• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Nội dung

1

8 Bình luận - Độ dài: 4,287 từ - Cập nhật:

1.

Trăng nhạt. Gió nhẹ. Hoa lay lay.

Trước cổng thôn Nghĩa Lĩnh là một cây gạo lớn. Người ta nói nó già hơn cái làng này, chắc phải đến hai trăm tuổi. Vỏ xù xì gai tựa nấc thang bắc lên trời, thân to sáu người ôm không xuể, tán vươn rộng nhưng thưa vì ít lá. Mỗi lần đi đâu về, Hoàng thường đứng lại ngắm và tưởng tượng đó là sợi lông vũ khổng lồ kỳ quái của loài chim nào in trên nền trời, xanh mùa hè, đỏ mùa xuân.

Bà ngoại thường bảo cây ấy có ma. Ma trắng, ma đen, đàn ông, đàn bà... bị hổ vồ trên con đường khúc khuỷu dẫn vào thôn hằng đêm vẫn đánh đu trên cành giòn. Đặc biệt tháng ba, lúc hoa nở cháy mé rừng thì ma càng hoành hành tợn. Chúng cười khanh khách, khóc nỉ non rồi chuyền nhau từ góc này sang góc kia. Bà sợ lắm, bảo các cháu đừng dại đến gần vì ma cây gạo phần nhiều là chết oan, dữ hơn hồn các cụ ở nghĩa địa cuối cánh đồng.

Bà mất giữa mùa xuân, Hoàng đưa tang ra đầu làng. Cây gạo rung lên từng hồi như ai cầm rìu bổ gốc, gió cuốn bông hoa to bằng gáo nước rơi vào lòng bàn tay. Hoàng nén tiếng thở dài nhìn về phía dãy núi âm u chỗ đậm chỗ nhạt, cố tìm cái hang nơi mình sinh ra mà không thấy.

Hoàng khác lũ trẻ bình thường. Nó - đứa con hoang của đào hát Dương Thị với phú ông kinh thành nàng hay gọi là “Nhất”, đẻ rơi giữa rừng Tứ Sơn bạt ngàn xanh biếc. Ngày Hoàng chào đời, hai luồng sáng vàng từ đâu bốc lên trời, hiện thành đôi rồng mỗi ngài một bên rước nó bay về đặt xuống gốc gạo đang mùa hoa nở. Dân tình kéo đến xem đông như trẩy hội. Có người nói kim long giáng trần là vận đế vương. Người lại ác ý bảo rằng yêu quái trá hình. Chỉ mình cây gạo cổ thụ vẫn lặng im, tỏa bóng rộng che phủ một khoảng trời nắng gắt.

Vậy nên Hoàng bất chấp. Số nó đáng lẽ phải chết từ lâu rồi, làm thức ăn cho hổ hay phơi thây để quạ rỉa nhưng li kỳ sao, Hoàng tới giờ vẫn sống. Chẳng những thế nó còn rất khỏe mạnh, lớn nhanh như thổi, nghịch ngợm như quỷ, thường cầm đầu đám trẻ chăn trâu leo lên đồi đánh trận giả. Khi chơi đùa, nó bắt bọn đàn em làm kiệu khiêng mình và mang lá chuối đi hai bên rước, bắt chước nghi trượng thiên tử. Nó phá miếu thần suối không ai dám phạt vì sợ đắc tội với rồng vàng. Vì thế Hoàng ngày càng ngông nghênh. Cho đến chiều hôm đó, tà dương mồng Năm tháng Chạp nó thật sự gặp ma.

Trời nhá nhem chưa tối hẳn, mây trắng lững thững trôi hòa vào sắc đỏ hoa gạo càng khiến chiếc cổng làng thêm phần u tịch. Một bóng người áo trắng lờ mờ tựa làn khói vất vưởng trôi giữa tán cây. Nó thót tim, suýt nữa trượt chân rơi xuống may sao bám được vào cành khác.

-Chắc nhìn nhầm thôi! - nó tự trấn an, hít thật sâu rồi trèo lên tiếp.

