm thường luôn mơ mộng hão huyền đâu.

“Ái chà. Big city girl cơ hả?”

“Ờ, kiểu gì nhỏ cũng phải sầu thảm khi chuyển về đây lắm cho mà xem mậy. Thử tưởng tượng cảnh đang sống từ bé đến lớn ở Tokyo, giờ lại phải chuyển về cái xứ khỉ ho cò gáy này mà xem.”

“Công nhận.” Tôi bật cười và liếc một lần nữa về phía cô ấy. “Mày có nghĩ cô ấy đang bị sốc văn hoá hay gì không?”

“Hở? Ý mày là sao?”

“Không biết nữa, chỉ là hình như cô ấy đang tự cô lập bản thân khỏi lũ bọn mình. Tao chỉ băn khoăn là cô ấy đang làm sao thôi.”

“Vậy luôn cơ?” Shohei vênh mặt. “Vậy là mày bị thu hút bởi gái cô độc phỏng? Mà cũng không trách mày được. Nhỏ xinh thế kia cơ mà.”

“Ề, tào lao nha. Tao chỉ đang tò mò xem cô ấy muốn làm gì thôi, không hơn không kém.”

“Vậy thì thông tin tới mày nhé, tên nhỏ là Anzu Hanashiro. Và này chàng trai, dỏng tai lên tao nói cho mà nghe nè, hình như nhỏ rất có cá tính à nha.”, nói rồi Shohei bắt đầu kể về một giai thoại khá thú vị.

Coi bộ câu chuyện là như thế này. Cô H đã giải thích với lớp rằng vì chuyện gia đình mà bạn nữ mới tới—Anzu Hanashiro—đã chuyển tới sống ở Kozaki, mặc dù đây là lần đầu tiên cô ấy chuyển trường. Nhưng khi được yêu cầu nói vài lời để giới thiệu về bản thân với cả lớp thì cô nàng cộc cằn đáp trả, tôi xin phép được trích dẫn cụ thể: “Khỏi đi ạ. Giờ em về chỗ được chưa?” Theo lời kể của Shohei thì cô H đã bị cái thái độ bất tuân đường đột ấy làm cho phát hoảng, tới độ còn chẳng thể nặn nổi câu nào để đáp lại luôn.

Tới tôi cũng không tin nổi vào tai mình. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà Shohei đang truyền đạt lại câu chuyện nho nhỏ ấy cho mình, tôi đã chứng kiến một người bạn cùng lớp tiến tới chỗ nữ sinh mới tới kia và cố gắng bắt chuyện, để rồi rốt cục chỉ nhận được câu đáp rằng “Phiền cậu giữ im lặng giùm. Không thấy tôi đang phải cố gắng đọc sách à.”

“Chà…Chắc là tao hiểu được tại sao cô nàng lại trở thành người cô độc rồi đấy.” Tôi lắc đầu ngao ngán và cười trừ.

“Cơ mà đáng tiếc thật nhể…nếu nhỏ mà thân thiện hơn một chút thôi là sẽ đáng yêu khỏi bàn luôn rồi.” Shohei than thở. “Mà thôi kệ vậy. Chỉ hi vọng là sẽ không ai cố gắng gây sự với nhỏ.”

“Ể, tao cá chắc là cô ấy sẽ ổn thôi. Coi bộ cô nàng cứng ra phết đấy, đố ai chọc giận nổi cổ.” Tôi đáp.

Hôm nay tôi có chuyện đáng để lưu tâm hơn là một học sinh chuyển trường—tiết sau sẽ có bài kiểm tra. Tôi lôi ra từ trong cặp sách giáo khoa và vở viết môn Toán. Song, ngay trước khi tôi kịp khởi động màn ôn tập phút chót nho nhỏ thì chuông đã reo và tiết hai chính thức bắt đầu.

Ghi chú

[Lên trên]
Urashima Taro là một trong những truyền thuyết dân gian phổ biến ở Nhật, kể về anh ngư dân Urashima Taro trong một lần cứu một con rùa đang bị đám trẻ tra tấn đã ra tay cứu giúp. Sau này hay chuyện rằng con rùa đó chính là công chúa biển cả Otohime. Anh sau đó đã được trao 1 cái mang cá như phần thưởng để xuống long cung diện kiến quốc vương Ryujin và công chúa Otohime. Ở lại Long cung 3 ngày, Taro nhớ nhà và khăng khăng xin về, công chúa không cản được đành đưa anh chiếc hộp “tamatebako” để bảo vệ anh, dặn dò rằng dù có thế nào cũng không được mở hộp ra. Anh trở lại mặt đất, phát hiện ra đã 300 năm trôi qua, cha mẹ gia đình đều đã không còn. Khi anh mở hộp ra, nó biến anh thành một ông già. Để biết rõ hơn về câu chuyện các bạn có thể tra cứu thêm trên google nhé.
Urashima Taro là một trong những truyền thuyết dân gian phổ biến ở Nhật, kể về anh ngư dân Urashima Taro trong một lần cứu một con rùa đang bị đám trẻ tra tấn đã ra tay cứu giúp. Sau này hay chuyện rằng con rùa đó chính là công chúa biển cả Otohime. Anh sau đó đã được trao 1 cái mang cá như phần thưởng để xuống long cung diện kiến quốc vương Ryujin và công chúa Otohime. Ở lại Long cung 3 ngày, Taro nhớ nhà và khăng khăng xin về, công chúa không cản được đành đưa anh chiếc hộp “tamatebako” để bảo vệ anh, dặn dò rằng dù có thế nào cũng không được mở hộp ra. Anh trở lại mặt đất, phát hiện ra đã 300 năm trôi qua, cha mẹ gia đình đều đã không còn. Khi anh mở hộp ra, nó biến anh thành một ông già. Để biết rõ hơn về câu chuyện các bạn có thể tra cứu thêm trên google nhé.
[Lên trên]
Là Tanuki đó
Là Tanuki đó
Bình luận (11)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

11 Bình luận

Từ "Mẩy" và "Phỏng" nghĩa là gì đấy bác tiếng địa phương đúng k nhỉ?
Xem thêm
CHỦ THỚT
TRANS
cũng coi như là phương ngữ được. Trong dịch thoại mình chưa bó buộc bản thân lắm mà chỉ nghĩ trong đầu xem, nhân vật đó sẽ nói như nào rồi lấy output thôi :">.
Xem thêm
bác này dịch hay vãi, gần gũi dễ đọc
Xem thêm
TRANS
Tks!
Xem thêm
AUTHOR
TRANS
Lâu rồi mới đọc truyện dịch, mà dịch tốt quá trời.
Đây là 1 lời khen.
Đây là 1 lời khen.
Đây là 1 lời khen.
Xem thêm
Thx trans =3
Xem thêm
móe miss tem =)))))) thk bác miko
Xem thêm