-Số … ngươi … làm … hổ … trần … gian …

Đến đây Hoàng sợ thật. Cái bóng hiện rõ trước mặt nó, vẫn đung đưa. Khuôn mặt khuất sau mái tóc dài, đầu cúi gập thiếu chút nữa rơi khỏi cổ.

-Hổ … không … ăn … thịt … hổ … chết …

Nó định quay lại nhưng cơ thể cứng đơ.

-Hổ … ăn … thịt … người … người … giết … hổ …

Rồi ả cười. Tóc bay tung lên lộ ra cái miệng lởm chởm răng khoét tới mang tai. Mắt ả thối rữa, con ngươi chảy xuống tận cánh mũi mà vẫn nhìn nó chằm chằm.

Hoàng ngã. Đầu nó còn sẹo đến giờ.

 

2.

Đường lên núi vừa quanh co vừa nhỏ hẹp. Bành thúc ngựa chạy theo vua, cảm thấy cái lạnh của rừng thiêng buổi sớm bủa vây quanh mình. Đằng kia toán lính hộ tống hơn chục người cũng chẳng chịu nổi sương giá, mặt tái nhợt mà vẫn cố níu vào dây cương.

-Bệ hạ! - ông gọi với theo bóng đen khuất dần phía xa - Chúng ta nên về thôi.

Đáp lời Bành là gió xào xạc và tiếng móng sắt đạp lá khô.

Giữa khung cảnh u linh quỷ dị ấy chỉ có Hoàng là thoải mái. Khu rừng này chàng đã băng qua hàng trăm lần hồi nhỏ, từng ngọn cây, từng lối mòn đều còn y nguyên. Hết quãng dốc sẽ tới một triền thoải nhưng rậm rạp, dương xỉ cao hơn đầu người rồi mới đến thôn Nghĩa Lĩnh. Đi mãi chưa thấy hoa gạo đỏ thấp thoáng dù con tuấn mã đang phi nước đại, chàng sốt ruột.

 Hoàng rời làng vào tháng sáu giữa hè, khi màu xanh non trên tán lá cây gạo vừa chuyển già. Ông “Nhất” bà ngoại hay kể chính là vua Quang Đức. Dáng ngài dong dỏng và trắng trẻo song đôi mắt sâu hoắm, lông mày xếch toát lên vẻ cương nghị khác thường. Ngài mặc long bào như rồng vàng năm xưa đón Hoàng về kinh. Người dân Nghĩa Lĩnh thấy Hoàng đi đồng loạt quỳ xuống lạy, chắp tay vái trời mà gọi “Phạm ấu vương”.

Hoàng trở thành thái tử vì phi tần của Quang Đức chỉ sinh thuần con gái. Năm Giáp Tuất cha băng hà, chàng lên ngôi lấy hiệu Quang Minh. Từ đó đến nay - mười hai năm, Hoàng mới về thăm quê.

-Bệ hạ!

Bành gọi tiếp. Lần này vua bỗng dừng chân trước đoạn cua nối sang một đỉnh núi khác, quay mặt về hướng ông hỏi lớn:

-Ngươi thấy gì không? Giọng ca ấy…

Bành ngạc nhiên, ra hiệu cho đám lính đứng lại rồi lắng tai nghe. Quả đúng có tiếng hát của thiếu nữ vừa xa vừa gần, âm sắc cao vút thanh nhẹ, mềm mại mà tê buốt, vô cảm tựa muôn ngàn lưỡi dao bén nhọn đâm vào ngực ông. Gió lùa, ngọn cây lay lay vẽ nên hàng vạn hình thù ám ảnh lẫn khuất sau màn sương lạnh. Bành chợt rùng mình.

-Ngươi đợi trẫm ở đây.

Hoàng nhanh chóng xuống ngựa. Ông vội can:

-Bẩm bệ hạ trong rừng nguy hiểm…

Chưa hết câu, mắt chàng trừng lên. Bành sợ hãi quỳ sụp xuống, chẳng dám hé răng lời nào nữa.

Cứ thế Hoàng tiến sâu hơn. Ánh sáng tinh mơ nhạt thếch chẳng đủ soi đường, chỉ phủ lên cảnh vật một màu xám tro nhưng chàng không hề vấp ngã. Hoàng bước như ai dẫn lối, phút chốc đã đến trước căn miếu hoang. Tường gạch bám rêu loang lổ cho thấy tuổi đời phải gần trăm năm, mái ngói nung ố xỉn bám đầy bụi. Chàng bất giác run bắn khi hình ảnh ma nữ rạch miệng lại hiện về rồi nhòa đi trong tiếng hát huyền diệu của giai nhân vô danh.

Hoàng ghé mắt qua song cửa sổ.

“Cầm đàn luyện khúc năm cung

Gọi hồn non nước dục lòng thế nhân

Cung thương gió chuyển mây vần

Hồ cầm vọng nguyệt hoa xuân mỉm cười…”[2]

Nàng ngồi quay mặt ra cửa, lưng hướng về chàng. Dáng hình mảnh mai như dòng suối trên vách núi, tóc đen xõa dài chạm đất. Hoàng định im lặng nghe nàng hát trọn bài thì thiếu nữ có lẽ đã cảm nhận được ánh mắt lạ. Nàng đột ngột quay lại, chàng không kịp né. Song đồng tiễn thủy, tu mi liên quyên, nàng đẹp dịu dàng thoát tục khiến Hoàng mê mẩn.

-Công tử là ai mà lạc bước tới đây?

-Ta cưỡi ngựa qua rừng thì nghe tiếng ca hay quá, liền tò mò xem tiên nữ phương nào. Còn nàng?

-Em họ Nguyễn tên Trinh, con thầy đồ Tư làng Nghĩa Lĩnh.

Hoàng mừng thầm trong dạ. Ông Nguyễn Tư nhà cuối thôn từng dạy chàng học chữ.

-Tại sao nàng ở miếu này?

-Em nghịch ngợm theo anh trai lên núi hái củi, nhưng anh dặn đợi ở đây thôi ạ.

-Vậy, sao lại hát?

-Em hát để anh trai biết mà về.

Nàng càng đáp càng duyên, càng cười Hoàng càng say.

Chàng nhất định cưới nàng làm vợ.

 

3.

Vườn cấm trưa Canh Thìn.

Thiên Niên Đài sơn son thếp vàng đã xây được ba tầng. Đứng ở đây trông qua đám lá rậm rạp sẽ thấy những cột gỗ đầu tiên của lầu bốn chống thẳng lên trời. Bảo khẽ nén tiếng thở dài, cúi đầu bước tiếp, lòng đầy nỗi ưu phiền. Năm thứ sáu triều đại Quang Minh, hoàng hậu Trinh không có con nên vua lập tiệp dư Bạch Yến thành thứ phi. Yến phi hạ sinh thế tử Canh, từ đó vua chỉ chăm chăm làm vừa lòng người đẹp mà bỏ bê chính sự. Ngài cho xây điện bên bờ hồ, còn ban lệnh đào phía trước một dòng kênh thông thẳng ra sông Tô Lịch để dong thuyền nhẹ ngắm cảnh. Ngài đâu biết việc này khiến dân chúng lâm vào cảnh lầm than. Máu hàng ngàn phu hồ đổ xuống, quốc khố cạn kiệt, lời oán thán vang khắp nơi vua cũng chẳng nghe thấy.

Hôm nay là mồng tám Tết, Bảo vào cung sớm dâng quà. Mới nhậm chức thiếu phó vài ngày nên chàng chưa từng đặt chân vào thượng uyển, cũng chẳng bao giờ có dịp mục sở thị Thiên Niên Đài. Dù vậy, vừa nhìn lần đầu chàng liền phải than trời. Chỉ ba tầng lầu đã cao tới mức chạm mây thì khi hoàn thành, trăm tầng sẽ xa hoa đến nhường nào?

Nắng nhạt tựa một giấc mơ e ấp dưới chân Bảo. Bỗng có tiếng cô gái trẻ vọng lại từ xa:

-Công tử là ai mà lạc bước tới đây?

Bảo nheo mắt nhìn. Dưới tán cây là tiểu đình nhỏ, xung quanh trồng cúc đại đóa. Cúc nở vàng rực nhuộm sắc xuân càng khiến thiếu nữ mặc áo trắng tinh khôi thêm phần nổi bật. Trước mặt nàng, trên chiếc bàn đá hình như sắp sẵn một bàn cờ vây.

Bảo lại gần hơn, nàng vẫn im lặng. Gương mặt sáng bừng, thanh tú và bình thản vô cùng làm chàng ngạc nhiên lắm. Tại sao nàng ở đây, giữa vườn cấm lúc này?

-Nương nương là?... - chàng thận trọng hỏi dò.

-Nương nương? - nàng cười khúc khích - Chẳng có nương nương nào cả, chỉ có trinh nữ đang ngồi đợi ngươi thôi.

Lúc ấy Bảo chưa hiểu ý nàng.

-Nào, ta muốn chơi cờ với ngươi.

Bảo vẫn đứng im tại chỗ, lòng rối như tơ vò. Nàng cười lần nữa - nụ cười phủ đầy sương mù.

-Hoàng hậu ra lệnh thì ngươi nên nghe đi.

Sét đánh bên tai, chàng lập tức quỳ sụp:

-Hoàng hậu, xin tha tội. Tại hạ không nhận ra Người!

Nàng còn trẻ, rất trẻ, dường như quá nhỏ tuổi so với địa vị cao quý kia nhưng Bảo vốn đã ngờ ngợ từ trước. Quanh Trinh, bầu không khí u ám ma mị đông đặc lại, chàng bất giác ớn lạnh.

Hoàng hậu đặt quân đen đầu tiên vào góc dưới phải. Bảo có phần lúng túng nhưng trước một đối thủ lạ, chàng cần quyết đoán hơn nữa.

Bên trắng dàn quân lấn đất. Đen tiến thận trọng nhưng luôn tìm cơ hội áp sát và bẻ góc của trắng. Bảo nhíu mày rồi cười lớn, chàng không ngờ nàng lại chọn lối chơi mạnh mẽ đến vậy. Từng nước cắt chéo vừa chống trắng liên kết với nhau, vừa tạo thế thủ khá chắc.

Nhưng cái bẫy của Bảo còn chưa mở.

-Ta thua rồi. - Trinh thở hắt song mặt không biến sắc. Ván này, Bảo thắng nửa mục.

-Ngươi quả thật cao tay, cục diện chênh lệch ta không thể xoay chuyển.

-Là hoàng hậu nhường tại hạ rồi. - Bảo khiêm tốn đáp.

-Qua ván cờ này, ta thấy ngươi có khí chất làm vua đấy.

Câu nói châm chọc và ánh mắt đầy ẩn ý của Trinh xoáy vào ngực Bảo. Tim chàng suýt nhảy ra ngoài. Lần thứ hai trong cùng một buổi trưa, với cùng một người, chàng đã quỳ gối:

-Xin hoàng hậu minh xét, tại hạ có thể dâng đầu mình cho hoàng thượng.

Trinh không đáp, chỉ cười nhẹ rồi đứng dậy.

 

4.

“Bước chân ông gấp gáp đặt xuống nền đất khô cằn, nứt toác. Nỗi sợ hãi tăng lên khi âm thanh ngày càng lớn dần. Ngôi miếu hoang đổ nát vắng hoe, ri rỉ tiếng oan hồn khóc nỉ non.

Một cơ thể rũ rượi xuất hiện từ màn sương, tóc chuốt dài từng sợi đẫm máu. Máu khô đọng lại thành mảng loang lổ trên da nó, nhầy nhụa và nhớp nháp. Bàn tay lạnh buốt tanh nồng ghì chặt giữ cổ cho khỏi rơi ra mà hai hốc mắt trừng trừng như địa ngục tang thương cứ xoáy sâu, ám ảnh.

Oan hồn cười khanh khách.

-Rồng ... chết ... trên ... cây ... gạo ...

Dòng đỏ sẫm từ khóe mi thối rữa chảy xuống đất, vẽ nên hình hài một con rồng đang cuộn tròn.

Nó chuyển màu vàng kim, thân đầy vết cắt xẻ.

-Rồng ... chết ... trên ... cây ... gạo ...”

Lương vùng dậy, thở hổn hển, mồ hôi lạnh còn vương trên trán. Ông năm nay tuổi chạm ngũ tuần, đã quá già để sợ ma nhưng lần này trông nó khủng khiếp vô cùng. Ngoài cửa sổ, trăng mùng mười có vẻ trắng hơn bình thường, leo lét rọi qua chấn song, dường như rất u ám. Xung quanh văng vẳng tiếng dế kêu. Lương đưa mắt nhìn góc phòng nơi kê tràng kỷ. Chúng vẫn nằm ở chỗ cũ, y nguyên hồi chiều.

Hóa ra ban nãy ông nằm mơ, nhưng lời nói cứ vọng lại bên tai:

 “Rồng ... chết ... trên ... cây ... gạo ...”

Một cơn rùng mình chợt chạy dọc sống lưng, Lương muốn phát bệnh. Ông chạm tay lên mặt, cảm thấy làn da nhăn nheo đã lạnh băng không chút sức sống rồi quờ quạng quanh gường tìm dây cột tóc.

-Lẽ nào giấc mộng này là điềm báo? Có ẩn ý gì?

Lương lẩm bẩm. Ông quay trái, nhìn phải, ngẩng lên, cúi xuống, lắc vai rồi chợt sững người, run bần bật. Sợi vải tuột tay. Môi ông lắp bắp chẳng thành câu:

-Bệ... bệ hạ...

Và vị thái giám già đã phục vụ qua hai đời vua cứ thế vận đồ trắng, xõa tóc chạy vào cung.

Chính điện Thiên An canh tư vắng lặng. Ngoài sân rồng đặt một quả chuông lớn, cao hơn Lương hai tấc. Ông lập cập băng qua, nom như cành củi khô trắng toát lúc lắc cạnh khối đồng khổng lồ, chỉ cần gió thổi sẽ bay theo. Đằng sau gian thiết triều hành lang bao bốn phía là điện Thiên Khánh hình bát giác nơi vua nghỉ. Lương chạy không ai chặn, đến tận trước cửa cung.

-Thái giám tổng quản đi đâu vậy? - đám lính canh hỏi.

-Ta có việc gấp cần bẩm báo với hoàng thượng.

-Hoàng thượng đang nghỉ chỗ Yến phi.

Lương giật mình. Một giọt mồ hôi chảy từ trán qua gò má xương gầy, đọng lại ở cằm.

Tại cung Nghinh Xuân nữ tì gọi báo hồi lâu nhưng vua không đáp lời. Trời gần sáng, ánh trăng nhạt phai dần trong sắc mây. Cảm thấy bất an, Lương nhất định đẩy cửa vào.

Hai cái xác đỏ nhớp nháp, mất đầu, ruồi nhặng bám đầy nhung nhúc đang vắt từ trên giường xuống đất. Xung quanh toàn máu. Màu đỏ vương khắp gối đệm, bắn cả lên tường và sàn nhà, bốc mùi tanh tưởi muốn ói như thức uống của ma quỷ. Một đường xẻ ngọt lịm chạy từ xương sống xuống thân dưới rồi kéo sang hai bên đem toàn bộ nội tạng, phèo phổi bày hết ra ngoài. Hai đoạn lòng non trắng bị lôi ra và búi lại, xoắn chặt lấy nhau.

-K...hông....

Cơ thể Lương mất hoàn toàn sức lực. Ông lảo đảo giật lùi thì vấp phải cái đầu tóc dài. Long bào cùng xiêm y xanh hồng của Yến phi đang vắt trên giá gỗ cạnh giường cũng bay tung lên rồi nhúng mình vào vũng máu dù phòng không hề có gió.

Lương vật ra, ngất xỉu tại chỗ.

Vua Quang Minh đã bị giết.

 

 

5.

Một dòng người xếp đôi, nối nhau kéo dài hàng trượng tập trung trước cửa Quảng Phúc hướng trông sang chùa Một Cột.

Bành cau mày, hóa ra ăn xin trong chợ Tây Nhai [3] nhiều thế. Từ thất thập cổ lai hi đến lũ trẻ tóc ba chỏm, ai nấy quần áo rách bươm, đầu tóc rối bù như tổ quạ. Vua mải mê tửu sắc, xây đền đài chọc trời đâu biết dân tình lầm than nhường này. Cứ nhìn vào mắt họ là Bành lại thấy ám ảnh. Những gương mặt hốc hác, thâm sì vì thiếu đói, đôi đồng tử đen kịt lọt thỏm giữa lòng trắng dã cứ giương lên, hau háu trông vào nồi cháo loãng toẹt. Cạnh ông, thượng thư Lưu Toàn chỉ tay về phía năm cái vạc đồng lớn nghi ngút khói đang bày ra ngoài sân chùa, nói nhỏ:

-Bắt đầu đi, sắp qua giờ Mão rồi.

Cháo nóng múc nhanh. Kẻ rưng rưng cảm tạ, người húp vội vàng. Họ nói trong cháo phát chẩn có thịt là điều xưa nay hiếm. Hồi vua còn sống dân chẳng bao giờ được miếng no, ấy vậy mà khi vua qua đời dân lại may mắn hưởng lộc. Hoàng hậu Trinh quả là nhân đức.

Nhưng chuyện triều chính rối ren, đôi vai nữ nhi mềm yếu làm sao gánh vác. Thái tử thì chưa đầy ba tuổi. Bành biết An tập tướng có ý phản trắc, hắn sẽ lợi dụng cơ hội này mà dấy binh. Phương Bắc thì giặc Tàu lăm le tràn sang thôn tính Đại Việt. Nghĩ đến tương lai đất nước, Bành chợt thấy hòn đá đè nặng trĩu vào ngực mình, bế bức, khó thở.

Đêm Canh Thìn ấy dài đằng đẵng và lạnh hơn bình thường, hoàng đế Quang Minh băng hà ngay trong cung Nghinh Xuân khi đang mặn nồng cùng Yến phi. Thái giám tổng quản họ Vũ vì mơ thấy rồng chết trên cây gạo, cho là điềm báo mà sinh lòng hại vua nhưng Bành không tin. Ông gặp Lương nhiều lần, truyện trò cũng từng. Y dáng gầy guộc, lưng cong toát lên vẻ khắc khổ mà hiểu chuyện, tận trung hiếm thấy. Thái tử nghịch ngợm bị rắn cắn, Lương bất chấp tính mạng dùng miệng hút máu độc cho ngài. Bị nhốt dưới ngục sâu, Lương tự sát. Lẽ nào y lại làm điều thất đức ấy cho được?

Bất giác ông quay sang nhìn Toàn. Thượng thư vẫn đăm chiêu, trong mắt ánh lên nỗi tâm sự khó tả. Chắc vì bài đồng dao sáng nay, lúc quân lính bê vạc ra chùa đám trẻ con đi ngang qua hát rằng ngài thông dâm với thái hậu. Miệng lưỡi thế gian biết đâu trắng đen còn sự thật cứ đóng kín như cửa cấm kinh thành. Chỉ biết xác vua chết trông ghê lắm, mấy đứa hầu vào dọn hóa điên hết.

Từ đó Bành im lặng.

Dòng dân đói kết thúc khi năm vạc cháo cạn tới đáy. Lão già cuối cùng da chấm đồi mồi, để râu dài quắc thước nom trí thức hơn hẳn người bình thường. Vừa đón lấy bát, lão đã quỳ lạy Bành.

-Vậy mà ta cứ lo thiếu.

Thái sư thở phào, bỗng lão ăn mày ngước lên nhìn ông, hỏi:

-Thảo dân thấy cháo có vị lạ. Thưa quan lớn đây là thịt gì ạ?

Bành ngớ người chẳng biết trả lời sao, cũng đành chắp tay cúi đầu chờ thượng thư lên tiếng. Ngài thở hắt, cố tỏ vẻ lạnh lùng nhưng giọng nói run run:

-Thịt… phản tặc.

Lão kinh hoàng móc họng mà nôn. Ọe mãi, lão gục cả xuống đường nhưng bát cháo lì lợm chẳng chịu chui ra. Bành cũng thấy gai người theo.

Hỡi ôi, hoàng ân bao la như trời biển.

 

6.

Từ đó Thiên Niên Đài bỏ hoang, qua hai năm rêu đã bám đầy tường. Con kênh đằng trước cũng bị phá đi, bít hai đầu làm ao cá. Nghe nói vong hồn Yến Phi còn lảng vảng bên trong, cứ đêm khuya lại đứng tựa cửa sổ cất tiếng hát lạnh lẽo, ai oán nên chẳng ai dám ở gần.

Bảo đến thăm Trinh khi mặt trời chớm đụng vào đường chân mây. Hoàng hậu mặc áo trắng toát y hệt lần trước, quấn thêm khăn xô, tóc đen dài xõa thành suối huyền. Mắt nàng trùng xuống, đượm buồn, thấy Bảo liền ngước lên, phẳng lặng tựa mặt hồ thu không chút gợn sóng:

-Phiền thiếu phó lấy giùm ta bàn cờ.

Nói xong nàng tự mình đứng dậy luôn chẳng đợi Bảo trả lời. Chàng nhìn theo bóng Trinh tiều tụy khuất sau tấm rèm vàng, bỗng dưng thấy mắt cay cay, rơm rớm.

-Hoàng hậu vẫn chọn bên đen sao?

Trinh im lặng đếm quân, thả vào bát gỗ. Xong xuôi nàng mới đáp:

-Vì ta nghĩ ngươi hợp với bên trắng.

Nàng kẹp hòn đá tròn giữa hai ngón tay, đặt dứt khoát vào thiên nguyên. Bảo ngạc nhiên lắm, lần này hoàng hậu còn táo bạo hơn gấp bội nhưng rồi xua đi ngay. Chỉ có nước cờ như vậy mới xứng đáng với tài nữ xưa nay hiếm.

Nàng đã bao giờ được yêu thương thực sự?

Ván đấu diễn ra hết sức căng thẳng, hai bên giằng co quyết liệt vùng trung tâm. Những pha cắt chặn mạnh mẽ của Trinh ẩn chứa đầy hận thù, bi thương chăm chăm dồn chàng vào đường cùng song Bảo không hề nao núng. Quân trắng tựa hồ chống đỡ chật vật thực ra lại đang làm chủ ván cờ, ép quân đen phải vây hãm. Trinh nhoẻn cười, ngước mắt nhìn chàng. Bảo cũng vậy.

Hai ánh mắt chạm nhau, tim thiếu phó lặng mất một nhịp.

Nàng đẹp, thanh khiết và ma mị đến nao lòng.

-Hoàng hậu đã thắng.

-Sao có thể thế? - Trinh thốt lên kinh ngạc. Nước cờ ban nãy, Bảo bắc cầu nối hai cánh quân trắng khiến chúng chết ngộp giữa vòng phong tỏa trùng trùng điệp điệp của quân đen.

-Ngươi cố ý nhường ta?

Bảo cười hờ hững. Bầu trời về trưa đã vàng hơn, ngoài sân có con họa mi từ đâu bay tới, đậu lên tán cây hót ríu rít. Trinh chỉ về phía nó, nắm tay Bảo mà lay:

-Bắt cho ta!

Khuôn mặt nàng mất đi ánh nhìn băng giá bỗng trở nên ngây thơ như đứa trẻ. Bảo thấy nắng chiếu vào giữa ngực, muốn ôm lấy nàng nhưng không dám.

-Có lẽ... ta thương thiếu phó mất rồi.

“Ta cũng vậy.” - chàng định nói, chẳng hiểu sao lại chuyển thành:

-Nhưng thưa hoàng hậu, người đang để tang thay cho muôn dân.

Khi Bảo quay vào chẳng thấy Trinh đâu, chỉ còn bông hoa gạo đỏ chót, to bằng gáo nước nằm lặng im trên tràng kỷ.  

...

Mùa xuân Canh Thìn vua Quang Minh băng hà, hoàng hậu Trinh mất tích. Hoàng tử lên ngôi, thái hậu buông rèm nhiếp chính phong thượng thư bộ hộ Lưu Toàn thành tể tướng. Cuối năm Giáp Ngọ quận hầu Tô An làm phản, tàn phá kinh đô, chém đầu hoàng thất.

Năm Tân Mùi giặc phương Bắc tràn sang, triều đình thối nát đại bại từ trận đầu.

Năm Quý Dậu, Đỗ Bảo dấy binh đánh đuổi quân xâm lược. Ngài bị vây ở núi Phong Lĩnh, bỗng trời dông lớn, lũ quét qua nhấn chìm cả quân lẫn tướng giặc.

Bảo được suy tôn làm vua, lấy hiệu Thiên Đức. Thái bình thịnh trị từ ấy bắt đầu.

Hoàng đế về thăm thôn Nghĩa Lĩnh. Cây gạo trước cổng không còn nữa, dân làng kể nó tự dưng bốc cháy vào một đêm lất phất mưa ngâu. Nhà thầy đồ Tư cũng chỉ có hai con trai, vua hỏi khắp nơi không ai biết tung tích hoàng hậu Nguyễn Thị Trinh. Ngài đau lòng, đi qua ngôi miếu hoang trong rừng Tứ Sơn thì bật khóc. Về sau người ta trùng tu lại, đặt tên là Long Lệ.

“Bồng bềnh ru lãng đãng tiếng chuông chùa vỗ về bến đợi trầm luân

Nhật nguyệt soi bóng tối ngỡ tơ vương rối lòng cố nhân

Lặng nhìn trống vắng tìm dáng ai

Trong tàn phai tình lỡ làng...”

[2] Bài chầu văn “Cô Chín đền Sòng”, lời cổ.

[3] Chợ Ngọc Hà sau  này.

Bình luận (8)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

8 Bình luận

Lần đầu đọc nhiều chữ hán việt như vầy cũng vì nó khó hiểu. Nhưng cái này hay thật. Bảo-Thiên Đức mà đồng ý trưa ngày ấy thì sẽ thế nào nhỉ. Hay tình chỉ đẹp khi tình dang dở? Tả truyện ko quá chi tiết cũng có phần ma mị, để ng đọc tự hình dung. Có điều tui vẫn đau não chữ hán việt, đọc vài phần phải đọc lại mới thông. Tốt r
Xem thêm
Cơ mà còn tiếp ko z
Xem thêm
Xem thêm 3 trả lời
Nếu đã hết r thì tui tò mò. Khúc đầu bảo hổ, khúc sau bảo rồng, hay ý rồng là vua? Thế sao cha Hoàng được đôi rồng đón chết lãng nhách thế? Bài học cuộc sống? Hay do mê Trinh nên thế? Trinh có thật là người ko? (Vì cổ đẹp quá mà, còn ma mị, ko có con, lại gặp tại miếu hoang). Nếu Bảo nghe theo dục vọng mà đồng ý thì đất nước có toang ko :b. Hay ngược lại Trinh là người dẫn lỗi rồng? Vì dân đói khổ nên nhiều ng hận thù, sinh ra cuộc thảm sát đêm Canh Thìn à? Cũng có sự ma mị là dân chứng kiến được đôi rồng, biết vua đi một mình vào miếu và rơi nước mắt, đến cả đám trẻ con còn hát theo dân ca rằng sự thật ko ai biết, chỉ biết vua chết sợ lắm dù chết chưa được lâu... Đúng là camera bằng chạy cơm mà ????
Xem thêm
T cux v: vẫn đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa
Xem thêm
Trinh duyên thật, từng lời nào lời nấy đều hay, chắc bác dựa vào nhân vật nào đó chăng
Xem thêm